LÊ VĂN KHOA: MỘT NGƯỜI VIỆT NAM (Việt Hải Los Angeles)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tôi ngắm nhìn quyển sách dầy cộm, 700 trang mang tên “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam”. Sách được thai nghén và thực hiện ngót 4 năm, một tập sách khá đầy đủ, trình bày nhiều khía cạnh mà Giáo sư Lê Văn Khoa hoạt động hơn 6 thập niên tận tụy với nghệ thuật và lòng đam mê.

Tôi biết Giáo sư Lê Văn Khoa từ những ngày theo học tại Hội Việt Mỹ cuối thập niên 60 và xem ông trong những chương trình truyền hình số 9 tại Sài Gòn trong những năm thập niên 70. Ngày xưa ấy ông là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, đa tài, ăn nói lanh lẹ, hoạt bát, tôi dành nhiều sự ái mộ và thiện cảm cho ông từ những ngày đó.

Những năm ly hương xa xứ tôi được dịp xem ông trình diễn trên sân khấu trong những hí viện của nhạc giao hưởng. Nhạc mà Lê Văn Khoa chọn là nhạc do nhạc cụ vang ra âm thanh, nhạc không cần lời, nhạc của ngôn ngữ đại đồng của nhiều dân tộc trên quả địa cầu của chúng ta, nó không là thanh nhạc như nhiều người theo đuổi, mà là loại khí nhạc, nhạc mà ông tạo cho mình sở trường và lòng đam mê là phạm vi hòa âm, phối khí.

Chương trình giới thiệu sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” đã được tổ chức ngày 19 tháng 9 năm 2015 tại nhà hàng Saigon 9, thuộc thành phố Garden Grove, miền Nam California. Khung cảnh trình làng tác phẩm diễn ra khá thân mật gồm nhiều thân hữu, cùng bạn bè trong giới văn nghệ, những học viên các ngành ông giảng dạy, và bà con đồng hương hâm mộ tài nghệ của ông.

Lê Văn Khoa tâm tình:

Trong phần trò chuyện cùng cử tọa, và nhiều bằng hữu tham dự buổi giới thiệu sách, khi được hỏi nhờ đâu mà ông có được chương trình truyền hình trên băng tần số 9 Sài Gòn ngày trước, và tại sao ông chọn làm chương trình Thế Giới Của Trẻ Em. Giáo Sư Lê Văn Khoa cho biết sau khi ông làm một chương trình nhiếp ảnh với các nhiếp ảnh gia tên tuổi như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan, Trần Cao Lĩnh và Phạm Văn Mùi trên Truyền Hình Việt Nam quay tại Trung Tâm Điện Ảnh ở đường Thi Sách, vừa ra khỏi phòng thu hình, ông được ông Giám Đốc đề nghị thực hiện một chương trình định kỳ cho đài. Mặc dù trước năm 1954, ông đã trúng giải sáng tác nhạc toàn quốc và đã từng cộng tác với đài phát thanh Quốc Gia và đài phát thanh Pháp Á (Radio France-Asie), do đó ông có thể dùng khả năng mình thực hiện chương trình thuần túy âm nhạc hay cả chương trình về nghệ thuật như nhiếp ảnh. Nhưng cuối cùng ông quyết dịnh thực hiện một chương trình giáo dục thiếu nhi, cho các trẻ em, vì ông thấy cần thiết hơn. Bởi xã hội ta lúc ấy trong thời chiến lên cao thì người lớn và thanh niên trai tráng bị dồn vào nỗ lực quân sự. Viêc giáo dục bị thu gọn và xã hội thiếu hẵn lớp người trung gian hoạt động cùng trẻ nhỏ, thế hệ rường cột cho tương lai nước nhà. Một mai khi chiến tranh chấm dứt thì thời hậu chiến lấy đâu ra người để xây dựng lại quê hương. Do đó Giáo Sư Khoa chọn chương trình giáo dục thiếu nhi theo đường hướng và sự suy nghĩ của riêng ông. Đấy là sự cần thiết của thời cuộc.

Tôi nhớ một câu hỏi khác được đặt ra như sự ảnh hưởng nào của nhạc Việt đối với dòng âm nhạc thế giới, cũng như lúc gần đây quốc gia Ukraine đã vinh danh Giáo Sư Khoa về sự đóng góp âm nhạc của ông cho nền nhạc dân tộc của nước này.

Âm nhạc nói chung vốn là phạm vi văn hóa thế giới, dòng nhạc thế giới có được là do sự đóng góp của các cá nhân hiện diện trên quả địa cầu, nói rộng hơn là do các quốc gia trên thế giới góp phần vào kho tàng âm nhạc chung của thế giới được phong phú, đa dạng hơn. Có lẽ ít ai nhận định công bình về việc nhạc Việt Nam của chúng ta có ảnh hưởng đối với dòng âm nhạc thế giới. Giáo Sư Khoa kêu gọi: Nào hãy ngẩng cao đầu nhìn đời và hãnh diện vì rằng Việt Nam đã có đóng góp rất lớn, thực tiễn trong việc giúp phát triển âm nhạc thế giới. Số là vì nhạc sĩ Claude Debussy (1862-1918) và nhạc sĩ Maurice Ravel (1875-1937) chịu ảnh hưởng nhạc Việt không ít để khai sinh ra trường phái nhạc Ấn Tượng (Impressionist) cho thế giới. Claude Debussy là một người có đầu óc khai phái đã bộc lộ từ khi còn là sinh viên trong Nhạc viện Paris.

 Theo dòng tâm tình của giáo sư Lê Văn Khoa thì người Pháp sau khi chiếm toàn bộ nước Việt Nam đã chia xứ ta ra làm ba phần. Bắc (Tonkin), Trung (Annam), Nam (Cochinchine). Một đoàn hát Hò Quảng từ Huế được gửi đi trình diễn ở Hội chợ Paris năm 1889 đã làm say mê nhà soạn nhạc sung sức 27 tuổi, tên Claude Debussy, đến gần 20 năm sau vẫn còn in rõ trong trí để ông viết lại trên báo. Chắc chắn nhạc Việt đã ảnh hưởng ông không ít trong các tác phẩm đượm nhiều chất ngũ cung của ông. Giáo sư Lê Văn Khoa cho biết Tiến sĩ Nhạc Trưởng Gerard Schartz có nhắc đến sự kiện này nhưng lại cho là những nhạc sĩ đó là các gamelan Nam Dương. Lê Văn Khoa khẳng định không phải các gamelan Nam Dương, vì trong hội chợ đó có 4 vũ nữ Java và các gamelan Nam Dương nhưng Debussy không đề cập đến họ mà chỉ nói đến tuồng hát của người Annamites, người từ xứ Annam (miền Trung Việt Nam), theo tài liệu từ Life of Debussy của Roger Nichols trong bộ sách Musical Life’s do Cambridge University ấn hành năm 1998.

Trong bài viết “Claude Debussy – Nhà Soạn Nhạc Pháp Và Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tác giả viết về nhà soạn nhạc Claude Debussy và ảnh hưởng nhạc Ngũ cung Việt Nam, dựa vào năm cung bậc thang âm (pentatonic scale) gồm 5 cung chính là: Cung, Thương, Giốc, Chủy và Vũ. Tôi xin trích dẫn như sau:

“Sau đó ông soạn bản “Tứ tấu cho đàn dây”, rồi năm 1894 ra đời bản “Prélude à l’après midi d’un faune” mở đầu kỷ nguyên mới của âm nhạc hiện đại dựa trên giai điệu Đông Phương (Orientalism) mà mọi người đều ghi nhận như một hiện tượng biện chứng âm nhạc của thế kỷ 20 vừa qua. Tìm hiểu những động lực nào đã khiến Debussy chuyển hướng sáng tác độc đáo như vậy, đó là ở năm 1890 nhờ ông tham dự Hội chợ toàn cầu tại thủ đô Pháp (Exposition universelle de Paris) và được thưởng thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam do giàn nhạc Đại Nội Triều Đình Huế sang đây trình tấu… Năm 1890 nói ở đây theo tài liệu sử sách ghi thì triều đình Huế được Pháp giao cho vua Đồng Khánh để có nhiệm vụ thi hành chính sách cai trị của họ mà chủ yếu lúc đó là công việc bình định đối phó với phong trào Cần Vương còn hoạt động chống Pháp . Nói chung tình hình đã tạm ổn định trên các xứ Đông Dương và bên chính quốc có tổ chức một Hội chợ Quốc Tế tại thủ đô Paris nhằm phô trương với thế giới những sản phẩm tiểu công nghệ địa phương. Nhân dịp này, vua Đồng Khánh được họ cho qua Pháp cùng với giàn nhạc đại nội trình tấu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhà soạn nhạc nổi tiếng Debussy năm đó mới 28 tuổi đã được nghe những bản nhạc triều đường của chúng ta cùng với ban nhạc đảo JAVA thuộc Nam Dương quần đảo mang tính chất Á Đông lúc ấy rất mới lạ và độc đáo đối với thế giới.”

Trong cuốn “Tự điển âm nhạc hiện đại” (Dictionaire de la Musique Contemporaine) do nhà xuất bản Larousse của Pháp ấn hành năm 1976, khi viết về Debussy có đoạn ghi rõ ràng những chi tiết nêu trên, theo đó đã khẳng định động lực khiến ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều hướng sáng tác của ông trong việc khai phá âm nhạc Đông Phương để mở đầu cho trường phái Orientationism trong thế kỷ 20 vừa qua. Ngoài ra, trong cuốn sách mang tựa đề “Nhạc giao hưởng” (Symphonic music) do nhóm nghiên cứu trường Đại Học Cornell xuất bản cũng có nhận xét tương tự về những chất liệu sáng tác của Debussy đã chịu ảnh hưởng sâu xa sau khi ông được thưởng thức các bản nhạc do giàn nhạc triều đường Việt Nam cũng như Java trình tấu tại Hội chợ quốc tế Paris năm 1980 (nhà in đã in lộn 1890 thành 1980) ở cuối thế kỷ 19. Điều quan trọng ở đây là nội dung cuốn “Tự điển âm nhạc hiện đại” của nhà xuất bản Larousse ấn hành nói trên do Claude Rostand nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng thế giới phụ trách phần biên soạn, cho nên những nhận định của ông về Debussy mang tính vô tư đáng tin cậy và đem lại một dữ kiện tôn vinh âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà ít người được biết đến.”

 Nhạc sĩ Lê Văn Khoa trên nhật báo The Orange County Register sau buổi trình diễn đầu tiên với Pacific Symphony Institute Orchestra ở Orange County Performing Arts Center, ngày 3 tháng Sáu, 1995. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

Về việc nhận định Lê Văn Khoa là ai, xin để người xứ ngoài thẩm định hay hơn ý kiến của người viết bài này. Tôi xin trích các nhận xét của giới âm nhạc rút ra vài trích đoạn từ sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” như sau:

Hai nhạc trưởng Andrew Wailes và Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra và ban Hợp Ca Cộng Ðồng Người Việt trong chương trình đánh dấu năm ly hương thứ 30 của người Việt (Australia 2005).

(Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Quốc Gia Úc, Nhạc Trưởng nổi danh của Úc Đại Lợi là Andrew Wailes nhận định về Symphony Việt Nam 1975 của Lê Văn Khoa:

“Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất lý thú. Ðây là một tác phẩm thật hay… Như những tác phẩm giao hưởng lớn trên thế giới, nó kể một câu chuyện thật đẹp. Ðây là nhạc về con người thật, về một quốc gia thật. Bắt đầu từ những bài dân nhạc diễn tả một quốc gia thanh bình, hào hùng, rồi bị cộng sản xâm chiếm. Nhạc chuyển lần sang âm thanh rất mới, diễn tả sự bất an, đầy bối rối. Người ta chia tay nhau ra đi đến đất nước mới để tìm tự do. Trong hành âm cuối “Ca Ngợi Tự Do”, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại. Ðó là một tác phẩm rất hùng tráng, hiển nhiên những ai hiểu được lịch sử và văn hóa Việt Nam thì sẽ cảm nhận nó một cách sâu sắc hơn. Ðây là một sáng tác theo thể loại nhạc giao hưởng Tây phương bởi lẽ tác giả sử dụng cả dàn nhạc đại hòa tấu, sử dụng âm điệu và nhạc cụ Tây phương, nhưng lại có thêm cả âm nhạc dân tộc và nhạc cụ Việt Nam chơi chung với dàn nhạc. Tôi không biết gọi tên cho đúng nhạc cụ đó là nhạc cụ gì, đó là cây đàn một dây (độc huyền cầm, đàn bầu) của Việt Nam. Tác phẩm này hết sức hùng tráng và tôi tin chắc là mọi người sẽ thích lắm… Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm lớn để thưởng thức… Ðiểm nhận xét đầu tiên của tôi là cái mà người Tây phương gọi là nhạc ngũ cung (pentatonic), dùng năm nốt nhạc trong một âm giai, khác với chúng tôi, chúng tôi thường dùng thất cung, bảy âm trong một âm giai. Do đó âm nhạc rất giống nhạc Nhật Bản. Trong tác phẩm này có những đoạn độc tấu rất hay, đặc biệt là sáo… là một loại nhạc của Á Châu. Có điểm rất độc đáo là âm nhạc Tây phương chúng tôi dùng bán cung. Trong nhạc phẩm này đàn violin của chúng tôi phải uốn âm thanh vào phân nửa của bán cung cho phù hợp với âm thanh độc đáo của nét nhạc dân tộc Việt Nam. Việc này thật khác thường. Tiết nhịp thì diễn tấu khá dễ dàng và hòa âm thì có nhiều hợp âm thứ. Nhạc rất hay, rất sắc xảo, tinh vi, có những đoạn thật mong manh, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để không đàn quá mức vì sợ rằng phá vỡ không khí êm ả của nhạc… Như chúng tôi được biết thì trong lịch sử 150 năm của ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal Melbourne Philharmonic thì đây là lần đầu tiên chúng tôi trình diễn âm nhạc Việt Nam đó là điểm thứ nhất, lần đầu tiên chúng tôi đi tiên phong trình diễn âm nhạc sáng tác tại Á Châu và chưa hề được nghe đến tại nước Úc này. Tôi biết là bản nhạc này đã được trình diễn đôi lần ở hải ngoại, và đây là một sự kiện mới mẻ cho chúng tôi. Ðây cũng là lần đầu tiên ban nhạc này được một nhạc sĩ Việt Nam điều khiển, lần đầu tiên chúng tôi cùng trình diễn với ban hợp xướng người Việt, và nói chính xác thì đây là lần đầu tiên chúng tôi đệm cho một ban hợp xướng đa văn hóa. Có nhiều điều làm cho buổi trình diễn này mang ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Âm nhạc cũng rất khác biệt với loại nhạc mà chúng tôi thường trình diễn… Âm nhạc thực ra là sinh ngữ quốc tế duy nhất. Ðiều mà tôi thích vì tôi là một nhạc sĩ, thường qua Á Châu và Âu Châu, tôi không nói được tiếng Ðức, tiếng Nhật, nhưng tôi dùng tiếng nói của âm nhạc. Tôi thấy ý tưởng đem Ðông sang Tây hay Tây qua Ðông là ý tưởng rất hay, để tán tụng cái mà mọi người có thể có là âm nhạc, để chia sẻ tâm tình giữa các giống người trên địa cầu với nhau. Và tôi nghĩ văn hóa, nhạc, vũ là những thứ có thể đem con người đến gần nhau… Càng ngày người ta càng nghe nhiều nhạc Á Châu và Âu Châu được trình diễn tại đây (Úc), cho nên tôi nghĩ thật huyền diệu để các nhạc sĩ đến với nhau mà ca tụng âm nhạc…”

Nhạc sĩ độc tấu Violin, William Benner của dàn nhạc NBC Symphony Orchestra, Hoa Kỳ, nhận xét về nhạc phẩm của Lê Văn Khoa:

“Cả hai nhạc phẩm Nocturne for Violin and Piano và Romance for Violin and Orchestra của Lê Văn Khoa đều đạt mức xúc cảm tột đỉnh trong lòng người.”

Nhạc sĩ độc tấu Piano, Giáo Sư Andrea Bambace, (Concert Pianist, judge in major national and inter-national competitions and Professor of piano at the Conservatorio C. Moneverdi of Bolzano, Italy, since 1971), viết về tác phẩm Lê Văn Khoa soạn cho piano:

“’Beautiful Bamboo’ is very beautiful, very sweet, exotic for an Italian like me and full of sensuality. I like it.”

Với Tiến sĩ Âm nhạc Ứng dụng (Applied Music) Vicki Riley, người Mỹ, sau khi nghe CD nhạc Lê Văn Khoa cho nhận xét:

 “Thật tuyệt! Trong các CD của Lê Văn Khoa tôi nghĩ Memories là hay nhất. Lối viết Tây Phương kết hợp với giai điệu ngũ cung thật hài hòa. Âm thanh trữ tình, tươi mát và luôn luôn thú vị. Các nhạc sĩ Ukraine diễn tả rất đạt và đàn với tài nghệ tuyệt vời. Họ thật sự đã làm nổi bật những ấn tượng và tính chất đam mê của bài nhạc.”

Còn Nhạc sĩ Cynthia Acosta nhận xét:

“Who o a a!!!

“Nghe được 30 giây tôi ngưng hết mọi việc đang làm và nhắm mắt lại để thưởng thức. Khi nhạc dứt, nước mắt đã chảy dài trên mặt tôi. Nhạc vĩ cầm cổ điển là loại nhạc ưa chuộng của tôi, và bài Nocturne của Lê Văn Khoa thật kiệt xuất”.

Sau những lần bay sang thực hiện âm nhạc với giới nhạc tại Kyiv, Lê Văn Khoa được nhiều nhạc sĩ trong làng nhạc Ukraine ngưỡng mộ. Theo sự nhận định của Giáo sư dương cầm Nina Rodionova khi viết về ông như sau:

 “Mỗi bài nhạc trong quyển sách của ông là một bức tranh. Khi tôi nghe nhạc của ông, tôi có thể nhìn thấy Việt Nam với tất cả trù phú thiên nhiên. Nét nhạc của ông là sự kết hợp nguyên thủy tinh túy thi phú Việt Nam và âm nhạc Âu Châu. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tôi có thể nghe được những xúc cảm của nhà soạn nhạc, tôi có thể cảm thấu tâm hồn của ông và điều đó luôn luôn phấn kích tôi… Tôi rất biết ơn vì ông cho chúng tôi ánh sáng và nét nhạc quyên rũ của ông. Nhờ ông tôi hiện nay quan tâm đến những gì có liên hệ đến Việt Nam… Trong thư viện tỉnh của tôi có một quyển Thơ Trung Cổ và tôi thích đọc về những nhà thơ rày đây mai đó, là khách viễn phương đi xuyên suốt cuộc đời mình. Quyển thơ đắc ý của tôi là Bạch Vân Thi Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ thế kỷ thứ 16… Học trò của tôi biết nhạc của ông. Chúng nó đàn bài “Remembrance” và “Dragonfly”…. Thưa Nhà soạn nhạc, một lần nữa tôi xin được cám ơn ông đã giúp tôi khám phá ra Việt Nam qua nét nhạc của ông…”

Nhạc sĩ độc tấu vĩ cầm Svyatoslava Semchuk, giáo sư của Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky tại Kyiv, Ukraine góp ý như sau:

“Tôi rất hân hạnh được gặp Nhà Soạn Nhạc Lê Văn Khoa, được chơi nhạc xúc cảm cao độ và thật lãng mạn của ông. Nhà Soạn Nhạc Lê Văn Khoa đã phong phú hóa nhạc thế giới với những tác phẩm siêu đẳng, đầy nhân bản, ý tưởng tươi mát và tình yêu nồng ấm đối với dân tộc của ông”.

Nhạc trưởng All Kulbaba điều khiển Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra and Chorus trình diễn khúc “Ca Ngợi Tự Do” từ Symphony Việt Nam 1975 (Ukraine 2005).  (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

Vị Nhạc trưởng chính của Ukrainian National Opera là Alla Kulbaba cho biết về nhạc của Lê Văn Khoa như sau qua những trích đoạn của bài viết:

“Tác phẩm ấy (Vietnam 1975 Symphony) nói về cuộc chiến tranh Việt Nam và trong tác phẩm ấy ông khai triển như là nhà viết đại tấu khúc có tài, chứng tỏ ông không chỉ là người viết nhạc nhẹ mà là soạn nhạc gia với thể loại lớn. Symphony là loại nhạc lớn và ông đã viết thật lý thú. Tác phẩm rất sôi nổi với những khai triển của nó. Soạn nhạc gia Lê Văn Khoa hành xử thể loại này rất lý thú. Làm việc với tác phẩm này thật thú vị… Ông dùng thể loại Âu Châu nhưng đặt trên nền tảng nguồn gốc Việt Nam. Vì vậy tôi đồng ý việc gọi ông là nhà soạn nhạc Việt-Mỹ, người hòa trộn hai nền văn hóa, nhưng trong ý nghĩa tích cực, không bị cuốn hút, nhưng là hòa hợp… Tôi nghĩ đây là thời điểm rõ rệt nhất khi các nền văn hóa truyền đạt với nhau và nó sẽ ghi đậm nhận thức của ta về các quốc gia Á Châu. Chúng ta có thể học được văn hóa của họ qua phương pháp tạo âm nhạc của Âu Châu. Nhưng nếu chỉ có giai điệu quốc gia thôi, sẽ không dễ hiểu cho người thuộc các quốc gia Âu Châu. Nhưng nếu đó là một sự kết hợp văn hóa, dùng thể loại nhạc, hòa âm, nhạc đề, dân nhạc và dân ca, nó sẽ làm cho chúng ta gần nhau hơn… Nhạc của Lê Văn Khoa thật tinh vi, đầy xúc động, rất mực nhân hậu, thân thiết… Nhạc của Lê Văn Khoa là mật ngọt cho tâm hồn chúng tôi, nhạc sĩ Ukraine…”.

Nhạc sĩ độc tấu đàn Bandura từ Kyiv, Ukraine là Kateryna Myronyuk cho cảm nghĩ:

“Khi nói đến sự giao thoa văn hóa, người ta thấy rõ mô thức tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn hết là sự hòa hợp của các nguồn văn hóa khá xa cách nhau… Một bằng chứng của sự hòa hợp văn hóa dân tộc ngày nay được thể hiện qua nghệ thuật của Soạn Nhạc Gia Việt Nam đang sống trên đất Hoa Kỳ, tên Lê Văn Khoa… Trong thập niên gần đây ông sáng tác nhạc cho đàn Bandura và dàn nhạc giao hưởng như “Trống Cơm” và “Se Chỉ Luồn Kim” đã trình diễn rất thành công trong năm 2008-2010 trên các sân khấu nhạc tại Hoa Kỳ”.

Giáo Sư Tiến Sĩ Dutchak Violetta, Khoa Trưởng ngành Dân Nhạc của V. Stefanyk Carpathian National University, người chiếm nhiều giải thưởng tranh tài đàn Bandura. Hội viên Hội Sáng Tác Nhạc Quốc Gia Ukraine từ năm 1998. Bà nhận bằng Doctor of Arts năm 1996 và Ph. D. năm 2006. Tác giả trên 100 bài viết về bản chất khoa học và giáo dục âm nhạc tại Ukraine và các nước khác. Phụ trách chương trình nhạc trên đài phát thanh địa phương Ivano-Frankivsk. Trình diễn trong các đại hội âm nhạc Bandura quốc gia và quốc tế. Lưu diễn nhiều ở Ukraine, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đức và Nga. Bà viết:

 “Lê Văn Khoa giữ trọn màu sắc cổ truyền của nét nhạc dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu bản tổng phổ cho ta khẳng định nét nhạc giao hưởng của tác giả được dùng để thẩm định lại giá trị của nguyên tác dân ca. Nhìn tổng quát người ta thấy sự phối khí (cho dàn nhạc giao hưởng) thật trong sáng, ngay trong những đoạn toàn tấu (tutti) dù cường độ mãnh liệt, đều tương ứng với những đoạn độc tấu của Bandura hoặc các nhạc cụ khác. . . . Trong những câu nhạc tô điểm, giai điệu chính của bài dân ca “Trống Cơm” được di chuyển trong âm vực đẹp của đàn Bandura. . . Trong bài nhạc kế của Lê Văn Khoa, bài “Se Chỉ Luồn Kim” cũng được viết với phong cách tương tự. Nhạc cũng mang bản chất nhẹ nhàng, vui tươi, tung tăng. Hòa âm phong phú hơn, phối khí có hiệu quả hơn. Trong bài này tác giả dùng những nốt quãng tám kép song hành của những bộ nhạc cụ khác nhau, giúp cho tác phẩm “rộng lớn” và “bao la” hơn. Tiết nhịp của tác phẩm vận dụng bộ gõ có trống nhỏ, timpani, và âm điệu tái diễn chuyển tiếp đặc thù giữa các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng gợi hình ảnh các tầng lớp chỉ màu khác nhau chồng lên qua mũi kim thêu. Nhìn chung, bài nhạc cho ta hình ảnh của một món kim hoàn sắc sảo, trong sáng, với những mẫu vẽ tinh vi, thật đẹp và hấp dẫn chứ không hời hợt.

“Bằng cách đó, tác phẩm của Lê Văn Khoa viết cho Bandura và Dàn nhạc Giao hưởng cho thấy diễn tiến của sự tiếp nhận nhạc cụ này trong nền nhạc mới, mà nó càng rõ ràng hơn nữa là trong tác phẩm của ông, soạn nhạc gia Lê Văn Khoa quan tâm đến văn hóa cổ truyền của các dân tộc khác nhau, nhưng ở đây, được trình tấu bằng nhạc cụ dân tộc của Ukraine.

“Vai trò của Bandura được xác nhận trong thế kỷ hai mươi nhờ sự cải tiến nhạc cụ và sự xuất hiện của nhiều nguyên tác dưới những thể nhạc khác nhau, bảo đảm cho việc đồng cộng tác giữa người trình diễn và nhà viết nhạc đương thời, không bị biên cương và văn hóa ly cách, nhưng hiệp nhất, bởi biết rằng nghệ thuật âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là một thứ siêu ngôn ngữ…”

Trở lại sự kiện Ukraine vinh danh Giáo sư Lê Văn Khoa, giới âm nhạc bên ấy biết ông đã tìm hiểu, sưu khảo và viết nhạc cho đàn dân tộc của họ trình diễn. Về phần Viện Cao Học Âm Nhạc Ukraine đã vinh danh ông thì do các bài nhạc dân ca Việt, ông viết lại cho đàn dân tộc của Ukraina là đàn Bandura độc tấu với dàn nhạc giao hưởng. Cô Kateryna Myronyuk trình diễn trước Ủy ban Khảo sát Luận Án Tiến Sĩ của cô năm 2009. Trước sự việc bất ngờ này, ban khảo sát tuyên bố: “Lần đầu trong lịch sử âm nhạc Ukraine có một người đã có công đem hai luồng văn hóa dân tộc đến với nhau qua tác động đa dạng hóa âm nhạc.” Trong quyển sách “Lịch sử và sự phát triển của đàn Bandura trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21”, xuất bản tháng Tư năm 2015, xác nhận Nhạc sĩ Lê Văn Khoa là một trong ba nhạc sĩ trên thế giới đã viết nhạc cho đàn Bandura hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng. Điều thú vị là từ trước năm 1975 đã có nhiều nhạc sinh Việt Nam qua học ở Ukraine, cũng như sau 1975 có nhiều nhạc sĩ người Ukraine qua dạy nhạc ở Việt Nam nhưng cả hai nhóm người này đã không không làm được việc như một người tị nạn cộng sản Việt Nam đã làm, tôi trầm tư suy nghĩ nhịp cầu văn hóa do giáo sư Khoa âm thầm đóng góp. Bên cạnh đó youtube video clip trên thế giới liên mạng cho thấy trực tiếp phim hình ảnh trình chiếu lần đầu tiên nhạc sĩ Phương Oanh (hiện ở Paris) độc tấu đàn Tranh hòa quyện với dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng Kiev Symphony Orchestra và ban hợp ca Ukraine hát bài Ca Ngợi Tự Do của Nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa trình diễn với dàn nhạc giao hưởng.

Trong sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam”, trang 31 là bài viết “Sức Mạnh Ðáng Sợ của Âm Nhạc”, Lê Văn Khoa ghi nhận về lịch sử xứ Ukraine và số phận đàn Bandura theo thời gian:

 “Năm 2005 tôi qua Ukraine để thu thanh CD Symphony “Việt Nam 1975”. Có người trách tôi sao qua Nga để thu thanh. Họ không biết Ukraine đã bị Nga đô hộ suốt 70 năm và đã tách ra khỏi khối Liên Bang Sô Viết từ năm 1991, khi Nga sô suy yếu sau vụ sụp đổ bức tường Bá Linh. Tuy hiện nay vẫn có những người thân Nga nhưng nói chung dân chúng Ukraine rất thù Nga. Dường như không có gia đình nào không có người bị Nga hành quyết.

Trong khi ở Ukraine, tôi chú ý đến nhạc cụ dân tộc của họ là cây đàn Bandura và tôi có chuyển vài bài dân ca Việt như “Se Chỉ Luồn Kim” và “Trống Cơm” cho độc tấu Bandura và dàn nhạc giao hưởng với ý muốn đem truyền bá dân nhạc Việt qua xứ người. Không ngờ việc làm này đã được Tiến Sĩ Nghệ Thuật chuyên về Bandura, bà Violetta Dutchak, thuộc Bộ Khoa Học Nhân Văn và Nghệ Thuật của Ukraine tuyên bố: “Lần đầu có người đưa hai nguồn văn hóa dân tộc (giai điệu dân ca Việt viết cho nhạc cụ quốc gia Ukraine) đến với nhau, qua âm nhạc.”

 Khi nghiên cứu nhạc cụ mang tên là nhạc cụ dân tộc của Ukraine (họ không gọi là nhạc cụ cổ truyền), một lần nữa tôi được minh xác là từ trước người ta đã nhận thấy giá trị sâu xa của âm nhạc, trong trường hợp này, người Đức, Ba Lan và Nga đối với nhạc dân tộc của người Ukraine và thẳng tay truy diệt người phổ biến loại nhạc này. Ðàn Bandura mang tên là “nhạc cụ dân tộc” này quả nhiên đã trôi nổi và chịu khổ hạnh với dân tộc Ukraine trong nhiều thế kỷ.

Đàn Bandura có thể trình diễn như nhạc cụ độc tấu, nhưng cũng có thể dùng đệm cho giọng ca. Trong thời Ukraine bị Ba Lan đô hộ ở phía Tây, đàn Bandura được ưa chuộng trong triều đình Ba Lan cho đến khi cuộc nổi dậy chống Ba Lan năm 1648, Bandura liền bị cấm tuyệt và người chơi đàn này bị giết vì bị liệt kê là rất nguy hiểm. Bên phía Ðông của Ukraine, thuộc Nga cai trị, đàn Bandura được phát triển mạnh cho đến năm 1876 thì đàn này bị cấm, tất cả những gì trình diễn có tính chất dân tộc và ngôn ngữ Ukraine cũng bị cấm luôn. Nhưng đáng sợ hơn hết là Stalin và cộng sản Nga trong thế kỷ 20. Người Nga muốn đồng hóa nguời Ukraine vào dân tộc Nga nên không chấp nhận có một nhạc cụ mang tên Nhạc Cụ Quốc Gia từ Ukraine.

Bạo chúa Stalin tàn sát 7 triệu người Ukraine, 1933.

Năm 1933 Nga đã ra tay giết 7 triệu người Ukraine (sau này có tài liệu nói số người chết có thể lên đến trên 10 triệu) trong một năm bằng cách bỏ đói họ. Nga cướp hết những gì có thể ăn được của người Ukraine, kể cả cải muối làm dưa. Họ không cho phép người Ukraine ra nước ngoài, không cho người vùng này qua vùng khác trong xứ để kiếm ăn. Họ muốn biến những người còn sống không còn tinh thần quốc gia mà trở thành người quy phục Nga tuyệt đối.”

Giáo Sư môn dương cầm Lyudmila Chychuk, chuyên về nhạc thính phòng của Nhạc viện Lysenko (Special Boarding School, trường dành cho thần đồng âm nhạc thế giới thế giới tại Kyiv, Ukraine), cho biết như sau:
 “Lê Văn Khoa là một một người có thế đứng rất vững vàng và bản chất sung mãn, tôi càng ngày càng cố gắng hơn để trầm mình trong dòng nhạc dương cầm của ông, để hiểu rõ hơn các nhạc đề và mấu chốt gắn liền với nhạc Việt, với lịch sử và tâm tưởng Việt Nam.

Trong bài “Ðêm Việt Nam”, sau đoạn giao tranh, ông đưa nét nhạc trở về không khí trầm lắng. Chính nhờ điểm này tôi bắt đầu cảm thấy một mô thức, một “dấu ấn” rõ rệt trong lối viết nhạc của ông. Nơi đây ông cho chúng ta thấy sự đắc thắng – đắc thắng của thiện trên ác, của giải thoát khỏi tuyệt vọng… Một trong những hình ảnh nổi bật trong âm nhạc của ông là bài “Ta Tắm Ao Ta” (In Our Pond), diễn tả nét đẹp của thiên nhiên và đời sống thanh bình của người dân Việt. Đây là một dẫn chứng chủ yếu về phong cách viết nhạc của ông, là hòa trộn, đan kết nhạc cổ điển Tây phương và dân nhạc Việt Nam để trở thành một tác phẩm nghệ thuật toàn vẹn… Nhạc piano của Lê Văn Khoa rất hay, rất độc đáo. Lối viết nhạc của ông rất khác với nhạc của chúng tôi, nhiều bài theo âm giai ngũ cung. Hình ảnh, tính chất trong âm nhạc của Lê Văn Khoa rất tươi sáng. Tôi đã có dịp chơi và thu thanh nhiều nhạc phẩm của Lê Văn Khoa như “Dragonfly”, “A Night in Vietnam”, “Rememberance”… và bao giờ cũng cảm thấy rất thư giãn, nhẹ nhàng khi chơi nhạc Lê Văn Khoa. Chơi nhạc của các nhạc sĩ khác như Chopin, Beethoven…, có những lúc tôi thấy rất căng thẳng. Nhạc của Lê Văn Khoa khác hơn, mỗi một bài là một bức tranh sống động nhưng bao giờ cũng nhẹ nhàng, tươi sáng, hòa điệu. Không phải là do nhạc Lê Văn Khoa dễ chơi, có nhiều bài tôi phải học rất cực… Nhạc của Lê Văn Khoa có những hồi (movement) rất khốc liệt, nhưng ngay sau đó ta như nghe ông nói: ‘Xin hãy từ tốn, chậm rãi, nhẹ nhàng tử tế với nhau’. Tôi rất thích chơi nhạc của ông vì lúc nào cũng rất thư giãn. Hiện nay, tại viện âm nhạc Kiev, chúng tôi đã dạy và chơi nhạc Lê Văn Khoa rất nhiều…”

Nói về sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam”, nó được chia làm 3 phạm vi mà Lê Văn Khoa hoạt động và dành nhiều thời giờ đóng góp, điển hình như Lê Văn Khoa của khía cạnh âm nhạc, Lê Văn Khoa của nghệ thuật (nhiếp ảnh), và Lê Văn Khoa của xã hội. Trong bài viết này tôi chỉ cô đọng về lãnh vực âm nhạc mà thôi.

Theo ý niệm căn bản thì âm nhạc là bộ môn nghệ thuật phối hợp âm thanh theo những quy luật nhất định, xuất phát từ những âm thanh trong cuộc sống, phản ánh những tình cảm của con người. Âm nhạc dùng âm thanh làm nồng cốt. Âm nhạc có ba phần rõ ràng, là nhịp điệu, giai điệu và hòa âm. Âm thanh có bốn đặc điểm nổi bật được lưu ý như sau:

– Cao độ (Pitch, Hauter): Mức độ trầm bổng của âm thanh.

– Trường độ (Duration, Durée): Mức độ dài hay ngắn.

– Cường độ (Intensity, Intensité): Mức độ mạnh hay nhẹ của âm thanh.

– Âm sắc (Timbre): Vì có những âm thanh giống nhau về cao độ, trường độ, và cường độ nhưng lại khác nhau về âm sắc, như chất giọng nam hay nữ vốn khác biệt.

Trong cuộc sống hàng ngày, âm nhạc được ví như món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với đời sống con người, là ngôn ngữ đại đồng chung cho nhân loại. Nếu cuộc sống mà thiếu âm nhạc thì chẳng khác gì thiếu ánh sáng mặt trời, thiếu không khí trên mặt đất này. Bởi thế cho nên triết gia Friedrich Nietzsche cho là “Không có âm nhạc thì cuộc sống sẽ là một điều sai lầm”. Hay như sự cần thiết mà thi hào William Shakespeare quan niệm “Nếu ta yêu âm nhạc thì hãy vặn nó lên”.

Còn cố ca sĩ Sony Bono đã từng nói: “Âm nhạc có thể thay đổi thế giới bởi vì nó có thể thay đổi được con người”. Trong sách đã dẫn nơi trang 37, Lê Văn Khoa cho bài viết lý thú “Âm nhạc ảnh hưởng đến vạn vật”. Quả là như vậy vai trò của âm nhạc ảnh hưởng đối với đời sống của chúng ta rất nhiều, chính nó tạo ra những cung bậc cảm xúc cho tâm hồn chúng ta. Âm nhạc làm cho cuộc sống chúng ta thăng hoa, trở nên tốt hơn. Điều đó được hiểu qua ý tưởng của người xưa như quan điểm của triết gia Plato:

“Âm nhạc là sự chuyển động của âm thanh để linh hồn con người đạt đến sự giáo dục đạo đức của chính nó”. Phải chăng nhạc thánh ca, nhạc đạo, nhạc về lòng yêu thương quê hương, nhạc về lòng mẹ hay tình cha… linh nghiệm đúng như vậy. Do đó, âm nhạc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, con người là loài vật duy nhất có thể cảm nhận thông suốt, hiểu biết bởi trí tuệ và thưởng thức với tâm hồn say mê yêu thích âm nhạc. Chung quy thì phạm vi âm nhạc có hai loại chính khi biểu hiện bằng giọng người tức thanh nhạc. Còn nếu trình bày bằng các loại nhạc cụ thì là khí nhạc.

Bàn thêm thì âm nhạc là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người chúng ta sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế giới thực sự sẽ rất buồn tẻ. Chính vì có âm nhạc trong chuyển động âm thanh trong thiên nhiên như gió, sóng biển, thác, suối, mưa, bão… cũng như sự chuyển động của cây cối; có âm nhạc trong tiếng hót của các loài chim muông… Âm nhạc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hạnh phúc của con người. Âm nhạc xua tan đi nỗi sầu khổ của con người và rót đầy tâm tưởng chúng ta niềm vui sướng hân hoan. Bật những bài nhạc yêu thích và thực sự lắng nghe mà không cần làm điều gì khác, lắng nghe và lắng nghe trong nỗi thích thú. Chúng ta cảm thấy cuộc đời này thật có giá trị đáng sống biết bao! Đúng không chứ nhỉ?

 Tôi ngẫm nghĩ về câu nói “La musique fait écho aux sentiments humains”, âm nhạc có thể xoa dịu những nỗi lo âu, khắc khoải trong cuộc sống. Âm nhạc là phương tiện chuyển tải cảm xúc trọn vẹn nhất của tâm hồn. Nên chi khi nghe Beethoven cho là “Âm nhạc làm trái tim của người nam sôi sục và khóe mắt của người nữ đẫm lệ”. Âm nhạc cũng có thể là ngôn ngữ của tâm hồn xao xuyến bớt đi cô đơn, hay khiến cho con tim ta khao khát yêu thương.

Và rồi bàn thêm tí nữa, âm nhạc còn là liệu pháp hữu hiệu chữa bệnh được áp dụng cho các bệnh nhân. Đối với những hoạt động chi phối não bộ của chúng ta, theo nhà bác hoc Albert Einstein cho rằng ông có trí não thông thái là vì ông chơi môn vĩ cầm. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng ca từ hoặc nhịp điệu của âm nhạc có thể làm tâm tư chúng ta trầm tĩnh, trí tưởng tinh khôn hơn.

Trong chiến tranh, âm nhạc được xem như một sức mạnh tinh thần cho binh sĩ xông ra trận mạc khi “tiếng hát át tiếng bom đạn”. Trong triều đại đế quốc La Mã khi xưa, các chiến binh trước khi ra trận thường được nghe các khúc nhạc oai hùng, hùng dũng để khích lệ để có được tinh thần chiến đấu quyết liệt. Âm nhạc cũng đóng góp cho tình yêu nước, tính nhân bản hay xác định lập trường chính trị của người công dân.

Trong phần nói chuyện của Giáo sư Phạm Phú Minh, tức Nhà văn Phạm Xuân Ðài, ông cho ý tưởng về âm nhạc Lê Văn Khoa, âm nhạc ca ngợi tự do của người tị nạn Việt Nam như sau đây:

“Người ta đang bức tử một xã hội tự do thành một trại lính có tên là xã hội chủ nghĩa. Người dân không chịu nổi, họ phải ra đi. Họ đi đâu? Phần lớn họ ra biển, tìm đường đến với thế giới bên ngoài. Và hằng triệu người đã ra đi, nhắm mắt gửi thân phận mình cho đại dương có thể rất hiền từ mà cũng có thể rất hung tợn. Cả một lớp người ra đi này đã tạo nên một khúc bi tráng ca độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, nói cho loài người từ thiên cổ đến ngàn sau rằng con người chỉ có thể sống đầy đủ với tư cách một con người nếu họ được tự do. Trong cuộc đi tìm tự do vĩ đại này, dân tộc chúng ta đã trả một cái giá không phải là nhỏ: Khoảng nửa triệu người đã chìm sâu dưới lòng đại dương trước khi họ thấy bến bờ tự do. Quý vị phải nghe hành âm số 6 “Trên Biển Cả” trong Ðại Tấu Khúc “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa để sống với tất cả nỗi khủng khiếp này, để thấy thân phận nhỏ nhoi của con người trước sự gào thét của sóng gió biển khơi, nhưng đồng thời Lê Văn Khoa cũng cho chúng ta một cảm giác rất lạ lùng trong hành âm này, đó là sự vươn lên của ý chí, càng bị vùi dập thì con người càng mạnh mẽ, chúng ta sẽ rõ ràng nghe được sự hùng tráng vẫn tiềm ẩn trong tự thâm tâm chúng ta, và nó đã được khơi dậy, khiến chúng ta hào hứng, chúng ta đầy niềm tin vào mình, vào đồng bào của mình và vào nhân loại, và chúng ta sẽ chảy nước mắt trong nỗi hân hoan bí ẩn ấy, nó bỗng dưng xuất hiện giữa cảnh những chiếc thuyền bé nhỏ đang nghiêng ngả giữa sóng gió vô tình của biển cả. Lê Văn Khoa trong dòng nhạc của ông trong hành âm thứ 6 đã gợi được sự tự hào ấy nơi con người, con người đầy sức mạnh có thể làm chủ lấy mình giữa thiên nhiên và giữa xã hội dù phải trải qua nghịch cảnh tới đâu.

“Với tư cách là những con người tị nạn, chúng ta biết ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hiến tặng cho chúng ta tác phẩm này, một tác phẩm ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, và điều quan trọng nhất là làm bừng sống phẩm giá của con người.”

 Một diễn giả khác là Nhà văn Trịnh Y Thư đã bình luận về “Tính dân tộc trong âm nhạc Lê Văn Khoa”. Diễn giả dẫn giải vào đầu thế kỷ 19, dòng nhạc cổ điển Tây phương tập trung vào các trung tâm âm nhạc chính như ở vùng Tây Âu, nhất là ở hai quốc gia Đức và Áo. Âm nhạc mang nặng tính hàn lâm, tính bác học, tách biệt hẳn với dòng nhạc dân gian. Tuy vậy, những biến động lịch sử trọng đại ở Âu châu vào giai đoạn này đã tác động mạnh mẽ lên ý thức chủ nghĩa quốc gia (nationalism), tinh thần ái quốc vì dân tộc (jingoism), và âm nhạc theo thời thế cũng có những biến đổi sâu sắc, vượt thoát ra khỏi quỹ đạo Đức-Áo để tìm kiếm một bản sắc riêng. Ông nói tiếp:

“Chính Chopin là một trong những nhà soạn nhạc đi tiên phong trong lĩnh vực này với những nhạc bản mazurka – một vũ điệu dân gian của Ba Lan – ông viết cho piano. Tiếp theo đó, các nhà soạn nhạc tài danh như Glinka, Rimsky-Korsakov của Nga, Smetana, Dvorák của Bohemia, Grieg của Na Uy, de Falla, Albéniz của Tây Ban Nha và rất nhiều người khác, đã gầy dựng thành một cao trào gọi là “Dân Tộc Chủ Nghĩa” trong âm nhạc.”

 Đi từ lòng yêu nước của Frédéric Chopin của thế kỷ 19, diễn giả đề cập nên xếp loại âm nhạc Lê Văn Khoa của thời đại qua nét âm nhạc chứa hồn dân tộc tính. Có lẽ điều này phù hợp nhất với Lê Văn Khoa, nhạc ươm hồn Việt tộc là giấc mơ mà ông đã cả một đời miệt mài, tận tụy theo đuổi để biến ước mộng thành hiện thực, giấc mơ làm thế nào để nhạc Việt có thể đi sâu vào dòng chính của âm nhạc thế giới, làm thế nào để nhạc Việt vang vọng và lấp lánh qua đó là bản sắc của nguồn tinh túy văn hóa Việt, tại các đại thính đường trình diễn âm nhạc trang trọng khắp nơi. Trịnh Y Thư phát biểu thêm:

“Với niềm tin tưởng bền bỉ, sâu sắc vào tiềm năng của nhạc Việt, ông bỏ công lao tìm tòi, nghiên cứu, san định, hệ thống hóa, tìm hiểu phần tinh túy cốt lõi của nhạc Việt để từ đó có thể chắt lọc dùng làm chất liệu sáng tác. Ông hiểu ưu, khuyết điểm của nó. Và trên hết, lòng yêu quê hương, tình cảm đậm đà tha thiết với đất Mẹ, đã khiến ông luôn luôn tự hào, hãnh diện về nền âm nhạc của dân tộc. Đối với ông, nó chính là hồn phách của đất nước Việt Nam. Ông từng có lần tâm sự như sau: ‘Mục đích của tôi là muốn dùng những nét nhạc hết sức đơn sơ của Việt Nam mà mình có thể biến hóa để người nước ngoài có thể dùng được. Bằng cách đó, mình đưa nhạc Việt đi xa hơn để hòa vào dòng nhạc thế giới.’

Bìa CD symphony Việt Nam 1975 của Lê Văn Khoa

“Tính dân tộc bàng bạc trong âm nhạc của ông, nhưng rõ nét nhất là khúc giao hưởng dài hơi, quy mô, đồ sộ – Symphony Việt Nam 1975. Đây là một đại tấu khúc hiện đại bởi nó không tuân thủ cấu trúc, quy trình của đại tấu khúc cổ điển. Khúc nhạc có bảy hành âm, mỗi hành âm là một bức tranh hoặc phân cảnh linh động với chủ đề diễn tả những hình ảnh từ một nước Việt Nam thanh bình đến cuộc chiến tương tàn khốc liệt, rồi cuộc vượt biển của những người đi tìm sự sống trong cái chết và kết thúc bằng tiếng hát cất cao cho khát vọng Tự Do. Ngũ âm, dân nhạc Việt Nam phối hợp một cách tuyệt hảo với hòa âm, đối điểm Tây phương. Giai điệu, hoặc vay mượn từ kho tàng dân nhạc hoặc của chính nhà soạn nhạc, thấm đẫm nét trữ tình. Nghệ thuật khai triển nhạc đề trong mỗi hành âm đều rất đạt; biến thể, xướng họa tuôn chảy nhịp nhàng, linh động. Nghệ thuật phối khí mang nhiều tính sáng tạo, tận dụng cả bốn bộ (dây, gỗ, đồng và gõ) trong giàn nhạc giao hưởng, chưa kể sự tham dự của ban đại hợp xướng ở hành âm chót. Toàn bài được điểm xuyết bằng những âm sắc lạ như tiếng trống múa lân, tiếng sóng vỗ mạn thuyền, tiếng chân đi rón rén, và không thiếu những nhạc cụ cổ truyền dân tộc như đàn bầu, đàn tranh. Khúc nhạc là cuộc hành trình bằng âm thanh kỳ ảo, tràn đầy màu sắc lạ lùng, gợi cảm. Cảm xúc khi thì nhẹ nhàng, thanh thoát, lúc thì khốc liệt, bi thương.”

Ban hợp xướng Ngàn Khơi và dàn nhạc Hội Hiếu Nhạc
Việt Mỹ trình diễn “Ca Ngợi Tự Do”
với nhạc trưởng Lê Văn Khoa (2008)

Duyệt qua những trọng điểm về âm nhạc và sự đóng góp của Giáo sư Lê Văn Khoa trong nhiều chủ điểm của sách “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam”, một tập hợp tài liệu về người nghệ sĩ mang đam mê máu nghệ thuật, nuôi hoài bão về sự thăng hoa dòng nhạc Việt hòa quyện vào dòng chính âm nhạc thế giới như Nhà văn Trịnh Y Thư bình luận, cùng với chất liệu nhân bản tình người, vinh danh biến cố tị nạn Việt Nam vì ý nghĨa cao quý của sự tự do và nhân quyền mà con người đã liều lĩnh vượt biển Đông đầy rủi ro, những hành trình cam go đã lay động lương tâm nhân loại một thuở. Trang sử ấy được chất chứa trong âm nhạc Lê Văn Khoa như những phát biểu của Nhà văn Phạm Xuân Đài. 

Là người thuộc thế hệ di sau, vốn mến mộ tài năng của Giáo Sư Lê Văn Khoa, ngưới viết bài cầu chúc ông luôn được mạnh khỏe. Với câu tôi hỏi riêng ông: “Nếu được trở lại lứa tuổi đôi mươi như xưa, liệu ông có chọn âm nhạc là hướng đi cho tương lai của cuộc đời mình nữa hay không?” Ông không ngần ngại đáp lời ngay: “Ở bất tuổi nào thì âm nhạc vẫn là lẽ sống của tôi!”. Tôi chạnh nhớ tới câu nói gần gủi nhất của người Pháp: “Musicien d’un jour, Musicien toujours!” Vâng, tôi hiểu sự quyết định dứt khoát trong câu nói của ông cho cái nghiệp ông mang, dù là nghiệp dĩ hay nợ đời nói theo từ ngữ của Nhà văn lão thành Thinh Quang thì sự chọn lựa như vậy sẽ phải trả như kiếp tầm nhả tơ, và phải trả sòng phẳng. Bởi vì một ngày chọn âm nhạc, bao kiếp sống vẫn với âm nhạc.

Trần Việt Hải, Los Angeles.

GIỚI THIỆU SÁCH

 “LÊ VĂN KHOA: MỘT NGƯỜI VIỆT NAM ”

Ns Lê Văn Khoa, vui cười bên cạnh phu nhân, Ca sĩ Ngọc Hà