Từ nỗi oan khiên đó, bao năm qua, đã có nhiều người lính trong mọi quân binh chủng viết về cuộc chiến, kể lại những năm tháng hào hùng với biết bao chiến công hiển hách, ngỡ như không thể nào có ngày phải bàng hoàng buông súng. Đa số trong họ không phải là nhà văn, hoặc muốn trở thành nhà văn. Họ cầm bút chỉ để viết ra, giải tỏa những điều ẩn ức theo tháng năm đè nặng trong lòng. Viết để chia sẻ với những đồng đội cũ hầu cùng nhau tìm lại những kỷ niệm kiêu hùng của một thời trai trẻ với hào khí ngút trời, sẵn sàng chết cho quê hương. Và viết để cho con cháu, các thế hệ sau này, hiểu được ít nhiều mục đích, tinh thần và khả năng chiến đấu của cha ông, trước các luận điệu đầu độc trên một số báo chí, phim ảnh của đám phản chiến hèn nhát cùng vài tay chính trị “phù thủy” Mỹ đốn mạt, cố tình trút hết tội lỗi trên đầu những người bạn đồng minh, trơ tráo bảo họ là “những người không muốn chiến đấu” nhằm chạy tội bội phản những gì mà chính phủ Mỹ đã từng long trọng cam kết. Trong số những người lính cầm bút bất đắc dĩ ấy, nổi lên một cây bút tài tình, mà những bài viết của anh đã hấp dẫn đông đảo độc giả, dù ngày xưa là dân hay lính, ngay cả những người đọc khó tính và không mấy thích chuyện chiến tranh – Đó là Cựu phi công Vĩnh Hiếu.
“…con tàu không còn liên lạc được với thế giới bên ngoài, nó đang trở thành một khối lửa cuồn cuộn rơi như hòn đá cuội, chạm triền núi vỡ bùng lên….Tất cả chỉ còn là một đống sắt cháy ngùn ngụt… Tôi cho con tàu lượn thấp xuống nhìn trong tuyệt vọng. Hai chiếc guns bay vòng tròn trên chiếc tàu bị nạn và sau đó được lệnh rời vùng, tôi ngoái đầu nhìn đám cháy vẫn mịt mù một lần cuối rồi chuyển hướng bay, nước mắt lưng tròng.”…