GIẤC MƠ VIỆT NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
“Giấc Mơ Việt Nam” của Trần Trung Đạo. Trên những nỗi đau của sông núi điêu tàn, của cảnh đời ly tán, của sự sống vượt qua ngưỡng chết bi thảm, của tàn nhẫn và vô luân của thống trị… Là bản phát thảo một quê hương Việt Nam tuyệt vời được xây dựng bằng những giấc mơ.
Lời tựa của “Giấc Mơ Việt Nam” viết ngày 2 tháng 4 năm 2003. Hai mươi năm qua, giấc mơ dựng lại mùa xuân trên Quê Hương còn nằm trên những trang giấy. Dù sao thì giấc mơ vẫn đẹp hơn thực tại. Mơ để thoát nỗi bi ai, mơ để tái tạo nét đẹp trên những nẻo đường Việt Nam.
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười!
(Thơ Trần Trung Đạo)
Giấc mơ đẹp quá chừng: giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Mẹ, giấc mơ Quê Huơng cứ quyện vào nhau làm thành một nguồn tâm huyết của thế hệ đi trước gởi về sau với bao điều ủy thác: giữ thơm Quê Mẹ.
Giấc mơ lớn quá như thơ tôi mơ làm Người Phù Đổng, mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông! Mơ làm Người Phù Đổng để được nhìn sự tái tạo lớn lên sau hủy diệt.
tay con, lau sậy làm cờ
tựa lưng bia đá đợi giờ ngựa bay
(Thơ Cao Nguyên)
Mơ mặt trời vẫn mọc ở phương đông để biết tính bổn thiện của con người từ khởi thủy nhân chi sơ. Hẳn nhiên là muốn nhìn những hoang tưởng xung đột chính kiến, những va chạm phù phiếm của quyền lực và danh vọng bị đốt thành tro bón đất cho mùa xanh nhân ái mọc lên tươi thắm cõi đời.
đừng khóc nữa, nằm yên nghe mẹ hát
từng khúc buồn, dòng lục bát của ba
người đã mất cả một thời khao khát
quê hương xanh với những bản tình ca
…….
yên chí ngủ con ơi, đừng hoảng sợ
rồi mặt trời cũng mọc ở phương đông!
(Thơ Cao Nguyên)
Không có ước mơ, không có hiện thực.
Không có quá khứ, không có tương lai.
Không có tương lai, không có hy vọng.
Tất cả hy vọng nằm trong giấc mơ Việt Nam: Tự Do, Thanh Bình và Thịnh Vượng.
Ơi những cây bút thần có thể làm phương tiện chuyên chở tuổi trẻ thực hiện ước mơ làm Người Phù Đổng?
đêm con mơ: sông núi hồng
cha nghiêng vai gánh cánh đồng lúa xanh
(Thơ Cao Nguyên)
Hỡi nghị lực và lương tri có chịu cho tuổi trẻ mượn làm đôi hia bảy dặm lên đường thực hiện ước mơ!
này em hỡi! giữa bộn bề cuộc sống
hãy từ ta, vì khát vọng mà đi
khi yêu thương, chưa tới mùa thất sủng
thôi bâng khuâng và bớt những hoài nghi
(Thơ Cao Nguyên)
Để đi như người làm văn học:
vẫn vững bước trên hành trình nhân ái
được rọi sáng bởi đức tin chân lý
và sự hỗ trợ đắc lực hơi thở nồng nhiệt của chính mình
cho đến khi ngã xuống
dưới chân thánh giá được làm bằng chất liệu cây bút lương tri
mà họ đã nương cậy suốt đời
để thực hiện những trang sử thi!
(Lương Tri/Cao Nguyên)
Và chỉ có thế, giấc mơ Việt Nam mới thực hiện được.
Và chỉ có thế, không băn khoăn quá đỗi khi nhìn vào ngăn (hôm qua) với những tên sách: Chuông Gọi Hồn Ai, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Điệu Ru Nước Mắt, Đêm Giữa Ban Ngày, Nỗi Buồn Mặt Đất…!
Ngày mai và những giấc mơ Việt Nam đẹp hơn những gì mình có trong hôm qua và hôm nay!
Cao Nguyên
https://www.facebook.com/groups/310050173181483/?multi_permalinks=1344358109750679&ref=share