Lời dẫn của Le Van Quy: Ngày 21.3.2010, khi cả nước nhộn nhịp tổ chức Lễ hội kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì “nước lạ” kế bên cũng tổ chức “Miếu Hội Phục Ba Tướng Quân” tại Đông Hưng. Việt Nam đã gửi đoàn Văn Công sang giao lưu và các ông bà trong Đoàn Văn Công cũng thắp nhang quỳ lạy khấn vái truớc bức tượng của Mã Viện, một người đóng vai Thi Sách múa may quay cuồng rồi đến tạ tội với Mã Viện, còn hai bà phụ nữ thì nhập vai Hai Bà Trưng quy hàng, rót rượu, dâng kiếm lên Mã Viện để tạ lỗi. Ai có chút liêm sĩ nghe thấy chuyện này cũng đau lòng !
Người Tàu vốn rất thâm nho và thù dai, người Nam ta chớ quên điều đó !
Xin gửi đến các bạn một bài viết của Trần Hữu Tư được viết từ năm 1960, có nhiều chi tiết đáng để chúng ta suy ngẫm.
ĐỂ TRẢ THÙ BÀ TRƯNG TRẮC – NGƯỜI TÀU ĐÚC TƯỢNG MÃ VIỆN ĐẠP LÊN LƯNG NGƯỜI GIAO CHỈ
Trần Hữu Tư
Đăng trên Tạp chí Phổ thông số 30 ngày 30.6.1960
Mông-cấy là tỉnh lị tỉnh Hải Ninh, có dinh quan Sứ và dinh quan Đạo.Trước mặt Mông-cấy có sông Na-lương là con sông chia nước Tàu và nước Việt Nam ta. Ngang mặt Mông-cấy là làng Đông-hưng thuộc tỉnh Quảng-Đông. Đông-hưng vui vẻ, phố xá nhiều, buôn bán coi mòi phát đạt, cảnh vật khả quan. Nhơn dịp tàu đậu, ông Turion dắt quan Giám đốc và bỉ nhơn lên viếng quan Sứ và đi luôn qua Đông-hưng chơi. Trước hết ông đưa chúng tôi đến xin phép quan Doanh trưởng, là quan Tàu cai trị Đông-hưng, đặng đi quan sát cảnh vật. Xin phép xong, ông Quan ba dắt chúng tôi lại xem đền thờ của Mã Viện.
Đền thờ này cất trên một hòn núi con đối diện với hòn Hổ-sơn bên ta. Vào trong đền thấy tại căn Chánh điện, trên bàn thờ có cái tượng ngồi lớn bằng đứa trẻ lối 12, 13 tuổi, chơn mặt đạp trên lưng tượng đứa nhỏ chừng bằng đứa con nít mới đẻ được vài tháng. Tượng đứa nhỏ này, nằm sấp ngóc đầu lên và le lưỡi ra. Tượng lớn tay cầm cây đoản giơ lên, một tay nắm tóc cái tượng nhỏ. Trước bàn thờ có treo một tấm hoành thêu bốn chữ: “Oai trấn Nam bang”. Tưởng không cần cắt nghĩa, người mình ai xem cái tượng nhỏ cũng biết ngay là để ám chỉ vào nước Nam ta.
Chúng tôi còn đang đứng xem hình Mã Viện, ông Turion đi ngay lại ông Từ, dùng tiếng Quảng-đông nói chuyện với ông nầy rất lâu. Một lát sau bỉ nhơn hỏi ông Quan-ba nói chi với ông Từ, thì ông thuật lại cho bỉ nhơn nghe như vầy: Cách 18 tháng trước đó, trong lúc ông còn làm Quan hai trên chiếc tuần dương hạm, nhơn một lúc tàu về tập dượt tại vịnh Hải-long, ông có đến miễu này quan sát, thấy tượng Mã Viện và tấm hoành có cái ý nghĩa miệt thị nước Nam như thế nên ông có yêu cầu ông Từ dẹp tấm hoành đi, ông Từ đã hứa dẹp, nhưng đến ngày nay cũng không dẹp. Ông hỏi tại sao vậy, thì ông Từ nói: “Đền Mã Viện ngày nay đã thuộc về Chánh phủ Trung-huê làm chủ; nếu ông Turion muốn dẹp bỏ tấm hoành thì phải đến xin phép quan Doanh-trưởng mới được”.
Nghe vậy, ông Turion, ông Rotily và bỉ nhơn liền trở lại dinh quan Doanh-trưởng. Đến nơi ông Turion nói với quan Doanh-trưởng như vầy: “Thưa ngài, tôi nghe nói cái tượng Mã Viện và tấm hoành để thờ tại đền Mã Viện đó, là của Mã Viện tạo ra khi nước Tàu và nước Nam có việc bất hòa với nhau; ngày nay ông Mã Viện đã du tiên mà quí quốc và nước An Nam đã trở lại thân thiện với nhau lâu rồi. Nếu Quan lớn còn để tấm hoành và cái tượng như vậy hoài thì khó coi quá; tôi tưởng Quan lớn nên vị cái tình lân bang với nước An Nam, là nước của Đại Pháp bảo hộ, xuống lịnh dạy dẹp bỏ cái tượng và tấm hoành kia đi, thì chúng tôi cảm ơn Quan lớn biết dường nào”.
Ông Doanh trưởng suy nghĩ một chập, rồi trả lời với ông Turion như vầy: “Miếu Mã Viện thuộc về ngôi cổ miếu, để tôi hỏi lại ý kiến của vài ông kỳ lão tại đây, rồi sẽ cho quí chức hay, dầu thế nào chúng tôi cũng ráng làm vừa ý quí chức”.
Ông Turion để lời cám ơn trước quan Doanh trưởng, kế đó chúng tôi xin kiếu xuống tàu. Qua tháng sau chúng tôi trở lại đền Mã Viện, thấy tượng vẫn còn y như cũ, nhưng tấm hoành đa thay mới, lại có đổi chữ bang ra chữ biên, thành ra: Oai trấn Nam biên.
Thấy ông Turion đọc 4 chữ: “Oai trấn Nam biên”, rồi cười và khen khéo sửa nên bỉ nhơn liền hỏi: “Thưa ông Quan ba, cái tượng của Mã Viện đạp trên lưng chúng tôi còn đứng y nguyên tại giữa miễu đó, cớ sao ngài cười và dường như được thỏa nguyện?”
Ông Turion: “Cái tượng Mã Viện và thằng bé kia, bất quá là hai cái tượng bằng gỗ sơn đỏ đen vậy thôi, chớ có quan hệ gì tới nước An Nam. Chúng ta có trách người Tàu được là tại tấm hoành có chữ Nam bang kia. Ngày nay họ đã sửa chữ bang ra chữ biên rồi thì chúng ta chẳng còn chỗ nào mà trách họ được nữa; bởi vì Nam bang là nước Nam còn Nam biên là biên giới phía nam nước Tàu của họ kia mà”.
Còn về sự tôi cười là tại lẽ ngày: “Nguyên khi Mã Viện dạy khắc 6 chữ “ĐỒNG TRỤ CHIẾT GIAO CHỈ DIỆT”, vào cây súng đồng cậm tại biên giới thì va sợ người Giao chỉ (An Nam) không hiểu, nên va có cắt nghĩa cho người An Nam biết rằng; 6 chữ đó là va nói với người Giao chỉ, nếu ai nhổ mất trụ đồng thì va sẽ trở qua giết hết người Giao chỉ. Vậy mà đến khi người An Nam nhổ trụ đồng của va đem bán cho thợ đúc chuông. (Đây là do theo lời của quan Thái thú đương lúc ấy, bẩm tấu về cho Mã Viện hay như vậy) va không trở qua giết hết người Giao chỉ mà va lại trả thù bằng cách tạo ra cái tượng của va đạp trên lưng người Giao chỉ; nhưng ngày nay lại thành ra va đạp trên lưng đồng bào của va. Tôi cười là tại vậy đó”.
Đọc chuyện này, những người Nam có trí phán đoán, chắc ai ai cũng muốn hỏi: Mã Viện là tay thượng tướng của nước Đại Trung Quốc, 400 triệu dân, dầu có đánh thắng nước Nam ta mấy trăm trận cũng chẳng phải là giỏi giắn gì, cớ sao Mã Viện lại làm ra cái tượng quái gở như thế, để khoe khoang?
Ông Turion nhờ có xem Chính sử của Tàu nên mới biết rõ nguyên nhân của cái tượng là như vầy:
Hồi đời Đông Hán, bên Tàu, nhơn một buổi bàn luận quốc sự, vua Quan Vũ nhớ lại chuyện bà Trưng Trắc dấy loạn giết Tô Định nên liền sai Mã Viện qua Bắc Kỳ dẹp loạn. Dẹp xong, Mã Viện về tới biên giới, muốn dựng một cây trụ đồng để kỷ niệm cuộc thắng trận của va và cũng để hăm dọa người An Nam luôn thể, nhưng vì đang đi giữa đường làm sao đúc trụ đồng được; bởi vậy Mã Viện mới bảo lấy một cây súng đồng, dài lối 1 trước rưỡi, là thứ súng va có đem theo để dẹp loạn, giũa bằng mặt một khoản gần trên đầu súng và chạm vào 6 chữ: Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt; đoạn va bảo thợ lấy một viên đá lớn, đục một cái lỗ rồi cậm cây súng đồng vào. Nhưng vì súng vắn quá, không thể để ngay tại mặt đất được, nên Mã Viện phải bắt quân lính, vác đá chất thành một đống lớn, cao hơn 3 thước, đoạn va dạy đem cây súng để lên trên đầu đống đá đó. Kế vài tháng sau bị bọn dư đảng của Hai Bà Trưng nhổ súng liệng mất.
Đến chừng Mã Viện hay chuyện như vậy, va tức giận quá, quyết lòng trả thù, nên mới bảo thợ tạo ra cái tượng ghê gớm và tấm hoành thị oai như thế kia, để thay cho cây trụ đồng, đặng điếm nhục nước Việt Nam ta đó.
Có lẽ sau khi cây súng đồng bị nhổ liệng mất, rồi có người đến biên giới không thấy trụ đồng, chỉ thấy đống đá cao lớn kia thì họ tưởng cây trụ đồng đã bị đống đá chôn mất. Từ đó về sau họ đồn ra mãi, thế là cái tin cây trụ đồng bị chôn mất, được cả thảy người Việt Nam đều công nhận; bởi vậy lâu nay hễ nói đến chuyện trụ đồng của Mã Viện, thì người mình đều quả quyết rằng: nó đã bị đá của đồng bào chúng ta đến biên giới lượm liệng vào nên đã lấp mất rồi.
Ông Turion nói: “Chỗ cắm trụ đồng là nơi núi non vắng vẻ, có ai đi đến đó làm gì mà lượm đá liệng vào cho đến nỗi lấp mất trụ đồng được; đã vậy mà lúc bấy giờ người An Nam đương oán thù Mã Viện dữ lắm, thì có ai dại gì lại lượm đá liệng vào đặng bảo tồn cho cây trụ đồng của va, có cái ý nghĩa điếm nhục nước mình?”
Tại miễu Mã Viện còn một chuyện lạ này; xin thuật luôn ra đây để các bạn đọc chơi giải buồn.
Nguyên khi xem xét phía trước miễu rồi, bỉ nhơn nhìn ra phía sau vách, đâu lưng với tượng Mã Viện tướng quân, thấy có cái bàn thờ một bức họa hình người đàn bà rất xinh xắn. Ban đầu bỉ nhơn tưởng là hình bà Quan âm, đến chừng lại gần nhìn kỹ, té ra không phải. Cậy ông Turion hỏi, ông Từ trả lời rằng: “Bức hình đó là hình nàng Đắt Kỷ, ấy là một bức họa gia bửu, đã lưu truyền nhiều đời trong thân tộc của một bà mạng phụ hồi Thanh triều, hiện giờ bà cũng ở tại Đông-hưng này. Không rõ tại sao mấy lúc nay, tấm hình Đắt Kỷ đó dường như hóa ra linh ứng. Hễ ai muốn thấy nàng thì nhang đèn cầu xin, ắt sẽ chiêm bao thấy nàng về nói chuyện với mình rất vui vẻ, còn ai vô lễ nói xúc phạm khinh khi thì nàng về la rầy dữ lắm. Bởi có việc lạ như vậy, bà mạng phụ mới đem bức hình Đắt Kỷ cúng vào chùa, nên tôi mới để thờ tại đó”.
Nghe vậy bỉ nhơn rất mừng, vì muốn gặp cho được Đắt Kỷ, dầu nàng có rầy la bao nhiêu cũng không sao, nên bỉ nhơn mua nhang đèn đốt lên và lấy giấy viết vào một câu: “Vong thương tội chết đã đành, còn khoe nghiêng nước nghiêng thành với ai?”. Đoạn bỉ nhơn đem dán lên lư hương thờ Đắt Kỷ, nhưng sợ nàng không hiểu tiếng An Nam, bỉ nhơn bèn cậy ông Turion cắt nghĩa ra tiếng Quảng-đông. Kế đó chúng tôi nhờ một đứa bạn làm đèn giội cho ông Từ dắt tới nhà bà mạng phụ, hỏi thăm về sự linh ứng của bức họa hình Đắt Kỷ, thì bà cũng nói y như lời ông Từ đã thuật cho chúng tôi nghe.
Nhơn thấy bà mạng phụ và mấy người phụ nữ ở nhà bà đều bó cẳng nhỏ xíu. Bỉ nhơn hỏi họ bó cẳng chi vậy, ông Turion trả lời: “Đặng cho họ đừng chạy được”.
Từ giã bà mạng phụ, chúng tôi thả dong chơi một lát rồi xuống tàu. Tối đi ngủ, bỉ nhơn vẫn tin chắc sẽ gặp Đắt Kỷ về rầy lung; nhưng ngủ tới sáng bét, chuông dưới tàu đã kêu dùng điểm tâm, mà bỉ nhơn chẳng thấy ma nào về rầy la chi.
Nguồn: FB Le Van Quy.