CHUYẾN XE BUÝT VÀ KHÚC HÁT NGƯỜI LÍNH MÙ (Nguyễn Mạnh Trinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễnh chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi…”

 

Chuyến xe buýt và khúc hát người lính mù 
Nguyễn Mạnh Trinh – Cát Bụi trình bày 
Chuyến xe buýt và khúc hát người lính mù
Nguyễn Mạnh Trinh

Sài gòn, năm 1980. Lúc đó, cuộc “cách“ cái ”mạng” ngày 30 tháng tư đã năm năm. Nhưng xem ra không khí chiến tranh vẫn còn bao phủ. Đời sống càng ngày càng đi vào bế tắc. Hè đường đầy những người đi kinh tề mới trở về hoặc vượt biên mất nhà sinh sống. Họ trở thành những người không nhà không hộ khẩu sống lây lất trong một thành phố đầy đe dọa. Những trại giam đầy áp người tù, tù chính trị và tù hình sự. Đêm đêm là thời gian của kiểm tra hộ khẩu, của bắt người, của đe dọa chập chờn ngoài cánh cửa. Với người dân thường còn như vậy. Huống chi những người tù bị gọi là “cải tạo” trở về. Đời sống lại càng bị đe dọa hơn biết bao nhiều. Tôi cũng bị ảnh hưởng trong thời thế ấy. Sống bất hợp pháp trong nhà của mình và trong đầu óc lúc nào cũng chờ đợi một chuyến vượt biển ra đi. Cột đèn mà cũng muốn xuất ngoại, huống chi…

Lúc ấy, phương tiện giao thông đi lại hầu như chỉ có xe buýt ở trong thành phố và xe đò đi xa ngoài thành phố. Ở bến xe, sinh hoạt thật nhộn nhịp. Như ở Xa Cảng Miền Tây lúc nào cũng đầy người mà số đông là những người chờ đợi một chuyến xe. Có người phải ngủ đêm chầu chực nhiều ngày. Nhưng nếu có tiền mua vé chợ đen, thì được đi ngay. Bao nhiêu con buôn đi hàng ngày mà còn chở theo hàng hóa cồng kềnh mà đâu có chờ đợi gì đâu. Còn xe buýt, thì là chỗ hỗn tạp. Đi xe luôn phải coi chừng, ăn cắp móc túi như ranh. Chỉ một loáng thôi, dù đã giữ gìn nhưng bị mất mát ngay một cách nhãn tiền. Thời mạt pháp, ai có thân thì giữ…

Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Những bản nhạc đã vinh danh những anh hùng như “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc“ hoặc ”Người Ở Lại Charlie”. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt. Đi lần qua những hàng ghế, cũng có những người cho tiền, mặc dù họ không phải là những người khá giả trong xã hội này. Và nếu có một vài chú bộ đội phê bình nào là nhạc phản động, nào là nhạc vàng bị cấm thì họ lại bào chữa bảo vệ ”Người ta tàn tật đi kiếm ăn mà còn làm khó!”…

Trong không khí đe dọa, họ vẫn cất tiếng hát. Hình như, họ đang chiến đấu với tiếng hát của mình. Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…Hay : Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Hay Anh Quốc ơi từ nay trong gió ra khơi từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi. Ơi những tiếng hát nhắc lại một thời binh lửa mà những người bây giờ đang hát đã hiến dâng cho đất nước những phần thân thể của mình. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình xúc động quá. Những người lính thời trước chịu bao nhiêu điều thua thiệt mà bây giờ vẫn còn cất tiếng hát bất chấp đe dọa bất chấp công an để vẳng lên tâm sự của mình. Và qua từng chuyến xe này qua chuyến xe khác, họ vẫn hát dù có khi bị bò vàng bắt hoặc đánh chửi. Những lời hát vẫn cất lên, mặc kệ bạo lực mặc kệ ngục tù.

http://batkhuat.net/images/bl-khu1.jpg

Có một bài thơ, đã được viết từ cảm xúc đó. Bài thơ ”Chuyến xe bus và khúc hát người lính mù”

Trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi
Ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng
Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến
Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
Đắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
Chuyến xe vang lời ca nào năm cũ
Nhắc chặng đường binh lửa lúc xa xưa
Khói mịt mù đường chiến tranh bụi phủ
Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa
Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
Thưở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
Dấu giầy buồn còn vết giữa sình lầy
Ôi tiếng hát nhớ những người gục ngã
Ngồi chuyến xe sao vang vọng nỗi niềm
Âm thanh cao xoáy tròn tim gỗ đá
Thúc hồn người theo nhịp thở chưa quên
Ôi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
Cho máu xương không uổng phí ngày mai
Có sương khói trong mắt đời cầu nguyện
Để lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ
Đây tàn hơi còn sót lại một đời
Đây ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
Vẳng không gian chợt héo một nụ cười
Ta nghe rực cuối hồn trăm bó đuốc
Một đời hoài tìm kiếm ánh đèn soi…”

Bài thơ đó tôi viết ở Sài Gòn năm 1980. Bây giờ năm 2010, như vậy đã ba chục năm. Tôi đã rời thành phố thân yêu và cũng đã định cư ở Hoa Kỳ 30 năm. Hôm nay ngồi đọc tin về Đại Nhạc Hội tổ chức ở ngoài trời “Cám Ơn Anh” để gây quỹ cứu giúp thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại ở quê nhà bỗng dưngsinh ra nhiều hồi tưởng. Bài thơ dắt tôi trở về những ngày tháng năm năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được đất nước đã thẳng tay dã man đuổi tất cả thương bệnh binh trong quân y viện ra ngoài bất kể tình trạng nguy hiểm hay không. Nạn nhân nặng nề nhất ngay lập tức chịu ảnh hưởng thua trận chính là những người thương binh. Biết bao nhiêu là thảm cảnh xảy ra. Không hiểu họ đã xoay sở thế nào để sống còn trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát ấy.

Chính Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, trước khi quyết định tự sát đã đến thăm thương binh ở quân y viện Cần Thơ lần cuối vì ông biết số phận đáng thương của những người lính này. Trước khi tử tiết, ông đã đến từng giường bệnh để an ủi những người lính đang điều trị tại đây. Ông đã não lòng khi trả lời một câu nói của người lính đang nằm viện : ”Thiếu Tướng đừng bỏ chúng em !”. “Không, Thiếu Tướng không bỏ đâu”. Phải, mặc dù đã đến lúc cờ tàn, ông không còn giúp đỡ gì được những anh hùng nhưng là nạn nhân của cuộc chiến nhưng tấm lòng nhân hậu của ông đã là gương sáng cho đời sau.

Gần đây tôi có đọc một lá thư của một người lính bị tàn phế gửi cho một người bạn từ Việt Nam. Bức thư có nhiều đoạn làm tôi suy nghĩ:

“… Các anh ạ! Bây giờ thì buồn quá! Các anh – những sĩ quan QLVNCH, những người anh của chúng tôi, những Đại Bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường… các anh đã có một thời quang vinh và một thời nhục nhã, giờ đây sau 30 năm vẫn lặng lẽ, các anh cũng nhòa đi hình ảnh của ngày xưa?

Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc quyền của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng quên những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ. Xin cảm ơn các anh về những đồng đô la mà các anh gửi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên nỗi nhục nhã mất nước! Chúng tôi cần ở các anh những chuyện khác, các anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không? Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân lệnh những Đại Bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc. Họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gửi vào tận chốn tù đày thăm các anh. Họ đã từng uống với các anh chung rượu ân tình ngày đưa các anh lên phi cơ về vùng đất mới. Họ từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng ngày về vinh quang của QLVNCH.

Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễnh chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi…”

Đọc lá thư ấy, lòng tôi như chùng xuống. Mỗi một người đếu có hoàn cảnh cũng như cách chọn lựa riêng nhưng tôi không ngờ rằng trong sâu thẳm của những người lính cũ còn có những nỗi niềm như thế. Sự phân cách quá sâu đậm, những con sông chia cách vẫn chưa thể lấp bằng được. Ngẫm suy lại, từ một khía cạnh nhìn ngắm khác nhau, đã có những khác biệt cho từng hành động…

Tới bây giờ, với những người ở hải ngoại đã không quên các anh, những thương phế binh VNCH. Dù có một số ít vô ý thức trở về nước vui chơi trên nỗi nhọc nhằn của dân tộc nhưng phần đông đều hiểu và tri ân những người lính đã mang xương máu và thân thễ hiến dâng cho đất nước. Ở đại nhạc hôi “Cám Ơn Anh”, hàng chục ngàn khán gỉa đi xem không phải chỉ là đơn thuần mua vui mà là biểu lộ tinh thần biết ơn đối với người lính VNCH. Dù số tiền thu được lên tới cả triệu đô-la nhưng cũng không đủ cho nhu cầu của hàng chục ngàn người lính tàn phế cần giúp đỡ. Nhưng của ít tình nhiều, điều đó mới là đáng quý. Cũng như, với sự tham dự của cả hơn một trăm ca nhạc nghệ sỹ, cùng với cả trăm người thiện nguyện bỏ công sức và cả tiền của cá nhân, thì đó phải hiểu là một thành quả to lớn ở hải ngoại của những người dân luôn luôn tương trợ giúp đỡ nhau. Cám ơn anh! Những thương phế binh đã hiến dâng đời mình cho đất nước…

Nguyễn Mạnh Trinh

https://phailentieng.blogspot.com/2016/02/chuyen-xe-buyt-va-khuc-hat-nguoi-linh.html?fbclid=IwAR1QnnSwDgHZxOLeAWmexaC8ZHugxQEfphYbg0RrafI8did5H1Ej4GY7enk