Trước hết tìm hiểu Hamas là ai mà ngày thứ Bảy 07/10/2023, đã nã hàng ngàn hỏa tiễn và tấn công bộ binh vào Do Thái?
Hamas là “Phong Trào Hồi giáo Kháng chiến”, một tổ chức theo Hồi Giáo Sunni ở Palestine. Tại nước Palestine có hai khuynh hướng chính trị, một cánh phục vụ xã hội, cùng chung sống hòa bình với Do Thái gọi là Fatah, cánh kia chủ trương khủng bố có thành lập Lữ Đoàn Izz ad-Din al-Qassam gọi là Hamas. Năm 2006, cánh Hamas đã thắng cử đa số Quốc Hội Palestine, chiếm giữ Dải Gaza làm căn cứ.
Liên minh châu Âu, Do Thái, Nhật, Úc, Anh và Mỹ liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố.
Trong khi Trung Cộng, Nga, Brazil, Ai Cập, Iran, Na Uy, Qatar, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ lại không công nhận Hamas là khủng bố.
Lãnh đạo Hamas hiện nay Ismail Haniyeh có trụ sở tại Qatar.
Hamas tấn công Do Thái ngày 7-10-2023
Cuộc tấn công diễn ra bất ngờ với quy mô lớn vào lãnh thổ Do Thái đã khiến 250 người dân Do Thái thiệt mạng và hơn 1,000 người bị thương, cùng một số người Do Thái không rõ bao nhiêu bị quân Hamas bắt làm con tin.
Bốn giờ sau, Do Thái đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza, nơi do Hamas kiểm soát và điều động bộ binh để đẩy lùi hàng trăm lính Hamas khỏi lãnh thổ Do Thái. Theo tin tức báo chí, số người chết trên Dải Gaza đến 230 và khoảng 1,700 người bị thương.
Hamas có 5000 hỏa tiễn phóng từ Dải Gaza vào các thành phố Do Thái, đồng thời tổ chức các mũi xâm nhập vào lãnh thổ Do Thái bằng đường biển, đường bộ và dùng dù lượn trên không để chuyển lính dù tấn công… rõ ràng là Hamas đã tích trữ vũ khí và có kế hoạch chu đáo được huấn luyện và được hỗ trợ từ một thế lực bên ngoài… Ai cũng biết đó là Iran.
Theo Hãng tin Reuters, vài giờ sau khi Hamas tấn công Do Thái, ông Rahim Safavi, cố vấn của Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei của Iran, đã gửi lời chúc mừng Hamas và nhấn mạnh rằng: “Iran sẽ sát cánh với các chiến binh người Palestine cho đến khi Palestine và Jerusalem được chiến thắng”. Các bình luận gia về chiến tranh trên thế giới cho rằng cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Do Thái có liên quan trực tiếp đến việc Iran phá hỏng nỗ lực bình thường quan hệ giữa Do Thái và Ả Rập Saudi vì những lý do khá rất logic là Iran từ lâu đã hỗ trợ về tài chính và quân sự cho Hamas.
Ngày sau, Do Thái chính thức tuyên chiến với Hamas
Theo tin AP: Từ thủ đô Tel Aviv của Do Thái, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu chính thức tuyên chiến với Hamas vào hôm sau Chủ Nhật ngày 08/10/2023. Bật đèn cho “các bước quân sự quan trọng” để trả đũa Hamas.
Cuộc chiến Do Thái và Hamas bùng nổ trong đó có Iran. Không biết Do Thái có mở cuộc oanh tạc bằng không quân vào Iran hay không?
Phản ứng của thế giới trước cuộc tấn công của Hamas
Cho đến lúc viết bài này những phản ứng bênh, chống, khuyên hòa giải đều có:
HOA KỲ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố do Bộ Ngoại giao đưa ra: “Không bao giờ có bất kỳ lời biện minh nào cho hành vi khủng bố. Chúng tôi đoàn kết với chính phủ và người dân Do Thái, đồng thời gửi lời chia buồn đến những sinh mạng của người Do Thái đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công này”.
LIÊN HIỆP QUỐC
Đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Liên Hợp Quốc Tor Wennesland cho biết: “Đây là một vực thẳm nguy hiểm và tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy rút lui khỏi bờ vực”. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Tuerk cho biết: “Cuộc tấn công này đang có tác động khủng khiếp đến dân thường Do Thái… Thường dân không bao giờ được trở thành mục tiêu của cuộc tấn công”.
PALESTINE
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas: Theo hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine dẫn lời ông Abbas nói rằng: “người dân Palestine có quyền tự vệ trước sự khủng bố của những người định cư và quân chiếm đóng [ý nói Do Thái]”.
IRAN
Một cố vấn của Lãnh đạo tối cao Iran, Ali Khamenei hôm thứ Bảy đã chúc mừng các chiến binh Palestine, trang tin bán chính thức ISNA (Islamic Society of North America) đưa tin. Yahya Rahim Safavi nói: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các chiến binh Hamas [Palestine] cho đến khi giải phóng Palestine và Jerusalem”.
Truyền hình nhà nước Iran chiếu cảnh các thành viên Quốc Hội Iran đứng dậy khỏi ghế và hô vang “Cái chết cho Do Thái”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Nasser Kanaani được ISNA dẫn lời nói: “Trong hoạt động này, yếu tố bất ngờ và các phương pháp kết hợp khác đã được sử dụng, cho thấy sự tin tưởng của người dân Palestine khi đối mặt với những kẻ chiếm đóng”.
TRUNG CỘNG
Bộ Ngoại giao Trung Cộng kêu gọi các bên liên quan “giữ bình tĩnh, kiềm chế và chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch để bảo vệ dân thường và tránh làm tình hình xấu thêm”.
Bộ Ngoại giao cho biết: “Con đường cơ bản để thoát khỏi xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập”.
ĐỨC
Thủ Tướng Olaf Scholz nói trên mạng xã hội: “Hôm nay, tin tức kinh hoàng đến với chúng tôi từ đất nước Do Thái. Chúng tôi vô cùng xúc động trước vụ bắn hỏa tiễn từ Dải Gaza và bạo lực leo thang. Đức lên án các cuộc tấn công này của Hamas và đứng về phía Do Thái”.
PHÁP
Tổng Thống Pháp Macron lên án mạnh mẽ các vụ tấn công. Ông nói: “Tôi bày tỏ tình đoàn kết hoàn toàn với các nạn nhân, gia đình họ và những người thân thiết với họ”.
Ả RẬP SAUDI
Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi kêu gọi “chấm dứt bạo lực ngay lập tức”.
AI CẬP
Ai Cập cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” và kêu gọi “kiềm chế tối đa và tránh khiến dân thường gặp nguy hiểm hơn”.
MOROCCO
Maroc, quốc gia đang tiến tới quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Do Thái theo “Hiệp định Abraham”, đã bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” và lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường “bất kể họ ở đâu”.
Tuy nhiên, đảng Hồi giáo PJD của Maroc, đảng lớn nhất trong quốc hội Maroc hiện nay (theo bầu cử 2021) ca ngợi cuộc tấn công của Hamas là “một hành động anh hùng” và “một phản ứng tự nhiên và chính đáng đối với những vi phạm hàng ngày”.
EU
Ông Josep Borrell, đối ngoại EU nói rằng: “Sử dụng thường dân làm con tin là vi phạm trắng trợn mọi luật pháp. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đóng góp cho sự tự do của họ”.
Ông nói thêm rằng ông đang tới Muscat, Oman để gặp những người đồng cấp Ả Rập. Ông nói: “Ngay cả trong thời điểm bi thảm này, chúng tôi nhớ lại tầm quan trọng của việc nỗ lực hướng tới một nền hòa bình lâu dài và bền vững thông qua những nỗ lực được tiếp thêm sinh lực trong Tiến trình Hòa bình Trung Đông”.
CANADA
Thủ Tướng Canada Trudeau tuyên bố: “Canada lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố hiện nay nhằm vào Do Thái. Những hành động bạo lực này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi sát cánh cùng Do Thái và hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của họ. Chúng tôi chia sẻ suy nghĩ của chúng tôi với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự việc này. Cuộc sống của người dân phải được bảo vệ”. Trudeau viết trên X, trước đây gọi là Twitter.
ANH:
BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ANH JAMES CLEVERLY: “Anh lên án dứt khoát các cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas nhằm vào dân thường Do Thái. Anh sẽ luôn ủng hộ quyền tự vệ của Do Thái“.
LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)
Chủ tịch EU bà Ursula von der Leyen cho biết: “Tôi dứt khoát lên án cuộc tấn công do những kẻ khủng bố Hamas thực hiện nhằm vào Do Thái. Đó là hành vi khủng bố dưới hình thức hèn hạ nhất.”
THỔ NHĨ KỲ
TỔNG THỐNG TAYYIP ERDOGAN “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế”,
QATAR
Bộ Ngoại giao Qatar cho biết chỉ riêng Do Thái phải chịu trách nhiệm về việc leo thang bạo lực đang diễn ra với người dân Palestine [Hamas] và kêu gọi cả hai bên thể hiện sự kiềm chế.
NGA
PHÓ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NGA MIKHAIL BOGDANOV cho biết Nga đang liên lạc với Do Thái, Palestine và các nước Ả Rập liên quan đến sự leo thang của cuộc xung đột Do Thái-Palestine, đồng thời kêu gọi kiềm chế.
UKRAINE
TT Ukraine Zelenskiy lên án Hamas: “cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Do Thái và nói rằng quyền tự vệ của Do Thái không thể nghi ngờ”.
HEZBOLLA
Nhóm Hezbollah của Lebanon được Iran tài trợ, kẻ thù không đội trời chung của Do Thái, cho biết họ đã “liên hệ trực tiếp với lãnh đạo cuộc kháng chiến của người Palestine” và mô tả các sự kiện này là “phản ứng quyết định đối với việc Do Thái tiếp tục chiếm đóng và là một thông điệp gửi tới những người tìm cách bình thường hóa quan hệ với Do Thái”.
BA LAN
Tổng Thống Balan Andrzej Duda nói hôm thứ Bảy: “Tôi bị sốc trước các cuộc tấn công tàn bạo ngày hôm nay của Hamas vào Do Thái. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bắt giữ dân thường làm con tin đã khơi dậy sự phản đối sâu sắc nhất của chúng tôi. Ba Lan lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực”.
CỘNG HÒA SÉC
Tổng Thống Petr Pavel tuyên bố: “Cuộc tấn công được tiến hành từ Dải Gaza là một hành động khủng bố đáng trách chống lại quốc gia Do Thái và dân thường”.
“Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và sự xâm nhập của lực lượng biệt kích Hamas vào Do Thái sẽ ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Palestine-Do Thái trong thời gian dài”.
Ý
Một tuyên bố hôm thứ Bảy từ văn phòng Thủ Tướng Ý cho biết: “Một cuộc họp do Thủ tướng Giorgia Meloni chủ trì đã được tổ chức hôm nay về tình hình đang diễn ra ở Do Thái, nơi vốn là mục tiêu của một cuộc tấn công quân sự và khủng bố”.
“Chính phủ đang quan tâm theo dõi diễn biến của tình hình… Đặc biệt chú ý đến an ninh của cộng đồng Do Thái trong nước”.
NHẬT BẢN
Thủ Tướng Fumio Kishida nói trên X (trước đây gọi là Twitter): “Hamas và các chiến binh Palestine khác đã tấn công Do Thái từ Dải Gaza ngày hôm qua. Nhật Bản lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công gây tổn hại nghiêm trọng cho thường dân vô tội. Tôi bày tỏ lời chia buồn tới gia đình tang quyến và sự cảm thông chân thành đến những người bị thương”.
“Một số người được cho là đã bị phiến quân bắt cóc. Nhật Bản cực lực lên án những hành động như vậy và kêu gọi thả họ ngay lập tức. Nhật Bản cũng quan ngại sâu sắc về một số thương vong ở Dải Gaza. Tất cả các bên liên quan nên kiềm chế tối đa”.
LIÊN MINH CHÂU PHI
Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Liên Minh Châu Phi, cho biết: “Việc phủ nhận các quyền cơ bản của người dân Palestine, đặc biệt là quyền của một quốc gia độc lập và có chủ quyền, là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng dai dẳng giữa Do Thái và Palestine”.
“Ông khẩn cấp kêu gọi cả hai bên chấm dứt thù địch quân sự và quay trở lại bàn đàm phán, vô điều kiện”.
KUWAIT
Kuwait bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về những diễn biến giữa Do Thái và Palestine, đồng thời đổ lỗi cho Do Thái về cái mà họ gọi là “các cuộc tấn công trắng trợn”.
CÁC TIỂU VƯƠNG QUỐC Ả RẬP THỐNG NHẤT
Hãng thông tấn chính thức dẫn lời Bộ Ngoại giao cho biết: “UAE kêu gọi kiềm chế tối đa và ngừng bắn ngay lập tức để tránh hậu quả nghiêm trọng”.
INDONESIA
“Indonesia rất lo ngại về sự leo thang ngày càng tăng của cuộc xung đột giữa Palestine và Do Thái”, Bộ Ngoại giao, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới cho biết hôm thứ Bảy.
“Indonesia yêu cầu các hành động bạo lực chấm dứt ngay lập tức để tránh gia tăng thương vong về người. Căn nguyên của cuộc xung đột, cụ thể là việc Do Thái chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, phải được giải quyết theo các điều kiện đã được Liên Hiệp Quốc đồng ý”.
UGANDA
Tổng thống Yoweri Museveni của Uganda nói: “Việc bùng phát bạo lực mới ở Do Thái-Palestine là điều đáng tiếc. Tại sao hai bên không thực hiện Giải pháp của hai Nhà nước? Đặc biệt, đáng bị lên án là hành vi nhắm vào dân thường và người phi pháp”.
Tại sao Hamas hành động và ai ủng hộ trực tiếp?
Đồng ý từ lâu Do Thái và Palestin không có hòa bình, nhưng cũng chưa có cuộc tấn công tàn bạo và quy mô như lần này. Chúng ta tìm hiểu thêm về nguyên nhân cuộc tấn công của Hamas?
Từ thời tổng thống Trump có người con rể chồng của cô Ivanka tên là Jared Kushner là một trong những cố vấn của TT Trump. Jared người Mỹ gốc Do Thái đã có những thành tích khởi đầu nhằm hòa giải giữa Do Thái và khối Ả Rập, nhất là Ả Rập Saudi.
Trong khi đó, Iran và những lực lượng ủy nhiệm của Iran (phần đông bị liệt vào nhóm khủng bố) đã hành động táo bạo để ngăn chặn các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Saudi-Do Thái do Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian để hai bên công nhận lẫn nhau tiến tới những hợp tác và ngoại giao thân thiện giữa Do Thái và Ả Rập Saudi.
Nhìn vào hành động của các thành viên Quốc Hội Iran khi nghe Hamas tấn công Do Thái thì đứng dậy vỗ tay hoan nghênh đã thấy kẻ thù của Iran chính là Do Thái.
Sau cuộc tấn công của Hamas vào Do Thái, Iran có những hành động và lời lẽ như sau:
Các quan chức chính phủ Iran đã chúc mừng Hamas về cuộc tấn công bất ngờ vào Israel vào sáng sớm thứ Bảy, bày tỏ sự ủng hộ đối với “cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa Do Thái” trên toàn khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Iran, Nasser Kanaani đã ca ngợi Hamas trên hãng thông tấn bán chính thức của Iran là ISNA: “Những gì diễn ra ngày hôm nay phù hợp với việc tiếp tục giành được những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa Do Thái ở các khu vực khác nhau, bao gồm Syria, Lebanon và các vùng đất bị chiếm đóng”.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran đưa tin rằng cố vấn quân sự hàng đầu của Lãnh Đạo Hồi Giáo tối cao Khamenei, Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi, đã cam kết Iran sẽ hỗ trợ cho hoạt động của Hamas chống lại Israel.
Tuyên bố của Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah, tổ chức được Iran tài trợ ở Lebanon, dường như đe dọa không chỉ Ả Rập Saudi mà còn cả 6 chính phủ Ả Rập khác có quan hệ bình thường với Do Thái.
Hassan Nasrallah báo rằng cuộc tấn công của Hamas “gửi một thông điệp tới thế giới Ả Rập và Hồi giáo cũng như cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là những người đang tìm kiếm sự bình thường hóa với kẻ thù này [Do Thái], rằng chính nghĩa của người Palestine là trường tồn, tồn tại cho đến khi chiến thắng cuối cùng”. Một lãnh đạo Hamas cho biết: “Có thể trận chiến sẽ có sự tham gia của các lực lượng khác trong khu vực”.
Vấn nạn cho quốc tế:
– Liệu ngoại giao giữa Ả Rập Saudi-Do Thái có thể vượt qua biến cố này hay không?
– Cuộc chiến có thể lan rộng ra ngoài Do Thái và Dải Gaza đến mức nào?
– Tác động của chiến tranh đến nền kinh tế toàn cầu nếu giá dầu tăng vọt?
– Liệu hy vọng có một sự thỏa hiệp hòa bình nào giữa Do Thái – Palestine có thể xuất hiện từ cuộc tấn công chưa từng có này hay không?
Than ôi! Rõ ràng chiến tranh Ukraine chưa dứt thì Trung Đông lại nổ lên, tại đây lò lửa chiến tranh có cháy bùng hay không phải chờ đợi kết quả trận chiến lan rộng tới đâu.
https://vietquoc.org