BÙI CHÍ VINH – ĐỤNG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC SƠN VÀ GHẸO PHẠM THIÊN THƯ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Có thể là hình minh họa về một hoặc nhiều người

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

Có thể là hình ảnh về 1 người

Thi sĩ Phạm Thiên Thư

Thi sĩ Bùi Giáng thì tôi viết nhiều rồi, nhưng hai thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và Phạm Thiên Thư thì ít khi nhắc đến. Nay trong lòng thanh thản và cái đầu nhẹ tênh nhất, tôi bồi hồi nhớ lại giai thoại với hai ông…
ĐỤNG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC SƠN
Chuyện gặp Nguyễn Đức Sơn giang hồ hơn. Trước đó khi mạn đàm về thi ca cùng đồng nghiệp, tôi luôn luôn khẳng định miền Nam trước 1975 có 4 chưởng môn nhân đại diện cho 4 trường phái thi ca tiêu biểu. Đó là Bùi Giáng thơ trên trời, Nguyễn Đức Sơn thơ dưới đất, Thanh Tâm Tuyền thơ tự do kiểu Tây phương, Tô Thùy Yên thơ hành cổ điển kiểu Đông phương. Vì thế lần hạnh ngộ Nguyễn Đức Sơn trên cao nguyên Đại Lào sơn lam chướng khí, tôi đã ăn những gì ông tự trồng tự hái và đã đấu khẩu những gì ông muốn.
Tiểu thuyết đầu tay YỂU ĐIỆU THỤC NỮ cũa tôi chuyển thể thành phim nhựa chiếu các rạp trên toàn quốc cách đây hơn 30 năm có một nhân vật phụ trong truyện và phim được tôi dựng nguyên mẫu từ Nguyễn Đức Sơn. Trước đó lúc gặp nhau Nguyễn Đức Sơn tiết lộ ông từng bị bọn lưu manh gốc Hà Sơn Bình tấn công hội đồng và dùng hung khí đâm thủng gò má ông để cướp đất. Đưa chi tiết đó vô truyện tôi biến ông thành nhân vật mang biệt danh “Thông Trên Núi”. Thực ra Thông Trên Núi được biến cải từ bút hiệu đầu tiên của ông là “Sao Trên Rừng”. Trong YỂU ĐIỆU THỤC NỮ ông sống ẩn dật, quái dị như một nhà hiền triết độc đoán nhưng có trái tim nhân hậu. Ông tức Thông Trên Núi đã cùng vợ con khai phá các ngọn đồi vùng Phương Bối Am để trồng hẳn một rừng thông trùng điệp. Ông trồng thông tạo thắng cảnh cho vùng Đại Lào, Bảo Lộc nhưng phải đổ máu hàng ngày vì bọn côn đồ kết hợp cường hào ác bá địa phương luôn muốn biến rừng thông thành đất bán phân lô… Có lẽ giờ này chưa chắc Nguyễn Đức Sơn đã đọc hoặc xem phim YỂU ĐIỆU THỤC NỮ và ông cũng không thể ngờ tôi đã bưng một phần đời thực trong công việc trồng thông của ông vô tiểu thuyết.
Nguyễn Đức Sơn vốn sở trường thơ lục bát và nổi tiếng trước những bài thơ tinh gọn đến mức độ tối thiểu về chữ mà vẫn dào dạt ý tứ. Có bài thơ chỉ hai câu, mỗi câu hai chữ như “Cái lỗ – Tối cổ” đủ nói hết về chế độ mẫu hệ, về nơi khai sinh ra loài người. Có bài thơ chỉ ba câu, mỗi câu một chữ như “Hột – Thì – Le” đủ nói hết về bản chất sinh tồn thiện ác của nhân loại. Và tôi đã mượn những ý thơ độc đáo đó để đưa vô bài thơ làm tặng ông như một thứ giai thoại truyền khẩu:
ĐỤNG ĐỘ NGUYỄN ĐỨC SƠN
“Hột thì le” thật đó sao?
Ta dân “thảy lỗ” đến chào đồng môn
Xưa nay hai kẻ du côn
Ít khi đời sống cô hồn như nhau
Như miếng trầu khác miếng cau
Nhưng có cau, chẳng có trầu, như không
Như không sinh chuyện động phòng
Hột sao le được “nụ hồng thi ca”
Như không sinh nở đàn bà
“Cái lỗ tối cổ” thành ra tầm thường
Ta thừa văn, bác dư chương
Hôm nay một chén Hồ Trường chao nghiêng
“Thiên tài” nhờ lỗ “tai thiền”
Buồn lên núi hú chẳng phiền Tarzan
Buồn hái nấm luyện thành sâm
Buồn quay vào vách thương thầm Đạt Ma
Buồn hơn xuống động bẻ hoa
Buồn hơn chút nữa kiếm ta đỡ buồn
Kiếm ta ta cứ ngông cuồng
Sánh vai với Nguyễn Đức Sơn cũng kỳ
“Kỳ” thì theo “Thiệu” mà đi
Ta theo bác đã chắc gì tịnh tâm
Chẳng thà bút vẩy thơ đâm
Rong chơi đợi trận cát lầm đi qua
Đừng khen chê trước mặt ta
Sợ e tiếng gáy làm gà ghét nhau
Chẳng thà trong cuộc bể dâu
Cưa nhau chén rượu cho sầu chia hai…
GHẸO PHẠM THIÊN THƯ
Riêng đối với Phạm Thiên Thư thì tôi “quậy” theo kiểu bụi đời hơn. Năm 1980 tôi được nghỉ phép mặc đồ bộ đội rách xác xơ đi lang thang cùng võ sư Hoàng Linh qua đường Lý Chính Thắng (tức Yên Đỗ cũ). Hoàng Linh là bạn giang hồ của tôi, anh là con trai nhà văn Hoàng Ly và là em vợ Phạm Thiên Thư lúc đó. Cũng cần mở ngoặc dơn chỗ này để nói về nhà văn chuyên viết truyện đường rừng Hoàng Ly với những tác phẩm khét tiếng đăng nhiều kỳ trên các nhật báo Sài Gòn trước 1975 như Lửa Hận Rừng Thiêng, Giặc Cái, Một Thời Ngang Dọc…
Cuối cùng khi dừng chân, Hoàng Linh giới thiệu tôi với Phạm Thiên Thư đang mở tiệm hớt tóc và bỏ mối rượu ngay trên đường này. Cuộc hội ngộ diễn ra y chang truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Ngoài trời mưa tầm tã, bên trong tiệm Phạm tiên sinh ngừng hớt tóc cho vị thân chủ mặt mũi kỳ dị và kéo vị ấy ngồi xuống rót chai rượu màu xanh tiếp tôi và Hoàng Linh. Sau tuần rượu đầu đàm đạo về thơ, vị khách lạ đứng dậy chỉ vào mặt tôi và phán “tuổi Giáp ngọ phải không, sanh vào cuối tháng 9 âm lịch phải không, chào đời nửa đêm phải không?” Rồi ông ta đứng dậy bỏ đi một mạch. Lời phán của kẽ dị nhân khiến tôi hoang mang nhưng hai anh em Phạm Thiên Thư, Hoàng Linh chỉ khẽ gật gù khoái trá. Đến giờ này tôi vẫn chưa hiểu dị nhân đó là ai và tại sao chỉ sau một quẻ Dịch ông ta lại biết ngày giờ năm sinh tháng đẻ của tôi trong khi cả bàn không ai biết. Hôm đó trong lúc cụng ly nghe Phạm tiên sinh thố lộ về cuộc đời trôi nổi lên voi xuống chó của ông làm tôi ngậm ngùi vô tận. Tôi thừa biết họ Phạm sở trường về thơ bốn chữ nên ứng khẩu tặng ông bài thơ cùng thể loại mà ông ưa thích. Bài thơ như sau:
GHẸO PHẠM THIÊN THƯ
Rượu Phạm Thiên Thư
Thơ Bùi hiền sĩ
Một chén càn khôn
Đất trời túy lúy
Tưởng huynh tên “Thị”
Nên mới vào chùa
Dè đâu tửu sắc
Cũng ghiền nam mô
Huynh giữ một bồ
Chứa toàn thịt chó
Ta giữ bồ kia
Chứa toàn tín nữ
Vì huynh quân tử
Như Nhạc Bất Quần
Ta đành tiểu tử
Như Điền Bá Quang
Tiếu Ngạo cung đàn
Một gian lều cỏ
Huynh mới bẻ gươm
Ta còn mãi võ
“Đoạn Trường” hai chữ
Huynh ngâm nát lòng
“Vô Thanh” đâu chứ
Cửa thiền huynh trông
Ta con nhà tông
Giống lông giống cánh
Quen ngủ chiếu rơm
Dùng cơm khổ hạnh
Gặp chiều mưa lạnh
Chén tạc chén thù
Đem thơ tặng Phạm
Đếch cần Thiên Thư!
BÙI CHÍ VINH