BA (Nguyễn Thị Thu/NTH.74)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Ông nội là con trai một của một gia đình có ruộng “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi.” Vì là con trai một nên ông nội “bị” lấy vợ rất sớm để kiếm con nối dõi. Khi đi coi mắt vợ, ông nội không mấy gì vui vì cô vợ tương lai lớn hơn ông nội hai tuổi và không đẹp. Nhưng bà cố đã biến những điều đó thành ưu điểm: “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” và “vợ xấu là vợ mình, vợ đẹp là vợ người ta.” Nghĩ tức cười lối suy luận của bà cố, nếu ai cũng thích cưới vợ xấu, không ai cưới mấy cô đẹp, thì làm sao các cô đẹp thành “vợ người ta”? Trong làng có nhiều cô gái trẻ và đẹp hơn bà nội, nhưng bà cố chọn bà nội vì gia đình bà nội “môn đăng hộ đối”. Nói theo toán học, đó là “điều kiện ắt có và đủ” để bà cố cưới bà nội cho trai duy nhất của mình.
Bà nội rất đảm đang, tuy là con gái nhà giàu nhưng không có hạnh tiểu thư. Mùa cấy, từ sáng tinh mơ, bà nội đã ra đồng coi cấy. Có chủ ruộng đứng trên bờ thì thợ cấy mới không vừa làm vừa chơi. Mùa gặt, gà gáy canh ba, bà nội đã dậy, cầm roi ra đồng coi gặt. Đi coi gặt phải cầm roi mây để dọa những đứa con nít nhà nghèo, ma lanh, đi mót lúa nhưng không chỉ lượm lúa rơi mà, rút lúa từ những bó lúa trên bờ ruộng. Thời đó, mẹ chồng thương nàng dâu là chuyện ít có nhưng bà cố thương bà nội lắm. Lại càng thương hơn, khi bà nội sanh Ba, cháu đích tôn cho bà. Ba giống ông nội như hai giọt nước: mắt một mí, da ngăm đen, mũi thấp. Dù không “trắng trẻo đẹp trai” nhưng Ba là “hũ mắm treo đầu giàn” của ông bà cố. Sau khi sanh Ba, bà nội có bầu 2 lần nữa, nhưng đều bị sảy thai. Khi Ba lên 5 thì bà nội mất, sau một cơn bạo bệnh. Ông nội trở thành gà trống nuôi con, khi mới ngoài 20 tuổi.
Sau khi mãn tang bà nội, bà cố hối thúc ông nội bước thêm bước nữa với lý do: má mỗi ngày mỗi già, nhà mình cần người coi ngó ruộng vườn và lo cho thằng Tư. Không hiểu sao Ba là con đầu mà trong nhà lại kêu là “Tư”. Không lẽ làm vậy để đánh lừa “ông bà” là ông bà nội có ba người con nhưng đã “theo ông bà” hai người rồi, đây là đứa chót, thôi tha nó? Để “dụ” ông nội bằng lòng tái giá, bà cố chọn con gái ông thầy Đồ trong làng. Gia đình ông Đồ nghèo nhưng rất đạo đức, trong làng ai cũng nể, mỗi lần trong làng có đám tiệc, ông Đồ đều được mời ngồi mâm trên. Bà nội Hai lúc đó mới 17 tuổi, người cao ráo, da trắng, mũi cao, đẹp có tiếng trong làng. Ngày ông nội theo ông bà cố và bà mai đi coi mắt, lúc ông Đồ kêu bà nội Hai bưng trà ra mời, vì không được phép ngồi trên bộ ván, ngang hàng với người lớn, ông nội đứng sau lưng ông cố nên thấy rất rõ mặt bà nội Hai. Về nhà, bà cố rất vui là ông nội bằng lòng cưới vợ, không “lèng èng” như lần trước. Sở dĩ lần này, bà cố hạ “tiêu chuẩn”, không đòi gia đình nhà gái phải “môn đăng hộ đối”, không phải là bà “tiến bộ” hơn nhưng bà biết con gái nhà giàu không ai chịu gả cho người quá vợ.
Bà nội Hai không hiếm muộn như bà nội ruột. Năm đầu, bà sanh chú Năm, rồi những năm sau đó, chú Sáu, chú Bảy, cô Tám, cô Chín, cô Mười, lần lượt ra đời. Cứ mỗi 2 năm, đều đặn, bà tăng dân số trong gia đình một người. Ông bà cố vui vẻ nhắm mắt ra đi khi trong nhà một bầy cháu nội vừa trai vừa gái.
Ông nội khi nhỏ học chữ nho nhưng có đầu óc “canh tân” nên khi Ba 10 tuổi, ông nội gởi Ba lên tỉnh ở trọ nhà một người bác họ để học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ba sống ở tỉnh từ đó, chỉ về quê những ngày Tết và hè. Mùa hè, Ba cũng chỉ ở quê vài tuần rồi tìm cách lên tỉnh. Không phải Ba không thích đời sống miền quê nhưng Ba cảm thấy lạc lõng khi về nhà. Những thằng bạn cùng xóm ngày trước cùng Ba ở truồng, tắm sông, bây giờ e dè nhìn Ba trong chiếc áo sơ mi, quần tây; tụi nó ngại ngùng không dám nói chuyện. Một lý do nữa mà Ba không muốn ở nhà lâu vì cảm thấy mình là một gánh nặng cho bà nội Hai. Mỗi khi Ba về thăm nhà, ông nội hay bảo làm món này, món kia cho Ba ăn; bà nội Hai không vui. Có lần, nhân dịp Ba về, ông nội bảo chị người nhà bắt con gà mái dầu làm gà nướng lá chanh, một món Ba rất thích, cho Ba ăn. Ba nghe Bà nội Hai cằn nhằn dưới bếp: “có giỗ chạp gì đâu mà phải làm gà, làm vịt.” Từ đó mỗi lần ông nội bảo làm đồ ăn cho Ba, Ba đều nói dối là Ba ngán thịt, cá vì ở tỉnh ăn nhiều quá. Về nhà, Ba chỉ thích ăn rau.
Mùa hè năm đó, khi Ba về báo tin đậu “bằng Tây” (Má không biết là bằng gì), ông nội mừng và hảnh diện lắm. Ông nội làm heo, gà đãi bà con trong làng để ăn mừng. Má kể, tiếng đồn qua tận làng má: “con trai ông phú Lâm đậu bằng Tây.” Ba tưởng sau khi ăn mừng xong, Ba sẽ được trở lại tỉnh xin việc làm, không ngờ ông nội bảo: “Học vậy đủ rồi. Ba mỗi ngày mỗi già, con là con trưởng, phải lo cưới vợ, học quán xuyến ruộng vườn để mai sau, khi ba không còn, con biết đường cai quản.” Theo phong tục, sau khi ông nội qua đời, Ba sẽ là người thừa kế tất cả tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai. Một tài sản khá lớn.
Thế là Ba phải ở nhà. Mỗi lần ông nội đi thăm ruộng, nói chuyện với tá điền, đều dắt Ba theo. Lúc trước mỗi lần từ tỉnh về, ông nội đều cho Ba ăn cơm với ông nội ở nhà trên, tất cả các cô, chú, kể cả bà nội Hai đều ăn ở nhà dưới. Hai cha con ngồi trên bộ ván gõ, vừa ăn, vừa nói chuyện huyên thuyên. Ông nội hỏi đủ thứ, từ chuyện học hành đến chuyện nhà cửa, đồ ăn, đời sống ở tỉnh thành. Bây giờ, theo thói quen, Ba vẫn ăn cơm với ông nội trên bộ ván gõ ở nhà trên nhưng hai cha con chỉ ăn trong im lặng. Từ lâu, bà nội Hai cứ nghĩ là sau này Ba sẽ làm việc ở tỉnh và ở luôn trên đó. Tài sản ở quê sẽ giao cho chú Năm, con trai lớn của bà. Từ lúc ông nội bảo Ba ở nhà luôn để học cai quản ruộng đất, chuẩn bị cho việc thừa kế thì bà rất khó khăn với Ba. Bà vạch lá tìm sâu, cố tìm lỗi lầm của Ba để mét với ông nội. Bà tìm mọi cách để chứng minh với ông nội là Ba không đủ khả năng để giữ từ đường, cai quản tài sản. Ba thừa thông minh để hiểu ý bà. Ba tìm mọi cách để hoà đồng với bà nội Hai và các em nên xin phép ông nội cho Ba ăn cơm ở nhà dưới với mọi người, không ăn cơm ở nhà trên với ông nội nữa. Ông nội có vẻ buồn nhưng cũng bằng lòng. Ba cảm thấy mình như cá mắc cạn, một con cá bị vớt ra khỏi nước, bỏ lên bờ. Ba không có bạn, Ba sống ở tỉnh từ nhỏ nên không gần gũi với các em. Hơn nữa, ba lớn hơn chú Năm, người em kế đến 8 tuổi nên Ba quá “già” với những trò chơi của các chú như lên gò bắn chim hay tắm ao, lấy bùn chọi nhau. Ba rất thương súc vật nên Ba không thích câu cá hay bẫy chim. Có một lần, sau khi đi coi tát đìa về, bữa cơm chiều hôm đó đầy những món ăn từ đìa. Nào là cá rô chiên giòn, cá trê kho tiêu, canh chua cá chốt, nhưng nghĩ tới những con cá giẫy giụa trong bùn tìm lối thoát, Ba không ăn được. Khi bà nội Hai hỏi tại sao đồ ăn đầy mâm mà Ba chỉ ăn đọt lang luộc chấm nước mắm, Ba nói Ba đau bụng, ăn rau cho dễ tiêu. Có thể đây là một trong những lý do mà sau này Ba ăn chay trường. Cuộc sống của Ba lúc đó rất buồn và cô đơn. Khi không phải theo ông nội đi thăm ruộng, thăm đìa, Ba ra bờ ao ngồi đọc sách một mình. Mấy quyển sách Ba đem từ tỉnh về, Ba đọc đi, đọc lại đến thuộc lòng.
Năm sau, ông nội bắt ba cưới vợ. Gia đình ngoại không những môn đăng hộ đối mà ông nội và ông ngoại còn là bạn đồng môn, ngày xưa học cùng một ông đồ nên việc cưới xin rất dễ dàng. Má người cao ráo, da trắng, mũi cao, mắt to, một trong những cô gái đẹp trong làng. Bởi vậy sau khi đi coi mắt về, ông nội hỏi Ba:
– Con thấy con Tám Lộc thế nào?
Ba trả lời:
– Ba má đặt đâu con ngồi đó.
Ông nội mỉm cười.
Sau khi Ba cưới Má về, từ từ Má thay thế bà nội Hai, quán xuyến tất cả việc bếp núc, heo, gà, trong gia đình. Nhưng lúa, thóc, tiền bạc thì bà nội Hai nắm quyền, tất cả mọi thứ đều phải hỏi bà. Má chẳng khác gì người giúp việc không lương. Ba thấy Má làm việc quần quật tối ngày, thương lắm nhưng không biết làm sao. Ông nội là một phú ông điển hình, ngoài những lúc đi thăm ruộng, thăm đìa, tiếp tá điền thì ông chỉ ngồi trên bộ ván gõ ở nhà trên, không bao giờ bước xuống nhà dưới. Nhà dưới là “giang sơn” của bà nội Hai, ông nội không hề biết chuyện gì xảy ra.
Khi Má sanh anh Hai, ông nội mừng lắm nhưng bà nội Hai thì lại càng khó khăn hơn với Ba Má hơn. Hai năm sau, Má sanh thêm chị Ba, rồi chị Tư. Khi chị Tư được hơn một tuổi thì ông nội qua đời. Cuộc sống của Ba Má thay đổi từ đó. Cúng trăm ngày ông nội xong thì bà nội Hai bảo Ba Má dọn ra ở trong căn nhà nhỏ, gần lẫm lúa. Lúc trước, ông nội chỉ cho làm rẽ một phần nhỏ ruộng, hầu hết ông nội tự coi làm. Mùa cấy và mùa gặt, người trong làng, những người có ruộng, ai cũng lo làm ruộng của mình nên thường ông nội phải mướn thêm thợ gặt và thợ cấy từ làng bên. Mùa cấy và mùa gặt kéo dài khoảng một tuần. Căn nhà nhỏ này là để thợ cấy và thợ gặt ở. Mấy năm sau này, vì lớn tuổi mà Ba thì không rành việc ruộng vườn nên ông nội chỉ giữ lại một phần ít những miếng ruộng tốt, còn tất cả cho làm rẽ nên không cần mướn thêm thợ gặt và thợ cấy từ làng bên. Căn nhà nhỏ bỏ trống từ năm nay. Căn nhà tuy mái tranh, vách đất nhưng rộng rãi, nền cao, có hai cửa sổ phên chống và nhà bếp. Sau khi Ba Má dọn ra căn nhà nhỏ bên cạnh lẫm lúa thì Bà nội Hai bảo Ba Má ăn riêng. Đáng lý sau khi ông nội mất, Ba là người thay thế ông nội cai quản tất cả mọi việc trong nhà nhưng bà nội Hai bắt việc gì cũng phải hỏi bà. Ba muốn bán lúa lấy tiền mua gỗ sửa chuồng bò hay mua phân rải ruộng, nhất nhất đều phải hỏi bà. Nếu bán lúa mà không hỏi, bà có thái độ thắc mắc nghi ngờ Ba bán lúa lấy tiền tiêu riêng. Ba Má không có ruộng vườn, tài sản riêng nên muốn có gạo ăn, Má phải hỏi bà nội Hai xin lúa. Một hôm, sau khi cho Má mấy giạ lúa, bà nội Hai nói với ông Bảy Thọt:
– Mới cho mấy giạ lúa bữa trước mà bây giờ hỏi nữa. Chắc bán chứ ăn gì mau vậy.
Ông Bảy trả lời:
– Nó làm từ sáng đến tối, có bao giờ đi đâu. Không ra khỏi nhà thì làm sao bán lúa được.
Bà nhìn ông Bảy, có vẻ không bằng lòng. Ông Bảy Thọt là em họ xa của ông nội, con nhà nghèo, cha mẹ chết sớm, ông nội đem về nuôi từ nhỏ. Không ai biết tại sao ông Bảy đi cà thọt. Nghe nói hồi ông Bảy 6, 7 tuổi, một hôm trời chạng vạng tối, ông từ bờ sông về, ăn cơm xong, tối đó ông sốt dữ dội. Ông bị sốt đến mấy ngày, Má ông cho uống đủ thứ mà không bớt, bà phải đem ông lên trạm y tế. Mấy ngày sau thì ông bớt sốt nhưng chân mặt ông bị liệt, từ đó ông đi cà thọt nên ai cũng gọi là “Bảy Thọt”. Má ông đi coi thầy bói, thầy nói vì ông ở bờ sông đến chạng vạng nên khi về bị ma theo. Ông bị ma “kéo” nhưng mạng ông lớn, không “bắt” ông đi được. Ma kéo mạnh quá nên chân ông bị liệt. Mấy lần ông nội muốn cưới vợ cho Ông Bảy. Ông nội hứa sau đám cưới sẽ cho ông Bảy mấy sào ruộng để vợ chồng tự làm ăn nhưng ông Bảy luôn từ chối. Có lẽ ông mặc cảm cái chân cà thọt của mình. Ông Bảy thương Ba Má lắm. Mỗi lần bà nội Hai đi xóm hay đi ăn giỗ xa, ông đem chài ra đìa, chài mớ cá rô, cá trê, đem về đưa cho Má bảo: “Kho cho sắp nhỏ.”
Hôm đám giỗ ông cố ngoại, Má xin phép bà nội Hai dắt con về nhà bà ngoại ăn giỗ. Bà ngoại ngạc nhiên khi thấy Má ốm nhiều. Sợ bà ngoại buồn, Má không muốn nói những thay đổi sau khi ông nội mất nhưng bà ngoại gặng hỏi mãi, Má phải nói. Khi Má khóc, kể cho bà ngoại nghe là có lần bà nội Hai nghi Má xin lúa để bán chứ không phải để ăn, bà ngoại chỉ im lặng, không nói gì. Khi Má về, bà ngoại sai người gánh hai thúng gạo, một rổ trứng vịt và một mớ khô đi theo Má. Bà ngoại dặn Má:
– Từ rày con đừng xin lúa chị Hai Lâm (bà nội Hai) nữa. Mỗi tháng, khoảng rằm, má sẽ cho người gánh gạo đem qua.
Một bữa trưa hè, Ba đang ngồi một mình dưới bóng tre bên bờ ao. Ông Bảy lại ngồi bên Ba, rút trong túi áo bà ba đen, đưa cho Ba một củ khoai lang lùi tro, gói trong miếng lá chuối. Ba cầm củ khoai, lẳng lặng lột ăn. Hai người ngồi trong im lặng một hồi, ông Bảy nói:
– Chị Hai (bà nội Hai) không phải là người xấu. Chẳng qua bả nghĩ anh Hai (ông nội) tốn nhiều tiền của cho thằng Tư mày lên tỉnh ăn học thì bây giờ nên dùng chữ nghĩa, bằng cấp để làm việc, còn ruộng vườn để cho mấy đứa em.
Ba nói nhỏ.
– Con biết. Con cũng đâu có muốn thừa kế từ đường, tài sản.
Ông Bảy hỏi.
– Thằng Tư mày có muốn làm việc và sống ở tỉnh không?
Ba nhìn ông Bảy.
– Chú Bảy biết là con sống ở tỉnh từ nhỏ, con đâu rành ruộng vườn gì đâu.
Ông Bảy im lặng nhìn Ba một lúc rồi hỏi nhỏ.
– Ai giữ thằng Tư mày?
Nói Ông xong, ông Bảy đứng dậy khập khiễng bước đi.
Một hôm, sau khi đi thăm ruộng về, Ba thấy hai thúng gạo, một rổ khô trong bếp. Ba biết là của bà ngoại cho. Tối đó, cơm nước xong, Ba kêu Má ra ngồi trước thềm. Ba nói:
– Mình không thể ăn bám nhà ngoại hoài như thế này được. Tôi định xin phép dì Hai (bà nội Hai) lên tỉnh xin việc. Khi công việc ổn định, tôi sẽ về đón mình và các con.
Má nói nhỏ:
– Tôi nghĩ dì Hai sẽ không ngăn cản gì mình đâu.
Ba hỏi:
– Tôi bỏ đi vậy mình buồn không?
Má ngạc nhiên nhìn Ba.
– Mình mới nói khi công việc ổn định sẽ về đón tôi và các con mà.
Ba nói:
– Ý tôi muốn nói là tôi đi như vậy là tôi từ chối quyền thừa kế tài sản, mình có buồn không?
Má cúi đầu nói nhỏ:
– Tôi lấy mình không phải vì tài sản nhà họ Nguyễn. Hơn nữa, từ ngày lấy mình, cái gia tài này có đem lại hạnh phúc cho vợ chồng mình đâu.
Ba nhìn má nói nhỏ:
– Đó là lý do mà tôi muốn đi.
Má gật đầu đồng ý.
Khi Ba xin phép bà nội Hai lên tỉnh xin việc làm, lẽ dĩ nhiên bà không ngăn cản. Bà cho Ba 10 giạ lúa, bán làm lộ phí. Năm ngày sau Ba ra đi với một túi áo quần nhỏ và số tiền bán 10 giạ lúa. Hơn nửa năm sau, Ba nhắn tin về là Ba khỏe mạnh, đã xin được việc làm trong công ty hỏa xa. Nhờ Ba có “bằng Tây” nên được làm “cai” và đang coi làm đoạn đường thiết lộ răng cưa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt.
Nha Trang lúc bấy giờ rất hoang sơ. Khu Phương Sài là một vùng đất hoang đầy cây gai kò ke. Chính quyền địa phương khuyến khích dân khai hoang làm nhà. Sau khi khai hoang xong, báo văn phòng Thổ Trạch, họ sẽ lên đo đạc, hợp thức hoá, người dân chỉ trả một số tiền “mua” đất rất tượng trưng. Ba khai hoang một miếng đất lớn, hợp thức hoá nhưng mãi hai năm sau mới có tiền cất nhà để đón Má, anh Hai, chị Ba và chị Tư từ quê vào. Má không biết lý do tại sao Ba làm việc ở Tháp Chàm mà lại ra Nha Trang khai hoang, cất nhà. Ba không nói mà Má cũng không hỏi. Ba rất ít nói và ít biểu lộ tình cảm. Ba có một thời niên thiếu rất buồn và cô đơn nên tôi nghĩ Ba ít nói là do thói quen chứ không phải bẩm sinh.
Khi bà nội Hai chết, Ba về quê chịu tang. Hai năm sau, Ba về một lần nữa để xả tang và xây mộ cho bà. Nhân tiện, xây mộ cho ông bà cố và ông bà nội luôn. Năm cái mộ thẳng hàng trong nghĩa trang gia đình trên một miếng đất cao nhìn xuống những thửa ruộng “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi” của gia đình họ Nguyễn. Từ đó cho đến lúc nhắm mắt ra đi trong giấc ngủ ở tuổi 82, Ba không bao giờ về một lần nào nữa. Mười anh chị em chúng tôi, ngoại trừ ba anh chị lớn, tất cả chúng tôi đều được sinh ra và lớn lên ở Nha Trang. Chúng tôi chưa bao giờ về quê nội và cũng chưa một lần nào nghe Ba nhắc đến quê nội hay thời niên thiếu của Ba.
Sau khi về hưu, Ba nghiên cứu đạo Phật, ăn chay trường và trở thành một người tu tại gia. Có lẽ từ nhỏ, trong tiềm thức, Ba đã hiểu thuyết vô thường của nhà Phật nên Ba khước từ một gia tài lớn, ruộng đất “cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi”, bỏ nhà ra đi với một số tiền của 10 giạ lúa để tìm sự bình yên trong tâm hồn.
Nguyễn Thị Thu, NTH-74
Viết theo ký ức những lời kể của Má.
Tháng 3, 2021.