Thiếu Tướng ĐỖ KẾ GIAI (1929-2016) (Khiết Nguyễn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai tại An Lộc. Đứng bên phải là Trung Tá Nguyễn Kim Tây
. Sau đó, Trung Tá Tây được thăng cấp Đại Tá, giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 6 và Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân. Đại Tá Tây xuất thân Khoá 10 Võ Bị cùng với các Tướng Lê Minh Đảo và Trần Văn Nhựt. Ông cũng bị Việt Cộng giam tù đến 17 năm.

                                                           ********************************************

Cách đây mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi nhận được tin cựu Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, nguyên Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Việt Nam, qua đời tại Hoa Kỳ. Vì thế nên chúng tôi viết mấy hàng này để chia xẻ với tất cả một vài sự việc về ông tướng rất ít nói này.
Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai vốn là một sĩ quan Nhảy Dù, về sau sang phục vụ bên binh chủng Biệt Động Quân và trở thành chỉ huy trưởng lúc còn mang cấp bậc chuẩn tướng. Căn cứ theo Sắc Lệnh số 230/TT/SL do Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 16 tháng Ba 1974 thì:

Chuẩn Tướng Hiện Dịch Thực Thụ Đỗ Kế Giai được thăng cấp Thiếu Tướng Nhiệm Chức kể từ ngày 1 tháng Ba 1974. Cùng thăng cấp thiếu tướng nhiệm chức với ông có các Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh, Đào Duy Ân, Võ Xuân Lành và bên Hải Quân có Phó Đề Đốc Hiện Dịch Lâm Ngươn Tánh thăng cấp Đề Đốc Nhiệm Chức, tương đương thiếu tướng bên Lục Quân.

Viết về Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai thì có rất nhiều điều tốt để viết, nhưng ở đây chúng tôi chỉ kể lại hai chuyện nhỏ nói lên bản tính của ông.
Khi Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai lên An Lộc lần đầu tiên để thăm anh em Biệt Động Quân đang chiến đấu tại đây thì tôi đang nằm ở Quân Y Viện. Lần thứ hai ông lên đây là vào tháng Giêng 1973, chỉ trước khi ký Hiệp Định Ba Lê vài tuần. Lúc đó, chúng tôi đang chuẩn bị hành quân tái chiếm lãnh thổ bên ngoài thị xã An Lộc. Cũng giống như Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Chuẩn Tướng Giai không cầm cane chỉ huy mà cầm một cây gậy dài. Ông ít nói, cứ đi mấy chục thước thì đứng lại, nhìn các căn hầm phòng thủ của anh em chúng tôi rồi lại ngước mắt nhìn về phía trước, quan sát khá lâu một cách trầm lặng. Tôi có cảm tưởng như ông đang dò xét hoặc dự đoán hướng tấn công của địch và anh em chúng tôi sẽ chống trả ra sao. Tuyệt đối không thấy ông nói chuyện với viên cố vấn Hoa Kỳ đi bên cạnh. Thỉnh thoảng mới thấy ông nói gì đó với Trung Tá Nguyễn Kim Tây, phụ tá của ông.
Chỉ hơn một tháng sau, chúng tôi lại có dịp gặp Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai một lần nữa.
Đầu tháng Ba 1973, đơn vị chúng tôi được rời An Lộc trở về Long Bình. Để ăn mừng thoát ra khỏi địa ngục trần gian cũng như biết trước rằng chỉ mấy ngày nữa đơn vị sẽ được tăng phái cho một mặt trận gay go khác, anh em chúng tôi tổ chức một cuộc vui tới bến. Vì vậy nên ông chỉ huy hậu cứ lãnh búa tạ vì cái tội để cho anh em chúng tôi dùng doanh trại tổ chức cuộc vui. Sợ rằng tiếp tục ở lại đơn vị thì sẽ có ngày lãnh thêm trọng cấp, binh nghiệp coi như bế mạc nên ông này kéo anh em chúng tôi đi theo về Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu 3 xin nơi đây can thiệp để ông tiểu đoàn trưởng bỏ qua chuyện đó. Các anh lớn ở đây đề nghị một giải pháp rất là ba phải nên anh em chúng tôi cùng đường phải chạy về Sài Gòn xin gặp Chuẩn Tướng Đỗ Kế Giai.
Tướng Giai vốn ít nói, để cho anh em chúng tôi trình bày từ đầu chí cuối mà không hề ngắt lời. Sau đó, ông liếc nhìn ngực áo anh em chúng tôi, thấy hầu hết không có bằng Viễn Thám nên chỉ thị rất vắn tắt. Những ai đã có bằng Viễn Thám thì trở về đơn vị, những ai chưa có thì sang phòng nhân viên làm thủ tục ra Dục Mỹ học ngay. Ông kết thúc, nói rằng “Không lẽ mấy chú ở đây, bắt tôi nuôi mấy chú? Đi học giùm tôi trước, rồi về đây tôi tính”. Vì ông đã từ tốn nói như thế, anh em chúng tôi ai cũng vui vẻ tuân theo.
Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai bị Việt Cộng giam tù lâu hơn cả các trung tướng tư lệnh quân đoàn, tổng cộng 17 năm. Nghe nói rằng Việt Cộng trả thù ông vì khi Dương Văn Minh mời ông cộng tác, ông nói rằng tôi cầm quân không phải để đầu hàng.

Bây giờ, người anh cả của chúng tôi đã ra đi vĩnh viễn, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho ông, và cũng nhìn lại bản thân mình, ý thức được rằng chẳng bao lâu nữa anh em chúng tôi rồi cũng lần lượt theo ông.

Khiết Nguyễn