CÁI ĐỒNG HỒ SEIKO 5 – VĨNH BIỆT ANH TƯ (Peter C. Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of wrist watch

Người Việt ở Mỹ sợ nhứt những cú phone từ VN gọi sang vào lúc nửa đêm! Thường nó là những cú phone với hung tin! Đúng vậy! Vào lúc 3:37 sáng, đứa cháu ruột gọi qua cho hay cha nó vừa ra đi! Vậy là anh Tư tui đã đi thiệt rồi! Bất ngờ nhưng không ngạc nhiên, vì biết trước chuyện gì phải tới thì sẽ tới. Đâu có ai “vặn” cho thời gian quay ngược được! Đâu có phép mầu nào cải lão hoàn đồng được! Ngay cả thời đại y khoa tân tiến, cũng không có ai chữa được hết mọi thứ bịnh tật để giữ mạng sống cho con người! Bác sĩ giỏi cỡ nào rồi cũng chết như bao nhiêu bịnh nhân của mình!
Buồn vì một lần nữa mất đi ruột thịt, nhưng cũng mừng cho anh đã được giải thoát khỏi bịnh hoạn và những ưu phiền của tuổi già. Lần sau cùng hai anh em FaceTime, anh nói như trăn trối, như có linh tính báo trước: “Cha mất lúc 84, má mất cũng 84, tao cũng chỉ muốn tới mức đó thôi!” Anh ra đi đúng 84!
Đây là lần thứ tư tui mất đi ruột thịt. Anh Năm tui tử trận mùa hè đỏ lửa 1972. Cha tôi mất cách nay 30 năm. Má tui mất cách nay hơn 20 năm. Hôm nay đến lượt anh Tư của tui. Trong bốn lần tiễn biệt, tui chưa hề có dịp khóc hù hụ, khóc chung với những người thân như trong bất cứ đám tang nào trên đời nầy! Chỉ nghẹn ngào, chỉ khóc thầm, chỉ ráng nuốt lệ vào trong tim! Ôi! Cái số xa cha mẹ, xa gia đình! Cái số không được cùng khóc với người thân khi đưa tiễn người thân!
Cha má tui có cả thảy 10 đứa con. Anh Hai mất lúc sơ sinh. Chị Ba chết lúc mười mấy tuổi do “đau ban”. Ở trong quê thời đó, bịnh gì cũng là “đau ban”: ban đỏ là đậu mùa hay bịnh sởi gì đó; còn ban đen là sốt xuất huyết. Không thấy những chấm đỏ, chấm đen trổ đầy mình mẩy, mà chết vì bất cứ chứng bịnh nào khác, thì đều đổ thừa cho “gió”: là “trúng gió” chết, “trúng gió” nặng quá, thày chạy,…!
Anh Hai, chị Ba vắn số, vậy là anh Tư tui trở thành anh cả trong nhà. Anh tám tư, thì em mới bảy chục, cách nhau 14 tuổi. Có thể nói anh và em gần như hai thế hệ khác nhau. Mười mấy tuổi, thằng em đã xa gia đình. Những kỳ hè, cũng chỉ gặp anh rất ít. Rồi bước xuống tàu đi biệt xứ đến nay. Tính ra trong 70 năm, kể từ lúc có trí khôn, em chỉ thật sự sống chung với anh dưới một mái nhà, chỉ vài năm. Thời gian ít như vậy, nhưng anh là người anh mà em yêu thương và kính nể nhứt trong tất cả anh chị em.
Anh Tư và anh Năm là một cặp. Tui và thằng em út là một cặp. Anh Tư hơn tui 14 tuổi, anh Năm hơn tui một con giáp. Sau cặp con trai này là bốn bà chị một dọc, rồi tới tui và thằng em Út. Nhà đông như vậy, cho nên khi hai anh tui trường thành, là hai thanh niên lực lưỡng, hai nông dân cường tráng, biết đi “o mèo”, thì tui và thằng em còn cởi truồng tắm sông, mới cắp sách đi học A, B, C ở trường làng.
Tui lớn lên trong một gia đình đông anh chị em. Mỗi bữa ăn, trên bộ ngựa có mười nhân khẩu già trẻ, lớn nhỏ, quây quần bên nhau. Cha tui là người cha rất thương đàn con, nhưng nổi tiếng nghiêm khắc, cho nên một gia đình đông như vậy nhưng rất hoà thuận. Tui chưa bao giờ thấy các anh chị cãi cọ, xào xáo cả. Anh Tư tôi tuy là anh cả, nhưng rất hiền lành, thương em út hết lòng. Tui chưa bao giờ thấy anh nạt nộ, hay đánh bất cứ đứa em nào, dù một bạt tay.
Chiến tranh càng lúc càng ác liệt. Anh Năm tui bỏ quê ra Vị Thanh tòng quân, sư đoàn 21 BB, đóng ở Chương Thiện và tử trận vài năm sau đó. Anh Tư tui ráng nấn ná với ruộng đồng, nhưng sau cùng cũng không chịu nổi bom đạn, và đăng lính Nghĩa quân. Nhà tui dù ở với VC từ lúc nứt mắt, nhưng không theo VC, khẳng định. Có lý do cả. Chú Tám tui bị VC bắt, sau đó chết mất xác, cho nên cha tui làm sao ưa nổi VC. Cha tui mà “ưa” thì chắc các anh tui đều theo VC hết, vì ở trong vườn, không nghe lời đường mật dụ dỗ của họ là chuyện hi hữu. Anh Tư tui trở thành thương phế binh với một con mắt thiệt và một con mắt giả bằng thuỷ tinh. Nhìn hình mấy nhỏ gởi qua sáng nay, anh nằm như ngủ, dáng vóc rất bình thản. Bịnh tim cướp đi sinh mạng anh trong nháy mắt, nên da thịt vẫn y nguyên. Nhìn kỹ, một mắt nhắm một mắt mở, chỉ có người nhà mới biết lý do: Con mắt giả có lẽ cộm quá, không khép lại được.
Anh Tư là người tui vừa thương yêu nhất, vừa kính trọng nhứt. Không phải chỉ vì ảnh là anh cả, lớn tuổi nhứt, mà vì nơi anh tiềm ẩn một nhân cách nổi trội. Cả đời tui không thấy anh tui vướng vào bất cứ thói hư tật xấu nào: Không rượu chè, không cờ bạc, không lăng nhăng gái gú. Chị dâu tui là tình đầu cũng là tình cuối của ảnh. Hai người chung sống với nhau hơn 60 năm mà không hề thấy cãi lộn hay ấu đả lần nào hết. Tui cũng chưa từng thấy hay nghe nói anh có xích mích hay thù oán gì với bất cứ ai trong xóm. Không hơn thua. Không tranh giành. Cả đời tui cũng chưa bao giờ nghe anh chửi thề một câu nào! Người tốt như vậy, chết không lên Thiên Đàng, thì còn chỗ nào để đi?
Anh Tư tui không được may mắn như tui, không được đi học đến nơi đến chốn, mà chỉ biết đọc biết viết. Nếu được đi học, anh sẽ không phải là một nông dân nghèo nàn, sinh ra và chết nghèo trong ruộng đồng. Sinh ra và lớn lên trong đồng ruộng, nên anh đã nếm mùi cực khổ từ nhỏ. Rồi đi lính, chỉ là lính trơn, nên cảm nhận được sự thua thiệt. Chính vì vậy, kỳ hè nào về, tui cũng nghe anh khuyên cùng một câu: “Mày ráng học! Dốt nát thì ra đời cái gì cũng thua người ta, không ngóc đầu lên nổi. Nghèo dở! Dốt cũng dở!…”
Nhắc chuyện đi lính, tui không bao giờ quên cái tình anh dành cho tui. Ba tháng quân trường, tiền lương không mẻ một cắc! Mấy tay thua bạc, bán cái gì anh cũng mua. Trong những món đồ đó, có cái đồng hồ SEIKO 5 của Nhựt. Tui không bao giờ quên cái đồng hồ SEIKO 5 anh cho tui năm tui đang học Đệ Ngũ. Đó là cái đồng hồ cũ, mua ở quân trường, nhưng với tui, nó vô cùng quí. Quí vì lần đầu tiên trong đời có được cái đồng hồ. Quí vì tấm lòng anh đã dành cho thằng em. Chị Tư tui cũng hiền lắm, nên anh Tư cho tui mà chỉ không hề tỏ ra phiền hà gì hết. Nếu biết tính toán một chút, chắc chị đã khuyên hay ngăn anh Tư tui để dành cho thằng con trai lớn của anh chị, vì nó chỉ nhỏ hơn tui năm sáu tuổi.
Sau 75, khi VC chiếm được miền Nam, thì người giàu trở thành nghèo, và người nghèo trở thành mạt rệp! Gia đình tui không ngoại lệ. Nghèo tới mức tui phải đứt ruột bán cái đồng hồ SEIKO 5 để cha má tui có tiền đi xe đò sang nhà ông bà nhạc nói chuyện trầu cau cho tui.
Sau khi định cư ở Mỹ vài năm, món đồ đầu tiên tui sắm cho chính mình, là cái đồng hồ SEIKO 5, một cửa sổ không người lái, y như cái đồng hồ anh Tư cho tui! Tui đeo nó hơn 10 năm, quý nó như chính cái đồng hồ anh Tư đã cho tui, vì cứ nhìn nó là thấy và nhớ anh mình.
Sau nầy khá giả, sắm tới Movado, Rado, Longine, thậm chí có cả Rolex, nhưng cái SEIKO 5 tui vẫn còn để trong tủ, nhứt định không bỏ. Lâu lâu đem ra, lắc mấy cái, nó vẫn chạy, dù đã nằm ì trong tủ hơn 20 năm!
Năm 2000 tui về VN, đó là lần duy nhứt, và món quà tui mua cho anh Tư là cái đồng hồ. Tui nhắc cái đồng hồ SEIKO 5 anh cho tui năm xưa, anh quên mất! Tháng trước hai anh em nói chuyện, anh Tư còn khoe: “Cái đồng hồ chú cho, anh vẫn còn đeo!”
Trước khi đi vượt biên, tui cũng đã lên tiếng muốn dẫn hai thằng cháu đi theo. Anh lắc đầu: “Thôi, cha mẹ đâu con đó!” Sang Mỹ, tui viết thư về hỏi có muốn tui bảo lãnh hay không, anh cũng lắc đầu. Tui thật sự không hiểu được người nông dân tại sao phải nhứt định “bám đất bám vườn”, cho dù nghèo nàn, cực khổ! Tại sao phải sống chết với ruộng đồng? Tui không hiểu nổi!
Hôm nay anh đã thật sự chịu bỏ lại ruộng đồng! Anh đã thật sự chịu đi! Anh đi về bên Đấng đã tạo nên anh, nên em. Đó mới là cùng đích của đời mình. Em vui và an tâm vì em biết anh đã có đủ thời gian chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến đi này.
Sự ra đi nào cũng để lại thương nhớ cho người ở lại, nhưng có khi nó cũng là một sự giải thoát. Những tháng năm cuối đời của anh, cứ rề rề, ở nhà thương nhiều hơn ở nhà. Những ngày tháng cuối đời, ngoài bịnh hoạn, còn nhiều chuyện không vui vây quanh anh. Em út, con cái, nhiều người, nhiều chuyện không hay xảy ra xung quanh anh. Cũng chỉ vì anh quá hiền lành.
Thằng em nghẹn ngào tiễn biệt anh, vì đây là lần vĩnh biệt. Nó không có cơ hội liệng một cục đất xuống huyệt để tiễn anh. Nó sẽ không còn cơ hội ôm phone hằng giờ nghe anh than thở, nghe anh kể đủ thứ chuyện, những chuyện mà khoảng đời thơ ấu, nó còn quá nhỏ để nghe, để biết.
Từ nay, mỗi lần nhớ anh, em sẽ lấy cái SEIKO 5 ra, lắc lắc mấy cái, chỉnh giờ, ngày tháng, rồi cẩn thận đeo vào tay. Để nhớ anh, người anh cả mà em thương và kính trọng suốt đời này. Anh hãy an nghỉ trong Chúa. Anh đã về bên Chúa. Từ nay không bịnh hoạn, không lo âu sầu muộn nữa. Trên thiên đàng, đừng quên thằng em của anh. Thấy nó đeo cái SEIKO 5, thì anh biết nó đang tưởng nhớ đến anh. Nó nhớ anh và thương anh nhiều lắm anh Tư ơi!
Peter Tran
TB: Tên thánh của anh là Anton. Bạn bè của Mười Lúa khi đọc bài nầy, xin một Kinh Lạy Cha, cầu cho linh hồn Anton, người anh rất tội nghiệp của tui. Đa tạ.