CON CHIM NHẶT HẠT NGÔ ĐỒNG (Trấn Vấn Lệ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of text

Nhan đề đầy đủ của tập thơ mới nhất của Tôn Nữ Thu Dung là “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng Còn Tôi Lơ Đãng Nhặt Hồn Cỏ Hoa”.

Tập thơ này, dày 152 trang, in trên giấy trắng, bìa màu xám, vàng, nâu, trang nhã, hài hòa và rất đẹp. Bìa mềm. Nếu là bìa cứng thì đây là cuốn sách không chê được điểm nào. Tuy nhiên nó rất xứng với ảnh bán thân của tác giả in ở bìa sau, bao nhiêu tuổi không biết mà vẫn dung dáng hiền ngoan như cô bé ngày nào từng là ký giả của các báo tuổi thơ trước 30 – 4 – 1975 tại Sài Gòn, Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa…

May be a closeup

Tôn Nữ Thu Dung làm thơ, đã có một tập xuất bản khi-còn-trẻ-lắm và cũng là tác giả nhiều truyện ngắn và truyện vừa, xuất bản tại Việt Nam và tại Mỹ. Viết văn và làm thơ là công việc chính của Tôn Nữ Thu Dung, “phụ thêm” hiện là Nhân Viên Xã Hội của Mỹ. Như thế…là o ấy không “nghèo” để mình khỏi thương! Mà “khỏi thương” thiệt nha vì o ấy là Tôn Nữ, là Huế…và rất xinh! Mong đồng hồ đứng lại trong khi o ấy cứ điệu đà bước tới với bầy cháu Ngoại “dễ ghét” vô cùng.

Thơ đẹp và hay là thơ buồn.  Thơ của Tôn Nữ Thu Dung thuộc về thơ “chính đạo”.  Tìm ở thơ Tôn Nữ Thu Dung một Niềm Vui, một Tin Tưởng Tương Lai hay một Mong Đợi Tốt Đẹp cho Quê Hương, cho Đất Nước mình đều không có…bởi nó “như thị” sau cuộc chiến Bắc Nam, sau cuộc đổi đời tráo trở kể từ năm 1956 đến 1975 và tồn tại tới bây giờ.  Tập thơ Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng Còn Tôi Lơ Đãng Nhặt Hồn Cỏ Hoa có tất cả 122 bài (95 bài thơ chính thức và 17 bài…khác) có nội dung Buồn và Đẹp…áo não!  Ai mà “nòi tình”, đọc thơ Tôn Nữ Thu Dung chắc chắn thấy tác giả và mình là “đồng điệu”.
 

Độc giả, dĩ nhiên, có người cũng thắc mắc:  Tại sao Thơ Phải Buồn?  Thơ Dễ Thương Mà Đừng Buồn Có Được Không?  Bạn thắc mắc thì bạn hãy trả lời lấy cho bạn nhé!  Theo tôi, người nào làm thơ cũng có “hoàn cảnh” riêng của người ấy.  Tôi đọc trên FaceBook của Tôn Nữ Thu Dung, thấy “nàng” có bài này, xin mạn phép “người ta” đưa vào đây cho rộng-đường-dư-luận:

BẢN SAO TỘI NGHIỆP

Mười bảy tuổi, quyển sách đầu tay của tôi được tủ sách Tuổi Hoa xuất bản… Cả một thế giới nhỏ bé quanh tôi xôn xao, nhưng ba vẫn thản nhiên:

– Ba tưởng con thích làm một nhà thơ hơn chứ!
Tôi cũng tưởng thế, từ năm lớp tám, tôi đã có những bài thơ trẻ con đăng trên các báo, tôi trả lời:
– Con muốn khẳng định mình.
Hơi huênh hoang, nhưng ba chẳng nói gì… Tôi biết những việc tôi làm được là nhờ ba tôi… Tâm hồn thơ dại của tôi được nuôi dưỡng trong một môi trường đẹp, tôi có một tủ sách cổ quý giá của ông nội để đắm chìm vào đọc thay vì rong chơi cùng bè bạn, tôi có một vườn Quỳnh để thao thức nửa đêm ngắm từng nụ hoa run rẩy nở, đẹp đến trào nước mắt, tôi có một con đường Trúc Đào tuyệt vời trong khoảng sân để mỗi ngày cứ thơ thẩn “còn lối bâng khuâng ngõ Trúc Đào”… Những buổi ngâm thơ, bình thơ của ba vào những ngày trăng tỏ đã ru ấu thời tôi vào dòng cổ tích. Các thầy cô dạy văn đã rất ngạc nhiên vì một con bé non choẹt như tôi lại rành rẽ điển tích, điển cố như một nhà nho chân chính…
Ba tôi hiền lắm, tất cả mọi người tiếp xúc với ông đều yêu quý ông, nhưng ông lại rất nghiêm khắc với tôi, có lẽ hơn ai hết, ông biết tôi là một con nhóc bất trị, nhưng thật ra ngoài cái vẻ huênh hoang bất cần, trái tim tôi chỉ là một chiếc lá non run rẩy – như con ốc mượn vỏ che thân vậy mà – Làm bất cứ việc gì tôi cũng cố gắng hết sức để ba hài long và tôi sống không một chút nào bình an… Một người bạn lớn làm thơ ở phương xa có hẹn đến nhà, rồi khi tìm đến chỉ để bỏ vào thùng thư một tờ thư nhẹ hẫng: “Tôi đã đến nhà, nhà em kín cổng cao tường, hàng xóm nói em là con ông lớn… ” Đọc thư, tôi đã đau đớn biết bao!
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, Nha Trang của tôi lúc ấy là một thị xã yên bình nhất nước, nửa đêm cả xóm hốt hoảng vì tiếng xe cộ ầm ĩ, xôn xao… Khu vực Xóm Mới thuở ấy còn rộng rãi lắm, cuối đường nhà tôi là một rừng dương liễu có đường mòn đi ra biển… Những người dân Pleiku di tản xuống Nha Trang đã tìm đến ba tôi trong cơn hoảng loạn trước khi tìm đến chính quyền… Những năm trước đó, ba tôi đã nhận thêm một trách nhiệm khác nữa thuộc ngành giáo dục…
Khi ba tôi mất, tôi như một con diều đứt dây, bay lang thang cùng trời cuối đất mà không biết lúc nào rơi xuống… chỉ biết là cần phải bay cao bay xa… Tôi ra trường năm 1978, về dạy học ở một nơi tận cùng của tỉnh, ông Hiệu Trưởng trấn an:
– Cô yên tâm, ngày xưa ba cô nuôi tôi suốt mấy năm sư phạm.
Tôi không hề biết chuyện đó, mẹ tôi chỉ nói:
– Có mấy đứa sinh viên của ba ở quê ra, nghèo lắm, ba cho tiền ăn học… sau nghe nói lên rừng.
Và trong một dịp đến trại An Dưỡng nuôi người già và trẻ mồ côi Lạc Thiện, ông Giám Đốc đã nhận ra tôi không biết qua tên hay qua nét mặt.
– Ngày đó, tôi được lệnh ném một quả lựu đạn vào nhà ba cô nhưng tôi không thể, thay vào đó tôi chỉ quăng một cục sắt để cảnh cáo… Sau đó tôi bị điều qua nơi khác.
Chuyện này thì tôi biết, năm 1970, bên ngoài cục sắt là những lớp giấy báo và một lá thư… Đó cũng là lý do ba tôi muốn từ chức để bảo vệ sự an toàn cho cả gia đình, nhưng rất tiếc ba đã không làm được điều ấy để rồi  5 năm sau trả nợ cho đất nước bằng chính sinh mạng của mình.
Thuở nhỏ, tôi vừa đau khổ vừa hãnh diện vì ba, những mối tình thơ dại của tôi bị ánh mắt giễu cợt của ba đốt thành tro bụi và biến tôi thành một kẻ bạc tình bạc nghĩa. Rồi những bài thơ đăng ở Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Ngàn Thông, Mây Hồng, Áo Trắng… Những truyện ngắn đăng ở Sóng Thần, Thời Tập… Ban đầu vì đam mê, thích thú sau dần dần như một cái nghiệp phải trả hoài trả hũy.. Nhiều lúc tôi quá mệt mỏi vì những cố gắng của mình… Tôi chỉ muốn nằm dài ngày này qua ngày khác, nhưng tôi biết ba kỳ vọng vào tôi những hoài bão lớn.  Khi ông đọc bài phỏng vấn tôi trên một tờ báo trẻ, tôi đã trả lời rất thành thật vào lúc đó, ước mơ của tuổi mười bảy dễ thương: “Em muốn khi ra trường sẽ được làm tùy viên báo chí của tổng thống.” Thật sự không ai biết tôi mơ ước những gì, vì khi quá mệt mỏi, tôi vẫn thường tự nhủ: tôi chỉ thích làm thơ và đi chơi  lang thang !!! Tôi muôn đời chỉ là một bản sao tồi tệ .
Thế rồi khi ba mất, tôi buông thả hết, tôi có làm gì bậy bạ cũng chẳng sợ ai, tôi đi xóa mù trên núi, tôi học Cao Đẳng Sư Phạm, tôi ra trường đi dạy xa lơ xa lắc, bỏ dạy, lấy chồng, viết diễn văn thuê, mở nhà hàng nổi tiếng có tên trong các sách giới thiệu du lịch của Thái Lan, viết lách lăng nhăng rẻ tiền theo đơn đặt hàng không dám ký cả tên mình… Nhiều lúc trái tim loạn nhịp than van, vì đâu nên nỗi ???
Cách giáo dục của ba tôi đúng hay sai tôi không biết vì 5 người khác trong gia đình đều thành công mỹ mãn, trừ tôi ra, lơ ngơ láo ngáo: “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”…

Nhưng tôi không sợ, tôi chưa bao giờ biết thế nào là sợ hãi… vì quanh tôi lúc nào cũng có những thiên thần.


TÔN- NỮ THU- DUNG (THANKSGIVING’S DAY TO MY DAD)
*

Còn non một tuần lễ nữa là ngày Lễ Tạ Ơn của nước Mỹ, Tôn Nữ Thu Dung có món quà gửi dâng Ba, tôi đọc và cảm động lắm.  Tôi biết Ba của Tôn Nữ Thu Dung là một nhân-vật-quan-trọng của tỉnh Khánh Hòa (ngày xưa).  Ông như mọi người, đau đớn giống nhau, khi tỉnh Khánh Hòa và Thị Xã Nha Trang đổi đời một cách “dị hợm”, 29 – 3 – 1975.  Mọi việc gần như đâu-là-đó, chỉ có chộn rộn là Lính Dù tự dưng bỏ Khánh Dương ùa vào Thành Phố, cộng thêm Lính Thủy Quân Lục Chiến từ Huế cũng “trào” về rồi chạy tiếp vào Cam Ranh, Phan Rang… Sau bước chân của hai binh chủng rắn-mất-đầu là anh-em-ta hiện diện ngay và trương ngay lá cờ của họ.  Không một mình Ba của Tôn Nữ Thu Dung “thúc thủ” mà tất cả các thành phần Dân Sự, Cán Bộ và quân trường đều “bó tay”, sau đó thì “trút áo” lẫn vào dân chúng hay về nhà mình khép cổng (không khóa vì khóa sẽ bị phá, nghĩ vậy).

Ông Nguyễn Du “tại thế” cách năm 1975 gần 200 năm về trước, đã buột miệng câu nào cũng đúng:  “Bó tay về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra chi?” và rồi không lâu:  “Hoa trôi nước lặng đã yên, hay đâu địa ngục giữa miền trần gian!”. Gia đình của Tôn Nữ Thu Dung như mọi gia đình có người liên hệ với chế độ “cũ” đều bị coi là Cũ!  Họ phải “đổi mới”.  Họ phải “Cải Tạo Bản Thân”!  Ba của Tôn Nữ Thu Dung tay xách “tư trang đủ dùng 1 tháng” lên đường…thời gian hun hút.  “May” cho Ông! Ông mất khi chưa được trao bằng Tiến Sĩ Lao Động Tay Chơn!  Lúc đó tôi vừa “chuyển” tới trại A 30 Phú Khánh, gặp anh em “tù chính trị” Nha Trang cùng lao động, nhiều người nói qua hai hàng nước mắt:  “Ông Phó Tỉnh Trưởng Tỉnh Em Mất Trong Trại Ngoài Bắc Rồi!”.  Tôi từng có thời ở Nha Trang khá lâu, tôi từng thấy cô bé nhà ai đó di chuyển bằng xe cyclo riêng, năm 1979 và về sau năm đó…Phú Khanh là tên tỉnh mới của Phú Yên và Khánh Hòa (có cả Cam Ranh) hợp lại, vẫn còn đó trong cảnh hoa trôi nước lặng!  Quê Hương, Tổ Quốc đâu nữa mà gào?  Một chút mồ hôi của Ba, của Má cũng nhòe nhoẹt trong nhang khói hay là trong nắng gió hết rồi.  Cô Tôn Nữ đi học, ráng đi học cho xong cái Cử Nhân và đi lao động, nằm gai nếm mật, “sòng phẳng, chẳng ngán cái mẹ gì!”.  Nhưng sau đó phải âm thầm nói với hai đầu gối:  “Một là Con Nuôi Má, Hai là Con Nuôi Cá, Ba là…Má Nuôi Con!”. Ngàn câu thơ, vạn câu thơ…chỉ là một câu này!  Cảm ơn Trời Phật cho Tôn Nữ Thu Dung còn sống để làm Thơ!
Cái gì mà Tôn Nữ Thu Dung nhặt được có thể là Hồn Cỏ Hoa, Hồn Sông Núi…cũng có thể là Hồn Bướm Mơ Tiên vậy.

 
Tôi đọc tập thơ mới nhất của Tôn Nữ Thu Dung xuất bản trong năm 2022, Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng Còn Tôi Lơ Đãng Nhặt Hồn Cỏ Hoa, trong “tâm thế” đó!  
Tôi đa tạ Tôn Nữ Thu Dung gửi tặng tôi tác phẩm mới nhất của O.  Tôi viết bài này…hơi lâu vì phải mất ba ngày để tôi nhớ lại anh em của tôi ở trại A 30 Phú Khánh. đã nói gì với tôi, đồng thời cũng để nhớ con sông Đà Rằng mùa mưa hay mùa hạn luôn luôn tràn trề nước mắt!
Trần Vấn Lệ

https://phailentieng.blogspot.com/2022/11/con-chim-nhat-hat-ngo-ong-tran-van-le.html?fbclid=IwAR3Uk09l2ZayUwfc8WRIGMVCnEPaY9DlS_HmrkRb5rFz0sghWVZPk9HgFS4