- Anders Corr
-
Mục lục
- Hoa Kỳ bị lép vế vì Trung Quốc và đồng minh
- Chiến lược ngoại giao của ông Trump về vấn đề Trung Quốc
- Ngoại giao thể thao
- Ảnh hưởng ngoại quốc
- Chiến lược kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc
- COVID-19 gây thiệt hại 60 ngàn tỷ USD
- Chiến lược quân sự của ông Trump đối với Trung Quốc
- Chiến lược lớn của ông Trump về Trung Quốc
- Gần đây, cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đã đề ra các chiến lược ngoại giao, kinh tế, và quân sự của mình đối với Trung Quốc.
Hôm 19/12/2022, bà Maria Bartiromo của Fox News đã có một cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Trump. Ông đã ‘bỏ bom’ Trung Quốc bằng lời nói mà gần như đã tiệm cận với thực tế, trong đó có cả các kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Afghanistan và yêu cầu bồi thường 60 ngàn tỷ USD cho những thiệt hại do COVID-19.
Cựu TT Trump là ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa tiềm năng nhất năm 2024 tại một thời điểm mà TT Joe Biden đang có tỷ lệ được lòng dân thấp lịch sử. Do vậy, việc cựu TT Trump nghĩ gì về Trung Quốc thuộc về những điều quan trọng nhất.
Nhưng nếu có đi chăng nữa, thì các phương tiện truyền thông chính thống cũng chỉ đưa tin nửa vời về những gì ông Trump phải nói. Một số cố gắng khiến ông trông mềm mỏng về vấn đề Trung Quốc, điều này chỉ có thể được hỗ trợ bằng việc trích dẫn tách khỏi ngữ cảnh mà phớt lờ đi những luận điểm chính trong bài diễn văn của ông.
Bài viết này cung cấp những mô tả và phân tích toàn diện hơn về cuộc phỏng vấn Trump-Bartiromo, đoạn đề cập đến vấn đề Trung Quốc. Đặc biệt, phân tích này xem xét cuộc phỏng vấn đó để tìm manh mối về chiến lược lớn ưa thích của ông Trump về vấn đề Trung Quốc – trong đó bao gồm các yếu tố ngoại giao, kinh tế, và quân sự.
Hoa Kỳ bị lép vế vì Trung Quốc và đồng minh
Một điểm lặp lại nhiều lần trong cuộc phỏng vấn với Fox này là Mỹ đang lép vế so với các đối thủ quốc tế nặng ký nhất của mình.
Ông Trump nói: “Đất nước của chúng ta chưa bao giờ bị coi thường như bây giờ bởi Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và tất cả các bên khác – Iran. Chưa bao giờ có thời kỳ nào như thế này. Cuộc rút quân khỏi Afghanistan – tôi muốn rút lui hơn ai hết, và tôi đã làm điều đó một cách tuyệt vời, bằng quyền uy và sức mạnh. Cách mà ông ta [ông Biden] vừa vào cuộc mà đã đầu hàng – tôi nghĩ khi Trung Quốc, khi Nga, khi những người này nhìn vào những gì đã diễn ra… tôi nghĩ đó là thời điểm tệ hại nhất.”
Quân khủng bố Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống Afghanistan sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đào thoát khỏi đất nước tại Kabul, Afghanistan, hôm 15/08/2021. (Ảnh: Zabi Karimi/AP)
Chiến lược ngoại giao của ông Trump về vấn đề Trung Quốc
Chiến lược ngoại giao của cựu TT Trump với các đối thủ lớn như Trung Quốc trước tiên là mở rộng vòng tay thân thiện, đến mức tâng bốc, và sau đó chỉ toàn dùng đến các chiến lược quyền uy cứng rắn như ngăn chặn quân sự hay thuế quan kinh tế. Chiến lược này đã được để lộ trong cách tiếp cận thân thiện thuở đầu của ông với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, với bánh chocolate và một nỗ lực cải thiện giao thương.
Cách nhìn nhận của cựu TT Trump về mối quan hệ hữu hảo của ông với ông Tập đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi “ngay khi Covid xuất hiện, hay như cách tôi gọi là virus Trung Quốc, bởi đó là một thuật ngữ chuẩn xác hơn nhiều.”
Khi ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn rằng “Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với Chủ tịch Tập … Tôi thực sự tin rằng ông ấy thích tôi, và tôi thích ông ấy,” bà Bartiromo đã chen ngang và nói, “Ông ta là một kẻ sát nhân.”
Ông Trump đã đồng tình. “Ông ta là một kẻ sát nhân. Nhưng tôi đã có một mối quan hệ tuyệt vời với ông ấy. Ngay khi Covid xuất hiện, đó lại là một câu chuyện khác. Bởi vì các chủng virus này đã thực sự, không chỉ với đất nước này, chúng đã thực sự phá hủy thế giới, cả thế giới này, nếu cô nhìn vào những gì đang diễn ra.”
Ngoại giao thể thao
Về Olympic, cựu TT Trump nói rằng các vận động viên Mỹ nên tới thi đấu tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 và “giành lấy mọi huy chương.” Ông nói về đề xướng tẩy chay của các vận động viên, “Tôi đã xem Jimmy Carter làm điều đó và việc đó thật khủng khiếp … điều đó làm tổn thương các vận động viên.”
Phần lớn các phương tiện truyền thông chính thống đã đưa tin về quan điểm của cựu TT Trump về việc cử các vận động viên đến Bắc Kinh, nhưng đã không đặt vào ngữ cảnh, bằng việc không trích dẫn suy nghĩ tiếp đó của ông: “Có nhiều thứ mạnh mẽ hơn nhiều mà chúng ta có thể làm thay vì làm như thế [tẩy chay]. … Đó không phải là thứ gì đó mạnh mẽ. Tẩy chay hầu như chỉ khiến chúng ta trông như những kẻ thất bại cay cú.”
Về điểm này ông Trump không có vẻ nhận được nhiều ủng hộ từ những người dõi theo tình hình Trung Quốc có khuynh hướng bảo thủ. Họ có xu hướng muốn đối thoại cứng rắn về việc tẩy chay, hoặc tốt hơn hết, là chuyển Thế vận hội sang một quốc gia dân chủ thân thiện như Nhật Bản hoặc Canada.
Ảnh hưởng ngoại quốc
Bà Bartiromo chỉ ra rằng, trong suốt bốn cuộc gặp với ông Tập trong năm 2021, ông Biden đã không đề cập đến nguồn gốc của COVID-19. Bà hỏi tại sao lại có thể như vậy.
Ông Trump đã trả lời rằng ông Biden không muốn làm vậy “vì ông ấy e sợ ông ta, và tôi nghĩ ông ấy sợ thực tế là họ đã đưa hàng tỷ dollar cho con trai ông ấy.”
Bà Bartiromo nêu lên, “Vậy là họ đã tìm ra chuyện gì đó về con trai ông ấy.”
“Vâng, tất nhiên là họ đã tìm ra,” ông Trump trả lời.
“Tôi đã hỏi những người bạn của cô, những người có vai vế nhất ở Wall Street: các vị có thể nào đến Trung Quốc rồi cứ thế bỏ đi với 1.5 tỷ USD hay không?” ông Trump nói.
“Đây là … những tay làm việc với các công ty lớn, điều hành các công ty lớn, các công ty ở Wall Street. Họ nói không ai làm được như vậy cả, không một ai. Người sừng sỏ nhất Wall Street cũng không thể bước vào rồi bước ra trong vòng 10 phút với 1.5 tỷ USD. Mà anh ta [Hunter Biden] lại nhận được thù lao về tất cả số tiền đó – hàng chục triệu dollar,” ông Trump nói.
Các luật sư của ông Hunter tranh cãi về con số 1.5 tỷ USD. Nhưng giờ đây công chúng đã biết đó là một thực tế rằng ông Hunter đã tham dự vào các giao dịch làm ăn rất lớn với Trung Quốc, mà từ đó cha ông ta có thể thu lợi tài chính.
Phó Tổng thống đương thời Joe Biden vẫy tay chào khi ông bước xuống chuyên cơ Air Force Two cùng cháu gái, Finnegan Biden (ở giữa) và con trai Hunter Biden (bên phải) khi đến Bắc Kinh hôm 04/12/2013. (Ảnh: Ng Han Guan/AFP/Getty Images)Theo The Wall Street Journal: “Theo một cuộc điều tra của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, các thương vụ này đã giúp ông Biden con được chiết khấu cổ phần trong một công ty cổ phần tư nhân ở Trung Quốc. … Một ông trùm năng lượng người Trung Quốc đã tặng ông Biden một viên kim cương 2.8 carat và các tổ chức liên kết với ông này đã chuyển gần 5 triệu USD cho công ty luật của ông Biden.”
Trước những thực tế này, chiến lược ngoại giao của cựu TT Trump đối với Trung Quốc có thể sẽ là giảm bớt ảnh hưởng của ngoại tệ tại Hoa Kỳ, và tiếp tục những nỗ lực nhằm cuốn hút cá nhân ông Tập ngay cả khi ông ta xiết chặt các ốc vít kinh tế và quân sự của quyền lực cứng thêm một vài vòng nữa.
Chiến lược kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông Trump đã thảo luận về việc các mức thuế quan áp lên Trung Quốc đã vừa làm tăng thu nhập của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, vừa khuyến khích các công ty đầu tư sang nơi khác ra sao.
Ông Trump nói: “Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã buôn bán gian lận với chúng ta trong suốt nhiều năm. Tôi đã nói về điều này trong một thời gian dài. Năm trăm tỷ dollar mỗi năm [cho những lần gian lận]. Tôi là người đầu tiên [áp đặt thuế quan] – chúng ta đã nhận về hàng trăm tỷ dollar [tiền thuế]… từ Trung Quốc.”
Cựu TT Trump chỉ ra rằng doanh thu thuế quan và các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đã về tay nông dân và các nhà sản xuất Mỹ. “Nông dân của chúng ta giờ đang giàu lên nhờ thỏa thuận mà tôi đã thực hiện với Trung Quốc,” ông Trump nói.
Về sau trong cuộc phỏng vấn, ông Trump đã quay trở lại với vấn đề thuế quan đối với Trung Quốc với việc cho biết khoản tiền 500 tỷ USD gian lận hàng năm từ Hoa Kỳ của Trung Quốc là “không thể được tiếp diễn.” Ông nói rằng điều đó có thể được chống lại bởi “những gì tôi đã làm với các loại thuế đó và các mức thuế quan áp lên Trung Quốc.”
Cựu TT Trump nói rằng Mỹ đã không áp dụng mức thuế quan “mười xu” trước thời chính phủ ông. Ông Trump nói, ông Biden từng phản đối thuế quan, nhưng ông ấy không dỡ bỏ vì “nó mang lại quá nhiều tiền.”
Cựu TT Trump nói rằng thuế quan đã khiến các công ty quay trở về Hoa Kỳ. “Nhưng giờ họ đã ngừng lại vì nghĩ rằng ông ấy [ông Biden] sẽ dỡ bỏ thuế quan, và đó là một điều đáng tiếc.”
COVID-19 gây thiệt hại 60 ngàn tỷ USD
Cuộc phỏng vấn Trump-Bartiromo, mà Fox đã biên tập lại, khởi đầu bằng việc cựu TT Trump nói về COVID-19: “Tôi nghĩ nguồn gốc là quá rõ ràng. Chúng thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Và tôi nghĩ rằng nếu có ai đó có bất kỳ suy nghĩ nào khác, họ chỉ đang tự đùa cợt với chính mình.”
Ông Trump nói rằng mọi người phải đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có phải chi trả bồi thường cho COVID-19 hay không, vốn là lý lẽ hết sức hợp lý được đưa ra bởi Giáo sư James Kraska, người kiêm hai chức vụ tại Trường Cao đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ và Đại học Harvard, rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý cho thiệt hại lên tới “hàng ngàn tỷ dollar.”
Hồi tháng 05/2021, The Epoch Times đã bàn luận về thiệt hại ít nhất 19 ngàn tỷ USD cho 6.9 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu, bao gồm “thiệt hại kinh tế do phong toả, nỗi đau mà những người sống sót phải chịu đựng, chi phí mà xã hội phải gánh từ các ca nhập viện và các loại vaccine mới, thiệt hại trong tương lai do sự gia tăng không ngừng của đại dịch này, và các hình phạt hình sự.”
Trong cuộc phỏng vấn với Fox, ông Trump lập luận: “Trung Quốc không có tiền để chi trả những khoản bồi thường đó. Tôi tin rằng trên toàn thế giới, tôi không chỉ nói riêng về Hoa Kỳ, 60 ngàn tỷ USD thiệt hại trên toàn thế giới” là món nợ [mà Trung Quốc phải trả].
Đây có thể là một đánh giá quá thấp nếu xét toàn bộ những thiệt hại do ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu và những thương tổn gây ra.
Người dân đi ngang qua những lá cờ treo rủ tại Đài tưởng niệm Washington để tưởng nhớ 500,000 người thiệt mạng vì COVID-19 ở Hoa Thịnh Đốn hôm 24/02/2021. (Ảnh: Joshua Roberts/Reuters)Ông Trump nói rằng Trung Quốc phải “làm điều gì đó để bù đắp cho những gì họ đã gây nên. Những gì họ đã gây ra cho thế giới thật quá khủng khiếp.”
Về ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) và là cố vấn y tế chính cho tổng thống, ông Trump nói rằng “ông ta muốn duy trì việc đất nước chúng ta mở cửa với Trung Quốc, và tôi đã đóng nó lại. Ông ta muốn duy trì việc đất nước chúng ta mở cửa với Âu Châu, và tôi đã đóng nó lại.”
Chiến lược kinh tế của cựu TT Trump đối với Trung Quốc có khả năng sẽ là duy trì thuế quan, thúc đẩy bồi thường thiệt hại COVID-19, và giữ cho nền kinh tế Hoa Kỳ mở cửa ngay cả khi đóng cửa với các quốc gia đặt ra rủi ro sống còn đối với hệ thống quốc tế và nền dân chủ Mỹ.
Chiến lược quân sự của ông Trump đối với Trung Quốc
Một trong những bình luận thú vị nhất của cựu TT Trump là khi bà Bartiromo hỏi ông, “Ông có nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp quản Căn cứ Không quân Bagram không?” Câu trả lời của ông hé lộ một chiến lược quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc, cùng một tư thế với tầm nhìn xa chống lại sự phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Vấn đề “chủ quyền” của Afghanistan, quốc gia đang nghiêng về phía liên minh với Trung Quốc, sẽ phải bị gác lại phía sau xung đột siêu cường giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Ông Trump trả lời bà Bartiromo rằng có sáu căn cứ không quân ở Afghanistan. “Tôi sẽ đánh bom năm chỗ và giữ lại Bagram,” ông Trump nói. Căn cứ không quân Bagram, chỉ cách thủ đô Kabul 25 dặm về phía bắc, là căn cứ không quân lớn nhất tại nước này.
“Nhưng lý do tôi định giữ lại nơi này [Bagram] không phải là vì Afghanistan,” ông Trump nói. “Đó là vì Trung Quốc. Nơi đó cách một giờ để đi đến nơi họ chế tạo vũ khí hạt nhân. Nơi này có những đường băng lớn nhất và những đường băng uy lực nhất dành cho [oanh tạc cơ] hạng nặng – chúng [những đường băng này] rất mạnh mẽ và dày dặn, tại một số vị trí là tám feet bê tông.”
Ông Trump chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ dollar để xây dựng Bagram.
Quang cảnh Căn cứ Không quân Bagram sau khi toàn bộ lực lượng quân đội Hoa Kỳ và NATO rời đi, cách Kabul, Afghanistan khoảng 43 dặm về phía bắc hôm 02/07/2021. (Ảnh: Zakeria Hashimi/AFP/Getty Images)Bà Bartiromo đã gợi ý với cựu TT Trump rằng khi ông mời ông Tập đến Mar-a-Lago ở Palm Beach, Trung Quốc vốn đã là mối đe dọa lớn nhất rồi.
Ông Trump trả lời, “Không chỉ là Trung Quốc, mà là Trung Quốc từ một quan điểm kinh tế đã là rất lớn. Theo quan điểm đó, Nga không lớn mà sức mạnh quân sự của họ mới là lớn, và Trung Quốc [cũng] là một lực lượng quân sự to lớn.”
Sau đó, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn rằng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, Trung Quốc và Nga đã bớt hung hăng hơn. Các oanh tạc cơ đã không bay trên bầu trời Đài Loan, và không giống như dưới thời chính phủ cựu TT Obama, Nga đã không thể chiếm được lãnh thổ từ Ukraine.
Điều này đa phần là đúng, và có thể là do cựu TT Trump ưu tiên chi tiêu cho quân sự và khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ – hai dạng quyền lực cứng – như một đối trọng chống lại sự xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc.
Chẳng hạn như ở Ukraine, cựu TT Trump đã cung cấp viện trợ quân sự có sức sát thương cho quân đội Ukraine, trong đó gồm cả hỏa tiễn chống tăng Javelin, mà chính phủ TT Obama đã từ chối cung cấp. Điều này đã xảy ra, mặc dù cựu TT Trump bị giới báo chí chính thống gọi là thân Nga, ngay tại một thời điểm mà việc đưa Moscow trở thành đồng minh chống lại Bắc Kinh sẽ trở nên đặc biệt hữu ích.
Vụ việc ở Ukraine và Afghanistan – cả hai đều đụng tới các đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc – đã mang tới manh mối về chiến lược quân sự của ông Trump chống lại các đối thủ nặng ký nhất của Mỹ. Chiến lược đó là ngăn chặn từ một thế thượng phong, trong đó bao gồm thông qua các lực lượng được khai triển ở ngoại quốc – ví dụ, ở Đông Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, và Afghanistan – cũng như cung cấp tăng cường viện trợ quân sự có sức sát thương cho “những kẻ thù của kẻ thù của chúng ta,” trong đó có Đài Loan.
Chiến lược lớn của ông Trump về Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn với Fox, cựu TT Trump đã truyền tải hữu hiệu đến công chúng bức tranh lớn về các mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ từ Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Iran, theo thứ tự vừa nêu.
Ông Trump đã thảo luận về một chiến lược lớn để bảo vệ Mỹ khỏi Trung Quốc, bao gồm cả các chiến lược nhỏ hơn về mặt quân sự, kinh tế, và ngoại giao. Ông giải quyết vấn đề ảnh hưởng của ngoại quốc thông qua các mối quan hệ làm ăn và thu phục giới tinh hoa.
Ông Trump đã chỉ ra một cách tiếp cận với tầm nhìn xa đối với Trung Quốc, đó là yêu cầu một cách chính đáng số tiền 60 ngàn tỷ USD bồi thường toàn cầu, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc và Nga về mặt quân sự từ một thế thượng phong bao gồm việc khai triển các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ ở ngoại quốc, chẳng hạn như tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Hạo Văn biên dịch