FATHER’S DAY 2023 (Peter C. Tran)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Mười Lúa làm cha lâu lắm rồi! Còn đúng 1 tháng 20 ngày nữa thì Mười Lúa mừng ngày mình được lên chức cha đúng 45 năm! Phải tính kỹ vậy, vì bên Mỹ, chưa đến ngày birthday thì chưa cộng một tuổi. Con gái lớn tui còn một tháng 20 ngày nữa mới được 45. Bây giờ ai nói nó 45, nó nhứt định cãi: “No! I’m forty four! Not forty five yet!”, bởi vì xứ này không ai thích mình già, nhứt là phe địch, sợ già vô cùng. Người ta ráng níu kéo tuổi xuân được ngày nào hay ngày đó! Cho nên ở xứ Mỹ, hỏi tuổi là một điều đại kỵ! Nhớ nghen, những ai sắp có vé đi định cư ở xứ này, phải thuộc nằm lòng điều đại kỵ này! Hỏi lương bổng cũng là đại kỵ, nhưng còn thua hỏi tuổi một nấc, nhứt là hỏi tuổi phe kia!
Cách tính tuổi của người Việt không giống bất cứ xứ nào trên thế giới này. Chín tháng mười ngày ngoa ngoe trong bụng mẹ, được tính thành một tuổi! Chơi sộp ghê! Điều nầy còn mang thêm một ý nghĩa nữa, đó là ngay giây phút có một “cảm tử quân” đột nhập thành công, phá được tường thành, chiếm thủ đô, bào thai hình thành, thì được kể là một con người, một sinh linh và bắt đầu tính tuổi. Niềm tin này đã có từ ngàn đời, và cho tới nay cũng không thấy ai phản đối hay muốn thay đổi.
Giáo lý đạo Công Giáo dạy rằng: “Mạng sống con người bắt đầu ngay giây phút thụ tinh và kéo dài cho đến lúc chết một cách tự nhiên.” Nó hàm nghĩa rằng, bất cứ hành động nào cướp đi sự sống trong khoảng thời gian đó, như phá thai, tự tử, trợ tử, ngay cả án tử hình, cũng đều phạm vào Điều Răn Thứ Năm (Chớ giết người), trong Mười Điều Răn của Chúa.
Cho nên dù là theo đạo thờ ông bà, hay không theo đạo nào, một khi đã tin rằng bào thai đã là một con người, thì phá thai với bất cứ hình thức nào đều là giết người, là sát sanh, là giết chính con của mình! Phá thai không thể coi là lôi một cục thịt trong tử cung ra, mà là giết một sinh linh không hề có sức kháng cự! Ác lắm! Tuổi trẻ chớ có học đòi bọn ác phụ phương Tây, nhứt là bọn Mỹ cái, ham vui nhưng sợ cực, được nuông chìu bởi đám cấp tiến DCCS (Dân Chủ cộng sản). Chúng sa đoạ và tàn ác tới mức lạnh lùng giết đứa trẻ (phá thai) ngay trước khi lâm bồn, nếu đổi ý không muốn sanh nữa! Với lũ ma quỷ này, hễ chưa lọt lòng mẹ, thì bào thai chỉ là cục thịt! Đúng là ma quỉ hiện hình!
Sẽ có nhiều người thắc mắc sao tui viết chữ chìu thay vì chiều, hay nói tui viết sai chánh tả tè le. Ừ! Mười Lúa có dở chánh tả thiệt, nhưng chữ chìu nhứt định không thay đổi. Trước 75, tui học như vậy, ai cũng viết vậy hết. Chiều là buổi chiều, là chiều dài con sông, là đường một chiều,…. Chìu là chìu chuộng, là nuông chìu, là làm vừa lòng đối phương. Những người miền Nam, già cỡ Mười Lúa trở lên có thể góp ý, còn đám trẻ sinh sau 75 không biết thì đừng cãi. Các người sinh ra và lớn lên ở ngoài kia vĩ tuyến 17, cũng chớ có cãi, vì các người có cách viết, cách nói riêng của các người, và khi các người nắm quyền viết sách giáo khoa, viết tự điển, gom hết hệ thống truyền thông, thì các người viết sao nói sao cũng được, nhưng tui không theo, OK.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mệt cứ nghỉ. Mưởi Lúa viết mệt hay chán, cũng nghỉ.
Hôm qua con gái lớn đãi ba, đãi chồng, ngày Father’s Day ở BJ restaurant. Chưa tới ngày Father’s Day, nhưng con gái đãi trước, vì hôm nay chồng nó không được nghỉ. Đi ăn trước cũng hay, vì ngày chính sẽ sắp hàng chờ tới đói xỉu!
Nhà hàng BJ nổi tiếng món baby back rib (sườn heo non), beef steak, và beer. Một dĩa sườn gồm nguyên một miếng thịt sườn của con heo con, cộng thêm hai món ăn kèm (side dishes), dù một người Mỹ ăn cũng phình bụng, huống hồ dân Á Châu, cho nên lần nào cũng phải “to go” (chút nữa sẽ nói chuyện “to go”). Side dishes thì có nhiều chọn lựa lắm. Gia đình tôi lần nào đến đây, hầu như ai cũng chọn clam chowder vì họ nấu món soup hến rất ngon. Bạn tưởng tượng, một dĩa sườn nguyên miếng to tổ chảng, thêm một tô soup clam chowder (tô chớ không phải chén nghen, lớn lắm), cộng thêm một second side dish như 1 củ khoai tây nướng bơ, hay mộ dĩa xà-lách to bành ki,… thì bụng nào chịu thấu. Giá trên $30 USD một phần, nhưng ăn rất đáng đồng tiền. Còn beer thì nếu không phải là “dân chơi” từng la cà ở BJ, thì sẽ không biết đường nào mà order, vì họ tự ủ beer cho riêng họ, và dĩ nhiên cũng lấy toàn tên riêng! Không có Heineken, Budweiser, Miller, Coors, Adam,… ở đây đâu! Con bé chạy bàn hỏi Mười Lúa muốn uống beer nào? Dĩ nhiên tui ú ớ, chỉ nói là “not light, not too dark, just midium dark”! Thay vì một ly cối, midium dark, con gái ordered cho ba bốn ly nhỏ, với bốn loại beers khác nhau để ba nó thử, trong đó có một loại được đặt tên là Blonde. Dường như chỉ có nhà hàng này mới có cách phục vụ beer kiểu lạ đời này! Loại nào uống cũng ngon, trừ loại Blonde hơi nhạt nhẽo chút xíu (too light). Con bé phục vụ tạt ngang hỏi thăm một câu: “Which one do you like the most, sir?”. Mười Lúa cắc cớ ghẹo nó: “I don’t like blone! I mean the beer!”. Con bé da trắng, mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng hoe, cười tủm tỉm, vì nó biết Mười Lúa đang “chơi chữ” để ghẹo nó. Chữ blonde có nghĩa là người con gái tóc vàng óng, Mỹ trắng thứ thiệt, chớ hỏng phải “Mỹ huyền” hay “Mỹ yellow”! Tiếng Mỹ cũng rắc rối nghen!
Nhà hàng hôm nay đặc biệt tặng thực khách (chỉ Dad thôi) mội cái ly có in tên restaurant và một cái phiếu giảm giá 20% cho lần ăn sau để bên trong cái ly. Con bé chỉ mang ra có một cái ly cho Mười Lúa. Tui buột miệng chọc con rể: “Con bé này nó nghĩ chỉ mình ba là Dad, còn con thì nhìn giống thanh niên mới lớn, không thể nào làm dad được!” Tôi quay sang con gái nói tiếp: “Ừ! Mà Kevin nó trẻ thiệt, đâu có giống Dad chút nào, bla,.. bla,…! Chắc con bé nó nghĩ Kevin là anh của hai thằng con của tụi con!”
Nhìn gương mặt rạng rỡ của chú con rể 47 tuổi, thấy thương gì đâu! Đàn ông xứ này cũng sợ già, cũng thích được khen trẻ, chớ đâu có riêng gì đàn bà! Tới ông già sắp xuống lỗ như tui, mà được cô y tá gọi là “Young Man” khi đi làm cataract surgery hồi năm ngoái, cũng thấy vui lạ, vui cho tới giờ, và mỗi lần nhớ lại vẫn thấy vui!
Ở VN, đám trẻ sồn sồn trên dưới 50, gặp Mười Lúa thì một tiếng cũng chú, hai tiếng cũng bác, và được gọi là cụ, kiểu BK, cũng không lạ! Không gọi vậy, lỡ bị lỗi phải rằng thì là “cỡ mày tao đẻ mấy bận cũng được”, sao hỗn, sao không biết tôn ti,…!” Ở Mỹ khác. Người Việt sống ở Mỹ lâu năm cũng lây Mỹ, cũng không coi trọng ngôi thứ. Kêu Mười Lúa bằng anh Mười nghe đã hơn là chú Mười, bác Mười! Nghe ai kêu một tiếng “cụ Mười”, tui sẽ xỉu liền!
Ăn nửa chừng, con gái thấy một sợi chỉ trong miếng pizza! May là cọng chỉ chớ hỏng phải cọng gì màu đen hay màu vàng óng, quăn quắn! Gọi con bé phục vụ chỉ cho nó coi. Nó tức tốc chạy tìm manager. Chuyện nhỏ vậy mà họ lăng xăng, miệng không ngớt lời xin lỗi. Manager hỏi con gái có muốn anh ta làm lại cái bánh pizza mới không? Con bé lắc đầu, trả lời không cần, chỉ là chuyện nhỏ, hơn nữa còn phải chở thằng con đi làm, nên không thể chờ được. Lúc trả tiền, cái bill được anh ta trừ ra $25 USD, tiền của cái pizza.
Người Mỹ họ kinh doanh khôn khéo lắm. Vô Mc Donald chẳng hạn, bạn chỉ cần nói với họ cái bánh Big Mac nguội quá, không fresh, họ lập tức quăng thùng rác, làm lại cái mới cho đến khi vừa ý khách. Họ không bao giờ đôi co, hay bào chữa gì cả. Họ biết rất rõ, một khi người khách hài lòng, thì họ sẽ trở lại, và nếu họ không hài lòng, thì không những không trở lại, mà còn bad mouth (nói xấu, đồn đãi) cho ít nhứt là 10 người khác để tẩy chay tiệm. Họ thà mất một để được mười, chớ không ngu gì giữ một để mất mười! Quăng con tép bắt con tôm, làm ăn vậy mới là khôn. Họ không tôn sùng khách như Thượng Đế, mà họ biết cách giữ khách, và kiếm thêm khách.
Nói vậy, không có nghĩa là khách Mỹ người nào cũng tốt, cũng đàng hoàng và nhà hàng nào cũng nhịn khách nghen. Cũng có những người khách rất bựa, nếu không muốn nói là mất dạy. Cũng có những nhà hàng không nhịn khách đâu! Cái gì cũng có giới hạn của nó! Để tui kể vài chuyện có thiệt nghe chơi.
Tôi đã từng chứng kiến một con mẹ khách chê sữa hộp của Mc Donald không fresh. Người ta đưa cho hộp thứ hai, khui ra, nếm một cái, lắc đầu chê tiếp. Cứ như vậy cho tới hộp thứ tư mới hài lòng!
Cũng có những kẻ lợi dụng cách kinh doanh dễ dãi mà kiếm chuyện để kiếm tiền. Chuyện có thật, báo đăng: Con mẹ kia mua ly cà phê nóng của Mc Donald. Không biết tại sao mẻ không để ly cà phê vô chỗ cup holder, mà lại kẹp vô đùi! Trong lúc lái xe, chắc kẹp mạnh quá, giữa hai cái chưn voi, nắp hộp bung ra, và cà phê nóng làm “chín” cái ngã ba đường mòn của mẻ! Vậy là nhờ luật sư đi kiện. Thật ra chắc chỉ nóng đỏ một chút, vì cà phê nó đâu có pha nước sôi sùng sục kiểu VN. Trên hộp cà phê cũng có in chữ cảnh báo: “Đồ nóng! Cẩn thận!” Hơn nữa, chuyện kẹp ly và phê vô háng là chuyện xì-tú-pịch, ngu quá, tự làm vậy thì ráng chịu! Nhưng Mc Donald vẫn dàn xếp ngoài toà cho êm chuyện. Không phải họ không có luật sư giỏi để theo đuổi vụ kiện cà chớn và phi lý như vậy, nhưng họ không muốn ì xèo, ảnh hưởng tới thương hiệu và mãi lực của họ.
Một chuyện khác cũng có thật xảy ra cách nay chắc 20 năm. Một con mẹ vô nhà hàng order tô soup. Nhà hàng nào, ở đâu, soup gì, quên rồi! Mẻ ăn nửa chừng thì la hoảng lên là trong tô soup có một lóng tay của ai đó! Chuyện lớn, rất lớn, nên tức tốc gọi police tới! Mẻ nghĩ rằng kỳ nầy thế nào cũng hốt bạc triệu! Chuỵện lớn vậy, nên chánh quyền vào cuộc để điều tra. Người ta rà hết tất cả mọi hồ sơ của nhân viên trên khắp nước Mỹ của hảng làm soup. Không thấy có ghi nhận tai nạn nào bị đứt ngón tay cả! Người ta rà soát tất cả các nhà thương trong khu vực gần nhà hàng, thì tìm ra có một người đàn ông bị đứt ngón tay! Đầu mối đây rồi! Moi thêm thông tin thì biết đó là người quen của con mẹ này! Bạc triệu đâu chưa thấy nhưng còng số 8 và nhà tù rộng mở cho kẻ có lòng dạ nham hiểm, hại người để trục lợi!
Chuyện Dr. Ruồi ở VN, nếu xảy ra ở Mỹ thì chuyện trắng đen sẽ ra ngay. Chỉ dựa vào bản án của VN để tin thật hư, là chuyện quá ngây thơ! Chuyện xử án ở VN thì tôi hoàn không tin! Có ai tin được bất cứ bản án nào, của bất cứ toà án nào, của bất cứ tên Thẩm phán nào ở VN không? Tui hoàn toàn không tin! Bọn chúng xử án theo chỉ đạo, hoặc theo đồng tiền “chạy án”, chớ luật lệ chỉ là thứ giấy chùi đít! Người khám phá con ruồi trong chai nước là người ngay hay kẻ gian, hỏng biết, bởi vì chuyện làm giả ở VN nó dễ và nhan nhản! Rượu ngoại thượng hạng nó còn có cách mở nắp chai, rút ruột, bơm rượu giả vào được, thì chuyện mở cái nắp chai nhét con ruồi vào, là đồ bỏ! Đồng hồ giả, bóp đầm giả, cái giống đách gì họ cũng làm giả được! Cho nên biểu tui tin người tố giác, tui chưa tin, trừ khi có những cơ quan giám định uy tín ngút trời, tui mới tin. Giả hay thật, chỉ có đương sự mới biết và dĩ nhiên Thượng Đế biết.
Về phía Dr. Ruồi, cũng không rõ họ là người khôn, kẻ dại, hay là bọn ác nhân thất đức. Nếu thật sự con ruồi là lỗi của dây chuyền sản xuất (như cọng chỉ trong cái bánh pizza của con gái tôi), thì cứ hoà giải, đền cho người ta một số tiền cho qua, để giữ danh tiếng, giữ mãi lực, là điều công bằng, đẹp mọi bề, mắc mớ gì đưa người ta vào tù. Làm vậy sẽ “đẻ con không có lỗ đít”! Nhưng nếu biết đó là một âm mưu người ta dàn dựng, thì nhứt định làm cho ra ngô ra khoai để trừng trị những kẻ gian manh (như trường hợp ngón tay trong tô soup).
Phân tích một sự việc gì, chớ có dùng cảm tính thương ghét. Không phải người nghèo nào cũng lương thiện, đáng thương, đáng tin, và cũng không phải hễ giàu là có tội, là gian ác, là đáng ghét, phải đấu tố,…! Mấu chốt vấn đề, với tôi, nó nằm ở hệ thống pháp luật trời ơi đất hỡi của họ, cho nên tôi không tin ai phải, ai quấy trong chuyện này.
Giờ nói chuyện khác. Văn hoá ăn “dằn dĩa” cho sang!
Người Mỹ nói riêng, người Tây phương nói chung, họ không có “dằn dĩa” cho sang như VN, cho dù thức ăn thừa mứa! Hoặc là ăn sạch, hoặc là đem đồ ăn thừa về nhà. Họ biết rằng nhà hàng sẽ đổ thùng rác tất cả đồ ăn dư thừa, cho nên họ “to go”, nghĩa là biểu nhà hàng cung cấp hộp cho họ mang đồ ăn thừa về nhà, và nhân viên phục vụ rất vui lòng làm như vậy. Không phải họ nghèo, hay tiếc tiền, mà đơn giản là họ không phung phí thức ăn. Không có gì phải mắc cỡ, phải hỗ thẹn cả. Đó là đồ ăn mình đã trả tiền, là của mình, ăn không hết thì mang về ăn tiếp, hay cho chó, cho mèo, cho chim chóc ăn, thay vì bỏ thùng rác.
Ăn dằn dĩa một vài cục thịt, chừa một phần soup trong tô, bỏ một miếng trái cây tráng miệng,… chẳng làm cho người ăn sang trọng thêm một chút nào, mà nó nói lên tâm thức của một kẻ nhà quê học thói sang chảnh, kệch cỡm! Câu chuyện Công Tử Bạc Liêu dùng tờ giấy 100 đồng tiền Đông Dương đốt mồi thuốc, được truyền tụng xưa nay, chẳng làm cho người ta kính trọng, nể nang một tên nhà giàu ngông cuồng, phách lối, mà nó nói lên tâm địa kiêu ngạo, vô tâm, bởi vì đó là đồng tiền xương máu, mồ hôi nước mắt của những người tá điền khốn khổ cả đời làm tôi mọi cho ông ta! Hãy bỏ cái quan niệm và cái thói quen ăn dằn dĩa!
Dài lòng thòng rồi. Để viết thêm ba điều bốn chuyện nữa rồi nghỉ.
Ngày Father’s Day, cảm nghĩ của Mười Lúa ra sao sau 46 năm làm cha?
1. Làm cha vui lắm, sung sướng lắm.
Cái cảm giác của một thanh niên khi hay tin vợ có bầu, khó quên lắm! Từ nhỏ chỉ làm con, làm em,… bi giờ tự dưng biết mình sắp làm cha, có người sẽ gọi mình bằng cha, được bồng, được nựng, được hun hít, được có một đứa nhỏ “làm của riêng” cho mình, thấy lòng nao nao, rộn rực hết biết. Nhìn cái bụng của cô bé ngày nào còn nhỏng nhảnh buộc tóc đuôi gà, giờ càng ngày càng to, đi è ạch từng bước, và sờ vào thấy đứa bé khi thì gò lên bên phải, khi thì đạp sang bên trái, thì biết cái ngày làm cha của mình gần kề rồi. Ngày “khai hoa nở nhuỵ” cũng đến. Con bé đỏ hỏn, nhỏ xíu như con mèo con! Lần đầu bồng con mình mà run, vì nó nhỏ quá, sợ tuột tay!
Bốn mươi lăm năm trôi qua, lúc nào nó cũng là đứa con gái nhỏ của ba, cho dù nó lớn chồng ngồng, có chồng, có con lên trung học rồi! Cứ nhìn nó, nhìn ba đứa em của nó, cho dù đứa nào cũng trên 40, Mười Lúa vẫn thấy mình rất sung sướng, hạnh phúc và chúng luôn là những đứa con rất “bé hỏng” của ba.
2. Làm cha cực quá!
Làm cha cực chết mồ tổ! Cực nhưng không hề khổ! Trách nhiệm từ chưn tới óc! Lo ăn, lo mặc, lo nóng lạnh, lo ốm đau, lo học hành, lo tương lai, lo dạy dỗ cho con nên người, lo đến cả hạnh phúc của con cái,… Nỗi lo của một người cha chắc phải tới lúc nằm ngay đơ cán cuốc mới chấm dứt! Trong 46 năm dài, chưa bao giờ tôi lơ là trách nhiệm làm cha. Cực thì có cực, nhưng không khổ. Trên đời này không nhứt thiết chữ cực lúc nào cũng kèm theo chữ khổ, bởi vì tình thương yêu sẽ làm cho người ta thấy cực mà không hề khổ, ngược lại, còn sung sướng nữa là đàng khác.
Chỉ có những người cha ích kỷ, vô trách nhiệm mới khoẻ! Cái thứ xách súng đi “bắn dạo”, chổ nào bắn được là bắn, ai cho cũng bắn, già không bỏ nhỏ không tha, bắn xong, ai sống ai chết, con trai con gái, kệ mẹ nó, để mẹ nó lo, với lý lẽ chắc nịch: “ai biểu ngu banh chưn ra chi, ráng chịu”,… là loại đàn ông y như con dê đực đứng canh trước của chuồng, bắn từng phát, rồi vảnh râu cười be he he he như trên đời này chưa từng có chuyện động trời gì xảy ra cả! Đàn ông VN phải nói là có rất nhiều kẻ giống con dê đực, vô tâm, vô trách nhiệm!
Cái quan niệm đàn ông “hào hoa” và gái “chính chuyên” là một quan niệm ác ôn, tội lỗi! Trai chơi khắp thiên hạ, con rơi con rớt tùm lum thì cho là “hào hoa”. Gái chỉ nhẹ dạ trong lúc đỉnh cao của chu kỳ một tháng, lỡ nhắm mắt đưa chưn, mang bầu, thì là gái hư, không “chính chuyên”, không là thục nữ! Có những tên đàn ông khốn nạn đến nỗi còn đi khoe con nhỏ này, con nhỏ kia, tự tử vì mình, một xác hai mạng, cũng tỉnh bơ! Lương tâm của một thằng đàn ông ở đâu? Xã hội cần giáo dục, cần lên án loại đàn ông ác ôn, vô tri vô giác như một con dê đực này! Những kẻ làm cha làm mẹ phải biết dạy dỗ con trai của mình về tinh thần trách nhiệm, về quan niệm đạo đức.
Kết luận rồi nghỉ.
Tui dự tính khi về hưu sẽ đi ngao du bốn biển, nhưng không thực hiện được. Lúc về hưu cũng là lúc con cái đã thành đạt, lần lượt có gia đình, rồi có con, rồi mua nhà,… Giữ cháu, nuôi cháu, giúp con tân trang nhà cửa, nuốt hết thì giờ hưu! Về hưu còn bận hơn cả lúc đi làm. Tôi cũng nói với bả: Đi chơi là một niềm vui tuổi già. Mình không thể đi như dự tính, nhưng giữ cháu, nuôi cháu, giúp con cái, cũng làm cho mình rất vui. Niềm vui nào cũng là niềm vui, đều vui, là được rồi.
Nếu có thể vặn đồng hồ quay ngược lại 46 năm, tui vẫn quyết định làm cha, vẫn muốn có con, một đàn con đông hơn 4 đứa càng tốt. Làm cha tuy là một gánh nặng, nhưng đó là một “thiên chức” Thượng Đế gắn lên mình của đàn ông. Tôi nghĩ, làm đàn ông mà sợ làm cha, mà chạy trốn trách nhiệm làm cha, thì không đáng làm đàn ông!
Cầu chúc cho tất cả những người đang làm cha, sắp làm cha, dù cực nhọc cách mấy, luôn tìm được niềm vui, hạnh phúc bên con cháu, và vĩnh viễn là ngọn Thái Sơn trong lòng đàn con của mình.
Peter C. Tran