Có đến 80% tiếng Việt đang sử dụng được phiên âm từ Hán – Việt và nhiều người cho rằng đó là do hậu quả của nghìn năm Bắc thuộc nhưng kỳ thực không hẳn thế.
Trước khi có Quốc ngữ, người Việt cổ đã có chữ cho riêng mình nhưng không phổ biến, nhất là khi bị nhà Hán đô hộ thì hầu như những gì thuần Việt đều bị huỷ hoại bởi mục tiêu Hán hoá dân tộc Việt của thế lực phong kiến phương Bắc.
Tuy phải sử dụng chữ Hán nhưng người Việt đã phiên âm sang âm Việt. Dù chữ viết dùng của người Hán, cùng một nghĩa với họ nhưng âm hoàn toàn khác. Bởi vậy người ra mới gọi là chữ Hán âm Việt.
Để tạo nên chữ viết theo phiên âm thuần Việt, sau đó người Việt sáng tạo ra cách viết mới là dùng hai hoặc ba chữ Hán ghép lại với nhau được gọi là chữ Nôm (nôm na). Ví dụ theo Hán âm thì SƠN nghĩa là NÚI, nếu muốn nói đến NÚI thì phải viết chữ SƠN nhưng để gọi đích thị là NÚI thì người ta ghép chữ SƠN trên, chữ NỘI dưới và đọc là NÚI v v…
Từ đời Hùng Vương thứ 6 (trước khi chữ Hán du nhập vào Việt Nam), người Văn Lang đã có chữ cho riêng mình. Bằng chứng là vợ chồng thầy giáo Thê Lang đã được người Việt lập đền thờ ở Phú Thọ ngày nay, trước đền có hai cây gỗ táu đã hàng nghìn năm tuổi. Tương truyền vợ chồng thầy giáo Thê Lang đã dạy học cho các con của vua Hùng.
Để tìm ra chữ Việt cổ, thầy giáo Nguyễn Văn Xuyền đã dành cả cuộc đời mình cho việc sưu tầm và phục dựng chữ Việt cổ. Ông đã thành công nhưng tiếc rằng sau đó không có bất kỳ nhà nghiên cứu cổ học nào quan tâm nên đến nay công trình của thầy giáo Xuyền đã bị đưa vào quên lãng và chữ Việt cổ chỉ còn được coi như truyền thuyết.
Chúng ta đang dùng Quốc ngữ, một thứ chữ viết đạt đến đỉnh điểm của tinh hoa mà hầu như không nước nào trên thế giới có được. Đó là nói sao viết vậy, con người đã phát được âm nào tất có chữ viết theo âm đó, dù âm không có nghĩa thì vẫn có chữ cùng với hệ thống ngữ pháp khổng lồ. Với sự tuyệt đỉnh ngôn ngữ ấy đáng lẽ nó phải là niềm tự hào lớn của một dân tộc nhưng tiếc thay có một số cái gọi là “học giả” chỉ tìm cách thay đổi nó bằng chính sự dốt nát của mình hòng làm cho những tinh hoa ngôn ngữ trở nên thô bỉ và cộc cằn.
Dù thế nào thì âm Hán – Việt phần lớn không thể thay thế, mà khi đã không thể thay thế thì chỉ còn cách sử dụng nó sao cho chuẩn mực, cho thể hiện được cái tinh hoa của nó chứ không thề mang tính cài đặt lung tung, bừa bãi.
Hình ảnh dưới đây thể hiện rất rõ khả năng sử dụng ngôn ngữ (dù đó là của một trường đại học) một cách hoặc là bừa bãi, hoặc là cẩu thả và có vẻ phi chuẩn mực. Mấy ngày nay cư dân mạng xã hội phê phán không ít về cái thứ ngôn ngữ nửa mạc nửa mỡ này bởi đây chính là một trung tâm đào tạo ngôn ngữ học chứ không phải hội nghị của những người chân lấm tay bùn hay của những thành phần ít học.
“Mạng lưới cựu người học”? Chẳng hiểu họ moi ở đâu ra một thứ ngôn ngữ rẻ rúm đến như vậy? Kỳ thực lão nông không hiểu cái “mạng lưới” này ám chỉ vào cái gì? Một tổ chức bởi những con người bằng xương bằng thịt hay một thứ gì đó như những công cụ hay cái gì đó trừu tượng? “Cựu người học” một thứ ngôn ngữ pha tạp khiến cho người đọc không hiểu một cách cụ thể. Riêng lão nông thì phán đoán (chẳng biết có đúng không) rằng “cựu người học” nghĩa chắc là người ta muốn nói đến những người học cũ. Nếu đúng vậy thì tại sao lại không dùng từ “cựu học viên” hay “cựu sinh viên”? “Mạng lưới cựu người học” nó là cái gì? Nó là tổ chức của những người học cũ hay những người học cũ đang bị ai chăng lưới để săn bắt vì một hay những lý do nào đó?
Xét nhiều năm trở lại đây, ngôn ngữ Việt hầu như không còn thuần Việt trên nhiều tờ báo – những cơ quan ngôn luận chính thống, trên các nghị trường và trên các phương tiện truyền thông, thậm chí nó là sự xúc phạm đến tinh hoa của ngôn ngữ Việt phải chăng do sử dụng cẩu thả, do việc dạy, việc học và cái sự bằng cấp đã được thương mại hoá hay do con người mỗi ngày một dốt nát hơn khi nhân loại đang bước đến đỉnh cao nhất của nền văn minh???
Bất kỳ sự dốt nát hay cẩu thả nào cũng đều nguy hiểm, nếu sự dốt nát hay cẩu thả nằm ở vai trò lãnh đạo thì sự nguy hiểm sẽ bội phần nhưng ở ngành giáo dục nó sẽ làm suy bại cả một dân tộc !
NÔNG PHU