BỨC ẢNH ÁM ẢNH TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

HÀNH QUYẾT TẠI SÀI GÒN – 1968

  • Người chụp: Eddie Adams (hãng thông tấn AP)
  • Thời gian: Tết Mậu Thân, 1968
  • Địa điểm: Đường phố Sài Gòn
  • Bối cảnh: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân

Đó là một ngày ác liệt của chiến dịch Tết Mậu Thân, khi đám lính VNCH dẫn một tù binh bị trói tay mặc thường phục đến trình diện tướng Nguyễn Ngọc Loan (tức Sáu Lèo) – người đứng đầu lực lượng cánh sát VNCH. Một số phóng viên nước ngoài cũng có mặt ở đó. Tâm trạng tướng Loan có vẻ không tốt. Ông vẫy tay xua đám lính lùi ra, vứt điếu thuốc hút dở xuống đất, rút súng chĩa thẳng vào thái dương người tù binh. Chuyện này vẫn thường xảy ra trong chiến tranh, người ta chĩa súng vào đầu nhau để dọa khi tra khảo. Những người có mặt đều nghĩ thế. Nhưng lần này thì khác. Tướng Loan chẳng nói chẳng rằng nổ súng không chút do dự. Người bị bắn chết ngay tại chỗ. Bức ảnh của Eddie Adams ghi lại đúng cái khoảnh khắc sinh tử với biểu cảm khuôn mặt người tử tù khi viên đạn đang xuyên qua đầu đã lên trang nhất hầu hết các báo lớn và làm bàng hoàng cả thế giới. Nó ngay lập tức trở thành biểu tượng của sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam, thổi bùng lên phong trào phản chiến vốn đang âm ỉ ở Mỹ. Người Mỹ đua nhau xuống đường đòi rút quân về nước. Sự kiện này, cùng với các diễn biến những năm sau đó khiến việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam dần trở thành tất yếu, chỉ là vấn đề khi nào và làm sao để vẫn giữ thể diện mà thôi.

Báo chí phương Tây và giới chức Sài Gòn khi đó xác định người bị bắn là Nguyễn Văn Lém (tức Bảy Lốp), đại úy đặc công của quân Giải phóng. Sau giải phóng, có tới 8 người phụ nữ tự nhận mình chính là vợ chiến sỹ Bảy Lốp! Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là con gái của đại úy Bảy Lốp lại có tên là Nguyễn Ngọc Loan, trùng tên với người ra tay hạ sát cha mình. Tuy nhiên, về sau có một số ý kiến cho rằng người bị bắn không phải Bảy Lốp mà là Bảy Nà (Lê Công Nà – phó chỉ huy Quận 5 của quân Giải phóng). Điều này được một số đồng đội và người thân của chiến sỹ Bảy Nà xác nhận. Vì thế, người tù binh trong ảnh chính xác là ai vẫn còn là một dấu hỏi.

Mùng mấy tết? Vụ việc xảy ra vào mùng mấy tết âm lịch vẫn còn có các nguồn tin chưa thống nhất. Hơn nữa, năm đó miền Bắc đã chuyển sang dùng múi giờ GMT+7, còn miền Nam vẫn dùng theo múi giờ GMT+8 giống Bắc Kinh. Thông thường tết ta và tết Tàu trùng nhau, nhưng cũng có năm lệch đi một ngày, và 1968 là một năm như vậy. Không rõ có phải vì sự nhập nhằng này mà chiến dịch Tết Mậu Thân nổ ra không đồng bộ (cách nhau 1 ngày) giữa các tỉnh miền Nam không.

Về phần tướng Loan, bức ảnh để lại những ảnh hưởng nặng nề. Ông trở thành biểu tượng của sự dã man tàn bạo khắp thế giới. Ba tháng sau, ông bị thương ở chân trong một trận đánh. Ông sang Úc chữa trị nhưng do dư âm của bức ảnh nên bị từ chối. Chuyển sang Mỹ, ông tiếp tục đối mặt với 1 chiến dịch phản đối yêu cầu trục xuất, nhưng rồi cuối cùng vẫn được ở lại điều trị, cưa mất 1 chân. Về nước với đôi chân khập khiễng, khi mà các chức vụ của mình đều đã bị giao cho người khác, ông đành giải ngũ. Sau 1975, ông cùng gia đình sang Mỹ và mở một tiệm bánh Pizza. Rồi người ta cũng phát hiện ra ông là ai và bắt đầu tẩy chay. Có kẻ thậm chí còn viết lên tường nhà vệ sinh của quán “bọn tao biết mày là ai, thằng chó”. Ông mất năm 1998 vì ung thư ở tuổi 68, để lại vợ và 5 người con.

Ai bắn nát chân tướng Loan? Báo chí Sài Gòn khi đó đưa tin là tướng Loan bị quân giải phóng bắn trúng. Tuy nhiên, sau này một số trang tin được cho là dẫn lời cố vấn Accompura cho rằng tướng Loan khi đó bị bắn từ một trực thăng UH-1B của Mỹ. Người Mỹ không ưa tướng Loan và muốn loại bỏ, thay thế bằng vây cánh của tổng thống Thiệu (ông Loan vốn là người thân tín của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ). Tuy nhiên, nhưng câu chuyện thế này không tìm được nguồn tin cậy để kiểm chứng.

Bức ảnh cũng gây chấn động tâm lý “dội ngược” lại Eddie Adams, người chụp nó. Khi xem lại nhật ký, không thấy ông nhắc về bức ảnh những ngày sau khi chụp. Song, cũng giống như ở tâm bão không thấy gió, tác động của bức ảnh lên Adams dần dần mới lộ diện. Khi thấy tướng Loan bị kỳ thị xua đuổi và cuộc đời lao dốc vì tấm ảnh, Adams bắt đầu trở nên dằn vặt. Khi Adams đến quán Pizza của tướng Loan để xin lỗi, tướng Loan trả lời đại ý “tôi làm việc của tôi, ông chỉ làm việc của ông thôi, nếu không phải ông thì cũng sẽ có người khác chụp thôi”. Nhưng điều đó cũng không giúp được gì mà còn làm Adams mặc cảm tội lỗi hơn.

Hành quyết tại Sài Gòn – ảnh màu

(Màu được tạo ra bằng phần mềm, được mygrapefruit đăng trên reddit, ảnh gốc là đen trắng)

“2 người bị giết trong bức ảnh đó… Tướng Loan giết người tù binh bằng súng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh”, Adams than thở trên tờ Time. “Những bức ảnh tĩnh vẫn là thứ vũ khí đáng sợ nhất… Nhưng nhiều khi, nó chỉ nói lên một nửa sự thật”.

Adams cho rằng nửa còn lại mà người xem không thấy được là những gì người tù binh đã làm trước khi bị bắt (được phía VNCH và một số nhà báo nước ngoài cho là giết nhiều người dã man) và sự tàn khốc của chiến tranh nói chung từ cả 2 phía. Những tình huống như vậy vẫn thường xảy ra, chỉ có điều có bị ghi hình lại hay không mà thôi. Adams cho rằng cần phải đặt mình vào vị trí tướng Loan mới hiểu sao ông làm vậy.

Khi tướng Loan mất, Adams gửi hoa viếng gọi ông là anh hùng.

Sau này, Adams đã loại bỏ bức ảnh này khỏi bộ sưu tập của mình và né tránh trả lời về nó. Cho dù bức ảnh đã đem đến cho ông giải Pulitzer danh giá, Adams tuyệt nhiên không muốn tên mình được nhắc tới gắn liền với bức ảnh. Ông tự hào về những tấm ảnh khác, mà tiêu biểu là loạt ảnh “Con thuyền không nụ cười”. Năm đó (1977), ông đã quả cảm lên thuyền cùng các thuyền nhân trong điều kiện khổ sở thiếu thức ăn nước uống và không biết trước số phận mình ra sao, lênh đênh giữa biển cả, bị Thái Lan xua đuổi. Chính bộ ảnh lay động lòng người này đã thuyết phục được quốc hội mỹ đồng ý mở cửa đón nhận 250 nghìn người tị nạn miền Nam Việt Nam. Điều này làm Adams rất tự hào và gọi đó là “điều tốt duy nhất tôi làm được trong đời”.

Nhưng thật trớ trêu, cho đến tận ngày nay, mỗi khi nhắc đến ông, phần lớn mọi người vẫn chỉ nhớ đến bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn”.

Eddie Adams mất năm 2004. Khi đó ông 71 tuổi.

Một Tấm Ảnh! Chiến Tích Hay Oan Khiên?

Chàng sinh viên đại học Saigon Nguyễn Ngọc Loan thực sự “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung” để trở thành một trong số các tướng lãnh tài ba đảm lược trong những giai đoạn khó khăn nhất của Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những hành động, phong cách, tư thái của cựu Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, rất bình dị và rất Người, nhưng thực sự đã đi vào huyền thoại.

Chưa có một nhân vật nào, ở một cương vị quyền lực nhất, mà là người nghèo nhất, với một phong thái bình dân trong cung cách đối xử, cương quyết và nhạy bén với kẻ thù và đặc biệt thể hiện tình “huynh đệ chi binh” chân thành nhất xuất phát từ con tim.

Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan được dư luận quốc tế chú ý qua hai chiến tích lớn và một tấm hình: Biến loạn miền Trung vào năm 1966. Biến cố Mậu Thân do Cộng Sản miền Bắc cố tình vi phạm thỏa hiệp hưu chiến vào dịp Tết, xua quân bất thần tấn công miền Nam trên toàn lãnh thổ. Tấm ảnh truyền đi khắp thế giới qua màn ảnh vô tuyến, được giải thưởng quốc tế của phóng viên Eddie Adams chụp lúc ông dùng rouleau ngắn nòng bắn chết tên Bảy Lốp tại ngã ba Vườn Lài (góc đường Sư Vạn Hạnh-Minh Mạng & Vĩnh Viễn). Bọn phản chiến Hoa Kỳ, với sự phụ họa của giới truyền thông dùng đủ loại mũ, lên án cựu Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan là vi phạm nhân quyền, sát hại hàng binh…dẫn đến việc hai dân biểu: bà Elizabeth Holtzman và ông Harold Sawyer (Cộng Hòa thuộc tiểu bang Michigan) cùng tiến hành một vụ kiện, nhưng thất bại trong việc yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tước quyền định cư và trục xuất tướng Loan ra khỏi Hoa Kỳ vào cuối năm 1976.

Chúng ta thử phân tích: Tối mồng 1 Tết Mậu Thân, Ty An Ninh Quân Đội tỉnh Gia Định bắt được một du kích với một bao tơi chứa 5 cây AK với lời khai “Việt Cộng sẽ tấn công Saigon Gia Định vào lúc 1 giờ sáng hôm sau”. Tướng Loan lúc bấy giờ là người đứng đầu cơ quan: Cảnh Sát Quốc Gia, An Ninh Quân Đội và Tình Báo, không hề nghỉ Tết, cho lệnh chuyển tên du kích đó về Nha An Ninh Quân Đội và quyết định điều động thuộc cấp và một xe thiết giáp của Chiến Đoàn Thiết Giáp chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ trong vùng, (việc điều động này, về sau Đại Tướng Cao Văn Viên đã phạt Tướng Loan 10 ngày trọng cấm về “tội” điều động quân lực vượt thẩm quyền!!!) trấn giữ các vị trí trọng yếu, chuẩn bị đối đầu với kẻ thù.

Đúng 1 giờ Việt Cộng bắt đầu tấn công, tuy bất ngờ, nhưng dưới sự chỉ huy của Tướng Loan, Saigon-Gia Định đã không mất một tấc đất. Cuộc chiến ác liệt xảy ra tại khu tứ giác Lý Thái Tổ-Sư Vạn Hạnh-Minh Mạng-Nguyễn Tri Phương mà Bảy Lốp là tên chỉ huy ác ôn nhất, đã đốt phá nhà dân, dùng trẻ em, đàn bà và người già làm lá chắn, bắn giết quân đội và cảnh sát tham chiến, kể cả hai phóng viên ngoại quốc. Tướng Loan ra lệnh bắt sống và đã chính tay bắn chết tên Bảy Lốp trước ống kính của phóng viên Eddie Adams.

Bắn tên Việt Cộng Bảy Lốp, tướng Loan đã có thời gian suy tư cân nhắc và ông đã thực hiện trên tư cách của một vị chỉ huy chiến trường. Hành động của tướng Nguyễn Ngọc Loan chẳng những đã nói lên tinh thần trách nhiệm cao độ mà còn thể hiện được đức tính nhân ái đối với những chiến hữu của mình, biết đau niềm đau chung, biết xót thương những anh em đã vị quốc vong thân và biết thù đúng kẻ thù. Không một cá nhân quyền lực nào, không một thế lực to lớn nào có thể có đủ tư cách để bắt cựu Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan phải chịu trách nhiệm với những luận cứ hàm hồ, thiếu công minh. Vị tướng của chúng ta đã chiến đấu bên cạnh những người bạn đồng minh Hoa Kỳ, một đất nước nhân danh tự do, nhân quyền để ngăn chận làn sóng xâm lăng của bạo quyền Cộng sản quốc tế. Tướng Nguyễn Ngọc Loan của chúng ta đã nhân danh công lý, nhân danh lý tưởng và nhân danh lương tâm của một người liêm khiết, chiến đấu vì sự sinh tồn của dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Hành động kể trên, qua tấm hình, không hề vi phạm bất cứ một điều gì mà bọn xấu, với chiếc mặt nạ đạo đức giả đã cố tình áp đặt.

Chúng ta không hề nghe ý kiến chính thức của Tướng Loan về dư luận chung quanh tấm hình. Chỉ được biết qua bài viết bày tỏ sự dằn vặt, ray rứt của Eddie Adams, sau khi nhận xét rằng “chính tấm hình của tôi đã hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Loan”. Có đoạn nhắc lại câu nói của tướng Loan khi tác giả thăm ông tại thành phố Burke, Virginia: “Ông đã làm công việc của ông và tôi làm bổn phận của tôi”.

Hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đã vĩnh viễn ra đi. Bài viết của Eddie lại xuất hiện trên nhiều báo có tầm vóc lớn của Hoa Kỳ, kể cả tờ Time. Trong số các vòng hoa phúng điếu, người ta thấy có vòng hoa của Adams và đặc biệt đính kèm tấm danh thiếp ghi giòng chữ viết tay bằng tiếng Anh: “General: I’m so, so, so…sorry. Tears are in my eyes” (tạm dịch: Thưa Thiếu tướng: Thật là đáng tiếc. Lệ đã tràn mắt tôi.) Tâm trạng của Eddie Adams, cho dù dưới góc cạnh rất Hoa Kỳ nhưng chắc chắn cũng đủ sức đánh ngã những lập luận buộc tội nhân danh đủ thứ, nào là nhân quyền, nào là nhân đạo, nào là luật chiến tranh v.v…để làm một công việc phản lại lý tưởng cao quý từ sự nhân danh của mình, và từ bọn người ấu trĩ về chính trị, ngây ngô về nhận thức dưới chiếc mặt nạ đạo đức giả đã rớt xuống.

Đối với những người Việt chân chính, có tham dự vào cuộc chiến hay không. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị tướng lãnh can trường, đảm lược và bình dị nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ chính nghĩa của quân dân miền Nam. Trong tâm tư của người viết, tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị chỉ huy tài giỏi, đã chu toàn trách nhiệm trước lịch sử và đã trở thành một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Xin một lần cuối, nguyện cầu anh linh Thiếu Tướng sớm siêu thoát.

Bến Cũ Lê Thành Quang