CHUYỆN MỘT NGƯỜI THỢ MỘC (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people

Ngày thứ hai mươi hai:
Cuối một tuần cần lao, tôi thường đi chợ mua chút gì đó ngon ngon để nấu bữa tối và uống một chút. Tôi hay tạt ngang chỗ cửa hàng thực phẩm Việt của một chị đồng hương mà tôi quen biết qua việc làm web cho cửa hàng của chị, phần vì thuận đường về, phần khác vì chị bán cho tôi giá rất đồng hương. Nghe báo lại, sau khi web chạy xong, thì số khách lạ cũng tăng thêm, vui vẻ đôi đường, cảm giác làm việc gì có hiệu quả khiến cho lòng dạ rất thư thái.
Nghe kể lúc mới mở tiệm, chị đi gặp hai cô chú kia gốc người tị nạn sống ở tỉnh Thần Nại Xuyên, để xin bỏ mối lại các món hàng của cô chú đó. Tức thì, dù chẳng quen biết chi, chú kia nói: “Để chú nói với cô chỉ con chỗ mua tận gốc, chớ mua lại của cô chú thì con bán đâu có lời nữa!”. Không cần hỏi, cũng nghe ra giọng miền Tây; hỏi rồi mới biết đúng người cùng xứ sở. Lúc đầu nghe chuyện đó, tôi thấy xúc động. Người quê lưu lạc tha phương, thân khách trú mà lòng còn mênh mông như ông chủ vườn trái cây bốn bề không rào giậu ở nơi nền nhà cũ.
Những người chăm chỉ lao động, xứng đáng được có thành quả, nhưng tình nguyện bớt lại một chút, để lại cho đời, lấy đó làm niềm vui chứ chẳng nghĩ là ân nghĩa chi. Tôi chợt nhớ về những lần nhà nội ngoại tôi hái xoài hái nhãn, lúc nào cũng chừa lại trên cây vài trái chứ không bẻ sạch trơn. Hỏi tại sao thì chẳng ai giải thích được, chỉ nói đó là ông bà xưa truyền lại vậy thì làm theo, dù những năm đói kém sau 75 cũng chẳng ai hái cho tiệt nọc trái trên cây. Có lẽ những cái đó lâu ngày nó định hình nên tính cách hào sảng và có hậu.
Lớn lên, tôi đọc trong Kinh Thánh, thấy sách xưa cũng có dạy người Do Thái không thu hoạch tận sạch mùa màng, mà chừa một chút cây trái, chừa một chút lúa trên đồng cho những người ngoại kiều và mẹ goá con côi có thể mót được mà sinh sống. Dường như sách thánh không gọi đó là sự bố thí, phân biệt rất rõ với chuyện cầm của ăn thức uống hay tiền bạc đưa cho người khác. Những người nông dân lao động và chừa lại một chút cây trái mùa màng ở quê nhà hay ở Do Thái cổ đại có gì đó giống nhau. Cảm giác những người hiền lành và hào sảng mà chẳng cần từ ngữ đao to búa lớn.
Có một sự thúc bách trong thâm tâm khiến tôi nghĩ rằng ông thánh Giuse ngoan đạo cũng hiền lành và hào sảng kiểu đó.
Tân Ước chỉ có mấy dòng về ông, mô tả ông là một người công chính và biết nghĩ cho người khác, khi thấy những dấu hiệu bất thường của vị hôn thê và biết là cô có mang, ông đã không làm ầm lên đòi công đạo cho mình hay cay cú tróc nã cho ra tác giả của cái bầu kia. Ông chỉ âm thầm lìa bỏ làng Nazareth ra đi không kèn không trống, muốn lìa bỏ vị hôn thê và để lại một câu hỏi cho đời, chịu một chút ấm ức cho mình, nhưng chừa lại hai mạng sống, vì nếu không thì luật sẽ xử tử người phụ nữ ngoại tình bằng cách lôi ra trước cả cộng đồng ném đá đến chết. Nguyên tắc đạo đức của người Do Thái cổ khác với thời bây giờ, họ coi việc diệt trừ những người làm chuyện trái luật mới là đạo đức cao nhất, không phải giữ sinh mạng cho kẻ mà họ loại trừ.
Sự âm thầm của Giuse rất hào sảng ở góc độ một người đàn ông; mà trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ, nó thực sự phi thường. Giuse khi đó đâu có biết rằng đó là thánh thai, là Ngôi Hai mượn bụng mà ra đời làm người, ông chỉ đơn giản là muốn chừa lại con đường sống cho hôn thê Maria và cả sinh linh bé bỏng kia, và do đó, Giuse gián tiếp chừa lại cho thế trần nguồn ơn Cứu Độ.
Đẹp thay! Việc chừa lại mùa màng trở nên đồng hình đồng dạng với một điều vĩ đại trong lịch sử.
Hôm nay lễ kính thánh Giuse, tôi chiêm ngắm cuộc đời ngài như nhìn chuyện đời một người bác người anh nào có thật ở quê mình. Ngài hiền dịu mà hào sảng, lòng dạ bao la nhưng kiệm lời, nghĩ cho người khác mà không cần vị kỷ.
Thánh nhân!
HẢI LÊ