BA CHỊ EM (Peter C. Tran)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Ba đứa con gái tui tự nhiên hứng chí lên, hè nhau “bỏ chồng, bỏ con”! Ba chị em rủ nhau mua vé máy bay, bay đi chơi xa với nhau 4 ngày liền! Chồng đói biết tự kiếm ăn. Con thì tạm giao cho chồng, hay nhờ ông bà hai bên trông coi, nên yên tâm để đi chơi. Hơn 20 năm, chị em chúng mới có thời gian dành cho nhau, chơi với nhau, như hồi còn nhỏ chung một mái nhà. Một chuyến đi chơi mang nhiều ý nghĩa, và cũng làm cho lão già tui thấy vui lạ.
Cái kiểu “giựt tít” nầy không giống cái bọn lều báo đâu nghen! Tui giựt chỉ cho vui thôi. Bọn họ thì khác! Họ giựt, hoặc là vì viết dở như hạch, không ma nào thèm đọc, nên muốn kích động óc tò mò của thiên hạ, hoặc là để khích động, để tuyên truyền theo lệnh “trên”. Cái tít “Địa chủ ác ghê” của CB (tên cúng cơm của thèng này tui hỏng biết), giựt tít coi rất nhẹ nhàng, nhưng đã làm cho gần 200K địa chủ mất mạng, tan nhà nát cửa, và con cháu bị di họa dài dài đến mấy đời vẫn chưa hết. Bi giờ cũng vậy, chúng nó đua nhau “giựt” thấy phát ớn. Vật giá ở Mỹ leo thang, lạm phát, do chính sách điều hành đất nước “anh minh thần võ” của lão già vừa lú vừa lẫn, là có thiệt, nhưng không đến nỗi như cái thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ của VC khi chiếm được miền Nam đâu. Mười Lúa vẫn thịt cá rượu bia đầy đủ, nên giảm cân cách nào cũng không sụt được! Bụng cứ phệ ra! Thời đó, cái đám người “đỉnh cao trí tuệ” của nước Đại Lỗ “thần thông quảng đại” hơn cả Tề Thiên Đại Thánh. Chúng bần cùng hoá đất nước “vượt chỉ tiêu” gấp trăm gấp ngàn lần Bảy Đần! Dân chúng thời đó phải ăn độn lòi bản họng, trẹo quai hàm. Năm mươi năm sau, đất nước Đại Lỗ còn thua cả xứ Lèo! Vậy mà chúng nó giựt tít về xứ giãy hoài hỏng chết nghe tới xanh mặt! Nào là “Phụ huynh Mỹ không mua nổi back pack cho con đi tựu trường”; nào là “Khan hiếm xăng dầu dân Mỹ phải chuẩn bị củi cho mùa đông”,… Nói nhiêu đủ rồi. Bài nầy tui viết về ba cô công chúa của tui, chớ hỏng phải viết về cái đám giựt đó.
Rồi, ai thích chuyện tào lao của Mười Lúa thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mệt cứ nghỉ. Tui viết mệt cũng nghỉ.
Từ hồi chơi FB đến nay, hầu như không ai thấy tui viết về gia đình. Cũng đơn giản thôi, vì ở Mỹ, chuyện riêng tư luôn được quan tâm và tôn trọng, dù viết về con cái mình, vì đâu biết chúng có vui lòng hay không khi mình viết về chúng, cho dù là để khoe. Nếu có viết về gia đình, thì chỉ là nhân cơ hội đó để “tào lao” chuyện khác. Tui vẫn vậy. Viết về thằng cháu cưng của tui, thì mục đích chính tui muốn “gài” vô bài viết là chuyện giáo dục ở Mỹ (ai muốn đọc thì dùng hashtag #thangchaucung). Hôm nay cũng vậy. Viết về ba cô công chúa nhà tui, dĩ nhiên từ cảm xúc, nhưng không phải chỉ để khoe con, mà còn có ý khác nữa.
Ngày xuống tàu, con gái đầu lòng mới tròn 2 tuổi Tây. Đến trại tỵ nạn đúng một tháng, thì cặp sinh đôi, một trai một gái, chào đời (có quốc tịch Philippines). Sang Mỹ mấy tháng, thì cô con gái Út khóc oa oa “Good morning America!”. Bốn đứa con sinh ở ba quốc gia! Bi giờ cô chị, 44, cặp sinh đôi 42, còn Cát Cát Út vừa chẵn 40! Thời gian nó bay vèo vèo. Ngày như gió, tháng như mây. Gió thổi, mây bay. Ào ào ào!
Hồi nhỏ, ba chị em đi chơi đâu cũng mặc ba cái áo đầm y chang nhau, khi thì màu nầy, khi thì vải khác, do chính tay mẹ cắt may cho. Nhiều người thấy chúng dễ thương quá, hỏi cho họ chụp vài tấm. Vậy mà bi giờ đứa nào cũng ở vào cái tuổi nửa chừng xuân, cái tuổi nếu ở VN, thì đã có sui gia, lên chức bà nội bà ngoại được rồi.
Các con tui đều lấy chồng trễ lắm (so với VN). Đứa nào cũng tốt nghiệp, có công ăn việc làm vững chắc rồi mới kết hôn. Con gái lớn mua nhà xong mới đám cưới.
Đối với tôi, không có gì quan trọng hơn là dạy dỗ cho con cái nên người. Bao nhiêu năm ở Mỹ, tôi vẫn muốn một mình gánh vác chuyện cơm áo gạo tiền, nhứt định để mẹ chúng ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con cái. Các con nên thân, công đầu của bả hết. Triệu phú, tỷ phú, mà con cái hư hết, thì đúng là một gia đình bất hạnh. Nghèo mà con cái ngoan hiền, thành đạt, thì đó là một gia tài vô giá, chưa chắc gì triệu phú hay tỷ phú sánh được.
Đi mua căn nhà đầu đời, tui dặn ông agent: “Anh coi vùng nào trường học tốt nhứt mới dẫn tụi tui coi nhà. Khu trường học không tốt, dù nhà đẹp, rẻ cỡ nào, cũng đừng mất giờ dẫn tụi tui đi coi”. Cùng một kiểu nhà, nhưng nó được xây ở khu dân cư tốt, giá sẽ đắt hơn khu xô bồ xô bộn. Và khu tốt, bao giờ trường cũng tốt. Muốn chắc ăn, chạng vạng tối chạy đến xem đường phố ở khu đó thì biết ngay. Thấy xe cộ đậu chật lề đường, thì biết là khu không tốt. Căn nhà đó tui mua cách nay 33 năm. Từng mua nhà khác, và bây giờ về ở với con gái lớn, tui vẫn không muốn bán nó. Có ngày tui sẽ quay về đó. Có ngày các con tui sẽ quay về thăm ba mẹ, sẽ ngủ ở cái phòng ngủ năm xưa chúng ngủ, sẽ ăn ở phòng ăn chúng từng ăn hàng ngày, sẽ ra sau vườn coi lại từng gốc cây, từng xẻo đất kỷ niệm. Quay về mái nhà xưa, cái tâm trạng đó làm sao mà tả được, và tui không muốn mất cái cơ hội đó.
Nhớ hồi ba chị em còn học trung học, Ba là người “canh” mấy cô công chúa kỹ lắm, kỹ như mẹ canh con gái vậy! Tui không cấm, nhưng khuyên: “Mấy đứa con đi học phải ăn mặc kín đáo, mình đẹp sẵn, không cần trang điểm cũng coi được”. Cho tui gáy một cái rồi viết tiếp: Ba đứa đều “mười phân vẹn mười”! Đứa nào cũng coi được lắm dù không phấn son (nhờ gene mẹ 90%, và chỉ 10% cái gene đẹp trai của ba!). Tui từng gợi ý cho chúng thi Hoa Hậu của cộng Đồng VN ở Bắc Cali thời đó, nhưng không đứa nào tha thiết! Tui lý luận vầy: “Mấy đứa con ăn diện đẹp như con công, đi học sẽ có trăm thằng theo tán tỉnh. Trong trăm thằng đó, thế nào cũng sẽ có một thằng lọt vô mắt tụi con. Khi sa vào đường tình, sẽ không cách gì tiếp tục việc học tới nơi tới chốn được. Ba không cấm cặp bồ, vì đó là chuyện tự nhiên và đẹp nhứt của một đời người. Ba chỉ khuyên tụi con ráng chờ khi lên ĐH rồi cặp bồ cũng chưa muộn. Ở đó, tụi con sẽ gặp được những thằng con trai đang mang hoài bão lớn, đang có chí hướng lập thân, nó biết nó muốn trở thành BS, KS, doanh nhân,… Lên ĐH, tụi con sẽ gặp những chàng trai chung chí hướng, cùng một nghề, sẽ hạp cho tụi con sau này hơn. Ở high school, chỉ có đám con trai mới lớn, chỉ biết mê gái thôi!”
Đứa nào cũng nghe lời ba. Hai đứa lớn đều lấy chồng chung lớp khi học trường Dược. Con gái Út không thích theo nghề Dược của hai chị, nên sau tốt nghiệp cử nhân Sinh Hoá, quay sang học về răng và trở thành Dental Hygenist. Không gặp được Nha sĩ đẹp trai, nhưng chồng cũng là BS chỉnh hình (Doctor of Chiropractic). Không kiếm nhiều tiền bằng hai chị, nhưng nghề đó lương cũng rất cao. Coi như lời khuyên của ba mẹ hữu ích và chúng đều thành danh, thành công. Bài nầy viết chuyện ba cô công chúa, nên cho thằng only boy qua một bên.
Chuyến đi chơi này, chị em chúng nó đã bàn tính và lên kế hoạch nhiều năm rồi, nhưng đến giờ mới thực hiện được. Cô lớn có ông bà ngoại xưa nay săn sóc con từ lúc mới nứt mắt, nên “bỏ chồng bỏ con” vài bữa không thành vấn đề gì. Cô con gái kế thì biểu chồng lấy hai ngày nghỉ, cộng thêm thứ Bảy Chúa Nhật là có được 4 ngày. Đứa con gái Út thì nhờ bà nội 2 ngày, giao cho bà ngoại 2 ngày. Bà ngoại thì ở ngay sát nách, gởi cả tháng còn được, nhưng vì muốn cho con gần bà nội nhiều hơn chút, nên mới xin bà nội đổ đường xa hơn một giờ lái xe lên giữ cháu nội. Bà nội dĩ nhiên vô cùng vui vẻ, vì đâu mấy khi có cơ hội gần cháu nhiều vậy, cho nên bận rộn cỡ nào cũng tranh thủ, không cần suy nghĩ.
Viết tới đây, ông bà sui gõ cửa đem bàn giao hai đứa cháu. Sui gia lâu ngày gặp nhau, dẫn nhau ra vườn vừa trò chuyện rôm rả, vừa cắt cho anh chị sui vài chùm nhãn ăn lấy thảo, tiện thể đưa cho anh sui nhánh nhãn tui chiết và giâm, nay rễ đã ra đủ mạnh. Dẫn anh sui chỉ cho ổng coi giàn khổ qua. Năm ngoái anh sui ghé thăm cho một rổ khổ qua, trái xanh bóng, to bằng cườm tay, mọng nước. Anh sui cho hột, tui làm giàn, tăng hu hết sức, mà trái đẹt ngắt, nhìn phát chán! Xứ này nóng hơn chỗ anh sui tui, nên không lạ gì cái câu “khổ qua nắng, khổ qua đắng, khổ qua đèo”. Chị sui thì đưa bà sui một bọc táo Tàu và một trái ổi. Hai bà, một “gái” miền Tây Đô, một “gái” kinh thành Huế, câu vai bá cổ nói chuyện rang trời, y như đôi bạn thân. Tui nói với anh sui:
– Nhìn hai bà, tui thấy vui hết sức, chắc anh cũng vậy?
– Quạ vụi! Ở bển sụi giạ phại giữ khoạng cạch, rồi còn canh nhau từng li, từng lời nọi, rồi lội phại! Tui mệt!
Sui gia tui cười sảng khoái. Đúng vậy! Sui gia ở VN phải giữ đủ thứ lễ, phải e dè từng lời ăn tiếng nói, vì lỡ sơ ý, sẽ bị lỗi phải tùm lum, mệt ghê nơi! Cuộc đời có trăm ngàn thứ phải lo toan, phải phòng thủ, mệt mỏi quá! Tại sao sui gia không thể là một đôi bạn được? Lịch sự, lễ nghĩa không phải bỏ qua một bên, nhưng đừng để nó là cái rào chắn tình thân, hay tệ hơn là cái cớ để mất lòng nhau. Anh chị sui đã cáo từ. Giờ tui viết tiếp chuyện ba nàng công chúa của tui.
Khi Mười Lúa gõ những dòng này, ba chị em “độc thân tại chỗ” của chúng nó đang tung tăng trên đường phố Little Sài gòn ở miền Nam Cali. Chị em chúng đã qua tuổi thơ ấu, hết cái thời chung mái nhà, chung bữa ăn, chung những vui buồn của một gia đình. Tính từ ngày từng đứa xa nhà đi học ĐH, chị em chúng cũng đã xa nhau hơn 20 năm. Bây giờ chị em tụi nó muốn tìm lại tuổi thơ, kẻ làm cha như tui, cảm thấy khá bất ngờ, thấy cảm động, thấy lòng rộn ràng, huống hồ bọn chúng.
Nhìn chị em nó cùng lớn lên từng ngày, vừa tương kính nhau, vừa như bạn bè tâm giao, đến giờ này vẫn vậy, kẻ làm cha như tui thấy vô cùng hạnh phúc. Trong nhà, chị ra chị, em ra em, không có cãi vã hỗn ẩu với nhau từ nhỏ. Được vậy, phải kể công của cha mẹ biết dạy chúng (cho tui gáy một cái nữa). Chị em chúng rất gẩn gũi, thân tình, như bạn bè tâm giao, có thể tâm tình với nhau hằng giờ. Chúng lập ra trang WhatsApp cho cả nhà. Thấy chúng viết qua viết lại cho nhau hằng ngày, chia sẻ đủ thứ chuyện, là biết tình chị em của chúng gắn bó cỡ nào. Chuyện vui buồn, chuyện con cái, chuyện chồng, chuyện ở chỗ làm,… cái gì chị em cũng viết cho nhau. Lâu lâu có dịp đoàn tụ như Thanksgiving, Giáng sinh, chị em nó gặp nhau, thì nhà như cái chợ từ lúc gặp cho tới lúc chia tay.
Khi chúng còn nhỏ, ngoài chuyện chúng tôi dạy chúng biết tôn ti trật tự lớn nhỏ, biết yêu thương nhường nhịn nhau, tui cũng từng nhét vào óc chúng cái tư tưởng tự lập, không trông vào cha mẹ. Câu tui thường nói nhứt, nói hoài với 4 đứa con: “Mấy đứa con đừng có đứa nào nghĩ đến chuyện chia gia tài! Đừng nghĩ đến nhà của ba mẹ, tiệm của ba mẹ, hay tiền trong ngân hàng của ba mẹ! Ba không cho tụi con tiền bạc. Ba sẽ cho tụi con tương lai. Học đi! Ba sẽ giúp tụi con hết sức ba, để tụi con có một tương lai thành công hơn ba bây giờ. Ba muốn tụi con mỗi ngày đi làm chỉ 8 tiếng trong phòng có máy lạnh, mỗi tuần làm chỉ 5 ngày, để còn thì giờ cho gia đình, nhứt là hai ngày cuối tuần, phải dành cho gia đình. Đừng có đứa nào phải cực như ba, nghe không! Đó là tương lai ba muốn cho tụi con!”
Người ngoài nghe qua, tưởng ông già này coi nặng tài sản? No! Ngay khi mua nhà, tui đã làm di chúc, làm Living Trust với tên từng đứa trong đó rồi. Tiền của làm ra, không cho con thì cho ai? Tui muốn dạy con kiểu Mỹ, dạy chúng biết lo tương lai, biết tự lập thân, không trông cậy, không ỷ lại cha mẹ. Tuy nhiên, tui chỉ copy Mỹ cái ý tưởng đó có phân nửa, chớ không bắt chước Mỹ “kick out” con ra khỏi nhà khi đúng 18 tuổi, sống chết mặc bây.
Cũng có nhiều người Mỹ để dành tiền cho con học ĐH lắm chớ không phải “cắt đứt dây chuông, lạnh lùng khép cửa”, nhưng họ vẫn muốn con mình phải tự lập. Cũng có rất nhiều người Mỹ chỉ trông cho con đủ 18 để phủi tay! Tui nhớ có một lần nói chuyện với một cặp vợ chồng Mỹ vô tiệm mua furniture. Họ mua đồ cho phòng ngủ. Họ nói con họ 18, vừa dọn ra, bi giờ phòng ngủ đó trống và họ muốn dùng làm guest room, dành cho khách đến thăm, hay con cái lâu lâu về thăm nhà, nên mua nệm giường thứ xoàng xoàng thôi. Một câu nói của bà vợ nghe rất xốc (shocked) làm tui nhớ hoài, nguyên văn: “He moved out! I have my house back!” Họ làm như nuôi con là một gánh nặng, là nợ phải trả, là nó “chiếm” nhà của mình, cho nên khi nó dọn ra, thì trút được gánh nợ đời, thở phào nhẹ nhỏm, có lại căn nhà!
Tôi chỉ không muốn con ỷ vô cha mẹ, nhưng không có bỏ con, trút gánh kiểu Mỹ, ngược lại còn “hao” hơn lúc chúng ở chung với mình. Mỗi đứa tốt nghiệp Trung Học đều có một chiếc xe mới tinh để lái đi học, để khỏi lo xe cộ hư lên hư xuống như ba mẹ hồi mới qua phải chạy xe cà tèng! Đưa chìa khoá xe, với lời căn dặn: “Ráng học nghen con! Trong vòng 10 năm, con không cần phải lo xe hư đâu!” Một chiếc Toyota Camry, một chiếc Honda Accord, một chiếc Toyota Rav4, một chiếc BMW 330, làm sao trong 10 năm có thể hư được? Ra trường, chúng còn giữ xài thêm 10 năm nữa cũng còn chưa hư. Đó là món quà thực dụng nhứt cha mẹ cho con.
Hành trang đi ĐH, ngoài chiếc xe mới, là một thẻ Visa với lời dặn: “Con cần cái gì cứ xài, bill về ba lo!” Chuyện vợ chồng thường xuyên xách xe chạy hàng trăm miles đi thăm con, với đồ ăn tiếp tế đầy cốp xe (bún, phở, thịt kho trứng,…) là chuyện khỏi nói. Tui nghĩ cha mẹ VN nào cũng y vậy. Tội nghiệp con lần đầu xa nhà, xa cha mẹ, sợ con bơ vơ, cực khổ!
Tui cũng muốn chúng biết được việc kiếm tiền cực khổ thế nào. Đứa nào cũng vậy, kỳ nghỉ hè sau khi tốt nghiệp Trung Học, chờ đi ĐH, ba đều bắt đi làm nguyên kỳ hè. Đứa làm Mc Donald, đứa đi làm thu ngân trong các chợ. Dĩ nhiên lương minimum. Chúng nếm mùi, biết cực cỡ nào mới kiếm ra tiền. Biết cực, mới ráng học.
– Kiếm nhiều tiền là bao nhiêu hả ba?
– Khi con cần mua cái gì là mua, không cần phải đắn đo suy nghĩ coi mình mua món nầy thì có còn tiền để xài cho chuyện khác hay không! Mua ngay, không đắn đo, vì tiền có sẵn, không cần cà thẻ, không cần chờ nhịn ăn nhịn mặc năm mười bữa nửa tháng mới đủ tiền. Chừng nào tụi con sống được như vậy, thì mới gọi là kiếm đủ tiền chi dụng hằng ngày, thì cuộc sống mới gọi là sung túc. Mua máy bay riêng hay du thuyền, ba không bàn ở đây, nhưng nếu con thành công tới mức đó thì quá tuyệt vời.
Tui cũng luôn dạy và nhắc nhở con nguyên tắc xài tiền: “Buy what you need, not what you like!” Nhu cầu con người có giới hạn tuỳ theo thời điểm, nhưng sở thích thì vô hạn! Cái gì không có không được, gọi là nhu cầu. Cái gì có thì tốt, không có cũng không sao, thì không phải là nhu cầu! Nếu có tiền để mua cả những thứ cho nhu cầu, và mua được cả những thứ mình thích, thì coi như mình thành công tột bực rồi.
Chúng dễ dạy, biết lắng nghe, và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ món nào trong cái hóa đơn hàng tháng của credit card để đặt câu hỏi “Why did you buy this? Why did you buy that?”
Bây giờ, các con tui không đứa nào giàu xụ, nhưng nhìn chúng có một gia đính ấm cúng, hạnh phúc, và về mặt tài chánh, cần xài gì không phải đắn do suy nghĩ, là coi như chúng đã thành công hơn ba mẹ chúng rồi. Vậy là thành công của con, cũng là công của cha mẹ khổ công nuôi nấng và dạy dỗ.
Nói thẻ credit card lại nhớ tới tấm lòng của các con mà thấy thương. Bi giờ tui hưu, mỗi đứa đưa ba, đưa mẹ một thẻ Visa với câu thòng “Ba mẹ cần xài bất cứ cái gì, cứ charge, con trả!” Tui nói “Ba giờ không lo cơm ăn, không lo áo mặc, không sợ đói, không sợ lạnh, có cần gì đâu con?” Chúng nhắc chuyện xưa, làm ông già muốn rơi lệ: “Hồi xưa ba mẹ cũng đưa tụi con card và dặn y vậy mà!”
Người ta nói “mưa trên trời mưa xuống”, tức là làm cha làm mẹ lo cho con cái là bổn phận, đừng mong con cái báo đáp làm chi, vì chúng phải lo cho thế hệ kế tiếp. Ở Mỹ thì được, chớ VN chưa được. Ở Mỹ, người già không có lệ thuộc vào con cái về mặt tài chánh, vì ai cũng có tiền tích luỹ, tiền hưu, hay ít ra cũng có tiền an sinh xã hội của chánh phủ, nghĩa là không ai cần “mưa dưới đất mưa ngược lên”! Chừng nào VN cũng có hệ thống an sinh xã hội như Mỹ, thì người già mới không cần “mưa ngược”. Tui thấy tội nghiệp người già ở VN quá.
Chuyện học hành, tui không ép, không tạo thêm áp lực cho chúng. Đứa nào cũng thông minh. Chỉ cần học ở trường là được rồi. Ngày còn trẻ, tui chưa bao giờ đi học hè, hay học thêm bất cứ môn nào. Kỳ hè tui chơi hết mình. Vô học, tui học hết mình. Con tui cũng y vậy, là được rồi. Tui cũng không ép học đàn, học vẽ, hay học bất cứ thứ gì chúng không thích. Ép chúng đến bù đầu, không còn giờ để chơi, thì còn gì tuổi thơ? Tuổi thơ là tuổi thần tiên, tuổi hoa, tuổi ngọc, tuổi đẹp nhứt đời người mà!
Lên ĐH, tui cũng không ép. Chỉ gợi ý, chỉ hướng dẫn chúng chọn ngành học:
– Mấy con chọn cái ngành nào mình vừa thích và vừa kiếm được nhiều tiền, đó là chọn lựa lý tưởng nhứt. Chọn lựa ngành kiếm ra tiền để lo cho cuộc sống của mình và con cái sau này, đó là chọn lựa thông minh. Chọn cái ngành mình yêu thích nhưng kiếm không ra tiền, đó là chọn lựa dở nhứt, và không thực tế chút nào. Chỉ có mỗi ngành luật thì tụi con đừng nên chọn!
– Why not dad?
– Xã hội nào cũng cần có Luật sư, BS, kỹ sư, người hốt rác… Đó là nghề nghiệp, và công việc để kiếm tiền sinh sống. Nhưng ai muốn chọn làm LS, cứ để người ta chọn, tụi con đừng nên chọn. Why? Một luật sư giỏi, thành công, kiếm được nhiều tiền, thì khó mà giữ được lương tâm trong sáng lắm. Kẻ sát nhân trả con nhiều tiền, con biện hộ cho nó trắng án, cho thoát tội, thì con là luật sư giỏi, thành công, giàu có, nhưng thất đức! Người ta mướn con nhiều tiền để kiện người khác. Con dùng đủ cách để buộc tội đối phương, không tội thành tội, tội nhẹ thành tội nặng, thì con là luật sư giỏi, thành công, nhưng cũng thất đức!…
Con gái lớn khi học 4 năm ĐH, đã từng tình nguyện làm intern trong ngành Y, ngành Nha, để coi mình có thích hay không. Sau cùng chọn Dược. Con gái thứ nhì được giáo sư khuyến khích học Y, nhưng cũng không muốn, chỉ thích Dược. Học BS lâu hơn, và sẽ không có giờ cho gia đinh, mặc dù tiền nhiều hơn rất nhiều. Ngành nha ngoài chuyện tối ngày đụng đến nước miếng và hơi thở của bịnh nhân, khi ra trường, họ còn lo nợ tiền học, lo vay thêm tiền để mở phòng khám, đó là một gánh nặng. Nha sĩ cũng là một “doanh nhân”, bởi vì phải biết kiếm khách, biết giữ khách ngoài cái khả năng chuyên môn của mình. Đông khách, làm ăn phát tài, tốt. Vắng khách, lỗ lã, có người tự vận! Con gái Út ngán học, quyết định không học tiếp lấy Doctor Degree như hai chị, chỉ muốn học chuyên môn để đi làm sớm, tui OK và trả hết học phí cho cháu. Tóm lại, chúng nghe lời khuyên của ba, tìm cái nghề 8 hrs/day, 5 days/week, nhưng lương dư sống, và có nhiều giờ cho gia đình, con cái. Vậy được rồi.
Nói chuyện dành thời gian cho gia đình. Hồi mới qua Mỹ, ai cũng vậy, cần cày tối đa để lập nghiệp từ hai bàn tay trắng (trừ mấy người vượt biên mang theo cả lon Guigoz hột soàn). Trong nhiều năm liền tui làm 10 hrs/day, 7 days/week, làm không ngày nghỉ. Hơn chục năm sau, khi mọi chuyện ổn định, mới nghỉ một ngày, mà cũng không nghỉ ngày Thứ Bảy hay Chúa Nhật được, vì ngày cuối tuần người ta đi mua sắm, tiệm còn phải mướn thêm nhân viên làm hai ngày đó, thì tui làm sao vắng mặt. Thời gian dành cho con cái gần như không có bao nhiêu cả. Cũng may, còn có mẹ chúng sát bên chúng trong suốt thời tuổi thơ đó. Nếu thiếu cả hai, thì đó là một thiếu thốn không có gì bù đắp được. Tui cảm thấy đó là một mất mát vô cùng to lớn nên luôn khuyên con cái chọn con đường học vấn để tiến thân.
Ngay cả bây giờ, khi tui ra vườn làm đủ thứ chuyện, con rể luôn hỏi ba: “Hôm nay cuối tuần, con nghỉ, ba muốn con làm gì với ba không?” Tui luôn trả lời: “Vợ chồng con cứ chở cháu của ba đi chơi đi. Lớn lên một chút nữa, không có đứa nào thèm đi chơi chung với tụi con đâu! Chúng nó cần tụi con. Chuyện ngoài vườn để ba. Ba cứ vừa làm vừa nghỉ, không sao đâu con,…” Đó là lý do tui vẫn hay viết, mọi “công trình” tui đều làm mình ên, không ai phụ giúp hết. Nói kiểu Mỹ là “one man band”, tức là một ban nhạc chỉ solo có một người, vừa đờn, vừa hát. Không phải chúng không muốn giúp, mà tui không cho giúp, để chúng có thời gian gần gũi con cái chúng. Cái tình gia đình nó quan trọng vô cùng.
Thấy ba chị em nó hè nhau đi chơi xa, bỏ lại sau lưng hết mọi thứ, chỉ ba chị em với nhau trong bốn ngày không lo toan, tui thấy bất ngờ, thấy lạ, thấy thương, nói chung là lòng lão già thấy có nhiều cảm xúc, nên mở máy viết chơi. Không dè viết tàng lan một hồi nó ra đủ thứ chuyện, viết hoài hỏng hết. Nuôi con từ hồi còn đỏ hói như con chuột con cho tới giờ, biết bao nhiêu chuyện để viết. Sợ người đọc phát chán, nên ngừng ở đây.
Thôi thì coi như tui hứng chí lên chia sẻ chút xíu cách dạy con. Nếu người đọc thấy cái món nào xài được, cứ tự động đem về xài. Nếu thấy Mười Lúa lẩm cẩm, lỗi thời, dạy con kiểu nhà quê, thì chỉ đọc chơi cho vui, đừng giữ trong lòng.
Peter Tran