Trận Đánh Không Có Đại Bàng tại Huấn Khu Thủ Đức Ngày 30/4/1975

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trần Văn Trung, Lê Nguyễn, Hải Triều

Rừng xanh Long Khánh gục đầu, tan tác theo những bước lui binh bỏ Xuân Lộc, lệnh sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy và các đơn vị tăng phái, bằng mọi giá rút về bảo vệ vòng đai Sàigon. Đó là những con đường máu mà các đơn vị QLVNCH phải xuyên phá vòng vây phục kích của các sư đoàn Bắc quân trong thế lui quân nghiệt ngã. Địch chiếm Long Khánh và áp lực địch lấn dần về Saigon theo một vòng cung lửa từ Đông sang Tây.

Cửa ngõ Xuân Lộc đã mở cho địch quân, quân lệnh từ đài phát thanh quân đội và Saigon vẫn được “đại bàng” các loại ban hành xen lẫn với các bản hùng ca chiến đấu, nhưng người lính không biết các ông ở tọa độ nào, “đại bàng” đang xếp cánh ở đâu, còn hay đã bay xa.

Nắng ấm tháng Tư miền Nam vẫn trải khắp núi rừng, đồng ruộng, phố phường, nhưng trong nắng rõ ràng đã ăm ắp những tia nắng của tử khí, của bi thương của tuyệt vọng. Người người hốt hoảng, mà cây cỏ dường như cũng không muốn ngẩng đầu.

Trưa 28 tháng 4, 1975, xe pháo quân đội các loại từ hướng Biên Hòa nối đuôi đổ về Saigon, quân số các cơ quan, đơn vị trong Huấn Khu Thủ Đức cũng vơi dần trong cơn sốt hoảng loạn dù lệnh cấm trại 100% đã được ban ra từ mấy hôm trước. Số sĩ quan bám trụ ở lại trong Huấn Khu TĐ còn lại khoảng 30%, ước chừng 30 sĩ quan cơ hữu của Huấn Khu, trong số người còn lại vào phút chót đó có Đại Úy Trung của trường Tổng Quản Trị, Đại Úy Thảo của trường Quân Báo.

Huấn Khu Trủ Đức (HKTĐ), quân trường Thủ Đức cũ, nằm trong địa bàn trận địa trên lộ trình chuyển địch xuôi Nam tiến về Saigon trong vòng cung tiến quân của các sư đoàn cộng sản. Mọi thành phần thuộc các đơn vị trong Huấn Khu, kể cả khu gia binh được đặt trong tình trạng chiến đấu không có “đại bàng”. Tuy vậy, họ đã phối hợp vô cùng nhịp nhàng trong thế phòng thủ và tác chiến. Các đơn vị gồm trường Tổng Quản Trị, trường Hành Chánh Tài Chánh, trường Quân Nhạc và trường Thể Dục Thể Thao, riêng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia và Trường Bộ Binh Long Thành (Thủ Đức cũ) không nằm trong phạm vi Huấn Khu Thủ Đức.

Đêm qua nhanh trong hơi thở dồn dập tuyệt vọng của miền Nam, đêm cắm trại mệt nhoài chờ tác chiến của quân nhân các cấp trong HKTĐ. Ca trực Tổng Quản Trị được bàn giao từ Đại Úy Thông ngày 28/4 qua Đại Úy Trần Văn Trung sáng 29/4.

Mờ sáng, cả Huấn Khu mừng rỡ mở cổng chính số 1 để đón các đơn vị Sinh Viên Sĩ Quan Đà Lạt từ miền Trung kéo về, cùng lúc hàng loạt những đơn vị Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị thuộc trường Bộ Binh Long Thành cũng kéo về HKTĐ, trường Mẹ cũ của họ thuở xưa. Họ di quân từng toán thứ tự dù không có cấp chỉ huy trực tiếp, trừ vị sĩ quan cao lon nhất là Trung Tá Tuyền của trường Bộ Binh Long Thành.

HKTĐ trở thành nơi tá túc của các SVSQ Đà Lạt và Long Thành. Ngay sau đó, họ trở thành những chiến binh tác chiến bảo vệ căn cứ. HKTĐ có thêm quân, có thêm anh em đồng cảnh ngộ chong súng dựa lưng nhau. Lạ lùng thay, dù không có một “đại bàng” chính thức nào trên đầu, các sĩ quan trong Huấn Khu liên lạc hàng ngang, làm việc hàng ngang trong tình huynh đệ đồng sinh đồng tử trong những giây phút cuối cùng của miền Nam. Các sĩ quan trong Huấn Khu thay phiên nhau trực và điều hợp những kế hoạch phòng thủ và tác chiến trong khi vòng vây của địch đang khép dần chung quanh căn cứ. Các giao thông hào, các công sự phòng thủ, các cứ điểm đặt súng cộng đồng, các trạm canh gác… Tất cả các loại súng chong thẳng ra ngoài hàng rào kẽm gai. Các thùng đạn đủ loại đặt sẵn tại các vị trí tác chiến. M72 sẵn sàng trong từng chiến hào. Các trạm canh báo cáo liên tục về cánh quân di chuyển của địch ở tầm xa đang tiến về hướng Huấn Khu. Bắc quân tiến về Saigon nhưng sẽ không để yên Huấn Khu Thủ Đức.

Trong Trường Quân Báo Cây Mai, Đ/U Thảo, trưởng phòng Chính Huấn đang phân vân giữa gia đình và đơn vị. Anh vẫn còn ở lại Huấn Khu trong khi có một số bạn đã chuồn về với gia đình họ, đột nhiên anh thấy “ông gìa đầu bạc”, Thiếu Tá Biện Ngọc Bái, người đã rời Huấn Khu về Saigon thăm nhà hôm trước, lại quay trở lại. Ông buột miệng hỏi:
– Ủa, Đ/U Thảo còn ở đây à?
– Bộ huynh trưởng tưởng tôi mang phao lặn theo ông Thiệp kiếng cận rồi sao?
– À, hay toa lấy Honda “dzọt” về nhà chút xem sao. Đường còn đi được mà!
– Thiếu Tá già rồi còn vì trách nhiệm mà trở lại đơn vị với anh em, còn tôi, trong tình huống này lòng dạ nào bỏ đơn vị?
– Ừ, thôi anh em mình cùng ở lại, có gì thì cùng chiến đấu bên nhau. Mà Đ/U Thảo Ròm, làm sao thì làm chứ tôi đã từng vào Lý Bá Sơ cách đây mấy mươi năm, ớn lắm rồi nhé!

Tại văn phòng Chỉ Huy Phó đêm 29 tháng 4, trường Quân Báo có một cuộc họp mặt bỏ túi gồm có Trung Tá Nguyễn Ngọc Bích, Chỉ Huy Phó kiêm Trưởng Khối Huấn Luyện trường Cây Mai, Trung Tá Phạm Văn Đẫu, Thiếu Tá Bái, Hiền, Kiệt và Đ/U Thảo, không khí nặng nề, âu lo. Anh em chửi thề khi nghe tiếng mõ thanh la, trống các loại của cộng sản đập gõ ở vòng ngoài hàng rào phòng thủ sau cổng số 9, đường ra bãi tập của Trường Bộ Binh cũ. Kèm theo những tiếng gõ đủ thứ, âm thanh ồn ào của tiếng loa vọng vào Huấn Khu: “Hàng sống, chống chết. Hãy về với nhân dân để được khoan hồng!”

Việt cộng cứ loa, cứ gõ, các sĩ quan trong Huấn Khu vẫn âm thầm chia nhau trực và kiểm soát vị trí phòng thủ của anh em. Tr/T Đẫu lên tiếng, giọng ông buồn buồn:
– Anh em mình không còn bao nhiêu người, T/Tá Hiền và Đ/Uý Thảo quen trận mạc, Thảo điều động anh em án ngữ mặt tiền đơn vị, còn Hiền phụ mặt sau với chúng tôi.
– Trung Tá yên chí, chúng ta sẽ chơi xả láng nếu chúng tràn vô Huấn Khu.
– Thảo liên lạc thường xuyên bên phòng sĩ quan trực để phối hợp với anh em bên Tổng Quản Trị và Trường Hành Chánh Tài Chánh nghe.

Giờ Bắc quân tấn công đã tới, khỏang 4 giờ sáng trời còn mờ mờ, chim chóc trong các tàng cây nháo nhác bay cao thì hàng loạt súng cối của địch pháo vào Huấn Khu, tiếp theo sau là súng nổ dữ dội giữa ta và địch ở bên Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia.

Bắc quân dồn nỗ lực thanh toán mục tiêu Học Viện CSQG ở ngoài vòng rào phòng thủ Huấn khu, chênh chếch phía Tây Bắc của cổng số 1, gần Chợ Nhỏ, trước khi tập trung quân ào ạt tấn công HKTĐ với lực lượng mạnh hơn. Sự chống trả dũng mãnh và can trường của anh em bên Học Viện CSQG cuối cùng đã tắt sau 2 giờ cầm cự.

Máu đã đổ, tang thương chết chóc đang mò dần đến các hàng rào phòng thủ. Các đơn vị phòng thủ bị địch vây tứ hướng, chúng đang nhìn vào Huấn Khu thăm dò. Không gian yên tĩnh, một thứ yên tĩnh rợn người… Địch đang vây Saigon, họ không hiểu nổi tại sao các đơn vị xa Saigon mấy chục cây số vẫn còn chiến đấu quyết liệt!

6 giờ sáng, Bắc quân pháo vô Huấn Khu mà quả pháo đầu tiên rơi ngay cửa văn phòng sĩ quan trực Trần Văn Trung. Các mũi tấn công của địch đồng loạt đâm thẳng vào các phòng tuyến của HKTĐ, áp lực nặng nhất là khu nghĩa trang.

Đ/Úy Trần Văn Trung đề nghị đưa tất cả vũ khí của Huấn Khu ra các kháng tuyến, M72, lựu đạn, súng lớn, súng nhỏ, thùng đạn… Riêng mặt vòng cung kháng tuyến từ khu nghĩa trang qua phía sau Câu Lạc Bộ Dân Sự, có khoảng vài chục đại liên 30 đang chĩa nòng ra ngoài, dây đạn nối vào ổ súng. Tất cả sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng.

Trong khi pháo của địch đang còn rót vào Huấn Khu thì em trai của Trung là Nam đã lọt được vào Huấn Khu tìm và gọi Trung về Saigon. Nam hổn hển:
– Anh Trung, nhà bảo anh trốn về gấp để di tản bằng máy bay của anh Lê Trần Cát, cả nhà còn chờ anh, có anh nhà mới đi
– Trời ơi, giờ này mày lên vùng tử địa này làm gì? Tao ở lại với anh em. Các đơn vị còn chiến đấu làm sao tao về. Tao ở lại, tới đâu hay tới đó, mày đi về đi!
– Làm sao em về, tụi nó bắn tùm lum tà la ngoài Chợ Nhỏ. Hay anh cho em cây súng, em ở lại với anh!
Trung quăng vội cho thằng em cái nón sắt, cây súng, áo giáp và cây Carbin M1:
– Mày nằm giao thông hào gần tao, cứ chĩa súng ra hướng gò mả. Tụi nó tràn vô cứ việc bóp cò như tao đã chỉ cho mày lần trước. Nhét vào túi mấy kẹp đạn nhanh lên!

Trung phóng trở lại phòng sĩ quan trực, đạn địch bắn qua khu nghĩa địa như mưa. Trung hét vào máy:
– Mũi nhọn địch đang tấn công khu nghĩa địa bằng bộ binh. Tụi nó chơi ban ngày. Coi chừng cổng số 1 và cổng số 9!
Tiếng súng hai bên nổ đồng loạt tạo ra một thứ âm thanh binh lửa kinh người mà từ ngày thành lập trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi thành HKTĐ, người dân quanh vùng và binh sĩ trú phòng chưa từng chứng kiến, chưa từng trải qua. Tiếng súng nổ át hẳn âm thanh của các máy âm thoại. Người ta không còn nghe gì ngoài tiếng đạn nổ như gieo cát trên mái tôn. Dưới chiến hào sau trường Tổng Quản Trị, vài anh em hoảng hốt la lớn:
– Chết mẹ! tụi nó cắt gần xong vòng raò ngoài và đang mò dần vào các gò mả. Mày chơi mấy thằng ở lùm cây, tao chơi mấy thằng bò lết cắt kẽm gai. Nó mò vào ôm được mấy gò mả sát mình nó thọt B40 vào thì khốn nạn!
– Thì cứ thế mà làm. ĐM! Bộ nó tưởng dễ ăn, nó tưởng sau mấy cái gò mả không có đồ cúng tụi nó sao?
Những người lính không rõ đơn vị, những SVSQ, những quân nhân cơ hữu còn lại của Huấn Khu, năm cha ba mẹ ở các nơi dồn về chung một chiến hào, vừa bắn vưà chửi như bắp rang. Và y như rằng, ngay sau đó, hàng loạt mìn claymore và mìn chống cá nhân cài dọc theo mấy gò mả thi nhau hàng loạt. Ầm! Ầm! Ầm! Các loạt nổ dọc dài theo kháng tuyến phòng thủ hòa với lưới lửa phủ chụp địch trong khu nghĩa địa.

Dường như Bắc quân không nghĩ tới những hàng rào kẽm gai với dầy đặc cái loại mìn nổ và bên trong là hàng loạt các loại vũ khí cá nhân, vũ khí cộng đồng tua tủa chĩa ra mục tiêu trong tư thế chờ địch. Đợt biển người của Bắc quân sau gần 3 tiếng đồng hồ tấn kích đã bị bẻ gẫy. Một số xác Bắc quân nằm dính trong hàng rào kẽm gai tại khu nghĩa địa. Bắc quân chủ quan, tưởng hệ thống phòng thủ của quân trường HKTĐ là không đáng ngại nên họ đã phải trả cái giá quá đắt khi bị đánh bật ra ngoài.

Ý đồ của địch là quyết tâm vượt hàng rào kẽm gai, chiếm nghĩa địa để làm bàn đạp chọc thủng mặt Tây của Huấn Khu trong tầm tác xạ của B40, B41 thay vì đánh chính diện vào cổng chính số 1 mà địch nghĩ có thể hỏa lực phòng thủ tập trung nặng hơn. Khu nghĩa địa đã diễn ra những đợt ác chiến đẫm máu giữa ban ngày và Bắc quân đã bị thiệt hại nặng nề.

Huấn khu Thủ Đức bây giờ là một bãi chiến trường ác liệt, bi hùng, chờ đợi những tang thương, nghiệt ngã khi chiến xa Bắc quân đang trên đường tấn công vào Huấn Khu sau khi bị chận đứng ở các vòng rào vùng nghĩa địa. Tiếng báo cáo trên hệ thống âm thoại của Bắc quân:
– Báo cáo đồng chí, A5 không thể chọc thủng phòng tuyến địch! Tổn thất của ta nặng. Không thể chọc thủng và tràn ngập bằng bộ chiến.
– Các đồng chí chuẩn bị dồn hết nỗ lực tùng thiết vào cổng chính. Tăng sẽ đến ngay. Các đồng chí phải khẩn trương thanh toán mục tiêu trước buổi trưa. Địt mẹ! Tên Dương Văn Minh đã ra lịnh đầu hàng mà quân nguỵ vẫn còn ngoan cố!
Cái yên lặng của chiến trường bỗng trở nên rùng rợn giữa ánh nắng chói chang. Bên ngoài địch ngưng nổ súng, bên trong ta ngưng nổ súng. Các toán cứu thương di chuyển anh em bị thương về phòng cấp cứu. Trong các máy âm thoại, trên các máy điện thoại trong Huấn Khu, trên trời cao ngoài tầm cao xạ phòng không của địch, không có hơi thở, tiếng nói của bất cứ một thứ “đại bàng” hay tư lệnh nào!

Trong thủ đô Saigon, “đại bàng chúa Dương Văn Minh” vừa lên ngôi vài hôm đã rũ cánh đầu hàng. HKTĐ vẫn chiến đấu. Bao nhiêu chiến thuật, kỷ luật, binh pháp, bao nhiêu kinh nghiệm chiến trường, bao nhiêu lòng tự hào, bao nhiêu lòng yêu nước của người LÍNH miền Nam các cấp còn lại sau trận đánh đẫm liệt ở Xuân Lộc Long Khánh và sau khi được lệnh lui quân, đã dồn lại trong kháng tuyến của HKTĐ sáng ngày định mệnh 30 tháng Tư năm 1975.

Không có cấp chỉ huy, không có tư lệnh chiến trường, các sĩ quan còn lại trong Huấn Khu, bất kể cấp bậc, cơ hữu hay tá túc khi đơn vị tan rã từ miền Trung, đã làm việc hàng ngang với nhau, đã phối hợp tuyệt vời trong trận tử thủ. Các SVSQ hai trường Thủ Đức/Long Thành và Đà Lạt đã có mặt ngay trong các chiến hào. Kháng tuyến không còn là lính, là Hạ Sĩ Quan, là SVSQ hay là sĩ quan mà là một khối.

Nắng miền Nam chiếu rọi những tia u uất khắp trời. Từ Vũ Đình Trường, giao thông hào, người sĩ quan vô danh không biết thuộc đơn vị nào, mặt đanh lại, Anh phóng ống nhòm quan sát cổng số 9 rồi quay 180 độ, anh quan sát dọc theo kháng tuyến thẳng ra cổng chính số 1. Dường như là một sĩ quan từng xông pha trận mạc, anh dự đóan cái gì sẽ xẩy ra sau mấy tiếng đồng hồ “chiến trường yên tĩnh”, địch có thể tung chiến xa vào trận.

Cổng số 1 được bịt kín bởi những hàng rào kẽm gai, quân địch chắc đang núp đâu đó và dân thì đã lánh xa, bên ngoài Chợ Nhỏ không có một bóng người. Bên trong cổng số 1, dọc theo chiến hào là những vũ khí đủ loại của các đơn vị cơ hữu và của các đơn vị khác mang theo vào trú ẩn trong Huấn Khu. Những ống phóng M72 nằm phơi dưới nắng, nếu địch tấn công vào Huấn Khu xuyên qua cổng 1, thế nào cũng lãnh hàng tá M72.

Cái gì phải đến thì sẽ đến. Lấy Saigon được mà HKTĐ còn kháng cự, không thanh toán được có thể là mối nhục của Bắc quân. Giờ định mệnh của HKTĐ đã đến. Khoảng sau 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, khi lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh loan trên đài phát thanh Saigon, không biết vô tình hay cố ý, HKTĐ vẫn ở trong tư thế ứng chiến. Có lẽ tin rằng các đơn vị QLVNCH sẽ tuân theo lệnh của D.V. Minh nên một đoàn chiến xa của Bắc quân từ xa lộ trực chỉ HKTĐ hướng thẳng vào cổng số 1, âm thanh xích sắt càng rõ dần. Đ/Úy Thảo phóng ống nhòm ra cổng chính, Anh la lên báo động cho mọi người:
– Anh em chuẩn bị! Một số chiến xa của địch đang tiến về Huấn Khu, có cả bộ binh tùng thiết và đám du kích nón tai bèo. Đúng là tụi nó! Xe chúng có cắm cờ xanh đỏ của đám Mặt Trận!

Thảo mải mê theo dõi địch di quân, mắt dán vào ống dòm, miệng tiếp tục nói. Thực ra, nhìn bằng mắt trần, anh em cũng đã nhận ra những gì đang xẩy ra và họ đã phóng ra chiến hào phòng thủ nhanh hơn Thảo dự liệu. Khi anh quay lại thì mọi người đã sẵn sàng trong thế tác chiến.

Khi đoàn chiến xa địch tiến gần cổng số 1, tên chỉ huy địch bỗng ra lệnh ngừng xe:
– Các đồng chí cẩn thận coi chừng M72! Tại sao Saigon đã đầu hàng mà HKTĐ không có vẻ gì là sẵn sàng bàn giao cho cách mạng? Lạ thật! Hay là đám này cũng cứng đầu như đám sư đoàn 18 của tướng ngụy Lê Minh Đảo ở Long Khánh? Ta đã mất ở đó hơn mấy ngàn đồng chí, trận đánh sáng nay nghe báo cáo ta tổn thất khá nặng. Phải cẩn thận.
Một tên sĩ quan VC sốt ruột hỏi:
– Đồng chí tính sao? Chẳng lẽ ớn Long Khánh lại khoanh tay bất động đứng nhìn Huấn Khu của địch ngoan cố không đầu hàng? Lệnh trên buộc ta phải nhổ cái chốt này để tập trung về Saigon nội trong ngày hôm nay.
– Đồng chí nghe lệnh tôi, cho phân tán đơn vị vào nhà dân. Tất cả bố trí bên ngoài chờ lệnh, chỉ một chiến xa dò đường phá cổng chính mà thôi để xem quân trú phòng địch phản ứng ra sao. Các đồng chí khẩn trương chấp hành lệnh.
Một con trâu sắt đen thui từ từ húc về hướng cổng số 1, khoảng 10 giờ 30 sáng, chiếc T54 nghiền xích sắt gầm gừ tiến dần về cổng chính. Không biết bao nhiêu cặp mắt bên ngoài nhìn vô, không biết bao nhiêu cặp mắt bên trong nhìn ra, cả dân lẫn lính hai phe đối chiến. Mọi người nín thở, hồi hộp, họ chờ một tiếng nổ của hỏa tiễn M72 phóng vào chiến xa địch. Nhưng lạ lùng thay, bên ta không ai bắn một phát nào, trong lúc chiến xa địch ủi toạc hàng rào kẽm gai phòng thủ chắn trước cổng số 1, vừa qua khỏi cổng vừa tác xạ bừa vào Huấn Khu. Đơn lẻ chỉ có một chiếc, rõ ràng không phải chiến xa đi lạc đường, Bắc quân đang giở trò gì đây?

Lẻ tẻ có những tiếng súng nhỏ của quân trú phòng tức giận đáp lễ tiếng đại liên trên chiến xa địch nhưng âm thanh bị át đi bởi tiếng súng của địch. Có lẽ quân ta ngần ngại không dám khai hỏa khi thấy súng nhỏ M16, Carbine, Garant của phe ta không tương xứng với đại bác, đại liên trên chiến xa địch? Mấy thứ này làm sao bắn thủng vỏ thép T54! Còn M72 đâu? Không thấy khai hoả? Chiến trường gì đâu như giỡn mặt, như đùa.

Khi chiến xa địch vượt qua trường Quân Báo trên đường ra cổng số 9, Trung Sĩ Hùng Tầu hốt hoảng:
– Đại Uý Thảo, cho lệnh bắn đi chớ. Trời ơi! Nó chạy ngay sát cạnh mấy ống M72 mà sao ai cũng tha cho nó vậy trời!
– Không được, chờ! Bộ ông không thấy chúng nó đại bác nòng dài, còn đám mình súng nhỏ cổ lỗ sĩ! Anh em SVSQ các trường bạn bố trí cạnh đường, chiến hào cách chiến xa địch có một tầm tay với, họ chưa phản ứng thì mình phá bỉnh sao được? Nguy cho mình và nguy cho cả họ!
Từ bên ngoài cổng số 1, ban chỉ huy của địch cũng căng thẳng theo dõi chiếc chiến xa thám sát đơn độc.
– Lạ thật! các đồng chí có thấy gì không? Tại sao địch lại im lặng không phản ứng gì? Chẳng lẽ địch bỏ trốn trước lệnh đầu hàng? Ta đã vây kín căn cứ địch rồi làm sao chúng thoát.
– Báo cáo thủ trưởng, tôi nghe có tiếng súng nhỏ của địch nổ. Kiểu cách bố trí phòng thủ cho thấy địch không buông tay dễ dàng. Tôi lo cho chiến xa của chúng ta sẽ chạm địch dữ dội trên đường trở ra.
– Đồng chí ra lệnh trưởng xa không ủi cổng sau mà hãy quay lại về hướng cổng số 1 tức khắc, với vận tốc nhanh và khai hỏa tối đa 2 bên đường và các mục tiêu nghi ngờ.

Chiếc T54 chưa chạm cổng số 9 đã quay nhanh lại về hướng cũ, vừa chạy vừa tác xạ liên tục. Khi chiếc T54 vừa lăn xích qua khỏi Vũ Đình Trường, đột nhiên tất cả kháng tuyến hai bên đường đồng loạt nổ súng như mưa vào chiến xa, nhắm thẳng vào tên xạ thủ đại liên trên pháo tháp, hắn biến mất sau vài tràng đạn không biết hắn bị bắn gục lọt xuống lòng xe hay chui xuống trốn đạn?

Không còn bị đại liên uy hiếp, các ổ M72 dọc hai bên hông chiến xa đồng loạt phóng hỏa tiễn vào chiếc T54. Chiếc chiến xa bị vây trong lưới lửa, kinh hoàng rú ga. Một quả, hai quả, ba quả và hàng loạt quả, cái trúng cái trật, nhưng một quả M72 phóng từ hướng Đông phía Trường Thể Dục Thể Thao trúng thẳng vào xích sắt chiếc T54 làm nó đứt xích, khựng lại và rung lên vì sức nổ. Tuy nhiên, nó vẫn cố lết về hướng cổng số 1, hy vọng thoát khỏi vòng vây nhưng xích sắt bên trái bị đứt rời, đầu chiến xa xoay thẳng về hướng Khu Tiếp Tân rồi đứng khựng lại cách cổng số 1 không xa.

Trong chiến hào, quân ta đứng vụt dậy reo hò như tham dự một trận đánh hào hứng, đẹp như trong xi-nê. Chiếc T54 nằm cọ quạy tại chỗ nhưng chưa cháy, bỗng một SVSQ trường Bộ Binh đứng bật dậy khỏi hố chiến đấu, ném ống M72 xuống đất, phóng ra khỏi hố rút chốt lựu đạn chạy thẳng về chiếc chiến xa, nhẩy vọt lên xe và thảy vào lòng chiến xa rồi nhảy khỏi xe. Một tiếng nổ long trời trong lòng chiếc T54, tiếp theo là những tiếng nổ phụ của các loại đạn trong xe. Người SVSQ gan dạ đó không quay đầu lại cho đến khi anh nhảy lọt vào hố chiến đấu. Anh đứng thẳng người nhìn khói bốc ra từ chiếc T54 bất động. Tiếng reo hò của quân ta lại vang lên khắp các chiến hào. (**)

Chiếc T54 bốc khói nằm chết tại chỗ, vẫn chưa thấy địch chuyển quân. Hai bên án binh bất động. Tình trạng sẵn sàng tham chiến trong Huấn Khu vẫn còn căng cứng. Các sĩ quan trong Huấn Khu liên lạc nhau để kiểm điểm thương vong. Số thương vong có đến 20 anh em.

Trận đánh không có “đại bàng” tại HKTĐ sáng ngày 30 tháng 4, 1975 được coi là tuyệt vời, dù chiến trường ngay sau đó trở thành u ám khi nghe tin đồng đội bị tử thương và khi nghe tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng.

Đại Úy Thảo, tự Thảo Ròm, gọi Trung Sĩ I Hùng giao lại tuyến phòng thủ. Bóng dáng mảnh mai của anh với cây Carbin M2 chạy vụt nhanh qua Hội Quán Sĩ Quan phụ tay tẩm liệm anh em tử thương, băng bó anh em bị thương. Nỗi đau nhìn anh em trên vũng máu chưa nguôi thì nỗi đau lớn hơn, bàng hoàng hơn vây bọc mọi người khi được nghe rõ từ chiếc radio: ông Dương văn Minh ra lệnh toàn quân buông súng! Không biết lệnh này ban ra lần thứ mấy từ đài phát thanh Saigon. Có những lời chửi thề tức tối, có những vị sĩ quan gục đầu ôm mặt, những dòng nước mắt tuôn trào trên những gương mặt một thời xông pha trong cõi chết của trận mạc mà chưa từng đổ lệ….

Thảo Ròm chạy lên phòng làm việc của Khối Chính Tranh Chính Trị Trường Quân Báo. Anh gặp Thiếu Tá Bái nước mắt ràn rụa:
– Đại Uý Thảo, thế là hết! Thay đồ nhanh lên để về với vợ con, còn gì mà chần chờ!
– Không, Thiếu Tá dzọt trước đi. Tôi đã thủ mấy trái lựu đạn mấy bữa nay. Trước khi buông súng, tôi quyết sẽ chơi bọn nó cú chót. Tôi sẽ gài vài trái vào tủ hồ sơ rồi xuống sau.
– Đừng! Đừng anh Thảo! Nó không giải quyết được gì thêm, ngộ lỡ trong cảnh hỗn loạn, anh em sau mình vô tình mở tủ hồ sơ thì khốn!
Thảo tuân lời. Anh cởi bỏ bộ quân phục, đôi giầy trận như anh đã từng làm mỗi chiều tan sở rời đơn vị về nhà, nhưng lần này, tay anh run run, tim anh đoài đoạn, lòng anh trùng xuống khi biết đời binh nghiệp của mình đã chấm dứt, giờ chia tay bạn bè trong tình huống tan hàng nghiệt ngã. Trước khi rời bước, anh xoay người nhìn lại bộ quân phục nằm rũ trên bàn. Chợt anh nhìn thấy ba bông mai vàng trên bâu áo như đau đớn nhìn anh vĩnh biệt, trên má anh, hai hàng nước mắt chảy dài.

Sau khi chiếc T54 bị cháy, địch sẽ dứt điểm HKTĐ bằng mọi gía. Đứng trước cư xá phía mặt tiền Trường Tổng Quản Trị, Trung Tá Truyền mắt đăm đăm nhìn ra cổng số 1, mắt đảo một vòng ra phía Chợ Nhỏ, chợt ông quay lại nói với anh em:
– Điệu này chắc không xong. Ông Minh đã ra lệnh buông súng mà chúng ta vẫn còn đánh. Tôi thấy cả Huấn Khu nhiều anh em vẫn cương quyết đánh đến cùng, nhưng thế cờ sẽ không xoay ngược. Tôi sợ tốn xương máu của anh em.
– Trung Tá định làm gì? Trong khu vực mình, dù Trung Tá thuộc quân số Trường Bộ Binh Long Thành nhưng Trung Tá là sĩ quan cao nhất có mặt trong khu vực này, không biết bên Trường Quân Báo hay Quân Nhạc có vị sĩ quan cao cấp nào còn lại trong Huấn Khu hay không. Chỉ huy trưởng, chỉ huy phó không xuất hiện trên hệ thống liên lạc tác chiến. Thôi thì Trung Tá cứ nói quyết định của Trung Tá xem sao.
– Tôi gắn cờ trắng lên xe và cùng tài xế ra cổng tiếp xúc với các đơn vị Việt cộng để nói chuyện mình hạ vũ khí.
– Không, tụi em không đồng ý..
– Thế thì các cậu có giải pháp nào hay hơn trong tình huống tuyệt vọng này chăng?
Không ai trả lời. “thầy trò” trao đổi quyết định trong không khí nặng nề, căng thẳng. Sau cùng họ để Tr/Tá Truyền quyết định. Tr/Tá Truyền vẫn mặc nguyên quân phục và cấp bậc, cùng tài xế lái xe jeep mui trần ra cổng. Cây cờ trắng phất phơ trên cây cần câu máy truyền tin. Chiếc xe chạy chậm, mấy trăm cặp mắt nhìn chăm chăm vào xe ông di chuyển. Ông đứng thẳng người, xe và người không trang bị vũ khí. Bên ngoài địch thấy rõ đây là một sĩ quan của quân đội miền Nam ra tiếp xúc với họ. Khi xe của Tr/Tá Truyền vừa chạm mặt đường ra cổng chính, một qủa B40 hay SKZ trực xạ từ bên ngoài thẳng vào chiếc xe mang cờ trắng. Ầm! Chiếc xe jeep nổ tung lên và bốc cháy. Tr/Tá Truyền và người tài xế văng ra khỏi xe và chết ngay tại chỗ.

Tất cả những người chứng kiến cái chết của Tr/Tá Truyền bàng hoàng, uất hận, họ nhào xuống giao thông hào khai hỏa hàng loạt ra ngoài, những đỉnh đầu ruồi đồng loạt hướng về cổng số 1, họ sẵn sàng chiến đấu chết bỏ.

Rồi họ chờ phản ứng của địch. Thời gian trôi chậm chạp trên bờ tử khí hắc mùi thuốc súng, địch vẫn án binh bất động. Chiếc T54 vẫn còn những sợi khói quặn mình bò lên không trung. Khoảng 1 giờ trưa, khi Th/Tá Bái và Đ/Úy Thảo nghẹn ngào ôm lấy anh em khóa sinh, SVSQ và những sĩ quan thân thuộc, họ nói với nhau những lời vĩnh biệt, tang thương phủ xuống Huấn Khu. Tiếng loa gọi hàng của Bắc quân vọng vô:
– Chúng tôi kêu gọi các đơn vị Ngụy quân đầu hàng, bỏ vũ khí tại chỗ, mặc thường phục và rời khỏi doanh trại.

Loa gọi hàng được nhắc đi nhắc lại xen lẫn với lời gọi buông súng của Dương Văn Minh. Anh em trong Huấn Khu thấy bầu trời bỗng chốc chuyển sang một mầu đỏ rực, cây cỏ gục đầu dưới nắng tháng Tư hừng hực tử khí thê lương. Cũng không gian đó, cũng vùng đất này, vài tháng trước đây, dù có trải qua những giờ phút lửa đạn ngút trời, HKTĐ vẫn hiên ngang trong lưới đạn thù vây bủa. Nhưng bây giờ, lòng trời đang chuyển đổi, lòng người đang tan nát. Quân địch súng cầm tay, gờm gờm những ngón trỏ gắn vào cò AK, đi hai hàng tiến vào Huấn Khu qua cổng số 1. Bên ngoài, như phòng hờ bất trắc, mấy chiếc T54 chĩa nòng đại liên vào dòng thác người mặc thường phục đang ùn ùn ngược chiều đổ ra khỏi Huấn Khu.

Trong dòng thác người mặc thường phục có cả lính lẫn dân đang tràn về hướng Chợ Nhỏ và xa lộ. Không một tiếng súng nổ, địch âm thầm trám những khoảng trống trong Huấn Khu. Người Lính miền Nam cúi đầu, cắn răng lặng lẽ lê những bước chân không giầy “saut” trên con đường xưa thân quen nhưng trong lúc này bỗng thấy nó trở thành xa lạ.

Có một người tách khỏi dòng người, đứng dạt sang một bên đường, trân trân nhìn lại HKTĐ thấp thoáng bóng địch đang hạ lá cờ vàng, xa xa, vài cột cờ với lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn tung bay trong nắng. Anh đưa tay chào vĩnh biệt lá cờ trong tầm mắt mà hai hàng nước mắt tuôn rơi ….

Trần Văn Trung, Lê Nguyễn, Hải Triều

Ghi chú:

(*) Hai sĩ quan tham dự trận đánh và viết lại chi tiết của trận đánh này là Đ/U Trần Văn Trung (hiện ở Canada) và Đ/U Thảo (hiện ở Hoa Kỳ)
(**) Báo Saigon Giải Phóng sau tháng 4/75 cũng đã xác nhận trận đánh lẫm liệt trong HKTĐ với thảm cảnh của chiếc T54 đơn độc trong vòng lửa M72.