NHÀ THƠ NGUYỄN BẮC SƠN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nguyễn Bắc Sơn có cái nhìn trong suốt của một nhiếp ảnh gia trước bức tranh sáng sớm quê hương Phan Thiết của ông. Những hình ảnh đó rất đời thường, đẹp bình dị và lung linh như lụa. Bức tranh ấy là thước phim quay chậm chính hình ảnh của ông từ lúc là một chú bé mê đá dế cho tới khi trở thành một người lính, vô tư bật diêm đốt điếu thuốc trong ngày sau một đêm phục kích chờ giết giặc.
Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non.
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng

  

Nhà thơ phản chiến Nguyễn Bắc Sơn

Nhà thơ phản chiến Nguyễn Bắc Sơn
Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1944 tại Phan Thiết, ông tên thật là Nguyễn Văn Hải rất nổi tiếng với những bài thơ có phong cách rất riêng không lẫn với bất cứ một tên tuổi nào. Bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí Khởi Hành để bắt đầu từ đó người yêu thơ Việt Nam theo chân từng bài thơ ông dẫn dắt khám phá thêm những vùng đất trù phú phù sa thi ca nhưng cũng đậm đặc mùi thuốc súng của một cuộc chiến mà nhà thơ luôn muốn đứng bên ngoài.
Nguyễn Bắc Sơn là người lính ở bên này vĩ tuyến nhưng đồng thời ông cũng có người cha đang cầm súng ở phía bên kia. Bi kịch chiến tranh khiến ông chọn thái độ từ khước nó là điều có thể hiểu được để từ đó mở ra một cánh cửa giải thích thái độ của một ngòi bút phản chiến mang tên Nguyễn Bắc Sơn, từng một thời gây sóng gió trong văn học Việt Nam bên này con sông Bến Hải.

Ngông nghênh, ngang tàng, hài hước

Người biết và yêu thơ Nguyễn Bắc Sơn có thể nói không đếm hết nhưng có lẽ thanh niên, sinh viên là giới để ý đến thơ ông nhất bởi cái ngông nghênh, ngang tàng, hài hước mà lại nghiêm trang đã chinh phục họ, những chàng thanh niên đang thực tập những bước chân đầu tiên trên từng bậc thang của chiến tranh Việt Nam.
Miền Bắc lúc ấy hoàn toàn không có lấy một văn nghệ sĩ nào sáng tác theo khuynh hướng phản chiến. Đối với văn nghệ sĩ thì cuộc chiến với miền Nam lúc ấy là cuộc chiến tranh thần thánh và mục đích tối hậu là phải chiến thắng. Trong khi đó tại miền Nam, một nền dân chủ mới được thiết lập không cho phép chính quyền cấm đoán triệt để những sáng tác mang tính chất phản lại cuộc chiến được mang tên bảo vệ thế giới tự do.
Nếu nhạc Trịnh Công Sơn dẫn đầu trong tính cách chống chiến tranh qua xác chết thì thơ Nguyễn Bắc Sơn tuy rón rén và nhẹ nhàng hơn nhưng trong từng bài của ông người đọc cũng nghe thấy rất rõ tiếng thở dài thườn thượt từ bài đầu tới bài cuối trong tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1972.
Tiếng thở dài ấy kéo theo tâm trạng phủ nhận và Nguyễn Bắc Sơn chưa bao giờ từ chối tính cách phản chiến trong thơ mình, ông nói với chúng tôi:
“Mình trốn lính rồi bị bắt đi bây giờ dùng chữ phản chiến là đúng đó! Đúng là thơ phản chiến. Mình làm thơ hồi hăm mấy tuổi, lúc đầu gửi cho tờ báo khởi hành và một số báo khác. Bây giờ thì hết làm được rồi, gãy cánh rồi!
Người ta đại bàng người ta gãy cánh như Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng… còn mình là chim sẻ chim sâu thì xệ cánh rồi. Mình không gửi bài đi đầu hết nhưng nếu mình gửi thì báo nó đăng liền.”

 http://t-van.net/wp-content/uploads/2015/08/clip_image001_thumb3.jpg
Thái độ phản chiến của nhà thơ không hằn học, cục cằn. Ông né tránh nó với tâm trạng của một người ý thức được sự vô ích và khó hiểu của chiến tranh. Tâm trạng nhà thơ là tâm trạng chung của rất nhiều thanh niên lúc ấy không chấp nhận chiến tranh như một phương tiện giải quyết bế tắc chính trị và họ phủ nhận chiến tranh như phủ nhận thần chết.
Nguyễn Bắc Sơn có cái nhìn trong suốt của một nhiếp ảnh gia trước bức tranh sáng sớm quê hương Phan Thiết của ông. Những hình ảnh đó rất đời thường, đẹp bình dị và lung linh như lụa. Bức tranh ấy là thước phim quay chậm chính hình ảnh của ông từ lúc là một chú bé mê đá dế cho tới khi trở thành một người lính, vô tư bật diêm đốt điếu thuốc trong ngày sau một đêm phục kích chờ giết giặc.
Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non.
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng


Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày.
Và bật que diêm đốt thuốc

Những than vãn rất dễ thương

Nguyễn Bắc Sơn có những than vãn rất dễ thương. Không ai trách móc ông tại sao lại chán chê chuyện lính tráng, thay vào đó là ánh mắt thiện cảm dành cho một thiền sư, thiền sư trốn lính:
Ðời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính
Bắt lê la mang một chiếc mu
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Và nỗi buồn như nước những đêm mưa
Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn
Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu
Dù đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu
Trời đất bao la ta chỉ có một mình 

Thơ tình của Nguyễn Bắc Sơn cũng thuyết phục như thơ phản chiến của ông. Có điều khi đọc người ta chỉ thấy hình bóng của vợ ông trong đó, những cô gái khác không có cơ hội lấn vào trái tim ông. Diễn tả về người bạn đời từ đó đến nay ông có những câu chữ thật dễ thương, dễ xúc động nhưng cũng đượm buồn:
Lòng vui sướng như một chiều nắng tốt
Cầm tay em chầm chậm bước qua sông
Tà áo em buồm trắng đã căng phồng
Những tình ý một đời chưa nói hết


Trong thành phố này từ lâu anh vẫn biết
Ở đâu đây còn chảy một dòng sông
Ở đâu đây còn có mặt trời hồng
Có bến tịnh đậu con thuyền trôi nổi


Thời tuổi nhỏ đời anh buồn quá đỗi
Nhà anh nghèo ngày không đủ cơm ăn
Mẹ hai tay lau nước mắt nhọc nhằn
Cay đắng quá đàn con đâu có biết


Khi lớn khôn nhiều đêm anh hối tiếc
Ðã bao ngày mê mải với văn chương
Nhưng bất tài không viết nổi tình thương
Của người mẹ tóc dài đang nhuốm tuyết


Em cũng biết tình yêu anh bát ngát
Và ngây thơ như đồng mía lau say
Biết ngày xưa anh là ngọn gió tây
Thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối


Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới
Khi em thành sương phụ áo màu đen
Anh bán đi chồng sách quí nuôi em
Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi


Khu vườn nhà ta sáng nay có nhiều lá mới
Những lá già rã mục tự hôm qua
Trong lòng anh cũng nở một bông hoa
Ðóa hoa chỉ mỗi mình em ngó thấy

Nguyễn Bắc Sơn không làm thơ chỉ để yêu em mà ông còn yêu người khác nữa. Đối với bạn bè và tha nhân người thơ rất hào phóng gửi cho họ những món quà bất ngờ, những món quà khác thường mà họ từng nhận được trong đời:
Trong gói quà
Có núi có sông
Có rừng có biển
Có những sinh vật dễ thương
Có âm thanh và ánh tượng
Có một Việt Nam
Quằn quại trong cơn đau
Có khí thế đang lên
Xây đời hậu chiến
Ðiều ta tặng chính là một bài thơ hay
Kẻ làm thơ chính trực
Là kẻ tặng mọi người
Những gì y có
Sau cùng còn cái mạng không
Y tặng nốt cho người y yêu.

Núi sông ấy là của Việt Nam

Khi tặng núi tặng sông cho mọi người nhà thơ chỉ muốn nhắc nhở người mà ông yêu mến rằng núi sông ấy là của Việt Nam và núi sông ấy đang rướm máu.
Nguyễn Bắc Sơn thành thật nghĩ rằng sự rướm máu ấy do lòng thù hận, phân cách gây ra. Ông đứng ngoài cái vòng ấy và ông phản chiến. Hãy nghe ông nói với các con của mình:

Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba
Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn
Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng
Ba bắt đầu thương nhớ các con ba
Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt
Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba
Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận
Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu
Ðó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ
Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du
Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau
Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Ðể thấu hiểu vì sau ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than 
Nguyễn Bắc Sơn sống cùng thời với Tô Thùy Yên vì vậy có lẽ ngôn ngữ thơ hai người man mác tạo cho chúng ta cảm giác gần gũi. Bài “Anh hùng tận” của Tô Thùy Yên và “Thảo khấu”  của Nguyễn Bắc Sơn có thể đại diện cho một dòng thơ chiến tranh đẫm chất bi tráng của lịch sử Việt Nam cận đại.
Nếu Nguyễn hỏi: “Vì sao ngươi đến đây làm giặc, đóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu?” thì Tô thi sĩ có câu trả lời bốp chát: “Tới đây toàn những tay hào sĩ / Sống chết không làm thắt ruột gan / Cũng không ai nhắc gì thân thế / Có vợ con mà như độc thân.” Hai bài thơ, hai tâm trạng nhưng cùng nói về một hình ảnh chiến tranh với bao đau thương của nó:
Buổi sáng xuất quân về phương Bắc
Âm thầm sương sớm toán quân ma
Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà
Nước reo bèo dạt mặt trời lên
Khói núi lời ca chú dế mèn
Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng
Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập cầm gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng
Vì sao người đến đây làm giặc
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Ðưa đẩy người trong cát bụi mù
Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình
Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà?

Niềm tin ngây thơ
Nguyễn Bắc Sơn có cha tập kết và cha ông cũng là niềm cảm hứng của nhà thơ trong nhiều câu chữ của mình. Người cha ấy sau cùng cũng gặp được con và buồn thay, Nguyễn Bắc Sơn gặp cha trong tâm tình của một người lận đận, vỡ òa thất vọng. Với một chút hài hước thường lệ ông cười cợt trên niềm tin ngây thơ của cha cũng như của chính ông trong cuộc đời thi sĩ:

Bố tôi qua đời đúng năm năm
Tôi viết bài thơ này để tâm sự cùng một người khuất núi
Thuở sinh tiền
Ông rất thương tôi
Và tôi rất thương ông
Nhưng hai chúng tôi
Đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm.
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu

Tôi ước mơ cõi đời tốt dẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy.
Nhầm lẫn của cha ông được trả bằng hai chữ “sặc máu” vừa buồn cười vừa cay đắng. Không một chút trách móc nặng nề nào và người ta chỉ thấy tê tái và buồn.
Còn sự ngây thơ ca tụng loài người của thi sĩ chỉ phải trả bằng hai chữ “xấu xa”. Xấu xa với ý nghĩa tự trào, biếm nhẽ lấy mình, khi thực tâm thi sĩ vẫn nghĩ đời rất đẹp.
Nguyễn Bắc Sơn có lẽ là thi sĩ phản chiến hồn nhiên nhất và cũng nhân bản nhất. Ông sợ chiến tranh làm non sông rướm máu. Ông làm thơ phản chiến với một ý thức duy nhất là tránh cưộc chiến càng xa thì đồng bào ông càng ít chết chóc, trong đó có bạn bè đồng ngũ. Ông mơ một ngày ngồi lại với nhau cả người sống lẫn người đã chết, chỉ đơn giản nâng ly cám ơn cuộc đời và gậm nhấm chút hạnh phúc sót lại sau cuộc chiến:
Bóng bồ câu gù trên đầu ngọn tháp
Ai chèo thuyền câu cá giữa dòng sông
Vẫn còn đây bóng dáng chiếc cầu cong
Ðây có sẵn rượu bia đồ nhắm tốt

Các bạn cũ những thằng nào vô phước
Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua
Hãy về đây mà say khướt cùng ta
Này bóng mây cao, này vòm lá thấp

Con đường phố người anh em tấp nập
Một người này yêu một chút người kia
Tay ấm trong tay chân ấm viả hè
Trái tim ấm lửa tình người ấm áp

Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Ðể nhìn thấy hình bản lai diện mục

Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã vứt hết, đã bắt đầu lại từ hơn 40 năm qua nhưng có lẽ ông vẫn chưa tìm thấy những gì mà trong suốt thời kỳ chiến tranh ông tìm kiếm: cõi bình an đích thực của một người thơ mơ mộng như ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/nguyen-bac-son-an-anti-war-poet-ml-10182014074241.html

°
*   *
Phía Bên Kia Những Bài Thơ “Cà Rỡn” Của Nguyễn Bắc Sơn,
“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui.”
Hoặc:

“Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sông
“Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa.”
Hoặc nữa:

“Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan…”

*
*     *

Nguyễn Bắc Sơn 1944 – 2015 và tập thơ CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI – Đào Trung Đạo

*

Nguyễn Bắc Sơn, gã giang hồ hảo hán – Ban Mai 

*

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) – Nguyễn Hưng Quốc