EILEEN GU VỚI HUY CHƯƠNG VÀNG (Mỹ Anh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Mạng xã hội Trung Quốc đang “lên đồng” với chiến thắng của Eileen Gu (tên tiếng Hoa là Cốc Ái Lăng). Được dân Trung Quốc gọi là “nữ hoàng tuyết”, Eileen Gu, 18 tuổi, dân Mỹ gốc Hoa, đã giành huy chương vàng trong cuộc thi ngày 7 Tháng Hai tại Thế vận hội Mùa Đông 2022. Việc Eileen Gu, sinh đẻ và trưởng thành ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, lại thi đấu dưới màu cờ sắc áo Trung Quốc, đang gây ra nhiều tranh cãi
Người hâm mộ Eileen Gu trên mạng xã hội Weibo, nơi cô có 2.6 triệu người theo dõi, đã ào vào “thả tim” với hơn 90,000 bình luận bày tỏ sung sướng trong vòng chưa đến 30 phút sau khi có tin Eileen Gu giật được huy chương. Hashtag ‘Cốc Ái Lăng giành huy chương vàng’ nhận được hơn 300 triệu lượt xem trong vòng một giờ. Khỏi phải nói, giới chức trách Trung Quốc cũng nhảy dựng vỗ tay. Chính quyền thành phố Bắc Kinh phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng khi Cốc Ái Lăng, một vận động viên Bắc Kinh, đã giành chiến thắng huy chương vàng quý giá cho đoàn thể thao Trung Quốc và vinh danh đất nước với sự thể hiện tuyệt vời ở vòng chung kết môn trượt tuyết tự do tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh”.
Khắp các thành phố lớn Trung Quốc, đâu đâu cũng có hình Eileen Gu (ảnh: Xing Yun/Costfoto/Future Publishing/Getty Images)
Người được gọi là “một vận động viên Bắc Kinh” – Eileen Gu – sinh ngày 3 Tháng Chín 2003 tại San Francisco trong gia đình với mẹ người Hoa và bố người Mỹ. Mẹ của Eileen Gu – bà Gu Yan (Cốc Yên) – đến Mỹ du học ở độ tuổi 20. Bà học Đại học Auburn, Đại học Rockefeller; và lấy bằng MBA Đại học Stanford. Eileen Gu học tại trường tư University High School nơi có học phí $54,130 (thời điểm hiện tại). Báo chí Trung Quốc viết rằng Eileen Gu đạt điểm SAT gần như tuyệt đối (1,580/1,600). Tháng Mười Hai 2020, Eileen Gu post lên Instagram một video ngắn cho biết khoảnh khắc mình nhận được thông báo đậu vào Stanford. Được mẹ tập trượt tuyết từ nhỏ, Eileen Gu trở thành vận động viên chuyên nghiệp từ niên thiếu. Xinh đẹp, Eileen Gu còn là người mẫu thời trang của vô số nhãn hàng danh tiếng.
Tháng Một 2019, khi 15 tuổi, Eileen Gu – dưới màu áo đại diện Mỹ – giành được cúp tại Giải Thế giới tổ chức ở Ý. Một tháng sau, người ta thấy Eileen Gu ngồi hàng ghế đầu cùng các vận động viên Trung Quốc chụp hình với Chủ tịch Tập Cận Bình. Vài tháng sau, Eileen Gu tuyên bố mình sẽ thi đấu dưới màu áo Trung Quốc. “Đây là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với tôi” – Eileen Gu viết trên Instagram – “Tôi tự hào về di sản mình, và cùng lúc cũng tự hào về môi trường giáo dục Mỹ”. Phát biểu của Eileen Gu đã gây thất vọng đối với các huấn luyện viên Mỹ, những người từng giúp Eileen Gu lên đài danh vọng.
Trẻ trung và xinh đẹp, Eileen Gu hiện là người mẫu cho nhiều nhãn hàng danh tiếng (ảnh: Eileen Gu dự chương trình ‘2021 Met Gala Celebrating In America: A Lexicon Of Fashion’ – John Shearer/WireImage)
Câu chuyện Eileen Gu không đơn giản là câu chuyện “đổi cờ, thay áo”. Eileen Gu đang mang lại niềm tự hào dân tộc ở một đất nước “lừng danh” thế giới về vi phạm nhân quyền. Học ở Mỹ, tiếp nhận và được “bồi bổ” bằng những giá trị Mỹ từ lúc lọt lòng, Eileen Gu lại phớt tỉnh trước vô số cáo buộc nhân quyền mà đảng cai trị Trung Quốc gây ra. Ở một góc độ, Eileen Gu chẳng khác gì con cờ chính trị của Trung Quốc, nơi luôn thèm khát “hơn người” ở mọi lĩnh vực, nơi mà khi mang lại chiến thắng thì được xem là “niềm tự hào cho tổ quốc” nhưng khi thất bại thì bị chửi rủa là “nỗi nhục quốc gia”, như trường hợp Zhu Yi (Chu Dị
Trước chiến thắng của Eileen Gu chỉ một ngày, vận động viên trượt băng nghệ thuật Zhu Yi đã bị cộng đồng mạng Trung Quốc “làm thịt” sau khi cô thi hỏng. Không như “niềm tự hào Eileen Gu”, cộng đồng mạng Trung Quốc gào thét rằng, “bộ Trung Quốc hết người rồi sao lại dùng một con bé người Mỹ!”. “Con bé người Mỹ” Zhu Yi cũng là người Mỹ gốc Hoa, sinh ra (2002) và trưởng thành tại Mỹ (Los Angeles), trong gia đình bố mẹ người Hoa. Zhu Yi thật sự là một đứa “Mỹ con”. Không như Eileen Gu – có thể sử dụng tiếng Quan Thoại tốt, Zhu Yi nói không rành tiếng Hoa.
Zhu Yi bị chửi không tiếc lời sau khi thất bại
Đều cùng thế hệ, đều sinh trưởng ở California và lớn lên hoàn toàn trong môi trường giáo dục Mỹ, Zhu Yi và Eileen Gu là hai hình ảnh phản chiếu nhiều mặt. Nó cho thấy sự giằng co không chỉ trong nhận thức về quê hương cội nguồn của những người như Eileen Gu và Zhu Yi mà còn là nhận thức giằng xé về sự chọn chỗ đứng, giữa các giá trị phổ quát trong đó có nhân quyền và giá trị con người. Cả Eileen Gu lẫn Zhu Yi đều ít nhiều là “nạn nhân” của chính trị hóa, đặc biệt tại Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn chứng minh họ đang thắng Mỹ, ít nhất ở khoản giành được nhân tài, dù họ không tốn một xu trong việc đào tạo những tài năng như Eileen Gu. Khó có thể kết luận Eileen Gu gặt hái được vinh quang như ngày nay không, nếu cô sinh đẻ và lớn lên ở Trung Quốc. Chẳng phải tự nhiên mà Fox News gọi Eileen Gu là “đứa trẻ vô ơn của nước Mỹ”…
Vì luật Trung Quốc không chấp nhận người hai quốc tịch nên Zhu Yi phải từ bỏ quốc tịch Mỹ (Eileen Gu thì chưa bao giờ công khai cho biết điều này). Có một điều gần như chắc chắn: Vì lý do “cội nguồn” hay “ý thức dân tộc”, những người như Eileen Gu hoặc Zhu Yi có thể khoác áo Trung Quốc cho các cuộc thi đấu mang lại vinh quang cho cố quốc nhưng họ chắc không bao giờ rời bỏ nước Mỹ để sống vĩnh viễn trên quê hương của họ.