CHIẾN TRANH UKRAINE CHẤM DỨT ? (Lê Thành Nhân/VietQuoc)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Từ trái qua phải: Putin, Sullivan, Zelensky

Năm 2014, quân Ukraine chỉ biết bỏ chạy, không một kháng cự nào khi Nga đưa quân vào chiếm bán đảo Crimea. Những ngày đầu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine (24/02/2022), quân Ukraine chống cự yếu ớt để các thành phố ở vùng Donbass và Kherson nhanh chóng lọt vào quân đội Nga. Nay, Ukraine đã có một đội quân hùng mạnh, chiến đấu ngang ngửa với quân Nga – một quân đội mạnh thứ nhì trên thế giới. Đặc biệt, quân Ukraine hứa hẹn một trận thư hùng ở thành phố Kherson không kém gì trận Leningrad thời Đệ II Thế Chiến.

Nhờ đâu, quân Ukraine lớn mạnh như Phù Đổng Thiên Vương trong truyền thuyết Việt Nam?

Nhờ khối NATO viện trợ vũ khí và huấn luyện quân sự. Trong đó Mỹ đóng vai chính, viện trợ những loại vũ khí tối tân làm Nga thất trận tháo chạy. Khi quân Nga nghe những giàn HIMARS của Mỹ thì bạt vía kinh hồn vì độ chính xác của nó. Những giàn pháo HIMARS đóng một vai trò cực kỳ quan trọng làm cho quân Ukraine chuyển từ thế thủ sang thế công, từ bị động sang chủ động trên nhiều chiến trường. Một điều khẳng định rằng nếu không có những vũ khí của Mỹ cung cấp một cách dồi dào, thì Ukraine không có khả năng cầm cự với Nga cho đến ngày hôm nay. Như vậy, đủ biết rằng chìa khóa cuộc chiến Ukraine đang do Washington DC nắm giữ.

Điều này, người Việt Nam chúng ta không lạ gì, khi Việt Nam Cộng Hòa có hơn 1 triệu quân thiện chiến mà phải mất về tay Cộng Sản ngày 30/04/1975 vì chìa khóa chiến tranh Việt Nam nằm ở Washington DC và họ muốn chấm dứt chiến tranh. Cũng như năm 2021 Mỹ rút khỏi nước Afghanistan nhường chiến thắng cho quân khủng bố Taliban rất thô sơ và yếu kém.

Trong những ngày qua, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỷ, Antony Blinken, Phát Ngôn Viên của Hoa Kỳ John Kirby, và mới hôm qua (07/11/2022), TT Biden tuyên bố “dù kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ra sao, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến Ukraine”. Không biết những lời tuyên bố của những yếu nhân Tòa Bạch Ốc có mang tính trấn an Ukraine và đồng minh hay không?

Câu chuyện nhắc chúng ta nhớ lại vào giữa tháng 04/1975 khi còn chừng vài tuần nữa thì thủ đô Việt Nam Cộng Hòa thất thủ, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã âm thầm tiêu hủy hồ sơ mật để chuẩn bị về nước, thì có những chiếc vận tải cơ C-130 và C-5 của Hoa Kỳ vẫn còn chở những khẩu pháo xuống phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tế cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Thật là một kịch bản bi thảm đối với cuộc chiến Việt Nam! Một đòn lừa tội lỗi! Hy vọng nó không phải là ở Ukraine trong tương lai. 

Tại sao lại có những suy nghĩ “buồn” cho cuộc chiến Ukraine như vậy?

Trong những ngày qua, hãng tin Reuter và tờ Washington Post có lộ tin rằng: “Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bí mật khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga và từ bỏ những tuyên bố công khai từ chối đàm phán với Tổng thống Putin”.

Điều này cho ta thấy lập trường của Washington về Ukraine đã có ngọn gió chướng trái mùa thổi vào. Trong đầu óc của người lãnh đạo cao nhất Tòa Bạch Ốc đã lóe ra một ý tưởng “ngưng chiến Ukraine” bằng con đường thương thuyết. Na ná như trước đây Kissinger đi đêm với Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam, nên đã ép cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu ký vào hiệp định Paris 1973. Điều này nhiều hồi ký đã thuật lại sau ngày 30/04/1975.

Tại Ukraine, nay không phải Henry Kissinger mà là nhân vật tương tự đó là Jake Sullivan – Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã có những trao đổi kín với Cố vấn An Ninh Quốc Gia Nga Nikolai Patrushev, và Yuri Ushakov Cố Vấn Chính Sách Đối Ngoại của Putin. Theo một giới chức Mỹ dấu tên cho biết mục đích những cuộc trao đổi kín này là “để tránh rủi ro leo thang và để ngõ con đường đối thoại”. Còn Adrienne Watson, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết: “khi trao đổi các bên [Nga-Mỹ] đưa ra nhiều nhận định”, nhưng Adrienne tuyệt đối không tiết lộ thêm điều gì!

Một điều ai cũng thấy rằng cuộc chiến Ukraine ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu nhất, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu thiếu năng lượng sưởi ấm trong mùa Đông giá buốt đang tới. Chiến tranh Ukraine có thể ra ngoài tầm kiểm soát làm nên chiến tranh nguyên tử Thế Chiến III. Về nội bộ nước Mỹ, đại đa số người dân đang lo lắng trước nền kinh tế suy thoái, vật giá leo thang không ngừng, lạm phát không dừng lại làm cho đảng Dân Chủ gặp khó khăn trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm 2022. Nếu chiến tranh kéo dài thì kinh tế khó phục hồi, như vậy hai năm tới chiếc ghế Tổng Thống của đảng Dân Chủ khó giữ được.

Do đó, Washington muốn đàm phán để chấm dứt chiến tranh Ukraine không phải là điều không xảy ra. Trong khi đó tổng thống Ukraine, Zelenski tuyên bố “cấm đàm phán với nhà lãnh đạo Nga, Vladimir Putin”.

Cả thế giới đang muốn chiến tranh Ukraine sớm kết thúc. Kể cả người bạn thân của Putin, thủ tướng Modi của Ấn Độ đã từng nói với Putin tại Hội Nghị SCO ở Samarkand, Uzbekistan hồi tháng 9/2022 rằng: “lúc này không phải là lúc gây chiến tranh”. Thủ Tướng Đức Olaf Scholz thì đang “xé rào” châu Âu đến Bắc Kinh bắt tay với Tập Cận Bình một “đồng chí hợp tác không giới hạn” của Putin. Trông ra có vẻ nằm trong hiện tượng rối bời! Hai mươi bảy (27) nước châu Âu đang đói năng lượng chưa tìm ra giải pháp thích đáng, các nước châu Phi đang kêu đói vì thiếu lương thực từ Nga và Ukraine chở đến v.v… Ai cũng muốn chiến tranh chấm dứt để cứu đói rét… Nhưng chiến tranh Ukraine phải chấm dứt như thế nào để không rơi vào thảm cảnh của Việt Nam cách đây 47 năm và Afghanistan cách đây một năm?!

Một cuộc chiến Ukraine chấm dứt phải làm sao gửi đi một thông điệp mạnh mẽ cho thế giới, đặc biệt với Nga-Tàu phải chừa những hành động “thổ phỉ” đem quân xâm lăng nước khác. Và nói cho họ biết rằng: “vì độc lập, tự do dân chủ, một nước nhỏ như Ukraine cũng có thể đánh bại Nga, để bảo vệ những giá trị cao quý của nó”.

Ngày 8 tháng 11 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)