CHIẾN TRANH UKRAINE ĐÃ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC CỦA BẮC KINH NHƯ THẾ NÀO ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Chiến tranh Nga xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022 (ảnh: internet)

Ngay sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, bóng dáng Bắc Kinh đã lấp ló sau lưng Nga. Dù vậy, nhiều tuần sau khi quân đội Nga đã vượt biên giới xâm lăng Ukraine, các nhà ngoại giao Trung Cộng bối rối khi tuyên truyền và phát ngôn nhân của Trung Cộng cố gắng tìm ra lằn ranh của Tập Cận Bình về cuộc chiến Ukraine để nói cho khỏi vi phạm. Quan hệ bang giao “không có giới hạn” của Tập và Putin từng tuyên bố trong Đại Hội Thể Thao Thế Giới Olympic Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022 càng ngày càng làm cho thế giới tây phương chú ý và phát tán rộng rãi hơn.

Gần sáu tháng sau khi chiến tranh của Nga xâm lược Ukraine không thấy có hồi kết, Bắc Kinh dần dần đã định được chỗ đứng của mình. Đầu tiên Bắc Kinh nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ làm gia tăng chi tiêu quốc phòng tốn kém của khối NATO. Mặc dù Trung Cộng muốn Nga có chiến thắng rõ ràng, nhưng Bắc Kinh còn muốn chứng kiến Mỹ và đồng minh châu Âu trong khối NATO cạn kiệt sức lực viện trợ cho Ukraine để chiến đấu với quân Nga. Cùng lúc, phía Nga tạo cuộc chiến năng lượng làm giá xăng và khí đốt tăng cao, vật giá lạm phát gia tăng sẽ làm chùn bước sự cương quyết của Hoa Kỳ và các nước tây phương trong việc trừng phạt Nga. Bắc Kinh cũng nghĩ rằng chiến tranh Ukraine sẽ suy giảm sự đồng minh xuyên Đại Tây Dương [giữa Mỹ và châu Âu].

Mặc dù ở các nước dân chủ đang có dư luận về một Trung Cộng xấu đi nhiều, nhưng đối với các nước vùng Nam Bán Cầu, Bắc Kinh vẫn tiếp tục được hưởng ứng với những hỗ trợ [có thể bẫy nợ] xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở và những thông điệp ngoại giao của họ.

Phía Bắc Kinh cho rằng bất kể kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine như thế nào, thế giới nhìn Trung Cộng trở nên nguy hiểm hơn. Bắc Kinh nhận ra lằn ranh càng ngày càng đậm thêm giữa các nước dân chủ tây phương và các nước phi dân chủ trong đó gồm cả Trung Cộng và Nga. Trung Cộng rất lo sợ Mỹ tận dụng lằn ranh này để xây dựng các liên minh kinh tế, kỹ thuật công nghệ, hoặc an ninh quốc phòng để ngăn chặn Trung Cộng. Bắc Kinh còn tin rằng Washington và Đài Bắc [thủ đô Đài Loan] đang cố ý khuấy động sự căng thẳng trong khu vực đông Á bằng cách trói chặt việc Nga xâm lăng Ukraine với Trung Cộng xâm lăng Đài Loan. Sự tuyên truyền về “trói chặt” đó càng hiệu quả bao nhiêu thì nó sẽ gia tăng sự ủng hộ của thế giới đối với Đài Loan càng nhiều bấy nhiêu, như thế sẽ phá vỡ kế hoạch thống nhất Đài Loan mà Bắc Kinh ngày đêm đang mơ ước.

Bày chuyện lớn?

Tập Cân Bình Công Bố ”  Sáng Kiến ​An Ninh Toàn Cầu”  qua trực tuyến tháng 4/2022

Bắc Kinh đang có tham vọng định hướng lại trật tự thế giới ở một số lãnh vực kể từ khi có cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Cao điểm nhất là vào tháng 4/2022 một chiến lược trật tự thế giới mới, gọi là “Sáng Kiến ​An Ninh Toàn Cầu” (Global Security Initiative – viết tắt là GSI) được Tập Cận Bình công bố. Mặc dù đang ở giai đoạn đầu, GSI đã củng cố một số lãnh vực đang phát triển do Bắc Kinh cầm đầu.
Nhưng mục đích cốt lõi của Tập Cận Bình công bố GSI là để làm suy yếu niềm tin của thế giới vào chiến lược “Toàn Cầu Hóa” (Globalization) và “Trật Tự Mới Thế Giới” (New World Order) do Mỹ lãnh đạo ba thập niên qua kể từ sau Chiến Tranh Lạnh.
Đồng thời dựa vào đó Trung Cộng xem như là cái cớ để biện minh cho việc họ bôn ba tăng cường quan hệ ngoại giao rộng lớn của mình. GSI cũng cực lực phản bác những lập luận của thế giới cho rằng Trung Cộng được mô tả là một nước hiếu chiến và chủ nghĩa bá quyền.

Tập Cận Bình lần đầu tiên (4/2022) công bố GSI bằng bài diễn văn trực tuyến tại Boao Forum của châu Á. Thật sự mà nói, nội dung bài phát biểu của Tập Cận Bình về GSI không có gì xuất sắc. Nhưng mục đích của Tập Cận Bình khi công bố GSI là tìm cách tách rời các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ra khỏi an ninh toàn cầu do Mỹ lãnh đạo hiện nay. Còn các nước chưa phải đồng minh của Mỹ không nên tham gia các khối an ninh quân sự do Mỹ lãnh đạo. Với âm mưu đó, thì Tập Cận Bình phải đặt trên mặt bàn một chiến lược gì đó để cạnh tranh với Hoa Kỳ về trật tự quốc tế sẽ hướng đi như thế nào sau cuộc chiến ở Nga xâm lăng Ukraine? Mục đích khác của GSI, gửi một tín hiệu cho thế giới biết Trung Cộng là một lực lượng ổn định trong khi Hoa Kỳ ngày càng biến động và khó đoán.

Cũng quan trọng không kém, Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định mình là một nhà đổi mới và đi đầu trong lãnh đạo toàn cầu của thế kỷ XXI. Đầu tiên là GSI đã trở thành tiêu chuẩn để đưa vào các cuộc họp nhiều nước trên thế giới có các cam kết song phương và đa phương với Trung Cộng trên vùng Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang thúc đẩy bình thường hóa ngoại giao cho sáng kiến ​​GSI và đã đưa vào ngôn ngữ bản địa của quản trị toàn cầu.

Mặc dù GSI không thể đạt được nhiều sức hút đối với Tokyo, Canberra, Brussels, Toronto… và những nước dân chủ hùng mạnh bền vững, nhưng tiếng vang của nó dội tới ở Indonesia, Pakistan và Uruguay, những nơi bắt đầu bị nhiễm độc hại của Bắc Kinh và những nơi thể hiện không bằng lòng với Trật Tự Thế Giới Mới do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Bài phát biểu GSI hồi tháng 4/2022 của Tập Cận Bình cũng xác nhận rằng sự liên kết chiến lược giữa Trung Cộng và Nga vẫn tiếp tục, bất chấp cuộc chiến của Putin xâm lăng Ukraine kết cục như thế nào. Đặc biệt, trong bài nói chuyện, Tập Cận Bình đã đề cập đến “an ninh không thể chia cắt”, đó là một “cụm từ đặc trưng” phát xuất từ đầu những năm 1970 tại các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Tây phương gọi là Tiến Trình Helsinki. Thế mà nước Nga dưới thời Putin, “an ninh không thể chia cắt” đã trở thành vũ khí tuyên truyền của Kremlin cho rằng sự mở rộng của NATO trực tiếp đe dọa đến an ninh của Nga.

Các giới chức cao cấp của Trung Cộng đã từng tuyên bố rằng Bắc Kinh nhận thấy sự liên hệ trực tiếp ngày càng mở rộng của liên minh NATO ở châu Âu và các đối tác an ninh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương càng ngày càng gắn chặt. Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng, Le Yucheng, từng phát biểu vào tháng 5/2022 rằng: “Trong một thời gian khá dài, Mỹ đã liên tục phô trương sức mạnh của mình trước cửa của Trung Cộng, thành lập các nhóm độc quyền chống lại Trung Cộng và thổi phồng câu chuyện Đài Loan để kiểm soát biên giới của Trung Cộng”. Yucheng tiếp tục: “Nếu đây không phải là phiên bản NATO châu Á – Thái Bình Dương thì đó là gì?” Mối liên hệ giữa an ninh của Nga với Trung Cộng cũng là một phần trọng tâm của tuyên bố chung do Tập và Putin đưa ra vào ngày 4/02/2022 tại Bắc Kinh.

Tạo đồng minh thân cận và gần gũi hơn về phía Bắc Kinh

Tham vọng của Trung Cộng tái định hướng thế giới sau xâm lược của Nga đối với Ukraine, Trung Cộng cũng đang nhanh chóng tăng cường quan hệ thân thiện với các nước không thuộc phe dân chủ tây phương. Trong đó hầu hết các nước ở “Nam Bán Cầu”. Trung Cộng từ lâu đã tìm cách tăng cường quan hệ với nước ngoài, nhưng giờ đây họ nhận ra rằng một số quốc gia, chẳng hạn như các nền dân chủ tây phương, sẽ không bao giờ đứng về phía độc tài khi buộc phải lựa chọn. Khi nhắc đến Ukraine, Yucheng đã than thở rằng “một số nước lớn hứa suông với các nước nhỏ, biến các nước nhỏ thành con tốt của họ và thậm chí xử dụng chúng để chống lại các cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. Bắc Kinh không muốn phải đối diện với số phận tương tự nếu họ thấy mình trong cuộc xung đột chống lại Đài Loan hoặc bất kỳ nước láng giềng nào của họ. Một học giả về Trung Cộng Yuan Zheng đã giải thích, Bắc Kinh tin tưởng rằng “một cuộc chiến tranh ủy nhiệm là điều mà một số cá nhân và nhóm diều hâu ở Mỹ đang mong đợi sẽ xảy ra ở khu vực lân cận của Trung Cộng”. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Cộng tin tưởng về hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng, họ nhận ra rằng Trung Cộng vẫn phải phụ thuộc vào hàng hóa và tài nguyên của nước ngoài để gia tăng sự phát triển kinh tế và tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Vì thế, Bắc Kinh đang thúc đẩy để tiến nhanh đến việc tự cung ứng và mở rộng quan hệ rộng rãi trên thế giới để tăng cường khả năng tự cường đối với các lệnh trừng phạt tây phương nếu có, và bảo đảm rằng họ không đơn độc và bị cô lập trong thời kỳ khó khăn. Điều này bao gồm việc tăng cường quan hệ song phương với Ả Rập Saudi và Venezuela. Vào tháng 8/2022, Venezuela dự định ​​sẽ tổ chức một cuộc thi bắn tỉa là một phần trong cuộc tập trận do Nga cầm đầu ở Tây Bán Cầu, có khả năng sẽ có sự tham gia của Trung Cộng, Nga, Iran và 10 quốc gia khác nhằm phô trương sức mạnh chống lại Hoa Kỳ.

Trung Cộng đang quan tâm đến việc củng cố các khối độc quyền của các quốc gia sẽ ủng hộ Bắc Kinh hay ít nhất là không ủng hộ Washington. Đứng đầu trong số những nỗ lực này của Trung Cộng là củng cố và mở rộng khối BRICS là viết tắt tên của 5 nước Brazil, Russia, India, China, and South Africa, như một khối trên thế giới đang phát triển để cạnh tranh với Nhóm Quad (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn), G7 (Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp, Canada và Ý) và G-20 (Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Cộng, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Nam Hàn, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và EU). Vào tháng 5/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị đã tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao BRICS, thêm 9 nước khách mời, bao gồm Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Vào tháng tiếp theo, với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tập Cận Bình sẽ mở rộng BRICS và đề xuất các nỗ lực hợp tác mới về kinh tế, kỹ thuật số, thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng. Tập Cận Bình cũng mời 13 nhà lãnh đạo thế giới chưa từng tham gia trước đây, nay đến để đối thoại cao cấp về phát triển toàn cầu với các nước BRICS, trong đó có Tổng thống Iran Ibrahim Raisi và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Không lâu sau, Argentina và Iran chính thức nộp đơn gia nhập nhóm BRICS. Ai Cập, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm của mình đối với việc gia nhập BRICS. Vào tháng 7/2022, Moscow đã đi xa hơn khi đề nghị các thành viên của BRICS “tạo ra một loại tiền tệ dự trữ thế giới mới để phục vụ lợi ích kinh tế của BRICS tốt hơn”.

Ngoài việc mở rộng BRICS, Bắc Kinh đang tìm cách biến Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO), bao gồm cả Nga, thành một khối hùng mạnh có thể tận dụng để liên kết chính trị, kinh tế và quân sự sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Trung Cộng từ lâu đã thúc đẩy hợp tác kinh tế SCO nhiều hơn và đề nghị thành lập một hiệp định thương mại tự do và thành lập ngân hàng SCO. Mặc dù những ý tưởng này không thành công vào năm ngoái, nhưng năm nay, vào tháng 5/2022, SCO đã thảo luận về nhu cầu tăng cường tương tác giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là về an ninh quốc tế và hợp tác kinh tế. Khi thành viên chính thức của SCO mở rộng bao gồm Iran vào cuối năm nay và có khả năng là Belarus trong tương lai, tổ chức này được đánh giá là sẽ trở nên quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Thật vậy, vào tháng 6 này, Iran đã đề nghị rằng SCO áp dụng một loại tiền tệ duy nhất và bày tỏ hy vọng rằng nhóm có thể trở thành một “sư hợp tác của các cường quốc không phải tây phương”.

Trong cả hai khối BRICS và SCO, thử xem Trung Cộng, Nga và Iran có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ với nhau và thúc đẩy sự liên kết rộng rãi hơn giữa các quốc gia không hài lòng với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ ngày càng rộng. Tương tự, mức độ mà Trung Cộng có thể tận dụng mối quan hệ thân thiết với Pakistan và Ả Rập Saudi để vận động sự ủng hộ giữa các nước Hồi giáo, gồm Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (Organization of Islamic Cooperation) và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council), nhằm ủng hộ Trung Cộng giữa các nước đang phát triển.

 Giữ lời nói bằng vũ lực 

Sức mạnh trên mũi súng

Phần cuối cùng trong chính sách đối ngoại của Trung Cộng liên quan đến sức mạnh quân sự. Bắc Kinh cho rằng Mỹ và các nước Tây phương không có khả năng hiểu, hoặc thông cảm với những gì họ coi là mối quan ngại chính đáng về an ninh của Nga, thì sẽ không lý do gì để Trung Cộng tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ sẽ đối xử khác đi với các mối lo ngại an ninh của Trung Cộng. Như vậy, ngoại giao sẽ không hiệu quả, Trung Cộng có thể cần xử dụng vũ lực để thể hiện quyết tâm của mình.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến Đài Loan, và Bắc Kinh hiện đang lo lắng hơn bao giờ hết về ý định của Hoa Kỳ đối với hòn đảo này và những gì họ cho là đang gia tăng các hành động khiêu khích. Điều này đã dẫn đến cuộc thảo luận giữa một số nhà phân tích chính sách của Trung Cộng về việc liệu một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan sắp xảy ra hay không? Và nếu có, Trung Cộng nên chuẩn bị như thế nào? Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), một nhà ngoại giao đứng đầu Trung Cộng , đã tuyên bố rằng Trung Cộng sẽ thực hiện “các hành động kiên quyết” – bao gồm cả việc xử dụng quân sự – để bảo vệ lợi ích của mình. Đồng thời, Quân đội Trung Cộng sẽ tham gia nhiều cuộc tập trận hơn gần Đài Loan nhằm nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của bên thứ ba. Những hành động này chúng ta có thể giải thích tại sao Bắc Kinh đưa ra những cảnh cáo mạnh mẽ bất thường về chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, cho rằng chuyến đi như vậy sẽ “có tác động nghiêm trọng và rất tiêu cực đến nền tảng chính trị của Trung Cộng”.

Có thể là sai lầm nếu gạt những cảnh báo của Trung Cộng sang một bên, và những lời đe dọa hành động quân sự của Trung Cộng – đơn giản vì những cảnh báo của Trung Cộng trước đó đã không thành hiện thực. Mặc dù viễn cảnh về một cuộc xâm lược Đài Loan vẫn còn xa vời, Bắc Kinh có nhiều cách để leo thang xung đột ngắn hạn, bao gồm cả việc điều động máy bay phản lực bay qua lãnh thổ Đài Loan. Và nếu Bắc Kinh có hành động quyết liệt hơn vì thất vọng với hành vi gần đây của Hoa Kỳ, điều này có thể dễ dàng gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Đều do Tập Cận Bình

Liệu những nỗ lực gần đây của Trung Cộng nhằm thay đổi cán cân và sức mạnh theo hướng của họ có hiệu quả không? Vẫn còn phải xem liệu GSI có làm thay đổi cơ bản trật tự quốc tế hay thậm chí trở thành trụ cột chính trong cách tiếp cận quản trị toàn cầu của Trung Cộng hay không. Trước đây, Trung Cộng đã cố gắng và bị thất bại trong việc thúc đẩy cuộc thảo luận về an ninh toàn cầu, như đưa ra Khái Niệm An Ninh Mới (New Security Concept – NSC) của họ, một phạm vi an ninh nhằm tìm kiếm các giao lưu kinh tế và ngoại giao lớn hơn được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1996. Tất nhiên, hồi đó, Trung Cộng còn nghèo và ít có ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao như hiện nay.

Về GSI hôm nay, bất kể cuối cùng của nó như thế nào, GSI là một cánh cửa quan trọng cho thấy Bắc Kinh sẽ tìm cách điều khiển cuộc đối thoại về an ninh khu vực và toàn cầu sau Đại Hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Tàu sắp tới, dự kiến ​​được tổ chức vào mùa Thu năm nay.

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hồi sinh và mở rộng các tổ chức hiện có như BRICS và Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải SCO cũng gặp phải những trở ngại, ví dụ như Ấn Độ là thành viên của cả hai khối (Quad và BRICS) có thể hạn chế bất kỳ nỗ lực chống Mỹ công khai nào. Nhưng ngay cả những cải thiện giới hạn thì khả năng của các khối này cũng có thể giúp Bắc Kinh chống chọi với bất kỳ hành động trừng phạt nào mà Mỹ và các đồng minh thực hiện đối với Trung Cộng trong những ngày tháng tới.

Cầm đầu để định hình chiến lược quốc tế trong tương lai nhằm chống Mỹ không ai khác là Bắc Kinh. Người ta có thể nhìn thấy những phác thảo ban đầu về kế hoạch đã được điều chỉnh bởi Trung Cộng. Mối quan hệ sâu sắc hơn với “Nam Bán Cầu” cũng do Trung Cộng thực hiện. Sự thay thế các tổ chức hiện có do Bắc Kinh lãnh đạo như SCO, BRICS cũng do Trung Cộng cầm đầu. Các khái niệm mới về an ninh trật tự mới quốc tế cũng từ Bắc Kinh mà ra.

Nếu những chiến lược này của Trung Cộng thực hiện trôi chảy, chắc chắn sẽ làm khó khăn rất lớn cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong tương lai… vị trí siêu cường bị cạnh tarnh mãnh liệt.

Tuy vậy, xoay chuyển chiến lược của thế giới không đơn giản, có nhiều nhiều nỗ lực trên thế giới đã bị phá sản toàn diện. Trung Cộng nên noi gương chế độ Cộng Sản trước đây tại sao sụp đổ vì họ thực hiện theo chủ trương phi nhân bản đi ngược lại với sự phát triển tự nhiên của con người. Hiện Trung Cộng đối với các nước láng giềng luôn gây cho họ sự dè dặt khi làm việc với nhau. Thái độ “thiên tử” của Tập Cận Bình và những hành động quá khích (Cộng Sản) của Tập là yếu tố kìm hãm lớn nhất đối với chiến lược Trung Cộng hiện nay. Sự khao khát quyền lực của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ hủy hoại chính sách đối ngoại của Trung Cộng.

Phiên Dịch: Lê Thành Nhân


Source: Foreign Affaires (01/08/2022): China on the Offensive: How the Ukraine Has Changed Beijing’s Strategy. https://www.foreignaffairs.com/china/china-offensive. By Bonny Lin and Jude Blanchette