Ngày Bỏ Nước Ra Đi (Huy Lực Bùi Tiên Khôi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Những gì đã xảy ra trong tháng tư năm 1975, những ngày tháng hỗn loạn kinh hoàng trời long đất lở, ngày tự do sụp đổ đổi đời tận thế đó phải được mỗi người trong hàng chục triệu người ghi chép để truyền lại hậu thế mai sau. Bởi vì lịch sử của một dân tộc trong một giai đoạn nào đó, đâu có gì sống động trung thực hơn những câu chuyện được kể lại của nhiều người…
Tôi quen biết Alan Carter, trưởng phòng thông tin và thư viện của tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, như một tình cờ văn chương định mệnh. Tại một buổi nói chuyện với đề tài “Những người yêu thơ” tại thư viện Hoa Kỳ ở Sài Gòn, tôi đề cập đến câu chuyện Tổng Thống John F. Kennedy. Ông Kennedy, là một người đẹp trai, một Tổng thống yêu thơ nhất trong các vị Tổng thống, bên cạnh ông thường có những tập thơ để ông đọc giải trí sau những giờ đau đầu nhức óc giải quyết công vụ. Ông rất say mê những tác phẩm văn chương của nhà thơ Robert Frost. Năm 1960, trong ngày lễ nhậm chức Tổng thống, ông mời cho bằng được nhà thơ Robert Frost đến đọc một trong những bài thơ hay của thi sĩ như là một tiết mục trong chương trình lễ đăng quang nầy. Ở Việt nam ta, vua Tự Đức là một thi sĩ, nhưng không biết vua Tự Đức có mời các vị Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương đọc thơ trong ngày lên ngôi, tôi có nhờ học giả Tam Ích lục tìm tài liệu, nhưng câu hỏi chưa được trả lời thì giáo sư Tam Ích đã treo cổ, đạp chồng sách kê cao làm chỗ đứng, vĩnh biệt ra đi…
Nhà thơ Robert Frost qua đời vào đầu năm 1963, thọ 88 tuổi. Ngày 26 tháng 10 năm 1963, đại học Amherst ở tiểu bang Massachusetts khánh thành một thư viện mới lấy tên thư viện Robert Frost để kỷ niệm nhà thơ vừa quá cố; Tổng thống Kennedy đã được mời đến để đọc một diễn văn nói về thi ca và quyền lực, trong đó có những câu:
– Poet saw poetry as the means of saving power from itself (Thi sĩ đã thấy thi ca như là những phương tiện của bảo tồn sức mạnh tự chính nó)
– When the power corrupts, poetry cleanses. (Khi quyền lực thối nát đồi bại, thi ca làm sạch tẩy uế.)
– At bottom, poet held a deep faith in the spirit of man. (Từ đáy sâu thẳm thi sĩ đã giữ một niềm tin sâu xa vào tinh thần của con người.)
Đây là một bài diễn văn cuối cùng đầy ý nghĩa văn chương sâu xa nhất của Tổng thống Kennedy; và 27 ngày sau, Robert Frost đã đón Kenney về cõi thơ đời đời, khi ông Kennedy bị ám sát chết tại thành phố Dallas vào ngày 22.11.1963.
Ông Alan Carter rất thích thú về câu chuyện của tôi trình bày; và từ đó chúng tôi làm bạn sách vở với nhau. Carter tặng tôi hai tác phẩm của William Faulkner, hai truyện dài đã đưa Faulkner lãnh giải Nobel văn chương năm 1949; tôi tặng Carter quyển “Cuộc đời của bác sĩ Arrowsmith” bản dịch việt văn tác phẩm của nhà văn Hoa kỳ Sinclair Lewis được giải thưởng văn chương năm 1930. Ông Carter vô cùng thích thú khi biết được độc giả Việt Nam đã thưởng thức văn chương Hoa kỳ trong một thời gian lâu dài hơn ông tưởng, trước khi người Mỹ ồ ạt đến Việt nam.
Alan Carter có bộ râu tuyệt đẹpphảng phất giống như nhà văn Ernest Hemingway được giải thưởng Nobel văn chương năm 1954 với cuốn “The old man and the sea”. Khi tôi bắt đầu dịch cuốn “Lão ngư ông và bể cả” được vài trang, thì một hôm Carter đem tặng tôi bản dịch ra Việt văn cuốn sách nay vừa mới in xong, và hể hả khoe rằng ông biết sinh hoạt văn chương Việt nam hơn cả tôi, để đáp lễ tôi biết chuyện Kennedy yêu thơ hơn cả ông, một nhà ngoại giao văn hóa Hoa kỳ.
Những ngày kinh hoàng tháng tư năm 1975, bộ râu của Carter bạc trắng ra xác xơ thêm mỗi lần gió nổi. Trong giai đoạn lịch sử nguy kịch hấp hối, Toà Đại sứ Hoa-kỳ lãng quên con người văn hoá, những ưu tiên di tản do ông đề nghị như gió nhẹ ngoài tai. Cuộc kết thúc đã rõ ràng, không còn gì nữa, ông không còn giúp ai được nữa, kể cả một số đông nhân viên cộng sự với ông trong cuộc di tản sống chết nầy. Cơ hội chỉ có một lần mà ông bất lực buông xuôi, không bao giờ nữa, never more… never more… Tôi không biết ông đang phân trần với tôi, hay là ông đang đọc bài thơ “The Raven” “Con quạ” của thi sĩ Edgar Poe với điệp khúc “never more” lập lại đến 11 lần ở cuối mỗi đoạn!
Và lần cuối cùng gặp nhau đó, ông Carter cho biết: khi đài phát thanh quân đội Hoa-kỳ gởi đến thính giả câu: “Mother wants you to call home” (Mẹ muốn bạn gọi về nhà) và tiếp liền sau đó bản nhạc “I am dreaming of a white Christmas” (Tôi đang mơ một lễ Giáng sinh trắng xoá) do ca sĩ Bing Crossby hát vang lên, đó là tín hiệu cuộc di tản toàn diện bắt đầu…
Alan Carter đã không giúp được tôi, đó là một trong 30 cơ hội chuẩn bị vượt thoát ra đi với 30 tên người quen biết thân thích cùng 30 địa chỉ số điện thoại ghi chép rõ ràng trên giấy để từng ngày liên lạc theo dõi. Lòng tôi quặn thắt đau nhói gạch bỏ cơ hội thứ 28 Alan Carter, như đã gạch bỏ từ cơ hội thứ nhất đến cơ hội thứ 27 trong mấy ngày trước đây. Nhưng tin tức Carter cho đã giúp tôi một chút hy vọng mong manh để bấu víu vào hai cơ hội cuối cùng…
Trước năm 1975, trong nhiều lần công du Đài Loan tôi quen biết một nhân vật, ông Hồ Liên, một đại tướng trong quân đội của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, một học giả tâm lý học, một lý thuyết gia về chiến tranh tâm lý, một người nghiên cứu lịch sử chiến tranh và ông còn làm thơ nữa.
Một lần ông hỏi tôi:
– Trong lịch sử Trung Hoa đời Tống có một vị tướng Việt Nam dám đem quân sang đánh Trung Hoa ở Quảng Tây, Nam Ninh, giết chết Đô giám Quảng Tây, chiếm thành Ung Châu tiêu diệt hơn 5 vạn quân Tàu. Vị tướng Việt Nam đó rất được Tể tướng Vương An Thạch nổi tiếng đời Tống nể vì, nghe nói vị tướng Việt Nam đó là một thi sĩ?
Tôi hãnh diện cho ông biết đó là anh hùng Lý Thường Kiệt, vì sau thảm bại trên chính lãnh thổ Trung Hoa, năm 1076 Tể tướng Vương An Thạch chỉ thị cho các tướng Quách Quì, Triệu Tiết đem đại binh sang đánh phục thù. Tại bến cửa sông Như Nguyệt, quân hai bên xáp chiến vô cùng ác liệt dữ dội, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, đêm khuya cất lời ca sang sảng hùng khí bốn câu thơ đã làm phấn khởi nức lòng ba quân và đã đẩy lui được binh Tống:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!


Thoát dịch ra Việt văn:
Nước Nam sông núi, vua Nam ở

Phân định rõ ràng theo sách trời

Vì sao giặc nghịch sang xâm phạm?

Nếu cứ làm, chuốc bại tả tơi!


Tôi đã gửi tặng ông Hồ Liên nguyên bản bài thơ bằng Hán Văn và bản dịch tiểu sử của anh hùng Lý Thường Kiệt, ông vô cùng cảm kích và trong một bài ông viết đăng báo nói về sức mạnh của thi ca ông có kể chi tiết lý thú về vị anh hùng đất Việt phương Nam nầy.
Ngày 5 tháng 4 năm 1975 lúc 11 giờ 50 tối, Tổng thống Tưởng Giới Thạch qua đời, cả đảo Đài Loan buồn thảm nức nở đau thương. Ngày 18 tháng 4 năm 1975, một buổi lễ truy điệu đơn giản tại tòa Đại sứ Trung Hoa Dân quốc ở đường Hai Bà Trưng Sài Gòn, tôi đến tham dự và gặp lại ông Hồ Liên hiện làm Đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Việt Nam Cộng Hoà. Sau buổi lễ, ông mời tôi vào văn phòng và cho biết tình hình quân sự tại Việt Nam Cộng Hòa hiện nay cũng giống như Trung Hoa Dân Quốc năm 1949; sự hỗn loạn tâm lý cực kỳ nguy hiểm kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng từng phần lãnh thổ như những con bài domino đè bẹp ngã chồng chất lên nhau. Trung Hoa lục địa đất rộng dân đông phải mất nhiều tháng, còn Việt Nam Cộng Hoà thì quá nhỏ.
Những lời nói của ông làm cho tôi khó thở nghẹn ngào. Sau đó ông cho biết thêm: Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc biệt phái hai chiếc tàu sẽ đến hải cảng Vũng Tàu để giúp di tản những người Trung Hoa liên hệ, và ông ký giấy giữ 5 chỗ cho vợ chồng và ba đứa con tôi. Khi đứng lên đưa tiễn tôi ra về, nhìn vẻ thất thần trên khuôn mặt mất ăn mất ngủ vài tuần nay của tôi, ông Hồ Liên ái ngại, thành thật và quyết tâm giúp đỡ hơn:
– Có thể hai chiếc tàu Trung Hoa đến quá trễ và tôi muốn giúp ông một việc nữa, một việc cuối cùng. Sáng ngày 25-4-1975 tôi sẽ đáp máy bay về nước, chiều ngày 25-4-1975 tòa Đại sứ Trung Hoa sẽ vĩnh viễn đóng cửa, tôi cho ông mượn chiếc xe Đại sứ của tôi, chiếc xe ngoại giao đoàn có thể chạy đến bất cứ nơi nào kể cả trong giờ giới nghiêm… Đó là tất cả những gì người bạn Trung Hoa của ông có thể làm được. Chúc ông may mắn…
Và quả thật tôi đã có một chút may mắn trong cơ hội vượt thoát cuối cùng thứ 30, trước khi ca sĩ Bing Crossby cất tiếng hát “Tôi đang mơ một mùa Giáng Sinh tuyết trắng” để báo hiệu cuộc di tản toàn diện bắt đầu, thì đại úy Kroll gọi điện thoại bảo tôi vào ngay phi trường Tân Sơn Nhứt vào chiều ngày 27-4-1975.
Nguyễn thị Kim Oanh, cô em vợ tôi, có bằng B.S nhân viên phái bộ quân sự Hoa kỳ (viết tắt là D.A.O), trước khi ra đi đã nhờ đại uý Kroll giúp đỡ gia đình tôi vượt thoát bằng các chuyến bay quân sự Hoa-Kỳ. Nhờ chiếc xe của đại sứ Hồ Liên, gia đình tôi vượt qua cổng gác phi trường Tân Sơn Nhứt một cách dễ dàng. Nhưng đại uý Kroll hoãn ưu tiên của gia đình tôi, yêu cầu xe chúng tôi quay về nhà, chờ những chuyến bay sau.
Ngày hôm sau, ngày 28-4 lúc 4 giờ chiều, chúng tôi đang xem trực tiếp vô tuyến truyền hình buổi lễ bàn giao giữa Tống thống ra đi Trần Văn Hương và tân Tổng thống Dương Văn Minh, thì chuông điện thoại reo vang, đại úy Kroll yêu cầu gia đình tôi vào ngay phi trường Tân Sơn Nhứt. Bầu trời tối sẫm, mưa đầu mùa rả rích, tôi quỳ lạy song thân tôi vừa mới di tản từ Quy Nhơn vào, rồi dìu ba đứa con, tôi cùng vợ lên xe hối hả ra đi. Mẹ tôi dầm mình trong cơn mưa, chạy theo đưa tiễn, nước mắt nhiều hơn nước mưa đẫm ướt trên khuôn mặt nhăn nheo khô héo của người…

Đường phố Sài Gòn chiều ngày 28-4 là cảnh cực kỳ hỗn loạn của ngày tận thế, mọi người bất chấp chỉ với một mục đích sống còn. Phải mất hơn một giờ rưỡi đồng hồ, xe chúng tôi mới đến cổng gác Tân Sơn Nhứt với hơn một trung đội quân cảnh Việt Mỹ, họ chận tất cả mọi xe dân sự không cho vào phi trường. Tôi thấy một số nhân vật trong Hội đồng nội các không có nhân viên hộ tống, xe họ bị chận lại và đuổi ra về. Khi gia đình chúng tôi trên xe đại sứ Trung Hoa được nhanh chóng chạy vào tới khu Air America, sát phi đạo thì những chiếc máy bay cộng sản trút bom xuống phi trường. May mắn thay gia đình chúng tôi thoát hiểm, chỉ cách chỗ chúng tôi không đầy 100 thước, tôi thấy vài chiếc máy bay C47 bị phá hủy hư hại hoàn toàn.
Vào xẩm tối, tôi bắt tay anh Bảy Điện, người tài xế đã đến lấy xe tại Tòa Đại sứ Trung Hoa chiều ngày 25-4, và trong ba ngày qua anh đã ở luôn trong xe, việc cơm nước do Kim Yến vợ tôi cung cấp, anh bất chấp sự sôi sục hỗn loạn của tình thế, quyết tâm giúp đỡ tôi. Anh đúng là một người bạn thật sự cần thiết vì cả vợ chồng tôi lúc đó không lái xe và cần thiết thật sự một người tài xế trung thành. Anh là người công giáo, công chức ngạch tài xế lâu năm, đã lái xe cho Tổng trưởng bộ Ngoại giao, tôi là chức vụ thấp nhất anh lái xe đưa rước. Sự vui vẻ bình tĩnh giúp đỡ trong ba ngày cuối cùng của anh đã làm phong phú cuộc sống của tôi quá nhiều…

Chúng tôi ôm nhau, biết nhà tôi luôn luôn cầu Phật, anh nói:
– Trời Phật sẽ giúp ông bà. Tôi sẽ cầu nguyện Chúa phù hộ ông bà. Vĩnh biệt…
Rồi anh lên xe, nhìn chúng tôi làm dấu thánh giá và nói theo:
– Bây giờ tôi làm đại sứ Trung Hoa lái xe ra về!
Giây phút cuối cùng anh còn dạy tôi thêm một bài học: trong mọi hoàn cảnh, kể cả tình trạng thê thảm bi đát nhất, hãy cố gắng giữ một tình thần lạc quan hài hước, một nụ cười…
Chín giờ tối ngày 28-4, đại uý Kroll cho tôi biết chuyến bay đưa gia đình tôi sang Phi Luật Tân sẽ cất cánh vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 29-4. Lúc bấy giờ tôi thấy khoảng gần hai ngàn người Việt Nam trong những ngôi nhà và sân thể thao của cơ sở phái bộ quân sự Hoa Kỳ. Sự an ninh trật tự được một trung đội thủy quân lục chiến Mỹ trang bị đầy đủ đảm nhận làm chúng tôi vững dạ an tâm. Nhưng những thử thách chết người vẫn chưa buông tha cho gia đình tôi.
Suốt cả đêm máy bay lên xuống không ngừng, tiếng máy bay gầm thét, tiếng đạn pháo từ xa vọng lại, cầu không vận hối hả tiếp diễn. Tôi nhìn theo những chiếc máy bay C130 đi lại trên bầu trời, tinh thần căng thẳng tột độ, không sao chớp mắt được. Bốn giờ 30 phút sáng 29-4, chuyến bay của gia đình tôi dự định cất cánh, thì đúng 4 giờ thần chết đã phũ phàng oái ăm đến sớm đổ ập xuống, tán đỡm kinh hồn.
Hàng trăm hỏa tiễn, hàng ngàn đạn đại bác 130 ly đinh tai nhức óc xé bầu trời, mưa lửa vào phi trường Tân Sơn Nhứt và cơ sở quân sự DAO. Tôi xô vợ con tôi xuống một cái hố cạn, sâu chừng năm bảy tấc, bên cạnh sân thể thao DAO. Các con tôi quá hãi hùng khóc ré lên, tôi bảo chúng lấy tay bịt tai, nằm cúi đầu sát xuống, còn tôi và vợ tôi mỗi người nằm đè lên chúng. Thật lạ khi cái chết sát kề, tôi không còn biết sợ là gì nữa, mở mắt nhìn chung quanh.
Ngoài xa một kho xăng của phi trường trúng đạn, bốc cháy khói đen đặc quánh bốc lên trên bầu trời, xen lẫn những đóm lửa tròn, những tia lửa đạn pháo cày nát không trung, tiếp theo những tiếng nổ trời long đất lở. Rồi lửa ngùn ngụt cháy lan nhanh. Một quả đạn nổ sát chiếc máy bay C130 đang đỗ trên phi đạo, tôi thầm nghĩ đó là chiếc máy bay đã sẵn sàng cho chuyến bay của gia đình tôi cất cánh lúc 4giờ 30 phút; giờ máy bay bị hư méo giống như một vật bằng nhôm bị bóp nát. Một trạm gác tại khu vực DAO cách chỗ tôi nằm không xa, hai người lính Mỹ nằm chết ngay do những đạn pháo ban đầu. Gần hơn, một người đàn bà nằm chết vì bị bức tường đè sập, trong lúc hàng trăm người Việt nam tán loạn bị khói lửa bom đạn lùa đi. Trong cơn bão lửa sấm sét bom đạn của ngày tận thế, tôi không còn đủ sức quan sát nữa, bèn bịt tai nhắm mắt lịm dần đi…
Tờ mờ sáng ngày 29-4, tôi đỡ các con tôi ngồi dậy, những thây người chết đã được khiêng đi, chỉ còn lại cảnh điêu tàn đổ nát. Đây đó những đám cháy nhỏ vẫn còn đang bốc khói. Số người Việt Nam ở lại tại sân thể thao cơ quan quân sự DAO lúc bấy giờ còn khoảng vài trăm và đến trưa chỉ còn lại hơn 60 người. Một điều đặc biệt thấy rõ là không còn bóng dáng một quân nhân Mỹ nào, ngoại trừ một người Mỹ dân sự bên bàn điện thoại truyền tin. Tôi tiến đến bên cạnh ông ta:
– Thưa ông, chúng tôi có thể chờ đợi ở đây để được lên máy bay ra đi?
– Xin lỗi, tôi không biết, tôi chỉ được lệnh ngồi giữ điện thoại nầy. Đó là D day, ngày dài nhất ngày định mệnh của đời tôi. Đến trưa các con tôi đói lả, chúng đã không ăn uống gì từ chiều hôm trước, cùng lúc đó Touneh Hàn Thọ, Phó Tổng Thơ ký Bộ Phát Triển Sắc Tộc, người bạn dân tộc thiểu số, nhà ở gần nhà tôi, Thọ vừa từ Sài Gòn lái xe đến mời gia đình tôi cùng ra về. Các con tôi leo lên xe, vợ tôi thấy như vậy là hợp lý, nhưng chần chờ đợi ý kiến của tôi. Tôi lấy sáu tập thơ đã xuất bản từ trong hành lý mang theo, ôm vai vợ tôi nghẹn ngào:
– Nếu em muốn, em có thể cùng các con ra về. Anh sẽ ở lại đây, nếu đi được thì sống còn. Anh không biết quyết định nào là đúng cho các con, nhưng ở lại đây với mấy quyển sách là hy vọng duy nhất cho đời anh.
Tội nghiệp cho vợ tôi, nàng và các con không thể bỏ tôi chết ở đây một mình. Đến 4 giờ chiều ngày 29-4, tôi mệt nhọc đói lả, tinh thần suy sụp kiệt sức, hy vọng dần dần tan biến đi theo bước chân của mặt trời từ từ xuống thấp phía tây. Tôi không còn đủ sức ngồi nữa, nằm dài ra trên đất, đầu gối lên chiếc xách tay nhỏ đựng mấy tập thơ, mắt hướng về người Mỹ dân sự ngồi gác điện thoại, cách chỗ tôi nằm khoảng năm sáu thước. Hơn bốn giờ chiều tôi mệt lả dần dần mê đi và tôi mơ hồ thấy người Mỹ dân sự ngoắc tay vẫy gọi.
Trước khi nhắm mắt hẳn, tôi thì thào nói với vợ tôi đang ngồi bên cạnh:
– Anh thật sự hôn mê rồi, anh thấy người Mỹ vẫy tay gọi anh…
Vợ tôi nhìn theo, lớn giọng la lên:
– Nó vẫy tay mời gọi anh đó, anh không mơ đâu.
Tôi chậm chạp tiến đến chỗ hắn ngồi. Người Mỹ dân sự đứng dậy bắt tay tôi:
– Các anh sẽ được di tản bằng máy bay trực thăng. Hãy bảo nhau dọn sạch nơi nầy.
Nghe đến đây, tiềm năng và sức sống trong cơ thể tôi bừng bừng nổi lên hồi phục. Tôi cùng với vài chục thanh niên còn nấn ná ở lại, trong đó có cả Hàn Thọ đã nghe theo quyết định của tôi, chúng tôi dầm mình trong mưa nỗ lực cất dọn thành đống cao hàng trăm chiếc va-li Samsonite của những người chạy tán loạn đêm qua bỏ lại, trong đó chất chứa biết bao sự nghiệp, tâm sự, kỷ niệm của đời người…
Hơn 5 giờ chiều ngày 29-4, sân thể thao tại căn cứ quân sự DAO đã được dọn ũi sạch sẽ bằng phẳng, sau đó một tiểu đội thuỷ quân lục chiến Hoa kỳ trang bị toàn tiểu liên với đạn quấn đầy mình, từ máy bay trực thăng đổ xuống bảo vệ bãi đáp, theo đội hình chiến đấu. Khoảng nửa giờ sau, bốn chiếc trực thăng Chinook CH 53 đầu tiên đáp xuống sân thể thao căn cứ quân sự DAO và bốc đi những người từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ hoặc những địa điểm tập trung khác do những chiếc xe buýt ào ạt chở đến. Rồi từng đợt bốn chiếc trực thăng Chinook đáp xuống, hối hả bay lên, cầu không vận bằng trực thăng rầm rộ ào ạt quay cuồng… Chúng tôi vô cùng lo lắng sốt ruột, sợ lại trễ, sợ tai họa lại giáng xuống… Mãi đến đợt thứ bảy, hơn 60 người cuối cùng còn lại tại sân thể thao căn cứ quân sự DAO, mới đến lượt ra đi…
Máy bay trực thăng Chinook CH 53 là một loại máy bay trực thăng lớn, hai cánh quạt ở đầu và đuôi, thường có thể vận tải 50 quân nhân Mỹ hoặc 60 người Việt Nam. Khi bốn chiếc máy bay cùng hạ xuống trong một sân thể thao hẹp, tám cánh quạt quay tít tạo ra một trận bão với sức gió 130 cây số một giờ. Tôi đã nhìn thấy một vài phụ nữ ốm yếu và trẻ em bị cuốn đi, nhưng nhờ sự dũng cảm tận tâm của binh sĩ Hoa kỳ, cuối cùng họ cũng được lôi vào trong lòng Chinook. Khoảng cách vài chục thước, nhưng dường như con đường dài vô tận cho ba đứa con tôi từ 6 đến 11 tuổi. Tất cả hành lý mang theo đều quăng bỏ lại, tôi ngồi xổm tiến lên theo kiểu ếch đi, đẩy hai đứa con trai đang bò bằng hai tay, chậm chạp từng thước một. Khi ra đi, tôi cho hai đứa con trai mặc đồng phục Hướng Đạo vì nghĩ rằng nếu chúng có bất hạnh chết đi, cũng được chết trong can đảm danh dự. Giờ thì cơn lốc 130 cây số một giờ đánh tơi tả bộ đồng phục ngắn, mong manh. Năm phút trôi qua, mà gia đình tôi tiến được chừng mười thước, trong lúc tất cả hơn 60 người hành khách khác đã vào lọt trong phi cơ. Nước mắt lưng tròng, tôi hoảng hốt tuyệt vọng… Không thể chờ đợi lâu thêm một phút nào nữa, hai người lính thủy quân lục chiến Mỹ xông ra, một người bồng hai đứa con trai tôi, một người khác nắm tay vợ chồng và đứa con gái lớn của tôi kéo vào lòng phi cơ, ngay tức khắc máy bay từ từ lên thẳng. Máy bay lên được 3 thước thì phải hạ xuống vì quá trọng tải. Cố gắng lên vài thước nữa, rồi cũng phải hạ xuống. Tôi nghe tiếng người Mỹ trưởng phi hành đoàn thét lên:
– Gắng một lần nữa, nếu không được thì giảm bớt hành khách!
Trời ạ, giá không hiểu Anh ngữ thì lòng tôi thanh thản an ổn hơn, giảm ai đây, hợp lý nhất và đại bất hạnh là gia đình tôi, những kẻ lên sau cùng.
Phi công hải quân Hoa kỳ quả thật kinh nghiệm tài ba và đầy bình tĩnh gan dạ. Lần thứ ba phi cơ lên nhanh và bắt đầu bay. Qua cửa hậu còn mở tôi thấy rõ máy bay vượt qua thành phố theo đường Vũng Tàu tiến về hướng đông. Tôi nhìn vợ tôi mặt mày hốc hác xanh tái đang ôm các con vào lòng, nước mắt nhạt nhòa dàn dụa nhìn xuống thành phố Sài Gòn, vĩnh biệt… vĩnh biệt…!
Khoảng 10 giờ tối, máy bay hạ cánh xuống tàu Hankcock, một chiến hạm trong đệ thất hạm đội Hoa kỳ ở Thái Bình Dương. Tôi ăn qua loa miếng bánh mì, uống vài ly nước và ngã gục xuống ngủ mê mệt như chết cho đến ba giờ sáng ngày 30-4-1975; một cơn đau bụng quặn thắt khủng khiếp đánh thức tôi dậy và biết tin chuyến bay chở gia đình tôi là chuyến bay cuối cùng tại căn cứ quân sự DAO. Và cũng trong giây phút này, Tom Polgar, giám đốc cơ quan tình báo của tòa Đại sứ Hoa kỳ, đánh bức điện tín cuối cùng về Hoa Thịnh Đốn thông báo chấm dứt cuộc di tản; bức điện tín lịch sử nhìn nhận bạo lực đã chiến thắng tự do đã chết, có một nội dung đầy triết lý, nguyên văn như sau:
“Đây là một cuộc chiến lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã bại trận” …
“Kinh nghiệm đau thương độc nhất này trong lịch sử Hoa kỳ, không nhất thiết có nghĩa là sức mạnh siêu cường của quốc gia Hoa kỳ đã chấm dứt tiêu tan. Nhưng tầm quan trọng của sự thua cuộc và trường hợp đưa đến sự thất bại, buộc chúng ta phải nhìn nhận cứu xét lại những chính sách nhỏ giọt nửa vời (the policies of niggardly half measures) là đặc điểm chính chúng ta đã áp dụng vào cuộc chiến trên đất nước này, mặc dầu sự cam kết về nhân lực và tài lực thật ra đã vô cùng phong phú. Những người không học được gì từ lịch sử, sẽ lập lại sai lầm của lịch sử. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không có một kinh nghiệm Việt Nam khác và đó là điều chúng ta đã học được trong bài học này.
Chấm dứt liên lạc từ Sài Gòn”
Huy Lực Bùi Tiên Khôi