Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 tại Yên Bái, Việt Nam, được Chúa gọi về nhà Cha Trên Trời ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại Costa Mesa, California, Hoa Kỳ. Giáo sư ra đi nhẹ nhàng, bình an, bên cạnh những người thân yêu trong gia đình, và được nghe Thánh Ca do ca đoàn Giáo Xứ La Vang hát.
Lớn lên trong thời chiến, trước khi trở thành nhà giáo, nhà khoa học, ông Nguyễn Xuân Vinh đã là một quân nhân. Ông thuộc lớp thanh niên sinh viên đầu tiên được gọi nhập ngũ vào năm 1951 theo lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại và tốt nghiệp trường sĩ quan trừ bị Nam Định vào giữa năm 1952 với cấp bậc chuẩn úy.
Cuối năm đó, ông xin chuyển sang ngành Không quân và thi đỗ vào trường Sĩ quan Không quân Pháp ở Salon de Provence. Đầu năm 1954 ông tốt nghiệp bằng phi công hai động cơ và bay phi cụ, được thăng cấp thiếu úy. Sau đó ông phục vụ tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông ghi danh học và thi đậu bằng Cử nhân toán ở Đại học Aix-Marseille.
Năm 1955, ông Vinh trở về nước và được thăng cấp trung úy, phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Không Quân. Từ đó đến năm 1962, ông đã trải qua nhiều vị trí quản lý, tham mưu phó rồi tham mưu trưởng Quân chủng Không Quân, lên đến chức Tư Lệnh Không Quân đầu năm 1958 với cấp bậc đại tá. Lúc ấy ông Vinh 28 tuổi. Ông là vị tư lệnh Không Quân trẻ tuổi nhất, vị tiền nhiệm là đại tá Trần Văn Hổ. Vị kế nhiệm là trung tá Huỳnh Hữu Hiền.
Sự nghiệp khoa học của giáo sư Vinh bắt đầu vào năm 1962, khi ông du học Hoa Kỳ. Sau 3 năm, ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học không gian tại Đại học Colorado, đánh dấu việc ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền, do Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ, NASA, tài trợ.
Tên của ông, Nguyễn Xuân Vinh, được trang trọng tôn vinh tại phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA, nằm trong Trung tâm điều khiển bay của cơ quan này, đặt ở Houston, bang Texas, Hoa Kỳ: “Giáo sư – tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh – “Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về Trái đất.”
Ông Nguyễn Xuân Vinh là giáo sư, tiến sĩ, Viện sĩ hàn lâm chuyên ngành Kỹ thuật Không gian. Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về Khoa học Không gian tại Đại học Colorado. Ba năm sau, ông trở thành giảng sư Đại học Michigan.
Từ đó ông đã giảng dạy tại nhiều đại học lớn ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Hoa, Đài Loan và Úc. Năm 1999, lúc 69 tuổi, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nghỉ hưu, được Hội đồng Quản trị Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Ông Vinh là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace). Đến năm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Là quân nhân, giáo sư, khoa học gia, viện sĩ hàn lâm ngành kỹ thuật không gian, ông Nguyễn Xuân Vinh cũng là một nhà văn. Văn phong của ông trong sáng mà không kém vẻ lãng mạn. Tác phẩm đầu tay “Đời Phi Công” của ông ban đầu được đăng từng kỳ trên nhật báo Tự Do, sau đó nhà xuất bản Tố Như in thành sách năm 1959. Sau đó, “Đời Phi Công” đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Tác phẩm này đã được tái bản rất nhiều lần và đã làm say mê không biết bao nhiêu độc giả. Những tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Nguyễn Xuân Vinh là Theo Ánh Tinh Cầu, Gương Danh Tướng, Mộng Viễn Phương, Tìm Nhau Từ Thuở, Vui Đời Toán Học, v.v…
Một giải khuyến học đã được mang tên “Giải Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh.” Hội Khuyến Học Saint Louis (có từ năm 1992) đổi thành “Hội Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh” từ năm 1999 cho đến hiện nay. Hội Khuyến Học cũng thay đổi thời điểm phát giải, thay vì tổ chức chung với Hội Tết Mừng Xuân của Cộng Đồng thì nay Hội Khuyến Học tự đứng ra tổ chức vào thượng tuần tháng 6 mỗi năm, còn được gọi là Ngày Hội Tuổi Trẻ. Sẽ có nhiều “Giải Thưởng” trong Ngày Hội Tuổi Trẻ như giải Toán, giải Văn (Việt & Mỹ), giải Phục vụ Cộng đồng, giải Ứng khẩu… Giải cao nhất mang tên “Giải Khuyến Học Truyền Thống Nguyễn Xuân Vinh” dành cho một học sinh lớp 12 hội đủ ba tiêu chuẩn là học giỏi, phụng sự xã hội và hướng về quê hương. Sở dĩ giải này được gọi là “Truyền Thống” là để nói lên tấm gương về tinh thần (hơn là nói lên thành tích) để lớp người sau có thể học hỏi: “Trong văn chương của Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, chúng ta thường nghe những tư tưởng trầm tĩnh để suy nghĩ, những hình ảnh lấy ý chí hào hùng để vượt qua những trở ngại, chứ hiếm khi nào, có thể nói là không bao giờ chúng ta nghe một tiếng kêu trầm thống bi thương đến như vậy. Mà có phải đó cũng là tâm trạng nát lòng của sĩ phu cả nước trong thời đại nầy? Dĩ nhiên tự tiếng kêu đó không phải là truyền thống Nguyễn Xuân Vinh nhưng chính là một tấm lòng luôn luôn hướng về dân tộc, mơ ước làm những gì vinh quang cho đất nước, là một đặc tính truyền thống Nguyễn Xuân Vinh mà tuổi trẻ trong cũng như ngoài nước cần quan tâm và suy nghĩ.”
Tháng Ba năm 2022, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được long trọng vinh danh trong một cuộc lễ tại Orange County, California, Hoa Kỳ. Lễ vinh danh này do Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California, Câu Lạc Bộ (CLB) Hùng Sử Việt và Hội Bưởi-Chu Văn An đồng tổ chức.
Trong những ngày cuối cùng Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nằm bệnh, rất nhiều tổ chức, đoàn thể, thân hữu, môn sinh và các cá nhân khác đã đến thăm viếng ông. Những lúc tỉnh táo, ông cười rất tươi và chuyện trò với những người thăm viếng.
Ngày 24 tháng Bảy, 2022, được tin giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tạ thế, tác giả Bùi Chí Vinh ở Việt Nam đã viết bài thơ MỘT NÉN NHANG CHO BÁC HỌC NGUYỄN XUÂN VINH như sau:
Người vẽ đường bay cho Apollo 11 cuối cùng đã mất
Người hướng đạo cho hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng đã từ trần
Người đàn ông vĩ đại chưa bao giờ xưng danh bác học
Đã qua đời trong tuổi 92 xuân
Là một nhà thông thái trong vỏ bọc Tư Lệnh Không Quân
Ông đã đưa miền Nam Việt Nam lên tầm cao quốc tế
Là nhà văn Toàn Phong với cuốn ĐỜI PHI CÔNG
Ông đã làm mềm lòng bao thế hệ
Làm sao không tự hào trước một người đàn ông như thế
Alfonso Nguyễn Xuân Vinh là giáo sư Emeritus của Đại học Michigan, Đại
học Paris lừng lẫy toàn cầu
Alfonso Nguyễn Xuân Vinh là đại diện của Hoa Kỳ tại Ủy Ban Khoa Học
Không Gian Liên Hiệp Quốc
Nòi giống Tiên Rồng làm rạng rỡ năm châu
Văn võ song toàn mà không cần đến gươm đao
Nhân nghĩa lễ trí tín vượt hàng rào biên giới
Một kẻ hậu sinh như tôi chỉ biết nghẹn ngào
Anh hùng tử, khí hùng không thay đổi
Đất nước 47 năm nay toàn tung hô ca ngợi
Nhưng kiếm không ra một nhân cách Việt điển hình
Nén nhang tôi thắp cho ông từ quê nhà tăm tối
Sáng bừng tên “bác học Nguyễn Xuân Vinh”
Về đời sống đức tin, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã băn khoăn rất nhiều về CHÂN LÝ CUỘC ĐỜI. Cuối cùng, ông đã tìm ra Chân Lý ấy chính là Thiên Chúa toàn năng. Trong bài thơ kính tiễn Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn Quyên Di viết:
Sống như Giáo sư, với người ta là tròn mộng ước
Khi đã từng là Tư lệnh Không Quân
Là Giáo sư những đại học lừng danh
Là tác giả phương trình vượt không gian vào vũ trụ
Là nhà văn với những tác phẩm vô cùng quyến rũ
Đời Phi Công làm đắm say bao hồn trẻ phiêu bồng
Nhà toán học đại tài làm rạng rỡ giống Tiên Rồng
Nhưng với Giáo sư, hình như chưa phải là đích điểm.
Có một điều gì Giáo sư khát khao tìm kiếm
Bên ngoài những phương trình, quỹ tích, đạo hàm
Bên ngoài phẩm hàm, bên ngoài chức tước cao sang
Điều tìm kiếm: đâu thật là CHÂN LÝ?
Chân Lý ấy không ở trong những lời hoa mỹ
Không ở trong một khối óc phi thường
Và bỗng một ngày Giáo sư biết: đó là chính TÌNH THƯƠNG
Của Đấng Trên Cao thương kiếp người YẾU ĐUỐI
“An-phong-sô, thôi hãy ngừng theo đuổi
những phù hoa, hãy đến cùng TA!”
Những năm tháng cuối đời, Giáo sư đã nhận ra
CHÂN LÝ ấy là ĐẤNG TOÀN NĂNG (Đại Ngã).
Quả vậy, vào lúc 3 giờ chiều thứ Tư, ngày 19 tháng 10 năm 2016 trước một số đông tín hữu Công Giáo và thân hữu của gia đình bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, đã dự lễ Thánh tẩy giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tại nhà thờ Saint Bonaventure, thành phố Huntington Beach, Hoa Kỳ. Đức cố Giám Mục Đa Minh Mai Thanh Lương cùng một số linh mục, tu sĩ đã cử hành nghi thức Thánh Tẩy, Thêm Sức và ban phép Mình Thánh Chúa cho giáo sư Nguyễn Xuân Vinh để ông trở thành tín hữu Công Giáo. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã nhận thánh An-phong-sô làm vị thánh bổn mạng. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ và phu nhân, nhạc sĩ Lê Tín Hương đã đỡ đầu giáo sư Nguyễn Xuân Vinh trong nghi thức gia nhập Giáo hội Công giáo.
Giáo Sư Vinh cám ơn những vị đang hiện diện trong thánh đường đã đến nhà hướng dẫn, tặng kinh sách cho ông, và cám ơn đặc biệt Đức Cha Mai Thanh Lương đã cử hành nghi thức ban phép Thánh Tẩy cho ông được trở thành con cái Chúa. Cuối lời tâm tình, giáo sư Vinh nói, “Giờ đây, tiếp tục con đường đã chọn, là một chiến sĩ phục vụ cho Tổ Quốc và Không Gian, và cũng có thêm đức tin, con sẽ dành trọn cuộc đời còn lại để vinh danh Thiên Chúa.”
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nghỉ an trong Chúa vào lúc 2 giờ 39 phút, thứ Bảy, 23 tháng 7 năm 2022. Bà Phiến Đan (tức Elizabeth Xuân Vinh), hiền thê của giáo sư Vinh, cho biết: “Giáo sư ra đi nhẹ nhàng, bình an, bên cạnh những người thân yêu trong gia đình, và được nghe Thánh Ca do ca đoàn Giáo Xứ La Vang hát.”
Nhà văn Quyên Di diễn tả giây phút ấy trong bài “Kính Tiễn Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh” như sau:
“Giáo sư Vinh bây giờ khép mắt
Hành trình cuối cùng đã xong, Giáo sư tròn giấc
Bên ngoài vườn một tiếng chim hót lẻ loi.
Nhưng phút cuối cùng Giáo sư không thấy đơn côi
Khi bên cạnh có những người thân yêu nhất
Tiếng thánh ca vang lên lẫn trong tiếng nấc
Xin gửi An-phong-sô Nguyễn Xuân Vinh vào vòng tay Đấng Chí Ái Chí Nhân.”
Chúng ta tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một người Việt Nam kiệt xuất.
Chúng ta nguyện xin Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, sớm đón nhận linh hồn Alphonso Nguyễn Xuân Vinh vào hưởng Nhan Thánh Chúa trong Nước Hằng Sống.
Tham khảo và trích đoạn từ:
Những bài viết của VOA, Không quân Võ Ý, Hiếu Chân (Sài Gòn Nhỏ,) Việt Hải (Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật), Thanh Phong (Nhật báo Viễn Đông,) Wikipedia, Bùi Chí Vinh, Quyên Di, VongNgayXanh.