CHUYỆN NGƯỜI TÙ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Được sự cho phép của Tác Giả là phu nhân của K2TLVP Ngô Xứng, tôi post lại bài viết rất sâu sắc, dí dỏm, thắm đượm nghĩa tình này để tặng quý Tù Hữu K2 trại Tân  Lập tỉnh vĩnh Phú. K2 có 3 ông Ngô: Ngô Sắn, Ngô Ta và Ngô Tây (Ngô Xứng, Ngô Ta, Ngô Khuây). Ông Ngô Sắn đang định cư tại Hoa Kỳ, còn 2 Ông Ngô kia không biết ở đâu. Ai có tin tức gì về 2 vị này, làm ơn cho biết, rất mong tin. Riêng Ngô Xứng, một con người đặc biệt, lúc nào thân thể cũng có một mùi thơm khủng khiếp toát ra, mỗi ngày và mọi ngày (kể cả Chủ Nhật, ngày lễ, ngày tết…)(một vị khác tương tự là Th.C). NX có một giọng ca rất truyền cảm, độc đáo, nổi tiếng với bài “Xuân này con không về” đã làm bao nhiêu bạn tù phải rơi lệ mỗi đêm 30 tết hàng năm. Thế mà đã gần nửa thế kỷ, anh em chúng ta, một số đã ra đi sớm, tất cả số còn lại đều đã có tên trong danh sách chờ (waiting list). Chờ về miền miên viễn. Chờ về cõi vĩnh hằng. Nhớ chờ nhau, ta lại sẽ có dịp họp mặt. NTT.
 
CHUYỆN NGƯỜI TÙ
– Có ai ở tù, lấy tù, mà còn đi ” khoe”? 
– Có chứ, đám lão niên đang ngồi nói chuyện rôm rả nơi phòng khách nhà bà Tâm kìa. Toàn dân HO. 
Không ai có thể tưởng tượng, 46 năm trước, chỉ một tháng sau ngày mất nước 30/4/75 tất cả sĩ quan của Quân Đội VNCH phải khăn gói “chui vô rọ”! 
Bị kẹt trong nước lâu quá, nên những chữ mới vc đã nhiễm vô đầu. Bà Tâm bị mấy ông phản đối om sòm: 
– Tù chứ không có học tập cải tạo gì hết. Rồi mấy ông phân bua, làm sao kẻ gian lại “cải tạo” người lương thiện. Học tập gì? Toàn dốt đặc cán mai, chữ quốc ngữ mà đọc chữ tác thành chữ tộ. Tên Khuỷu thì nói thừa chữ u, làm cho ông Khuỷu phải la lên chói lói (nếu không viết sai bét). Còn ông Nguyễn văn Ngoay thật khổ, mỗi khi gọi điểm danh, viết thành Nguay, dù ông có dẫn chứng 2 chữ cùng âm là loay hoay (phải là chữ O). Chưa kể 2 mẫu tự L và N, đa số nộn qua nộn nại, tùm num tà na: có một anh cán ngố đến bảo cô bán thuốc lá:
– Cô bán cho tôi gói thuốc ná.
– Dạ, ông mua thuốc nào?
– Cô lày hay nhỉ, tôi mua thuốc ná chứ đâu có mua thuốc nào!
– Dạ, tôi biết ông mua thuốc lá, nhưng tôi muốn hỏi “ông mua thuốc lá hiệu nào”?
– Thế hả, “ba con lăm” !!!
Học với tập cái gì mà toàn bộ “giáo viên” chưa qua hết tiểu học, trong khi “học viên” tối thiểu cũng Tú Tài, Đại Học với cả Chuyên Viên, Kỹ Sư, Bác Sĩ bằng cấp (nội địa, ngoại quốc) đầy mình. Trước 1975, miền Nam có “Y Tá chích thuốc theo toa Bác Sĩ”, còn trong tù thì ngược lại “Bác Sĩ chích thuốc theo lệnh Y Tá” (!!!). Một anh Y Sĩ trại, tốt nghiệp khóa 3 tháng Y Tá, , thời gian sau thăng cấp Y Sĩ, ra lệnh cho Bác Sĩ “Ngụy”:
– Anh tiêm cho anh ấy một ống “Thích thì nhích nên”.
– Thuốc ấy là thuốc gì vậy” Tôi chưa bao giờ nghe đến.
– Dốt đến thế à? Cái hộp của nó đây.
– Trời hỡi trời. Bệnh này mà lại bảo tiêm Strychnine ?!?!
Lần khác, Y Sĩ bảo Bác Sĩ :
– Anh xuống trại xem trong anh em trại viên, anh nào còn dấu được thì xin cho tôi vài viên “Tê Cha Sít Cờ Nin” (Tetracycline)
Ngay cả tên trại trưởng, vừa học lóm được chữ nào bèn đem ra xài liền, không cần hiểu chữ đó nghĩa gì. Mồng một tết 1978, trại trưởng K2 trịnh trọng chúc tết mọi người, mở đầu với câu: trước thềm nục địa lăm mới…. sau đó “nhắc nhở” toàn trại: các anh nà đội viên thì phải có bổn phận phải “phù hộ” cho đội trưởng nàm việc!
Vì sống với nhau quá lâu trong tình thân thiết đồng đội nên ai cũng được đặt một biệt danh vui vui. Anh Tô Vinh phải chăn 2 con trâu, nên mọi người đổi thành Tô Vũ chăn dê. Anh bảo rằng 2 con trâu phải đi theo đám tù, để chở tre, nứa, gỗ… bị bắt làm nhiều quá, nên khi thấy vũng nước là chúng lao xuống nằm ì, đến khi nghe tiếng kẻng tập họp về nghỉ mới tiếp tục đi. Đâu phải chỉ có con người mới biết câu “sáng tai họ điếc tai cày”. 
Tôi chưa đọc cuốn ” Đại Học Máu”, viết về những khổ cực của những sĩ quan VNCH trong suốt thời kỳ bị giam giữ. Nhưng các ông ngồi kia là những người trong cuộc, những nhân chứng sống với bao nhiêu câu chuyện nghe vừa hài hước, vừa cay đắng, xót xa. Anh Vinh bắt được 1 con chuột nhắt, anh ngắt cái đuôi rồi thả ra. Chỉ 2 tuần sau anh bạn nằm chung sạp bị bệnh được nghỉ làm việc. Hôm đó con chuột lại bò ra, anh chụp rồi đem nướng bằng đèn cầy. Đến tối anh khẽ bảo anh Vinh: 
– Hôm nay tao có chút thịt nên thấy khoẻ hơn. Rồi anh khoe bắt được con chuột cũng kha khá, mà sao chuột ở đây, nó không có đuôi mày ạ! 
Một chút gì nghèn nghẹn trong cuống họng, anh Vinh thừa biết con chuột tại sao không có đuôi. 
Ông Tâm thì kể lại những lần ” tự tu”, tức là bị nhốt trong cũi sắt, vì dám nói cán bộ “lói ngọng”, “10 ngày thành 10 lăm”. Trước khi bị nhốt thì phải làm tờ “kiểm điểm” và phải đứng đọc lớn trước toàn trại. Bản “kiểm điểm” nào cũng phải mở đầu bằng khẩu hiệu “Cộng Hòa XHCN Việt Nam , Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”. Đến lúc đó mà Ông Tâm còn láu cá, đọc thật nhanh ” Cộng Gòa, Xả Hội, Chử Nghĩa VN, Đập Dập Tự Do Hạnh Phúc” với một cái nhếch mép. Khi bị cùm chỉ được cho ăn & uống rất ít, vô cùng ít. Không phải đơn thuần vì bị  phạt, cũng để họ khỏi mất công tháo cùm cho đi “ngoài”(tiểu, đại tiện). Không vô thì khỏi ra. Nhưng các ông chỉ nói ngắn gọn: ít ăn thì ít ị. 
Tự tu là tiếng họ bảo: tự tu chỉnh lại, hay tự suy nghĩ mà tu thân. Nhưng không có cái gì, không một ai cần phải tu thân cả! 
Đi tù, tức là mất quyền công dân. Khi trở về phải có chủ nhà cho phép vô ở, chứ không phải muốn ở đâu cũng được. Bởi vì mỗi tháng phải cầm tờ khai “tạm trú tạm vắng” lên công an phường, giấy này cần có chữ ký của chủ nhà. Đồng thời kèm theo bản tường trình (báo cáo) làm gì, đi đâu trong suốt 30 ngày qua. Mấy ông bị “xé cờ”, tức là vợ bỏ, lấy cán bộ. Khi trở về bơ vơ, không nơi trú ngụ, trong số đó có vài vị trong nhóm bạn ông Tâm. Thật thấm thía tình đời thời ly loạn, thời đổi đời vì mất nước thì nhà tan !
Coi như khi trở về cũng chưa yên thân, chủ nhà có thể từ chối ký giấy tạm trú mỗi tháng (= đuổi) . Rồi phải “làm tốt học tốt”, thì sau 6 tháng hay 1 năm, cả tổ dân phố họp lại, có anh công an khu vực chủ tọa, hỏi bà con trong xóm: anh này có tiến bộ tốt hay không mới trả quyền công dân. Tội nghiệp cho mấy ông, cá nằm trên thớt, cá vô “rọ” (tù), giờ ra khỏi rọ, lại nằm lên thớt! 
Bây giờ mấy ông tù, chỉ cần có 2 tờ giấy quan trọng: 
– Giấy xuất trại. 
– Giấy trả quyền công dân. 
Có quyền công dân mới được cấp “chứng minh nhân dân”, như vậy cán bộ khỏi cần giấy này? Ông Tâm hỏi lại, khi cầm được cái “bùa Lỗ Ban”? 
Bà Tâm thiệt bực mình, chỉ vì cái tật hay “móc họng”, mà ông Tâm đã có biệt danh “Tâm cứt”. Bị phạt (mấy tháng) phải gánh phân người ra chỗ trồng rau. Cảm giác kinh hoàng gánh phân vẫn còn ám ảnh ông cho đến ngày nay. Gánh phân & bị nhốt biệt giam (cũi sắt) là chuyện thường xuyên, đến nỗi khi thăm nuôi cán bộ đã nhắc bà Tâm, nên khuyên nhủ ông Tâm bớt bướng bỉnh, chống đối để về. Vậy mà khi đi làm căn cước (chứng minh nhân dân) là tờ giấy quan trọng nhất, ông vẫn ” trả treo” với họ. Ông tỉnh bơ hỏi : Có được tờ “Chứng Minh Nhăng Dăng” (nhăn răng) này rồi thì tôi thỏa mái đi tới đi nui đó dây, không cằng phải bá cáo bá đạo gì nữa, đúng không cáng bộ? Bà giận dỗi, bảo ông chả thương vợ thương con gì cả, ráng nhịn nhục cho yên thân. Nhưng ông vẫn “chứng nào tật nấy”, đôi co với họ chẳng lợi gì, bởi vì mình là người thất thế. Sau khi có giấy chứng minh nhân dân, ông Tâm la cà theo bạn bè ra chợ trời. Nhận thấy các bạn hàng từ tỉnh lẻ thường lên Saigon mua thuốc Tây. Ông bắt chước về lại quê cũ Ban mê Thuột, theo chân các bà xem sao. Vì có chút ít ngoại ngữ nên mấy ông tù buôn bán thuốc Tây cũng không đến nỗi khó khăn. Đọc rồi giải thích cách dùng cho các bà, chả hiểu sao họ gọi ông là thầy Tư, dù ông là “độc đinh”. 
Mấy cô đỡ hương thôn & y tá vườn ở tuốt trong vùng sâu vùng xa chữa bệnh theo thói quen, theo kinh nghiệm truyền khẩu. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài thứ thuốc cảm, ho, trụ sinh, kháng viêm, kháng sưng, ngừa thai… Nhưng chỉ nghe họ nói (không có mặt hàng), mà đoán, tìm ra được cũng là một kỳ công . 
– Anh có ” đề bô” không? 
– Nó ra làm sao? 
– Có 2 loại chích hay uống. 
– Chữa gì? 
– Tránh dính bầu. 
Độc thân từ khi đi lính, rồi đi tù, làm sao biết được thuốc của mấy bà. Ông Tâm đành chạy về Saigon, kiếm bạn bè, tìm quân sư. Cuối cùng tìm ra thuốc ngừa thai: Depo Provera. 
Vất vả vì phải xa nhà, cơm đường cháo chợ, nhưng ông cũng để dư được chút đỉnh nhờ may mắn. Tình cờ ông quen một người, có chị làm y tá trong bệnh viện bên Pháp. Bệnh nhân khi ra về (hay chết) vẫn còn những hộp thuốc xài giở (nhà thương bỏ). Bà gom hết đóng thùng gởi về cho em. Tâm lý người mình chuộng thuốc ngoại, nên các loại thuốc của ông Tâm (thuốc chìm) được các bác sĩ (vườn)  mua hết. Ngoài ra ông còn mua thuốc nổi, tức là thuốc bán tự do (over the counter) không cần toa BS. 
Thời đó mua vé xe đò rất khó khăn, có giấy giới thiệu thì ưu tiên, còn không xếp hàng mệt xỉu. Tuy vậy có người móc nối, ông Tâm ngồi nhờ mấy xe “be” chở gỗ, tài xế thường là bộ đội phục viên nên cũng ít bị hạch hỏi lôi thôi. Có nhiều khi xe hư trong rừng sâu mấy ngày, không người qua lại, suýt chết đói, vì không còn thức ăn và nước uống. Xe đò hay xe tải dù chạy đường dài, khi bị hư, toàn do tài xế loay hoay lần mò sửa. Ngày xưa cuộc sống thật bấp bênh rủi ro, hễ có xe là chạy, cũng chẳng có thanh Cha, thanh Mẹ (inspection) gì hết. Nếu xe bị pan nằm đường thì sửa, thậm chí bánh xe dự trữ (sơ cua) cũng chẳng có. Nhiều xe quá cũ, chạy “cà xịch cà đụi” như con bò già kéo xe ì à ì ạch. Nhiều khi tài xế có người quen đi nhờ, ông Tâm phải ngồi trên đống gỗ, phơi mình cho mưa nắng. Biết làm sao ? Ra khỏi trại tù với 2 bàn tay trắng, rất ít người may mắn có sự giúp đỡ về tiền bạc, do thân nhân định cư ở hải ngoại gởi về. Bởi vậy họ phải làm bất kỳ chuyện gì để sinh nhai, dẫu gian nan vất vả còn hơn ở trong cảnh tù đày. Thỉnh thoảng vớ được giấy giới thiệu, ông Tâm cũng mua vé xe đò từ Saigon lên Ban mê Thuột. Xe chạy 1 ngày 1 đêm, qua bao nhiêu tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí, Cam Ranh, Nha Trang, BMT. Có một “tai nạn” làm ông nhớ đời, vốn thích ăn chua, lúc ghé Nha Trang, ông Tâm gặp món khoái khẩu, ních cho một bụng xoài chua. Muốn tới bến xe đò ở BMT, xe phải đi qua mấy cái đèo: Dốc Cao, Phụng Hoàng, M´rack… Khi xe bắt đầu gần vô thị trấn BMT, ông Tâm thấy quặn bụng, ráng nhịn,chắc cũng sắp tới. Nhưng bụng càng lúc càng đau, vì ngồi cuối xe, ông rỉ tai nhờ người nhắn anh lơ xe đứng ở phía cửa xe đàng trước, xin xe ngừng, để giải quyết ” nỗi lòng”, kẻo không nó “xì” ra, là cả xe nghẹt thở. Khốn nỗi chuyện “bí mật”( rỉ tai) mà tới cái miệng anh lơ xe, biến thành loa phóng thanh, anh ta nhìn ông Tâm, la lên: – Đang đổ đèo, làm sao ngừng? Thôi ông lên đây. Ông Tâm líu ríu nghe lời, lách qua lách lại mấy hàng ghế. Lên tới nơi, anh lơ bảo: – Ông xề cái mông ra ngoài. Nói xong anh lách vô trong 1 chút, để cho ông Tâm đứng vào chỗ của anh. Trời đất ơi! Chỉ một cái “rọt”,là cái bụng ông Tâm nhẹ tênh. Anh lơ xe còn chọc quê: – Sao “cha” hay dzậy? ( í nói chỉ tiện, không tè). Tội nghiệp ông Tâm, mặt đỏ như trái gấc. Ai dè phía sát cửa sổ của hàng ghế đầu, ông Tâm chợt nhận ra “cố nhân”. Đó là cô bạn thời trung học, người mà ông đã thầm yêu trộm nhớ suốt cả tuổi học trò. Hình như người ấy cũng nhận ra ông, nên làm bộ tránh mặt nhìn ra ngoài cửa sổ xe. 
– Sao đất không nứt ra cho tôi chui xuống! Thiệt là oái oăm. Ông Tâm than thầm, nên khi xuống xe, xách túi đi luôn, không dám hỏi lại người xưa, giờ ở đâu? 
Năm 1988, quốc tế sau khi biết các sĩ quan VNCH bị ngược đãi, đã áp lực VN phải đóng cửa các trại tù, trả tự do cho tất cả (tuy vậy vẫn còn một số ít ở tù tới 20 năm). Năm 1989 có chương trình HO, tuy nhiên lúc đó lệ phí nộp đơn khá cao, gia đình Ông Tâm không lo nổi. Cả năm sau, lệ phí giảm xuống gia đình ông mới có hồ sơ ra đi. Số thứ tự do phía VN cấp, về sau bên Mỹ biết, những người khó khăn vì nộp đơn trễ, có số thứ tự khá lớn (trên 30). Để công bằng, Mỹ quyết định mỗi tháng có 70% hồ sơ gọi theo số của VN, 30% còn lại, cho những người ở tù trên 8 năm. Nhờ vậy ông Tâm (9 năm tù) được đi sớm 12 tháng. 
Nước Mỹ thật nhân đạo, nhờ chương trình HO, biết bao gia đình tù được hồi sinh. Được mượn tiền vé máy bay cho cả nhà, khám sức khoẻ miễn phí. Khi định cư cho hưởng mọi trợ cấp xã hội thời gian đầu, đủ cho ông Tâm thành thợ sửa xe. Hiệu Trưởng trường nghề nơi ông Tâm theo học là một cựu chiến binh VN, nên hết lòng nâng đỡ ông già ốm yếu tuổi đời đã cao (52), nhưng lại là người siêng năng chăm chỉ nhất. Học xong nếu tự đi xin việc, chắc khó hòng, nên chính ông HT đã giới thiệu ông Tâm cho một dealer. Bây giờ sống trong không khí tự do, thì dẫu có bò lê bò càng dưới gầm xe, mặt mày lem luốc, “đầu dính nhớt, đít lớp mỡ bò” ông Tâm vẫn mỉm cười. Nơi đây ông đã được “phục hồi nhân phẩm”, không phải cúi đầu thưa dạ. Không ai nạt nộ đập bàn quát tháo, mỗi đêm ông có thể ngủ thẳng giấc, không lo tiếng gõ cửa, rồi bị đưa đi mất biệt. Đây là xứ TỰ DO. 
Một bữa nọ có một anh chàng Mỹ râu tóc xồm xoàm, tài xế xuyên bang, tình cờ ghé sửa xe, chính chàng ta đã nhận ra ông: Mr Tran, Buôn Mê Thuốt. Anh chàng GI năm xưa đóng quân ở phi trường Phụng Dực (BMT). Quả là cuộc gặp gỡ bất ngờ, tha hương ngộ cố tri. Không ngờ gặp lại người xưa cũ. 
Hồi nào giờ, mọi người làm chung chế nhạo ông Tâm, vì buổi trưa ông thường ăn mì gói: you ăn noodles hoài, hèn chi ông giống y chan cọng bún, trong khi mấy anh chàng to như King Kông ăn những cây subway dài bằng cánh tay, nhưng dẫu như cọng mì ông vẫn sử dụng cái xe truck to kềnh càng. Mỗi khi tính tiền, thư ký phải hỏi thợ đã sửa cái gì? Một lần nọ, khi gọi ông Tâm lên văn phòng, anh tài xế trợn tròn mắt: “Are you the mechanic?”. Anh ta không thể tưởng tượng, thợ sửa xe là một ông già ốm nhom, cân nặng cỡ 120lbs, mà mấy người làm chung nói: 2 cặp giò của tao cũng đủ 120 lbs rồi. 
Hôm nay gặp lại Kevin, anh chàng Mỹ râu rìa rậm rạp, kể cho mọi người nghe ngày xưa ông Tâm cũng thuộc loại “dữ dằn” lắm, chứ không phải là ông già ốm yếu vậy đâu, “trâu điên” hay “cọp điên” gì đó. Cũng ba gai ba trợn, phóng xe jeep ào ào. 
46 năm trôi qua, những người lính năm xưa vẫn mãi mãi nhận mình là “TÙ”, những người tù chính trị. Họ đã hy sinh rất nhiều cho quê hương yêu dấu. Nhưng khi im tiếng súng, ở nơi quê nhà vẫn còn nhiều hệ lụy. 
Tự do ơi tự do, Tôi trả bằng nước mắt. 
Tự do hỡi tự do, Anh trao bằng máu xương… 
Vì hai chữ TỰ DO Ta sống đời lưu vong. 
Nghĩ đắt giá vô cùng chữ TỰ DO !!! 
Nói như thi sĩ Thanh Nam:
Một năm người có mười hai tháng, 
Ta trọn năm dài một tháng Tư. 
 
Lại thị Mơ