CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA THỦ TƯỚNG ĐỨC ĐẾN WASHINGTON RA SAO ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thủ tướng Merkel và TT Biden họp báo tại Washington DC ngày 15/07

lethanhnhan@vietquoc.org

Ngày 15/07, nữ thủ tướng Đức bà Angela Merkel chuẩn bị hết nhiệm kỳ sau 16 năm làm Thủ Tướng, bà cố gắng đi thăm chính thức nước Mỹ lần thứ 19, có thể là chuyến viếng thăm cuối cùng của bà trên cương vị Thủ Tướng. Đây cũng là chuyến viếng thăm ngoại giao quan trọng nhất trong kỳ đại dịch virus Vũ Hán chưa chấm dứt.
Bà Thủ Tướng Merkel đi để vớt vát lại uy tín của bà bị sứt mẻ do chính sách “American First” của cựu Tổng thống Donald Trump. Đồng thời bà cũng muốn làm viên gạch lót đường cho Thủ Tướng Đức kế nhiệm liên hệ ngoại giao với siêu cường Mỹ. Biết đâu, bà cũng muốn để lại một di sản hầu ghi vào cuốn hồi ký chính trị của bà sau này?

“Như cá được nước”, phía Hoa Kỳ, những nhân vật chủ chốt định hình chính sách ngoại giao dưới thời TT Biden như Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan và Bộ Trưởng Ngoại Giao Anthony Blinken cũng chủ trương tạo một liên minh với EU để chống Trung Cộng và Nga mà bấy lâu nay ông Blinken làm con thoi, hai lần ông công du châu Âu trong vòng 6 tháng từ ngày nhậm chức đến nay. Nội các TT Biden vui mừng tiếp đón (hospitable welcome) bà Merkel đến thăm nước Mỹ.

Tại sao chính quyền Biden lại chọn Đức là nước đầu tiên của EU thăm Washington?

Châu Âu có ba nước lớn, Anh, Pháp, Đức. Với Anh và Pháp Mỹ đã thấy rõ lập trường chống Trung Cộng và Nga, riêng nước Đức thì “lững lơ con cá vàng”, không có thái độ ngoại giao dứt khoát. Lại nữa trong thời tổng thống Trump, sự rạn nứt giữa Berlin-Washington khá trầm trọng. Với chủ trương tạo thế liên minh với khối châu Âu (EU), ông Biden cần hàn gắn những bất đồng giữa Berlin và Washington để khỏa lấp những trở ngại liên minh với khối EU. Ông Biden muốn chứng tỏ rằng Đức là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu nên vị khách mời đầu tiên phải là thủ tướng đương thời nước Đức, bà Angela Merkel.
Với cách đón tiếp trang trọng nhất của Tòa Bạch Ốc, nội trong một ngày Phó Tổng Thống Kamala Harris đón chào bà Merkel mời ăn sáng, hai ông bà Tổng Thống Biden đón chào mời ăn tối. Chưa có một khách quốc tế nào đến thăm Tòa Bạch Ốc mà được tiếp đón trang trọng như vậy. Hơn thế nữa, trước khi Thủ Tướng Merkel đến Washington, TT Biden đã thể hiện những hành động để tỏ thiện chí với nước Đức:

– Thay vì rút 12,000 quân Mỹ đồn trú tại Đức như Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời TT Trump Mark Esper tuyên bố năm ngoái, nay TT Biden làm ngược lại, không rút quân mà còn tuyên bố sẽ tăng cường quân Mỹ đồn trú tại Đức trong những ngày tới.
– Không đề cập số tiền quốc phòng 2% GDP mà các thành viên khối NATO phải đóng góp. Trước đây TT Trump thường nhắc nhở bà Merkel đóng không đủ chỉ số trên.
– Tái tham gia Hội Nghị Paris về Biến Đổi Khí Hậu mà nước Đức rất quan tâm.
– Về tính biểu tượng, ngoại trưởng Mỹ Blinken đã tuyên bố tại Berlin trong tháng Sáu vừa rồi xem Đức là “một người bạn của Mỹ không ai có thể sánh được”.

Những cử chỉ thân thiện nói trên chỉ là để trang trí cho những gai góc của vấn đề: Mỹ muốn Đức là đồng minh đứng phía Mỹ trong việc chống Trung Cộng và Nga. Có hai gai góc mà Mỹ phải vượt qua, một với Trung Cộng và một với Nga mà Đức đang đi nước đôi làm cho liên minh của Mỹ với EU chưa thật sự bền vững.

Thứ nhất: Đức có sự giao thương gắn bó với Trung Cộng càng ngày càng tăng, đặc biệt là trong 5 năm lại đây. Năm 2020 dù đại dịch virus Vũ Hán, kinh tế thế giới đình trệ mà giao thương giữa Trung Cộng-Đức lên đến 258 tỉ USD – trong khi với Mỹ chỉ có 170 tỉ USD. Trong đó, Đức xuất khẩu hàng hóa đến Trung Cộng 110 tỷ USD (1). Như vậy quyền lợi thương mại của Đức đối với Trung Cộng là lớn nhất hiện nay. Đức xem Trung Cộng là thị trường béo bở cho sự phát triển kinh tế nước Đức. Đó là lý do Đức không muốn phải chọn phe giữa Washington và Bắc Kinh.

Hàng xuất cảng từ nước Đức đến Trung Cộng năm 2020 là 110 tỉ USD

Thứ hai: Nước Đức hùn vốn với Nga xây một đường ống dẫn khí đốt có tên Nord Stream 2, dài 1222 km từ Vyborg ở vịnh Portovaya của Nga chạy dưới đáy biển Baltic đến thành phố Greifswald miền đông-bắc nước Đức. Đường ống dẫn khí đốt này chạy qua những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển (Sweden) và Đan Mạch (Denmark). Các chuyên viên tình báo quân sự cho rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đe dọa nền an ninh của Thụy Điển, một thành viên của khối NATO, vì ống dẫn khí đốt đó tạo nên sự hiện diện của hải quân Nga trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Hơn thế nữa, những dây cáp của đường ống dẫn khí đốt này có thể sử dụng vào công việc thu tập tin tức tình báo.
Về chính trị, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 có thể là độc quyền cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu. Sự độc quyền này sẽ loại dần những nguồn cung cấp khí đốt khác từ Ukraine, Slovakia, Cộng hòa Séc, Belarus và Ba Lan… Có thể, một ngày nào đó nguồn khí đốt độc quyền này trở thành vũ khí chính trị buộc các nước châu Âu phải tuân theo những yêu sách của Nga.
Thêm nữa, nếu Nord Stream 2 hoạt động thì các nước châu Âu đủ khí đốt nên Hoa Kỳ khó chen chân vào thị trường châu Âu để bán khí đốt hóa lỏng.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2

Vấn đề đặt ra là chuyến công du của Thủ Tướng Angela Merkel  đến Mỹ có giải quyết được hai gai góc nói trên không? 

Một hàng tít lớn lớn chạy trên trang nhà của đài RFI: “Biden và Merkel đoàn kết chống Nga và Trung Cộng”, và ở một bài báo khác có đề tài: “Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Tuyên bố sát cánh trước ‘sự gây hấn’ từ Nga, cùng xem Trung Quốc là đối thủ”.

Sự thật có phải như vậy không?

Đọc những hàng tít ấy, chúng ta có cảm tưởng rằng Tòa Bạch Ốc đã thuyết phục Thủ Tướng nước Đức Angela Merkel từ bỏ “giao thương” với Trung Cộng và chấm dứt dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga để liên minh với Mỹ chống Trung Cộng và Nga.

Sự thật, ngoài những bữa tiệc tiếp đón long trọng, những hanh động tỏ thiện chí của TT Biden, những lời khen tặng nhau trong buổi họp báo… mặt ngoài xem là đẹp, vui vẻ, thân thiện… Còn cốt lõi của vấn đề là giao thương với Trung Cộng và ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga chẳng có gì vui cả, nếu không muốn nói là “vẫn như cũ”.

Dĩ nhiên cả hai vấn đề mấu chốt đầy gai góc này đã được đưa ra thảo luận tại Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc trong ngày 15 tháng 7. Trong bí mật không biết có hứa hẹn gì không? Nhưng theo tường thuật của các cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế tại hiện trường thì cả hai vấn đề vẫn chưa sáng tỏ.

Với Nga:

Theo CNN tường thuật và có thu hình thì TT Biden nói về việc ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga: Trong khi tôi nhắc lại mối quan ngại của mình về Nord Stream 2, Thủ tướng Merkel và tôi hoàn toàn thống nhất với niềm tin rằng Nga không được phép sử dụng năng lượng làm vũ khí để ép buộc hoặc đe dọa các nước láng giềng – Dĩ nhiên, chuyện này khỏi cần nói ai cũng biết, khi Nga ký hợp đồng với Đức để xây ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, trên văn bản thì ống dẫn khí đốt này chỉ làm nhiệm vụ duy nhất chuyển nhiên liệu khí đốt mà thôi, không lẽ Nga lại viết thêm trong hợp đồng của ống dẫn khí đốt đó có ẩn ý dùng vào việc an ninh tình báo quân sự. Do đó, bà Angela Markel hôm nay chỉ lập lại vấn đề trong hợp đồng đã ký giữa Đức với Nga thì chẳng có gì mới lạ. Và rồi ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vẫn tiếp tục hoạt động như thường…

Trong buổi họp báo giữa hai nguyên thủ quốc gia Đức-Mỹ, ông Biden cũng tuyên bố: Quan điểm của tôi về Nord Stream 2 đã được biết đến từ lâu. Những người bạn tốt [Đức] có thể không đồng ý. Đến khi tôi trở thành tổng thống, nó đã hoàn thành 90% và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt dường như không có ý nghĩa gì. – Điểm này, ông Biden cho là mọi chuyện đã quá trễ vì 90% đã xây xong rồi, dù ông biết Nga không dùng ống dẫn khí đó một cách thuần túy kinh tế, nhưng giờ đã quá muộn, đành chịu thôi.

Với Trung Cộng: 

Bà Thủ Tướng Angela Merkel trong cuộc gặp song phương tại Tòa Bạch Ốc, bà nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo chung với TT Biden: Chúng tôi đã có thảo luận về Trung Cộng và có nhiều hiểu biết chung về Trung Cộng trong nhiều lĩnh vực, họ là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”. [thật ra bà biết Trung Cộng hơn ông Biden mới phải, vì bà đã từng sống với Cộng Sản Đông Đức quá lâu]

Bà nói thêm, cả hai nhà lãnh đạo đã nói về nhiều mặt hợp tác và cạnh tranh với Trung Cộng, rõ ràng, có rất nhiều thách thức ở phía trước trong lĩnh vực kinh tế, bảo vệ khí hậu, quân sự và an ninh.

Quan điểm bà Merkel về thương mại đối với Trung Cộng là: “cần dựa trên một sân chơi bình đẳng để tất cả chúng ta theo cùng một luật lệ và có cùng tiêu chuẩn. Đó cũng là động lực thúc đẩy thỏa thuận giữa EU và Trung Cộng về thương mại mà họ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của ILO (International Labour Organization)”

Như thế, giao thương giữa Đức và Trung Cộng vẫn tiếp tục, không có gì thay đổi. Đức sẽ dựa trên tiêu chuẩn thương mại của ILO để đưa Trung Cộng vào con đường “làm ăn lương thiện!”. Điều này nghe rất quen như những lời tuyên bố của các thành viên WTO (World Trade Organization) trước báo giới quốc tế khi bỏ phiếu thuận cho Trung Cộng gia nhập tổ chức WTO vào năm 2001. Bây giờ xem Trung Cộng hành xử với WTO ra sao thì các quốc gia trên thế giới đều biết rất rõ!

Như vậy 2 vấn đề cốt lõi về sự liên hệ giữa Đức-Nga và Trung Cộng thì nước Đức vẫn tiếp tục hợp tác giao thương kinh tế với Trung Cộng và Nga với những hứa hẹn Đức sẽ làm việc với hai nước này tốt hơn. Putin và Tập Cận Bình là vua nói dối. Họ ra đời, lớn lên, học tập và huấn luyện trong lò Cộng Sản mà bà Markel từng cho là “Chủ nghĩa cộng sản đã tạo nên những con người dối trá!”. Không lẽ giờ đây bà để sự dối trá lên ngôi ở nước Đức!

Reuters dẫn lời tổng thống Biden trong cuộc họp báo chung, rằng Hoa Kỳ và Đức đoàn kết nhằm bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự tấn công của Nga. Hai nước cũng đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ và các quyền phổ cập, một khi thấy Trung Cộng hay nước nào khác muốn phá hoại một xã hội tự do, cởi mở. Đây là những lời tuyên bố chung chung để đóng hồ sơ một chuyến công du ngoại giao của lãnh đạo các cường quốc dân chủ tây phương. Dù gì đi nữa, thì “có còn hơn không!”.

TT Biden và bà Angela Merkel gặp nhau tại Hội nghị G7 ở Anh tháng 6/2021

Ngoài những đón tiếp long trọng mà ông Biden dành cho bà Merkel để làm dịu những căng thẳng giữa Berlin và Washington trước đây và tránh tối đa sự khơi dậy những bất đồng (dù còn nhiều tồn tại). Hai vấn đề then chốt mà Mỹ muốn Đức chấm dứt ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga và cắt đứt giao thương với Trung Cộng không có gì tiến triển.

Ngày 17 tháng 7 năm 2021
Lê Thành Nhân


(1) https://tradingeconomics.com/germany/exports/china