Dẫn Nhập: cuộc chiến Việt Nam dẫu chấm dứt từ lâu mà những phe tham dự mãi đến hôm nay vẫn chưa có những kết luận chung nhất.. Quân và Dân Miền Nam luôn tự hỏi: Tại sao và do đâu đã nẫy sinh ra một tình thế bi thảm và bế tắc đến như thế? Hôm nay, Đầu Tháng 5 của 46 năm sau 1975, KNS cùng quý KTG sống lại với giờ phút đau đớn tuyệt vọng của mỗi phận người Dân và Lính Miền Nam hằng hứng chịu từ buổi sáng 30 Tháng Tư, 1975.
Một. Hôm nay bốn mươi sáu năm sau 1975, những người lính của chiến trường ngày xưa nếu còn sống vẫn canh cánh tấc lòng sắc son nhớ nước, đối với Người Dân Miền Nam mà họ đã hiến thân khắc kỷ, cao thượng chiến đấu bảo vệ, giữ gìn. Cuộc chiến đấu chưa hề nói thành lời tuyên dương ấy hôm nay vẫn tiếp tục dẫu những giàn xếp chính trị đã hoàn tất từ lần ký kết Hiệp Định Ba Lê, 27/1/1973 đưa đến lần sụp vỡ Miền Nam, 30 tháng 4, 1975.
Sáng 30 tháng 4, khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB, sau lần lui quân từ Long Khánh bắt đầu từ 20 Tháng 4 theo ngã Tỉnh Lộ 2 về Phước Tuy, Bà Riạ, dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn về hướng Trường Bộ Binh Thủ Đức, Long Thành, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn Trung Liệt Đài của Nghĩa Trang Quân Đội, Long Bình.. Ông thấy thấp thoáng bức tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn.. Tướng Đảo thoáng nhớ những lời thơ ngắn..
Vì anh là Lính áo rằn.
Ra đi nào biết mấy trăng mới về..
Những câu thơ của em ông, Trung Tá Lê Hằng Minh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến “Trâu Điên”, người lính đã ra đi từ một ngày Hè năm 1966 nơi chiến trường Thị-Thiên, ở chân Cầu Câu Nhi Phường. Cầu Câu Nhi Phương ở đâu? Một nơi không mấy ai biết. Sáng 30 tháng Tư năm 1975, nhiều người lính không còn chốn trở về. Những Người Lính mất Quê Hương.
Hai. Nỗi Đau-Sự Chết đã hiện thực sắc nét với chính thân phận mỗi Người Lính dọc suốt quê hương. Nầy đây, hình như mới đây, của ngày hôm trước, giờ vừa qua – Cảm giác gần kề, rờn rợn, tính đến 1975 là đúng một thập niên. Năm ấy, 1965 sau trận chiến bùng nổ ngày 11 tháng 6, với mùa mưa Miền Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không ớn, chỉ âm âm, ngột ngạt làm bốc dầy thêm mùi thây chết của những đơn vị gồm Tiểu Đoàn 2, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ Binh; của Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân, và Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù.. Đấy là xác của những Binh Nhì, Binh Nhất, Hạ Sĩ.. Những người lính với sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ than van. Trong đám xác chết có những người đang trong tuổi trẻ, mới ra Trường thủ Đức, Đồng Đế, Đà Lạ… Nay tất cả là xác chết căng cứng, da tím sẫm bốc mùi xanh xao tanh tưởi; khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu, đất đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi chỗ đụng trận, một chốn gọi là xã Đồng Xoài, quận Đôn Luân, tỉnh Bình Dương, xa Sài Gòn khoảng 50 cây số đường chim bay. Đồng Xoài là nơi đâu?
Có bà lão ngồi im không đủ sức khóc, không còn lực khéo chiếc fermeture bao xác đựng người lính tuổi hẳn còn rất trẻ mà bà gọi trong tiếng nấc nhỏ…Cháu ơi ! Cháu ơi! Vòng khăn tang của thân nhân những người lính chết trận dần lấm đỏ chạch của đất nghĩa trang mà nay đã thành một bãi bùn sênh sếch thêm máu từ những thây người rỉ ứa. Máu của Người Lính Chết Trận.
Ba. Nhưng những xác chết của năm 1965 kể trên vẫn còn nguyên dạng người và được tẩm liệm, đem chôn cất. Chết Mậu Thân, 1968 ở Huế, nơi ngõ Âm Hồn, lối ra đường Mai Thúc Loan, hướng Cửa Đông Ba.. Khoảng đường âm u chập bóng đen.. Những người lính xao xác chạy dọc những khu nhà đổ nát, vừa chạy tránh đạn, vừa kéo xác đồng đội.. qua căn nhà có xác người đàn bà chết trong vị thế quỳ trước chiếc bàn thờ xiêu đổ tung tóe, hẳn đang khấn lạy, cầu xin, nhưng chỉ còn thân người, bởi chiếc đầu đã bị cắt lìa, vất tung đâu đó. Bên cạnh, thây cô gái tóc dài lây lất, khuôn mặt chỉ còn những tảng thịt rời rã.. Ngôi nhà bên cạnh là một nấm mồ chôn vội với chân người chết lú ra qua lớp đất vụn mỏng. Xác dân, xác lính chen chúc, lẫn lộn vào nhau.. Nhưng, như một an ủi vì ở Huế, hay ngoại ô Sài Gòn, vùng Nhị Bình, Thạch Lộc, Hốc Môn, Gia Định.. người sống sót vẫn còn khả năng phân biệt đấy là xác chết của lính hay của dân; của dân hay gã bộ đội Sinh Bắc-Tử Nam, hoặc cán binh Mặt Trận Giải Phóng.. qua áo quần, dạng tướng, đôi dép Nhật làm ở Chợ Lớn, giày botte de saut, hay loại dép râu mang theo từ Miền Bắc. Người chết giương đôi mắt đứng tròng, khô rốc nhìn lên trời mù mưa xứ Huế, hoặc ngày nắng sáng phương Nam, nơi cù lao sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước, Bình Triệu, Thạnh Lộc, Nhị Bình, Gò Vấp.. Cả một vùng hoa Mai Miền Nam tàn tạ trong ánh nắng rung rinh mùi tử khí.
Bốn. Năm 1972, cảnh chết bất hạnh trên quê hương miền Nam tăng vụt cường độ.. Trên chín cây số từ La Vang, nam Quảng Trị đến Cầu Trường Phước lớp nhựa đường đã hoàn toàn chảy nhão, đun nóng sôi bởi một thứ lửa nhân tạo. Lửa được cháy lên do từ xăng, dầu, gỗ, thép của khối quân trang cụ, vũ khí của các đơn vị thuộc mặt trận giới tuyến bị phục kích trong cuộc lui binh rời bỏ Thị Xã Quảng Trị ngày 29 tháng 4. Nhưng ngọn lửa ác nghiệt kia sở dĩ còn thoi thóp tồn tại cho đến ngày quân lực miền Nam vượt tuyến sông Mỹ Chánh phản công (27 tháng 6) vì chúng được tiếp bồi bởi những vật chất cháy đượm gồm áo quần, tay nải, bao bị, gồng gánh, và những tế bào thịt da của người – Những người dân chạy loạn trong ngày 29 tháng 4. , Người Lính Miền Nam dẫu bị rơi vào thế trận phục kích, vẫn còn có bản năng người lính để vượt thoát, tránh né, chống cự đối với cái chết. Nhưng người dân thì hoàn toàn toàn bất động và bất lực. Họ giương mắt nhìn đám lính Pháo Đoàn Bông Lau Cộng Sản Bắc Việt; họ nghe rõ từng tiếng nổ của loạt đạn chống chiến xa, của giàn sơn pháo, loại Súng Không Giật có đạn đạo thẳng – Đạn bay thẳng tới mục tiêu là đoànngười chạy loạn.. Những thây xác tan nát kia tiếp bị xé tơi, nung cháy, miết xuống mặt đường nhựa, tẩm vào lưỡi lửa của áo quần, xăng nhớt, biến thái nên ngọn lửa bền bỉ âm ỉ. Trên quãng đường chín cây số nam Thị Xã Quảng Trị mà báo chí Miền Nam đặt nên tên gọi đau thương Đại Lộ Kinh Hoàng hoàn toàn không còn dạng thây ma để được gọi nên là xác chết, mà chỉ là những mảnh xương cốt rời rã, lăn lóc, lẫn lộn đất, đá, cát vương vãi dưới gầm khung xe cháy nám, nơi ổ súng cong queo, sau những bụi lùm trơ trọi, những gò, đụn oan khiên mà ổ mối đùn lên gây gây tanh mùi máu.
Năm. Ở An Lộc, vào thời điểm đầu mùa Hè, 1972 nơi Bệnh viện Tiểu Khu Bình Long cũng xẩy ra tình cảnh kinh hoàng đau thương tương tự. Vì pháo binh cộng sản yểm trợ cho các Công Trường tức các Sư Đoàn 5, 7 CS đã học được một kinh nghiệm hữu dụng: “Ban ngày pháo kích xuống nhiều điểm bên trong thị xã để dân chúng tin rằng, “bộ đội giải phóng” không pháo kích vô chỗ bệnh viện!” Nhưng vào đêm, điển hình của những đêm 9, 10 rạng 11 tháng 5, 1972, tám ngàn (8000) quả đạn cùng tập trung vào những điểm “chọn lọc điều nghiên”: Trường Trung Học Cộng Đồng, Bệnh Viện Tiểu Khu.. Những điểm tập trung người dân tị nạn, và người bị thương nầy là điểm pháo tập trung dội xuống trong khoảng thời gian mà Hà Nội ra lệnh Trung ương Cục Miền Nam quyết dứt điểm An Lộc để lấy Bình Long làm thủ đô ra mắt Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam trước cộng đồng báo chí quốc tế! Tám ngàn quả đạn 130 ly rơi xuống xé tung đám xác người (người sống lẫn kẻ chết), ném tung lên dăm lần, ba lượt (hoặc rất nhiều lần) để thân thể con người chỉ còn là những mảnh vụn tơi tả lẫn với bụi, khói, mãnh thép.. Không thể phân biệt con người nào đã chết, hoặc đang còn sống ở An Lộc trong những đêm, ngày cào xé kể trên. Đám táng tập thể ở sân Trường Trung Học Bình Long thực hiện với xe ủi đất dưới đạn pháo nổ chụp. Không ai đủ sức để khóc. Trận Đồng Xoài 1965 nơi vùng đất Phước Long được kể ở phần trên đã trở nên là cảnh tượng nhỏ nhoi, bởi ở Đồng Xoài chỉ với những người lính gục ngã do đạn súng tay từ phía bộ đội cộng sản. Thây xác người lính may mắn còn nguyên vẹn hình hài. Năm 1972 ở An Lộc, Bình Long Người Dân-Người Dân Thường chết không toàn thây.
6. TẤT CẢ HIỆN ĐỦ TRONG BUỔI SÁNG HÔM NAY –
Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, 1975 khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37 do viên phi công phản bội Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi nhanh xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Phi cảng Tân Sơn Nhất từ lâu luôn được dọi sáng bởi hệ thống đèn cao áp nhưng quả bom rơi xuống phi đạo, phá bung hệ thống nhà máy điện.. Và Tân Sơn Nhất lần đầu tiên từ ngày thành lập sập chìm vào bóng tối, bừng bừng bốc lên lưỡi lửa. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hỏa ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Từ tháng 1 năm 1973, hơn hai năm trú đóng điều nghiên g Tân Sơn Nhất, phái đoàn cộng sản nơi Ban Liên Hợp Quân Sự đã có đủ yếu tố các điểm tác xạ.. Một trái đạn, chỉ một trái thôi đủ phá tan đài kiểm báo; thêm một hỏa tiễn hạ sập bồn chứa nhiên liệu. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống..Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn.. Cuộc hành hình kéo dài từ 4 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông.
7. Những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cũng dần rời bỏ nhiệm sở, đơn vị.. Nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành ra chỗ đậu tàu, anh nỗ máy chiếc C119 Thiên Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, Trung Úy Thành thấy rõ những vị trí pháo của binh đội cộng sản.. đang ngang nhiên pháo kích, nhả đạn vào Tân Sơn Nhất không che dấu từ lúc đầu đêm đến bây giờ, ngày rạng buổi sáng 29, Tháng Tư! Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Thiên Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Anh đáp xuống lại phi đạo thân yêu quen thuộc đang bốc khói mù bởi cuộc dội bom chiều hôm qua do kẻ phản bội Nguyễn Thành Trung hướng dẫn, và cuộc pháo kích cường tập từ sau nửa đêm về sáng của ngày đau thương tang tóc nầy. Thành tự tay nạp đạn vào tàu, trở lại bầu trời trên phi cảng Tân Sơn Nhất – Cửa ngỏ của Miền Nam, nhìn xuống những vị trí pháo cộng sản mà giờ nầy tạm ngưng hoạt động vì vừa bị anh tấn công.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Thành nghiêng cánh, bấm chặt hệ thống kích hỏa bên cạnh chỗ ngồi, một mình anh lấy đường nhắm.. Một mình anh.. Phải, chỉ một mình anh – Trung úy Trang Văn Thành, “Thành Mọi – Thành Thiếu Sinh Quân”. Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Anh bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Chiếc máy bay rã rời trong lửa, rơi từng mảnh nhỏ giữa không gian.. Không ai nghe ra âm gào thét im lặng của Người Phi Công đang vùng vẫy trong trong vũng lửa vàng tươi.
8. Có trung đội lính Dù (thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội) giữ nhiệm vụ an ninh cư xá Chí Hòa đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu (Tư lệnh phó Sư đoàn Dù trước 1972). Khi biết lệnh đầu hàng, ông Hậu vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rũa bỏ vào nhà.. Nhưng viên thiếu úy trung đội trưởng quyết liệt: “Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu..” Viên thiếu úy tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển.. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm..Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng quê hương.
9. Trong một căn nhà vùng Chợ Ông Tạ đã diễn nên hoạt cảnh bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh Khóa 1 Nam Định là sĩ quan của ngành tình báo đặc biệt, người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.. Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẩn bị từ trước. Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! Và ở vùng IV, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời sống bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử.
Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn… rất nhiều người không ai biết đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam.
10. Ngày, 30 tháng 4, 1975 khi quân đội Miền Nam buộc phải buông súng đầu hàng kẻ nghịch đi từ phương Bắc xuống, từ rừng rậm về, đã có hàng loạt những vị tư lệnh quân đội đồng lần tự sát trong im lặng. Nhưng không chỉ những tướng quân chỉ huy những đại đơn vị cấp quân đoàn, sư đoàn, mà ngay cả những viên thiếu, trung úy cùng quyết định với những người lính của mình – Và không phải riêng đối với những người lính phải buông súng, mà cả gia đình, vợ, con họ cùng lần kết liễu cuộc sống khi tổ quốc lâm tử. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc đã phá thân băng biển lớn, rừng rậm của vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường vượt biên ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Người CÓ thể Chết về những điều Cao Thượng Siêu Hình – Chết vì Tự Do. CHẾT để bảo vệ Phẩm Gia, Quyền Làm Người.
KN kính chào Quý Khán thính Giả
Ngày 30 Tháng Tư của 46 năm sau ( 1975-2021)