CHỦ NGHĨA BẢO THỦ LIỆU CÓ THỂ CÒN TỒN TẠI Ở HOA KỲ?
Ông Bob Zeidman là người khai mở ngành điều tra nhu liệu và là nhà sáng lập của nhiều công ty công nghệ cao tại Thung lũng Silicon, bao gồm Zeidman Consulting và Software Analysis & Forensic Engineering. Ông là tác giả của các sách giáo khoa về kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, cũng như các kịch bản phim và tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới nhất của ông là tác phẩm châm biếm chính trị “Good Intentions”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của cá nhân ông.
***************
Tôi nhớ rất rõ buổi tối ngày 04/11/2008. Một số thành viên Đảng Cộng Hòa người Do Thái đã tập trung tại nhà của một cặp vợ chồng giàu có ở thành phố Menlo Park, tiểu bang California, để theo dõi kết quả bầu cử. Ngôi nhà này giống như một bảo tàng nghệ thuật với các phòng ngủ và những bức tranh lớn với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau được treo trên những bức tường dài, trắng mịn.
George W. Bush đã đối xử tử tế với Israel và người Do Thái, và chúng tôi hy vọng rằng di sản của ông sẽ được duy trì bởi người kế nhiệm được chọn, anh hùng chiến tranh John McCain, người cũng có tình yêu tương tự đối với đất nước Israel. Bush không phải là một người bảo thủ mạnh mẽ mà tôi mong muốn, và McCain có nhiều khuynh hướng từ ôn hòa sang cánh tả, nhưng ít nhất ông ta cũng có cùng tình cảm dành cho Israelnhư Bush.
Lựa chọn còn lại cho vị trí tổng thống là Barack Hussein Obama, một người mới với ít kinh nghiệm chính trị, hay đúng ra là ít kinh nghiệm thực tế. Ông ta có mối giao hảo bạn bè thân thiết với những người theo chủ nghĩa bài Do Thái như Jeremiah Wright, Louis Farrakhan, cùng với những người khác. Obama rất rõ ràng là một chính trị gia cánh tả, người sẽ lái đất nước này đi sai hướng, với chính sách đối nội và đối ngoại “cấp tiến”.
Khi Obama được tuyên bố là người thắng cử, một nhóm lớn tụ tập xung quanh chiếc bàn ăn rất lớn bằng gỗ và bắt đầu than thở, tranh luận, cũng như ầm ĩ lên kế hoạch cho các chiến lược của Đảng Cộng Hòa trong bốn năm tiếp theo. Tôi quyết định mình có thể đi nghỉ một đêm và lẻn vào một phòng ngủ phía sau. Ở đó tôi bắt gặp một nhà văn bảo thủ nổi tiếng cũng đã lẻn vào một chiếc ghế bành êm ái, nhìn chằm chằm vào màn ăn mừng chiến thắng của Obama trên TV. Chúng tôi quyết định nâng cốc cùng nhau để chúc mừng cho sự ngu ngốc của các cử tri Hoa Kỳ và cho bốn năm khốn khổ sắp tới, với hy vọng rằng nó sẽ trôi qua mau chóng.
Bốn năm sau, Obama đã khéo léo đưa chương trình y tế xã hội vào Hoa Kỳ, một kỳ công mà những tổng thống Dân Chủ tiền nhiệm đều không làm được. Ông ta đã đổ nhiều tiền thuế vào các ngân hàng lụn bại hơn bao giờ hết, bổ nhiệm hai thẩm phán theo chủ nghĩa tự do vào Tòa án Tối cao, và giành quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc Hội. Nền kinh tế thì có tốc độ tăng trưởng chậm chạp.
Ông ta đã rút quân đội Hoa Kỳ khỏi những nơi hỗn loạn trên thế giới, giúp cho phong trào khủng bố lớn nhất trong lịch sử, ISIS, phát triển mạnh mẽ. Và ông ta đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên công khai làm bẽ mặt thủ tướng Israel trong khi chào đón các nhà độc tài của Iran, chính quyền Palestine, Cuba, Ai Cập và Honduras. Ông ta cũng chỉ huy một Đảng Dân Chủ đã bêu xấu những thành viên Đảng Cộng Hòa, gán nhãn cho họ là “kẻ thù” và là những kẻ bài ngoại “ác liệt” và “bám víu vào súng ống và tôn giáo”. Giới truyền thông hầu hết phớt lờ hoặc bào chữa cho các chính sách của vị tổng thống này trong khi ca ngợi tính cách của ông ta.
Đảng Trà (Tea Party) đã cho tôi hy vọng. Mặc dù bị giới truyền thông dòng chính tấn công dữ dội, phong trào này đã thu hút khoảng 10% người dân Hoa Kỳ và đã trở thành lực lượng đứng sau cuộc bầu cử vào Quốc Hội của những người Cộng Hòa bảo thủ thực sự vào năm 2010. Có thể Hoa Kỳ đã nhận ra cái nhìn thiển cận của mình khi đi theo chủ nghĩa cấp tiến.
Năm 2012, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa, Mitt Romney, là một người đứng đắn, sùng đạo, có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh cũng như chính trị. Hệ tư tưởng của ông ta không phải là lý tưởng, đặc biệt là sự dao động của ông ta về vấn đề phá thai, nhưng nhìn chung thì ông ta giữ các giá trị bảo thủ tốt đẹp.
Nhiều thành viên ôn hòa của Đảng Dân Chủ thích Romney, và một số người nhìn thấy tình trạng lộn xộn mà Obama đã gây ra, đặc biệt là việc ông ta xa cách đối với Israel và tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố và độc tài, nếu không muốn nói thẳng ra là ủng hộ cho họ.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi Obama nhận được lượng phiếu bầu Đại Cử Tri cũng như lượng phiếu bầu phổ thông áp đảo vào năm 2012. Hy vọng duy nhất của tôi, lúc đó, là sau bốn năm điều hành của tập thể lãnh đạo cấp tiến, người dân Hoa Kỳ chắc chắn sẽ nhận ra những thất bại hoàn toàn của hệ tư tưởng cánh tả và cuối cùng sẽ ủng hộ vững chắc các giá trị bảo thủ.
Trở lại năm 1980, thắng lợi áp đảo của Ronald Reagan đã đưa những giá trị bảo thủ mạnh mẽ vào nhiệm kỳ tổng thống. Bất chấp các cuộc tấn công từ giới truyền thông dòng chính, giới học giả, những người nổi tiếng Hollywood và các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có, Reagan đã tái đắc cử trong chiến thắng lớn nhất từng thấy cho chức vụ tổng thống. Có vẻ như chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã trồng lại gốc rễ của mình trong hệ tư tưởng bảo thủ.
George H. W. Bush tiếp tục những lý tưởng bảo thủ của Reagan, nhưng cuộc suy thoái kinh tế vào cuối nhiệm kỳ của ông đã dẫn đến việc Bill Clinton đắc cử. Nhìn lại, Clintonrất giỏi trong việc thỏa hiệp chính trị. Lãnh đạo một quốc gia bảo thủ và với một Nghị viện do Đảng Cộng Hòa nắm giữ, Clinton thường lái các chính sách cánh tả của mình theo hướng trung hòa với mục tiêu hoàn thành công việc và tái đắc cử.
Sau khi Donald Trump đắc cử vào năm 2016, ban đầu tôi không chắc mình sẽ mong đợi điều gì. Trump đã vận động tranh cử dựa trên các chính sách không rõ ràng và những tuyên bố bừa bãi, mập mờ rằng sẽ “rút cạn đầm lầy” ở Hoa Thịnh Đốn. Cũng như nhiều người bạn bảo thủ khác, tôi đã cảnh giác với người đàn ông này, nhưng người thay thế là Hillary Clinton lại khiến chúng tôi sợ hãi. Vì vậy, chúng tôi buộc lòng phải bỏ phiếu cho Trump.
Thật ngạc nhiên, giấc mơ bảo thủ của chúng tôi đã thành hiện thực vào năm 2016. Trump, mặc dù luôn tự ái, thô lỗ, khích động, khoa trương, tự cao, và nhạy cảm, lại thực sự xây dựng các chính sách bảo thủ mà không có tổng thống nào trước đó làm được. Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền đã bị cắt giảm, mặc dù không bị lật ngược hoàn toàn. Ông đã bổ nhiệm một lượng lớn các thẩm phán tuân thủ văn bản luật pháp cho các tòa án, bao gồm ba thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Ông đã buộc các đồng minh của Hoa Kỳ phải trả tiền cho các dịch vụ bảo vệ của quân đội chúng ta trong NATO và các nơi khác. Ông đóng cửa biên giới và đòi hỏi rằng những người nhập cư được chào đón miễn là họ tuân theo luật pháp của đất nước chúng ta.
Ông đã gây áp lực buộc các nhà độc tài ở Iran và Bắc Hàn phải ngừng các hành động hiếu chiến và giảm bớt luận điệu chống Hoa Kỳ. Ông đã làm trung gian cho ba hiệp định hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập khi hầu hết các tổng thống chỉ khao khát suy nghĩ về một thỏa thuận hòa bình để giành cho họ giải Nobel (mặc dù Trump sẽ không bao giờ được trao giải Nobel). Ông đã đảo ngược chính sách “tình yêu cứng rắn” đối với Israel mà Obama đã xúc tiến, một chính sách đã làm suy yếu ảnh hưởng của Israel và khuyến khích các kẻ thù của họ. Ông đã giảm thuế. Thị trường chứng khoán tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục, đặc biệt là ở nhóm dân thiểu số, điều mà Obama đã hứa nhưng không bao giờ thực hiện được.
Rồi đại dịch xảy ra cùng với sự lãnh đạo yếu kém của Trump đối với cuộc khủng hoảng, và công chúng Hoa Kỳ quay lưng chống lại ông. Chúng ta vẫn đang kiểm đếm và đếm lại số phiếu bầu, nhưng ngay cả khi Trump xoay xở để tìm được gian lận và bằng cách nào đó thuyết phục các tòa án và các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ ở các thành phố lớn ném đi những phiếu bầu bất hợp pháp và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, thì sự chênh lệch sẽ rất nhỏ. Ít nhất một nửa dân số đã bỏ phiếu cho Joe Biden.
Biden đã cam kết sẽ xóa bỏ nhiều cải cách của Trump, bao gồm cả những cải cách về quyền công dân, thuế, và chính sách Trung Đông. Ông ta đang chịu áp lực phải bổ nhiệm các thành viên nội các cực tả như Elizabeth Warren và Bernie Sanders. Và cũng giống như lựa chọn phó tổng thống của mình, Biden đã nói rõ rằng màu da, lai lịch chủng tộc, sở thích tình dục, và nhận dạng giới tính là những yếu tố tiêu biểu cho nội các của ông ta hơn là kiến thức thực tế, kinh nghiệm, và kỹ năng. Ông ta cũng có kế hoạch thúc đẩy sự “đa dạng” này trong các đoàn thể Hoa Kỳ.
Điều đó có nghĩa là gì? Thật không may, điều đó có nghĩa là vẻ ngoài sẽ luôn đánh bại những điều thực chất. Điều đó có nghĩa là bất chấp cho sự ưa thích Reagan và sự phát triển của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của ông, bất chấp những thành tựu to lớn dưới thời Trump, bất chấp những giá trị nền tảng của đất nước chúng ta, người dân Hoa Kỳ vẫn bầu chọn người mà họ thích nhất. Nó có nghĩa là việc thúc đẩy các giá trị và chính sách bảo thủ có rất ít ảnh hưởng trừ khi chúng được thúc đẩy bởi một nhân vật mà công chúng Hoa Kỳ yêu thích.
Vào những năm 1980, đó là Ronald Reagan, một nhân vật Hollywood danh tiếng đã khiến mọi người cảm thấy hài lòng trở lại về Hoa Kỳ cũng như vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới. Năm 2016, chính Donald Trump cũng khiến mọi người cảm thấy hài lòng về chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ và hứa hẹn về một kiểu lãnh đạo mới, dũng cảm, người sẽ nói ra suy nghĩ của mình mà không bị kiểm duyệt. Nhưng trong cả hai trường hợp, hệ tư tưởng bảo thủ dường như chỉ là một vấn đề phụ, không có hoặc ít ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai? Thật không may, nó có nghĩa rằng xu hướng chính trị sẽ tiếp tục dịch chuyển qua lại giữa cánh tả và cánh hữu, tùy thuộc vào thông điệp của các nhà lãnh đạo chứ không phụ thuộc vào chính sách của họ. Và tôi sợ rằng mọi lần dịch chuyển sang cánh tả đều là một quả cầu hủy diệt; sau quá nhiều lần như vậy, nét đặc trưng và các giá trị của Hoa Kỳ có thể bị tổn hại vĩnh viễn.
(Bob Zeidman – nguồn The Epoch Times).